Banner cho bài viết:TIỂU LUẬN NHÂN VẬT ĐI TÌM BẢN NGÃ TRONG TIỂU THUYẾT PHIÊN BẢN CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ
ĐẠI HỌC

TIỂU LUẬN NHÂN VẬT ĐI TÌM BẢN NGÃ TRONG TIỂU THUYẾT PHIÊN BẢN CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ

TIỂU LUẬN
NHÂN VẬT ĐI TÌM BẢN NGÃ TRONG TIỂU THUYẾT PHIÊN BẢN CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ
PHỤ LỤC
MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ

1.1. Khái niệm "bản ngã"

1.2. Nhân vật đi tìm bản ngã trong văn học

1.3. Hành trình đến với văn chương của Nguyễn Đình Tú

CHƯƠNG 2: KIỂU NHÂN VẬT ĐI TÌM BẢN NGÃ TRONG TIỂU THUYẾT PHIÊN BẢN CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ

2.1 Nhân vật với hành trình tìm lại chính mình

2.2. Nhân vật sám hối để tìm lại cội nguồn bản thể

2.3. Nhân vật biến mất để tồn tại

CHƯƠNG 3: BỨC TRANH ĐỜI SỐNG QUA LĂNG KÍNH NHẬT VẬT ĐI TÌM BẢN NGÃ

3.1. Vượt biên trái phép - bi kịch của giấc mơ đổi đời

3.2. Bức tranh đa sắc màu về cuộc chiến sinh tồn trong giới giang hồ. 

KẾT LUẬN
TÀI LIỆU TKHẢO
MỞ ĐẦU

      Văn học là cửa sổ tâm hồn, đem đến cho con người cái nhìn đa chiều về thế giới xung quanh của đời sống xã hội, là sợi dây gắn kết giữa độc giả với nhà văn. Từ khi bén duyên với văn chương tới nay, Nguyễn Đình Tú liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị và gây được tiếng vang lớn trên thi đàn văn học, nhất là ở thể loại tiểu thuyết. Đến với Nguyễn Đình Tú ta nhìn thấy một giọng văn độc đáo, đa dạng trong việc xây dựng nhân vật với những bi kịch trong cuộc đời họ. Không khó để nhận ra trong cái hiện thực thậm phồn của cuộc sống mà Nguyễn Đình Tú đã phóng chiếu vào tiểu thuyết của mình có một phần hiện thực về thế giới tội phạm. Anh viết về họ không chỉ bằng kinh nghiệm, hiểu biết, nhãn quan của một người từng kinh qua công việc tư pháp mà quan trọng hơn, bằng sự thấu cảm khiến cho những mảnh đời kia được lật giở, đào xới đến tận cùng bản thể, đem lại sự ám ảnh sâu sắc đối với độc giả, điều đó càng thể hiện rõ trong Phiên bản. Có thể nói, qua Phiên bản Nguyễn Đình Tú đủ bản lĩnh để khám phá những góc khuất, mặt trái đầy hiểm nguy của đời sống xã hội. Hơn nữa, góp phần định hình thể tài tiểu thuyết “tội phạm”.

     Trong Phiên bản, nhân vật được khai thác rất rõ nên đến từng chi tiết và hành động. Dưới lăng kính của nhà văn, mỗi nhân vật mang trong mình những tổn thương, bất hạnh, cám dỗ, lầm lỗi, và những bi kịch đau đớn của cuộc sống. Đặc biệt hơn trong việc khai thác hành trình đi tìm những giá trị của bản thân, soi chiếu trong chính tâm hồn vụn vỡ của họ. Để từ đó họ ngộ nhận, ngẫm nghĩ, trăn trở với những hư tổn mà chính họ vấp phải trong đời sống. Mỗi chi tiết, hình ảnh trong truyện được xem là những lát cắt hay và độc đáo trong cách xây dựng, gọt dũa lại những lỗi lầm mà chính họ gây ra.

    Trong hệ thống các yếu tố hội tụ nên thế giới nghệ thuật của một tác phẩm, ngoài những yếu tố như đề tài, cốt truyện, không gian – thời gian nghệ thuật, kết cấu,... thì nhân vật đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhân vật với tư cách là một đặc điểm thi pháp sẽ là hệ thống tín hiệu khai mở những vấn đề trọng tâm của tác phẩm: những vấn đề mang tính chất về tư tưởng và về phong cách, cảm quan của nhà văn.    

     Nguyễn Đình Tú đã kiến tạo nên kiểu nhân vật với những góc khuất ẩn ức, oan trái, khắc nghiệt, lầm lỡ, lạc bước rất đa dạng và sống động. Họ xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau, chịu những nghịch cảnh khác nhau, và nguyên nhân phạm tội cũng khác nhau... Song giữa họ vẫn có điểm chung cùng mang số phận bi kịch và họ cố giải thoát khỏi nó, nhưng càng giải thoát lại càng lún sâu vào mớ bòng bong của tội ác để cuối cùng phải trả bằng giá máu cho những sai lầm của họ. Đến đây, chúng ta không thể phủ nhận trong thể giới nhận vật mà Nguyễn Đình Tú xây dựng có kiểu nhân vật tội phạm với cuộc hành trình tìm lại giá trị vốn có của bản thân đã bị đánh mất. Họ không chỉ giữ vai trò quan trọng, góp phần làm nên thành công cho tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Vì thế, khi tiếp cận Phiên bản của Nguyễn Đình Tú chúng tôi đã lựa chọn khai thác khía cạnh nhân vật với đề tài “Nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú”.

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ

1.1. Khái niệm “bản ngã”  

     Theo Sigmund Freud, bản ngã là một phần của tính cách có nhiệm vụ điều tiết những nhu cầu của bản năng, siêu ngã và đời sống thực. Freud mô tả bản năng là phần cơ bản nhất của tính cách thúc đẩy con người ta lấp đầy những nhu cầu nguyên thủy nhất. Siêu ngã, mặt khác, lại là phần mang tính đạo đức cao nhất của tính cách, được hình thành cuối thời thơ ấu, là kết quả của quá trình nuôi dưỡng và ảnh hưởng từ xã hội. Công việc của bản ngã là tạo ra sự cân bằng giữa hai nguồn sức mạnh thường hay đối chọi này và đảm bảo rằng việc đáp ứng các nhu cầu của bản năng và siêu ngã phải tuân theo những đòi hỏi từ thực tế. Bản ngã ngăn cản ta hành xử theo những thôi thúc cơ bản (do bản năng tạo ra) nhưng cũng tạo ra thế cân bằng với những tiêu chuẩn đạo đức lý tưởng (do siêu ngã hình thành). Mặc dù bản ngã vận hành trong cả khu vực tiền ý thức và ý thức nhưng nó gắn chặt với bản năng, tức việc vận hành của nó còn diễn ra cả trong vô thức. [10]

     Trong cuốn Các bài giảng mới giới thiệu về Phân tâm học xuất bản năm 1933 của mình, Freud so sánh mối quan hệ giữa bản năng và bản ngã như một con ngựa và người cưỡi nó. Con ngựa tượng trưng cho bản năng, có nguồn sức mạnh mang đến năng lượng để di chuyển. Người cưỡi ngựa thể hiện cho bản ngã, nguồn sức mạnh dẫn đường hướng nguồn sức mạnh của bản năng đi đúng với mục tiêu. [10]

“Bản ngã đại diện cho cái mà chúng ta gọi là lý trí và sự minh mẫn, đối nghịch với bản năng, cái chứa đựng đầy những niềm đam mê” (Sigmund Freud, 1923, từ cuốn Bản ngã và Bản năng) [10]

     Bản ngã của mỗi con người mang tính duy nhất. Như vậy, bản ngã là sự định vị của cái tôi, cái tạo nên tính cách riêng, bản sắc riêng của mỗi con người cho nên nó là cái không lặp lại, hay nói cách khác nó mang tính độc nhất. Bản ngã là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để nhận diện, phân biệt con người với con người (tuy nhiên không phải ai cũng được phát hiện và phát hiện được một cõi rất riêng này).

      Bản ngã luôn có những cuộc đối thoại đặc biệt. Trước hết là cuộc đối thoại nội tâm của nó. Đây là một sự kiện có tính chất kinh nghiệm, mọi cá nhân đều thừa nhận có cuộc đối thoại như thế diễn ra trong đời sống nội tâm, mặc dù chẳng hề có chứng cứ bên ngoài nào cho thấy sự hiện hữu của cuộc đối thoại này. Trong cuộc đối thoại đó, bản ngã sẽ tán thành hoặc phản đối hành vi của nó, kể cả coi khinh và ca ngợi, cũng như cáo buộc và biện hộ cho chính nó. Ngoài ra, bản ngã còn có cuộc đối thoại với tha nhân. Con người luôn có những mối quan hệ ngẫu nhiên và thường xuyên với người khác cho nên bản ngã luôn đối diện với những bản ngã khác như một quy luật tất yếu, vì vậy nó luôn muốn thâm nhập và ước đoán đời sống nội tâm của người khác bằng những cuộc đối thoại với tha nhân. Một cá nhân đơn lẻ sẽ không thể nào tồn tại ngoài những mối liên hệ chằng chịt với cộng đồng, cá nhân chỉ có thể biết mình là ai, mình phải làm gì, khi và và chỉ khi đã tự đặt mình vào mạng lưới liên hệ rộng lớn ấy.

1.2. Nhân vật đi tìm bản ngã trong văn học 

     Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã nhìn từ góc độ hình tượng thì như là một sự giao thoa của nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng. Một mặt, nó được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Trong quá trình đó, nhân vật có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lí, những chuyển hóa trong sự phát triển tính cách. Đứng trước những vòng quay của xã hội, nhân vật đi tìm bản ngã có khi được thể hiện như là một nhân vật hiện sinh, có khi lại là một nhân vật lạc lõng, hoặc là nhân vật thoát ly khỏi đời sống thực tại,…

      Mặt khác, nhân vật lại thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống xã hội. Những dấu hỏi về cuộc đời, về con người, về đường đi, về lối sống,… luôn theo từng bước chân dò dẫm, bỡ ngỡ trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm của nhân vật. Vì vậy, tính chất tư tưởng - một cách tự nhiên - bao trùm lên toàn bộ tác phẩm và tỏa ra sự ảnh hưởng không nhỏ tới cách nhìn, cách cảm của độc giả. Mặc dù nhân vật là kết quả của quá trình chi phối của quan niệm về con người và thế giới đối với những trải nghiệm trong cuộc đời của bản thân tác giả nhưng nó không trở thành cái loa phát ngôn cứng nhắc, giáo điều cho những tư tưởng của nhà văn, cũng không phải là một hình dạng được tô vẽ sơn phết một cách dị biệt để tạo cá tính mà nó có đời sống nội tại của chính nó và phát triển theo quy luật tính cách của nhân vật.

     Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã đã xuất hiện khá sớm trong nền văn học văn học Phục Hưng ở phương Tây. Đây là giai đoạn mở màn cho tiếng nói đòi quyền sống mạnh mẽ và mãnh liệt nhất cho con người, lên án những gì kìm hãm và chống lại tự do của con người, tìm thấy những biểu tượng sáng ngời về vẻ đẹp của con người cho nên chúng ta có thể xem đây là giai đoạn tiền thân của kiểu nhân vật đi tìm bản ngã. Thời đại Văn nghệ phục hưng quả là đã sinh thành một loại ý thức về cái tôi ngày càng lớn mạnh. Văn học giai đoạn này đã cho ra đời những con người tự nhận thức về mình. Ở các nhân vật luôn có những cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng để nhận định về vai trò và vị trí của mình trong đời sống. Chẳng hạn, Hamlet trong Hamlet của Shakespeare mang những xung đột bi kịch bên trong, thường xuyên phân thân làm đôi để đấu tranh với chính mình, đối thoại với bản ngã của mình.

      Đến giai đoạn triết học hiện sinh lên ngôi thì lại khác, trong văn học bắt đầu nở rộ những con người trăn trở với vấn đề đi tìm chân lí của chính mình. Tinh thần nhân bản và căn bản của học thuyết hiện sinh tập trung ở cách nêu và trả lời câu hỏi về bản thể: “Con người, anh là ai?”, cho nên văn học hiện sinh cũng là quá trình lí giải cho câu hỏi đó. Chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh rằng, con người để đem lại ý nghĩa cho đời mình thì chỉ có thể căn cứ vào chính mình, vào trách nhiệm và tự do trong những dấn thân của mình. Bị ném vào một thế giới vật chất và lịch sử, con người chạm trán với một thực tại khách quan, mờ đục, không thể xuyên thấu. Một mình đối bóng, chẳng có gì để chờ mong, con người nhận thức tồn sinh trong tình trạng bơ vơ, cô đơn, không định hướng. Để không chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng hay những khoảnh khắc mơ mộng hão huyền, con người phải tìm thấy và phải cố trở nên chính mình và ở mỗi khoảnh khắc phải tạo ra phẩm giá và đạo lí cho chính mình. Như vậy đối với văn học hiện sinh, vấn đề bản ngã đã trở thành đề tài trung tâm và phủ bóng lên hầu hết các nhân vật.

     Bước vào giai đoạn của văn học hậu hiện đại thì kiểu nhân vật đi tìm bản ngã đã xác định được chỗ đứng của nó. Có thể nói những thành tựu khoa học mang tính cách mạng của đời sống hậu hiện đại đã tác động to lớn đến cảm thức nhà văn hậu hiện đại. Những tri thức khoa học bắt đầu làm nhà văn hoài nghi về con mắt của mình khi quan sát hiện thực. Nhà văn nhận ra rằng bên cạnh, bên dưới, hay phía sau cái mình quan sát hằng ngày còn có một thế giới khác “có thực” hơn; tất cả những hoạt động bề mặt nhiều khi mang tính giả tạo, chỉ có những cái ẩn sâu mới đáng tìm kiếm vì có thể dung chứa một sự xác tín nào đó về đời sống. Điều này thôi thúc nhà văn tìm kiếm những ẩn ức, khát vọng, chiều sâu thẳm bên trong của con người.

     Ở Việt Nam, kiểu nhân vật truy tìm bản ngã đã có dấu ấn từ rất sớm, tuy nhiên chưa biểu hiện rõ nét. Đăm Săn đi chinh phục Nữ thần Mặt Trời (sử thi Đăm Săn) chính là hành trình cộng đồng dân tộc thuở sơ khai thú nhận “sự ngây thơ” của mình khi nuôi khát vọng sở hữu, chế ngự toàn triệt thế giới tự nhiên. Bản ngã con người trong Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) ghi dấu ấn qua dạng thức nhân vật thương thân, kẻ sĩ chán ghét cõi trần mà thoát lên tiên, những kẻ say đắm ái ân hay người trí thức khẳng khái, nhân cách cao đẹp, giàu tinh thần dân tộc, chuộng chính nghĩa, dám đấu tranh trừ bạo để yên dân.

     Phải đến những năm sau 1975, kiểu nhân vật đi tìm bản ngã mới xuất hiện khá phổ biến và đúng nghĩa của nó. Kiếm tìm bản thể được coi như một yếu tố cấu trúc nên nhiều tác phẩm văn xuôi Việt Nam đương đại. Hành trình tìm bản ngã xuất phát từ những con đường khá đa dạng: tìm chân lí trong hiện thực, bằng tâm tưởng, thậm chí đi theo tiếng gọi của vô thức. Mỗi con đường sẽ có trở lực khác nhau, điều đó quy định cách thức khám phá của từng nhân vật. Độc giả theo dõi từng bước đi của nhân vật sẽ thấy mình như đang tham dự một trò chơi. Con người không diện mạo, chẳng rõ nhân thân, không định hình bản chất và thuộc mẫu người không hoàn kết. Chúng tự phô diễn cái tôi giống như một mê cung.

    Nhân vật trôi theo dòng ý thức để tìm kiếm chính mình xuất hiện dày đặc trong văn xuôi sau 1975, từ Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Quy trong Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Vũ Nguyên trong Cuộc đời dài lắm (Chu Lai).  Cuộc trải nghiệm đi tìm cái chết của An Mi trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng là hành trình khẳng định sự tồn tại. Khi cận kề cái chết và cát bụi, hư vô, An Mi đã tìm lại được kí ức. Đó không chỉ là cội nguồn, quê hương mà còn là chân lí, là bản ngã. Nhân vật Mai trong Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng mang đầy ám ảnh về thân phận, luôn hoài nghi, day dứt về sự thật bị ẩn giấu.

1.3. Hành trình đến với văn chương của Nguyễn Đình Tú

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Tú

     Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, quê tại Kiến An, Hải Phòng. Nhà văn Nguyễn Đình Tú là một nhà văn quân đội, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng. Ông tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1996, sau 5 năm công tác trong ngành Kiểm sát Quân sự, năm 2000, nhà văn Nguyễn Đình Tú đầu quân về Văn nghệ Quân đội.

     Bắt đầu nổi tiếng từ Tác phẩm tuổi xanh trên báo Tiền phong, những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, cái tên Nguyễn Đình Tú đã nổi lên như một hiện tượng văn chương đầy triển vọng. Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng tác phẩm của anh đã thu hút được độc giả và giới phê bình nghiên cứu. Hai sáu tuổi trình làng tiểu thuyết đầu tay cùng vài tập truyện ngắn, ngay lập tức, anh trở thành cây bút trẻ nhất được trao giải trong cuộc thi tiểu thuyết 1998 - 2002 do Hội Nhà văn và Bộ công an tổ chức. Các truyện ngắn của Nguyễn Đình Tú có thời kỳ được đăng liên tục trên các tờ báo uy tín như: Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền phong,… và làm tốn không ít giấy mực trong giới phê bình. Những giải thưởng liên tục đến với Nguyễn Đình Tú, tính đến giờ, số giải thưởng văn học mà anh nhận được cũng xấp xỉ bằng số năm cầm bút.

     Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Evan.vnexpress.net, Nguyễn Đình Tú chia sẻ: "Văn học nói về cái mất mát để giữ gìn, nói về nước mắt để hạnh phúc, nói về khiếm khuyết để hoàn thiện". Người đọc có thể nhận thấy hàng loạt những hiện tượng xã hội dị biệt và độc đáo trong tác phẩm của anh như: lên đồng, chầu văn, thuốc lắc, quần hôn, đồng tính, giết chóc… Đó là những ngổn ngang của hiện thực cuộc sống hiện nay – những ngổn ngang không thể chối từ với nhà văn thế hệ 7X này.

     Tác phẩm của Nguyễn Đình Tú đề cập nhiều lĩnh vực, từ chiến tranh đến trinh thám hình sự, từ tính dục đến thiếu nhi, từ lịch sử đến fantasy, nhân vật trong tác phẩm của ông rất phong phú, đặc biệt là những người trẻ. Truyện của ông thường có cốt truyện hấp dẫn, gay cấn vì thế đã có ba tác phẩm được dựng thành phim, đó là phim Lời sám hối muộn màng (dựng từ tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù), Hương Ga (dựng từ tiểu thuyết Phiên bản), Thung lũng tử thần (dựng từ truyện dài Cánh rừng không yên ả). Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú mang đậm cảm hứng nhân văn trong việc chăm chú đi tìm và giải mã "cái tôi bí ẩn". Văn chương Nguyễn Đình Tú ngày càng mới mẻ, thể hiện được sự trải nghiệm cũng như bản lĩnh của một cây bút đã trưởng thành. Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 1999. Giải thưởng tiểu thuyết Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2002. Giải thưởng văn học 5 năm Bộ Quốc phòng, năm 2004. Giải thưởng văn học 10 năm Bộ Công an, năm 2009. Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Và rất nhiều giải thưởng truyện ngắn, thơ, bút ký khác….

Tiểu thuyết Phiên bản   

     Phiên bản là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Nguyễn Đình Tú (2009). Đó là câu chuyện về cuộc sống của những người vượt biển tha hương cầu thực và những khốn cùng mà họ phải chịu đựng. Nhân vật chính là Diệu và câu chuyện về quá trình tha hoá từ một cô bé hiền lành, trong sáng trở thành một nữ giang hồ có số má ở ngã ba sông. Câu chuyện của của chị được kể bằng nhiều góc nhìn qua các đại từ nhân xưng “thị, ta, em”. Tùy vào từng mảng kí ức của nhân vật, Nguyễn Đình Tú có cách chọn ngôi kể khác nhau. Với ngôi kể  "em" tạo nên sự mềm mại, phù hợp để diễn tả tâm tình của Diệu với người mình thầm yêu. Nhưng nói về thế giới giang hồ đầy rẫy bạo lực mà chỉ dùng một ngôi "em" sẽ không hiệu quả, nên tác giả chọn một ngôi thứ ba số ít (xưng thị) để tạo nên giọng kể khách quan hơn trong những trường đoạn "lạnh xương sống" nhất. Đại từ nhân xưng "ta" được huy động vào truyện để tạo nên sự mơ hồ cho tác phẩm, phải đến kết tác phẩm người đọc mới thực sự biết ta là ai.

     Tác giả còn sử dụng ánh trăng như một “nhân vật đặc biệt” để soi chiếu, góp phần làm rõ chủ đề của tác phẩm. Nhờ sự chất vấn của ánh trăng (bản ngã của Diệu) mà câu chuyện về một cuộc đời bi thương, tha hóa của Diệu được tô vẽ,  tạo nên một bức tranh hiện thực đời sống của giới giang hồ đầy bí ẩn. Trong Phiên bản, Nguyễn Đình Tú đã sử dụng một số kĩ thuật viết của văn học hậu hiện đại để khám phá về một tiểu tự sự độc đáo: thân phận người phụ nữ trong hành trình sống đã mất đi tính nữ. Anh đã  xây dựng được kiểu con người đa ngã, điều này phù hợp với mĩ học hậu hiện đại. Ngoài ra, Phiên bản theo chúng tôi là một thành công vượt bậc về nghệ thuật tả sex. Mật độ cảnh sex được sử dụng một cách tiết chế, có chọn lọc; hệ thống hình ảnh được dùng thống nhất; ý tưởng tả sex từ cảm nhận về những hình xăm; nhục cảm được cụ thể hóa bằng hình ảnh... Tất cả khiến các cảnh sex vừa mãnh liệt nhưng lại vừa không thô tục.

     Một điều đặc biệt nữa, nhà văn Nguyễn Đình Tú không lý giải bất cứ một cái chết nào trong Phiên bản cả. Kết cục của mỗi nhân vật đều nằm trong sự phát triển logic nội tại của chính nhân vật đó. Và người đọc tự lý giải. Hay nói đúng hơn người đọc ngầm nhận ra sự lý giải của bản thân câu chuyện. Cái chết của Hưng mã trên giường ngủ của Hương Ga được bạn đọc lão làng Ma Văn Kháng hiểu là "một cuộc tự chối bỏ cái ác từ trong tiềm thức, cái ác tự hủy hoại cái ác". Còn cái chết của Tân có thể có nhiều cách hiểu về kết cục này của một nhân vật phức tạp như Tân. Chính vì tính cách Tân phức tạp nên cái chết của anh ta tưởng đơn giản nhưng lại gói ghém trong nó nhiều trường liên tưởng cho bạn đọc. Nhà văn tạo ra nhân vật nhưng cái chết của nhân vật lại không phụ thuộc vào nhà văn. Chính điều này đã tạo nên nhiều điểm mới mẻ cho tác phẩm và sự li kì tò mò đối với tiểu loại tiểu thuyết trinh thám.

     Cuối cùng, gấp lại những trang sách người đọc phải trăn trở, suy ngẫm rằng  “Liệu Diệu đã sống đúng bản ngã của mình hay đó chỉ là phiên bản?” và thế giới ngầm của bọn giang hồ liệu có mất đi hay chỉ là sự thay thế bởi các tên tuổi khác.  

 

CHƯƠNG 2: KIỂU NHÂN VẬT ĐI TÌM BẢN NGÃ TRONG TIỂU THUYẾT PHIÊN BẢN CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ

2.1. Nhân vật với hành trình tìm lại chính mình  

     Hành trình đi tìm bản ngã của các nhân vật trong tác phẩm của Phiên bản của Nguyễn Đình Tú là những con người “mang tâm thức thời đại” cô đơn lạc lõng; bất hạnh, bơ vơ; đổ vỡ niềm tin vào cuộc sống ở hiện tại, không thoát ra được những ám ảnh của quá khứ.

     Diệu - một nhân vật tiêu biểu nhất cho kiểu nhân vật đi tìm bản ngã. Hành trình tìm lại bản ngã của Diệu rất đặc biệt, nó chỉ kéo dài một khoảng thời gian ngắn, gắn liền với đám ma của chính Diệu. Bắt đầu là sự mờ ảo trong ngôi kể xưng “Ta” mang dáng dấp của một cuộc hỏi cung, một cuộc vượt thoát để tìm về bản ngã.

     Trên hành trình tìm câu trả lời “Ta là ai?”, người viết hé lộ dần dần tất cả quá khứ và hiện tại của Diệu. Đầu tiên là quá khứ của Diệu, quá khứ của Diệu gắn liền với một sự kiện vượt ngưỡng, vượt quá sức chịu đựng của một đứa con gái mới 15 tuổi. Diệu nhớ lại lúc mười lăm tuổi, Diệu xinh đẹp, ngây thơ, rung động trước Nhân - một chàng trai học giỏi nhất trường. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn vất vả, ba mẹ Diệu quyết định đi lên chuyến tàu vượt biên trái phép với mong muốn kiếm tìm một cuộc sống sung túc hơn. Để rồi, chính chuyến tàu vượt biên trái phép ấy, đã giáng một đòn chấn thương nặng vào tâm hồn trong trắng, trinh nguyên của người con gái mới lớn. Diệu bị vùi dập cả thể xác lẫn tâm hồn bởi sự cuồng dâm tập thể của những kẻ vô nhân. “Trên em, dưới em là hai, ba con giao long đầu người đang gào rú những tiếng quái đản, ngập ngụa trong nhục dục.  Em kêu mà không thấu, em im lặng mà không nổi, em phiêu diêu trong cơn địa ngục mà không thoát ra được”. Đau đớn hơn, Diệu phải chứng kiến cảnh cha, mẹ chết thảm dưới bàn tay hung bạo của bọn tham tàn. Trên chuyến tàu sinh tử ấy chỉ có 3 người sống sót. Biến cố này chính là một chấn thương tâm lí nặng nề đối với một đứa con gái mười lăm tuổi. Chính nỗi đau này đã ám ảnh suốt cuộc đời Diệu, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến bi kịch tha hóa, đánh mất chính mình của người con gái ngây thơ ở ngã ba sông.

     Trải qua biến cố kinh hoàng, Diệu còn chút may mắn sống sót trở quê hương. Tuy nhiên Diệu không thể vượt qua được mặc cảm, sự tự ti về thân phận, Diệu không dám đối diện với hoàn cảnh, Diệu không tha thứ cho những kẻ độc mồm, độc miệng cứ khía sâu vào nỗi đau trong tâm hồn Diệu. Và cứ thế con đường đến với thế giới ngầm của Diệu ngày càng thu ngắn lại. Con đường ấy bắt đầu từ sự gắn kết một cách tự nhiên, đầy bản năng với Hưng mã. Diệu bị cái lưỡi dẻo quẹo của anh ta mê hoặc để rồi Diệu cứ tự huyễn hoặc mình và luôn tin rằng “Trời sinh ra những kiếp ngọc đời thì trời cũng sinh ra những kiếp bụi đời. Anh và em là những hạt bụi đời trời cho gắn kết vào nhau để làm nên những hạt bụi con. Hãy nghĩ thế và chấp nhận”. Và thế là Diệu lựa chọn con đường trộm, cắp để sống. Ban đầu chỉ là trộm cắp vặt rồi từng bước một Diệu đã lấn sâu vào con đường bụi đời để nhanh chóng trở thành Hương ga nữ quái máu lạnh có một không hai trong giới giang hồ thành phố Ngã ba sông với. Cuộc gặp gỡ định mệnh với Tùng Hê rô đã thực sự thắp lên ở thị “khí phách của một con cái ngang tàng, một ái phi lọc lõi, một nữ giang hồ tầm cỡ, một mụ đàn bà quyền lực, một phận gái cơ mưu và quyền biến”.

     Trong khoảng thời gian Diệu trở thành một nữ giang hồ có số má thực sự thì cái bản ngã trong Diệu bị khuất lấp đi bởi cái ác. Để rồi lúc Diệu chết, Linh hồn của Diệu có cơ hội để thú tội, tìm lại chính mình và trả lời được câu hỏi “Ta là ai”. Khi người bà thốt lên hai tiếng Diệu ơi” thì cũng là lúc linh hồn nhận diện được chính bản ngã của mình và những giọt nước mắt đã rơi, Diệu nghẹn ngào thốt lên đau đớn “Sao bao giờ ngươi cũng đến bên ta muộn thế. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Diệu có thể đối mặt với một chuỗi quá khứ đầy vun đầy cái ác, dũng cảm đối mặt với tất cả, nhận diện và thú nhận tất cả. Ở Diệu cái chết không phải là kết thúc tất cả mà cái chết chính là một sự sám hối dù muộn màng nhưng ít ra lại là sự kết thúc lạc quan sau một đời lầm lỗi.

     Hành trình đi tìm lại chính mình của Diệu trong Phiên Bản của Nguyễn Đình Tú làm chúng tôi gợi nhớ đến nhân vật An Mi trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng.  Trước những “sự kiện va chạm quá ngưỡng”  đã thôi thúc cô bắt đầu một hành trình kiếm tìm lại cội nguồn bản thể, tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Nhưng trong hành trình kiếm tìm cội nguồn, thứ An Mi nhận lại không phải là sự an lạc trong tâm hồn mà lại là sự hoài nghi, chìm đắm trong sự cô độc, bất an “Tôi mồ côi, không có quá khứ, tình yêu, ước mơ, tôi không có một cái tên, chân dung hay linh hồn. Tôi là một gian nhà trống,… tôi không có gì để nhớ”.  Để rồi trong cơn chập chờn giữa sự sống và cái chết lại là lúc cô nhận ra mình là ai. Điều này thôi thúc cô khao khát sống nhất, khao khát được trở về quê hương, tìm lại tuổi thơ, tìm lại đứa em gái mà cô bỏ rơi để trốn chạy một mình. Dù cuộc đời, hành trình đi tìm lại chính mình của hai nhân vật là khác nhau nhưng chúng tôi nhận thấy được ở một nỗi cơ đơn, ám ảnh quá khứ dày vò và cuộc sống chỉ đúng nghĩa với hai chữ “tồn tại”.

     Trong Phiên bản, sex thực sự đã trở thành một chất kích thích để con người được yêu đúng với bản năng tự nhiên mang tính bản thể. Cũng chính nhờ sex với những giây phút nồng nàn chăn gối để bản tính lương thiện, hiền hòa nhất trong con người trở về. Hương ga - nữ hoàng của thế giới ngầm kia có tàn ác và bạo ngược đến đâu thì trong chuyện tình cảm, bản năng làm đàn bà vẫn lấn áp đi mọi thứ, ngự trị ở nơi đó không có sự tranh giành, đua chen mà chỉ còn hai chữ tình yêu cho dù tình yêu ấy chỉ chứa đựng khát khao của nhục thể và đôi khi muốn tìm một chỗ vịn trong cuộc đời. Hương ga luôn hi vọng Hưng mã sẽ là bến bờ hạnh phúc của cuộc đời cô. Vì thế cô đã yêu hết mình và tận hưởng những giây phút thăng hoa cùng Hưng mã mà không hề suy nghĩ, đắn đo: “Hưng dẫn em đi qua miền cực lạc của trai gái, của cuộc sống bụi đời, của những ngày tháng đứng bãi, của những mộng mơ mê đắm đầu đường xó chợ”. Với lối văn miêu tả sex gián tiếp và những hình ảnh ví von so sánh, Nguyễn Đình Tú đã tạo được cảm nhận mang tính thẩm mĩ về sex và yêu trong lòng độc giả.

     Với Tùng, Hương ga mới thực sự tìm được sự hòa nhịp của trái tim, của tâm hồn, của sự dâng hiến và trao nhận từ một người khác giới. Tùng hê rô đã đem đến cho nữ chúa giang hồ một tình yêu gắn liền với những pha giao hợp vợ chồng đầy đằm thắm, dịu dàng, nâng niu, trân trọng. Tùng đã thỏa mãn được khát vọng một lần lên xe hoa với đúng nghĩa của một người phụ nữ. Vì thế, đọc những đoạn văn miêu tả cuộc làm tình của Tùng hê rô và Hương ga dù trong máu, trong những thao thức, giật mình, sợ hãi nhưng vẫn chứa đựng những cảm xúc đặc biệt vừa có sự êm ái, dịu ngọt, vừa có sự ngưỡng mộ, tôn thờ và quả thật nó đã sưởi ấm và vá lại những mảnh rách vụn trên thân thể và tâm hồn của thị.

     Và cũng chính lần ân ái cuối cùng với Hưng nhiều biến cố Diệu nhớ lại lúc mình bị những con giao long đầu người hãm hiếp. Trong tiềm thức Diệu thấy Hưng giống như những con giao long ấy đang cấu xé mình. Diệu đau đớn quằn quại, nhận ra nỗi đau đớn ê chề, người đưa Diệu từ một cô gái ngây thơ trở thành một nữ siêu giang hồ chính là những lời mật ngọt của Hưng. Diệu bừng tỉnh, và cũng có lẽ nhận ra được mình là ai, Diệu giơ súng bắn chết Hưng. Có thể nói Sex là một nhân tố giúp Diệu trở về đúng thiên tính nữ, khao khát được yêu thương, được chăm sóc và sống đúng bản năng của một người phụ nữ.

2.2. Nhân vật sám hối để tìm lại cội nguồn bản thể

     Khi xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Đình Tú đã xuất sắc khai thác những tín hiệu tích cực từ nhân vật. Đặt để nhân vật từ những đau thương lầm lỡ, tự soi sáng mình trong những bước hành trình ngộ nhận để tìm ra những giá trị của bản thân bị đánh mất. Lí tưởng của những hư danh, bồng bột, những cám dỗ đã phần nào nhuốm đen những vệt sáng trong tâm hồn của chính nhân vật. Để rồi rơi vào những bi kịch, gieo rắc những đau thương và tan vỡ những hoài bão của chính mình. Bởi vậy, nhân vật tự soi chính mình trong những vụn vỡ ở quá khứ để sám hối đi tìm cội nguồn của bản thể, lấy đó làm động lực sống ở hiện tại.

     Trên cuộc hành trình đi tìm những giá trị đích thực của bản thân, nhà văn luôn có cái nhìn đa chiều về thế giới nhân vật và hiện thực xã hội. Hành trình tìm kiếm ấy là cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách, đau đớn, lầm lỡ và tổn thương. Bên cạnh Diệu, ở Phiên bản còn có nhiều khuôn mặt khép lại đời mình ở phía sau song sắt trong sự cô độc lạc loài trước hoàn cảnh, ngây dại vọng tưởng về quá khứ để tâm hồn không xói mòn trong đau đớn trước hiện thực phũ phàng. “Trên bệ xi măng, có những thân người nằm ngang, đều tăm tắp. Tất cả những thân người đó đều mặc áo tù ... Họ đã ngủ cả. Chỉ còn duy nhất một người đàn ông nằm sát chân tường kia là đang thức. Định. Ta nhận ra đó là Đinh rồi. Đinh đang lẩm nhẩm trò chuyện với bức tường. Hình như đêm nào Đinh cũng tâm sự những điều thầm kín với bức tường ngay trước mặt mình”. Mỗi một con người là những thước phim quay chậm về những tan vỡ trong cuộc sống, và lầm lỡ đau thương, trên thước phim ấy có muôn mặt với những bi kịch cuộc đời bởi sự sung sướng tột cùng và lung lay mọi quyền lực mà giá trị của nó lan tỏa. Chính sức hấp dẫn vô biên của vật chất đã làm lu mờ những giá trị đạo đức vốn có trong mỗi con người và họ sẵn sàng đánh đổi để sở hữu cho bằng được. Và Đinh sớm tự loại mình ra khỏi nơi thanh sạch trong màu áo xanh của một chiến sĩ công an với nhiệm vụ cao cả của cuộc đời, vì từ bé Đinh đã sớm bộc lộ là một kẻ lưu manh từ trong bản chất. Đinh vốn nóng tính và hay so đo hơn thua, văng tục với bạn bè ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường “Mày cứ ngồi đây. Để tạo về xem thế nào. Bọn này mà thích thì chơi luôn. Mẹ chúng nó ...”.  Rồi bản chất đó cứ ngày một lớn dần và định hình nhân cách một con người dễ bị kích động tư tưởng, lập trường không vững vàng trước cuộc đời đầy rẫy những cám dỗ. Chúng ta thấy, nhân cách của con người được xây dựng trên những thói quen nhỏ của cuộc sống, lấy đó làm bàn đạp để hoàn chỉnh bản thân. Thái độ, hành động, lời nói sẽ quyết định rất rõ đến tính cách, làm cho con người dễ sa vào những lầm lạc trong cuộc sống. Để rồi khi vào ngành công an, những ưu thế về quyền và địa vị mang lại cho Đinh muôn vàng nguồn thu làm ăn hấp dẫn, Đinh dựa vào thế đó để tồn tại và dung túng cho những tham vọng thấp hèn sau màu áo xanh đầy ắp ước vọng. Những từ trong bản chất vốn đã chưa thỏa nguyện với những tham vọng chỉ mới chập chờn mấp mé đã bị dập tắt “Anh vừa bị kỷ luật. Chung vốn đánh hàng điện tử với mấy mụ ngoài chợ Ga. Ăn chia không đều, xì đều nhau nên đổ bể. Mất hết cả. “Anh phải bán xe” ... “Anh có năng khiếu bóng chuyền. Họ chuyên anh sang đội bóng của sở , bây giờ chỉ ăn với tập luyện và thi đấu thể thao thôi” Khi được hỏi “Anh có thích chỗ đó không?” Đinh buông một câu cho qua chuyện: “Không phải ra khỏi ngành là may rồi”. Thái độ của Đinh dù tỏ vẻ bất mãn, hụt hẫng đôi phần nhưng trong sự vinh quang ấy vẫn mãi nhen nhóm một ngọn lửa của sự thèm khát thống trị, thâu tóm đồng tiền trong tay để dễ dàng tạo dựng sức mạnh và sự sung túc. Bởi từ trong con mắt của kẻ đã nhuốm mùi dã tâm thì hắn sẽ không loại trừ một thủ đoạn nào mà còn tìm thật nhiều cơ hội để kiếm tiền để thỏa mãn sự sung túc. Sự am hiểu sâu sắc hoạt động của ngành giúp Đinh có nhiều kinh nghiệm, manh mún để khéo luồn lách và gầy dựng nên cơ ngơi, thân thế từ những phi vụ làm ăn bất chính. Định nhìn được thế và đánh giá được khả năng của mình: “Anh chi quen buôn hàng trắng thôi. Thời gian qua anh nằm im nghe ngóng, bây giờ anh bắt lại được các mối làm ăn cũ rồi. Ngày mai anh vào miền Trung. Anh quyết định rồi. Anh sẽ chọn một tinh trong đó để làm ăn ... Mấy đường dây lớn bị bóc hết rồi. Anh phải vào trong kia để tham gia vào những đường dây khác, chủ yếu từ Lào và Campuchia đánh sang. Khéo léo trong nhận định tình hình và am hiểu rõ ràng những quy tắc ngầm, Đinh bây giờ đã có thể đứng vững vàng trong chốn giang hồ và làm thân với kẻ có máu mặt trong giới. Đinh còn dẫn dắt và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Diệu về tiền bạc lẫn phương cách làm ăn để có thể mưu sinh yên ổn và tạo được thế đứng trên vùng đất mới. Bôn ba làm ăn xa xứ, Đinh đủ thông minh và độ tinh tường trong con mắt để nhận định, đánh giá đối thủ và vạch ra cho Diệu đường đi nước bước để có thể lật ngửa thế cờ, làm nên cơ thế vững chắc trên con đường làm ăn nắm giữ được sức mạnh của đồng tiền. Hạnh phúc và may mắn đâu mãi mỉm cười với những kẻ say tiền và thế lực trong bất chính. Khi trong cuộc đỉnh điểm của lợi danh đã mưu cầu, Đinh cũng khép lại đời mình trong cái án chung thân và đêm từng đêm phải đối thoại, đối diện với bốn bức tường, tự vấn với lương tri mà mãi mãi cũng không biết đâu là con đường giải thoát của chính bản thân mình. Sự tha hóa nào rồi cũng kết thúc trong một bi kịch đầy đau thương, giày vò thể xác và tâm hồn  muôn  ngàn kiểu bất kể người đó còn sống hay đã chết.

     Và hàng đêm, Đinh thẫn thờ lâm nhầm một mình khuôn bó cuộc đời, trói buộc lương tâm với bức tường nơi nhà tù hoang lạnh, vô cảm, không thể chợp mắt được giây phút nào trong khi các bạn tù đã ngủ say trên bệ xi măng lạnh lẽo, không hồn. Ngoài bị tống giam chung thân, sống đời cơ cực, cô độc, Đinh chỉ có bức tường làm bạn, chính nó mới có thể lắng nghe Định kể lể về một thời vàng son và gửi gắm vào đó những mong ước cho ngày được giảm án chung thân. “Đêm nào Đinh cũng tâm sự những điều thầm kín với bức tường ngay trước mặt mình”, để mong xoa dịu nỗi cô độc và từ bức tường vọng vang những điều thầm kín, chính Đinh mới thực sự là người lắng nghe nhận ra và thức tính chính bản thân mình với những tham vọng mà Định đã đánh đổi một đời thanh bạch, để theo đuổi. Phải chăng, khi tâm hồn kiêu hãnh bị kìm hãm trong bốn bức tường, sự cô độc trong chính bản ngã nhân vật đã phần nào giúp tự soi chiếu, ngẫm nghĩ những hành động, việc làm trái của Đinh. Cuộc hành trình tìm lại những giá trị vốn có của bản thân được chính nhân vật soi chiếu bằng góc nhìn của quá khứ, sám hối những việc làm, hành động, đau thương trong chính sự tan vỡ của tâm hồn để trở thành những mảnh ghép hơn chỉnh trong quá trình đi tìm bản thể của nhân vật.

2.3. Nhân vật biến mất để tồn tại

     Nếu như Diệu phải trải qua một hành trình dài với nhiều cung bậc cảm xúc (cô đơn, lạc lõng, chênh vênh, đau đớn,...) trong hành trình tìm lại bản ngã của mình và Đinh cuối đời đêm nào cũng tâm sự với bức tường dường như để sám hối về những tội lỗi đã gây ra, để tìm về với cội nguồn bản thể của bản thân thì nhân vật Tân võ sĩ trong tác phẩm tìm lại bản thể của mình khi vĩnh viễn từ giã cõi đời.

     Trước đó, Tân đã sống một đời trốn chạy chính bản thân mình trong nỗi đau giãn vặt vì mất đứa em trai. Đối diện với cái chết đột ngột của em trai, Tân không tìm được chứng cớ hợp lý, không thể thổ lộ cùng ai; Tân một mình tự trách bản thân và nuôi dưỡng ký ức đau buồn từ ngày còn bé cho đến khi trưởng thành. Từ chính nỗi đau, sự mất mát đau thương này, mà suốt cuộc đời Tân chọn cách dấn thân vào hành trình tìm lại công lý cho những cái chết oan uổng với cái lý tưởng “Thay trời hành đạo”. Có lẽ cái lý tưởng này phần nào giúp Tân cảm thấy như được xoa dịu những tổn thương, tội lỗi của Tân lúc nhỏ.    

     Bi kịch đã đến với cuộc đời Tân khi Tân mới bảy tuổi. Vì không thể kìm chế được bản thân trước sự cuốn hút của những chùm doi đỏ chót nhà hàng xóm, Tân và đứa em trai song sinh lén lút treo tường nhà người hái cho bằng được. Nhưng chẳng may bị chủ nhà phát hiện, Tân và em trai vội chạy tới chân tưởng nhảy lên và leo ra ngoài nhưng “Trước khi tụt sang được phía bên kia bức tường , tôi nhìn thấy ông ta tủm gáy thằng em tôi”. Đó là hình ảnh cuối cùng mà Tân chứng kiến. Sau khi được thả về nhà, em trai của Tân rơi vào tình trạng nôn ói, đau đầu và lên cơn sốt đột ngột rồi qua đời ngay ngày hôm sau. Nghĩ rằng chính lão hàng xóm đã giết em trai mình nhưng Tân đã không dám tố cáo tội ác của ông ta “không dám hé răng nói ra chuyện hai anh em tôi nhảy vào vườn nhà ông ta trộm doi, càng không dám nói là em tôi bị ông ta bắt nhốt suốt một buổi chiều”. Để rồi từ ngày em trai qua đời, Tân luôn sống trong trạng thái tự giày vò tâm trí, tự vấn lương tâm và không sao thoát được nỗi ám ảnh về cái chết bị thảm đầy xót xa của đứa em trai “Hình ảnh thằng em tôi cứ hiên lên trong đầu tôi”, “Lần nào cũng thế, mỗi khi hình ảnh thằng em tôi mặt bê bết máu hiện lên là mắt nó lại nhìn tôi như kích động tôi phải làm một điều gì đó”.

     Từ bi kịch của thời thơ ấu, Tân bắt đầu khát khao đòi lại công lý cho những cái chết thảm thương xung quanh mình để thân tâm được ít nhiều an ủi. Có lẽ do thuở bé anh không có đủ bản lĩnh để lên tiếng để đòi lại công bằng cho em được an yên nơi chín suối nên đến khi trưởng thành hơn Tân đã trở nên mạnh mẽ, cứng cỏi cả thể chất lẫn tâm hồn. Khi trưởng thành Tân có một thể lực cường tráng, khỏe khoắn và giỏi võ công, Tân cũng có điều kiện học tập ở nước ngoài để nâng cao tài năng. Ở nước ngoài học tập Tân đã gia nhập tổ chức “Thay trời hành đạo” hoạt động với lý tưởng “trả giá ngang bằng”. Cuộc đời ngang trái khi xung quanh Tân luôn đầy rẫy những nghịch cảnh éo le về sự chết chóc và với Tân những cảnh trái khoáy đó như dìm Tân trong những ám ảnh, dằn vặt. Để thoát ra khỏi những ám ảnh đó, Tân đưa ra quyết định là phải “thay trời hành đạo”. Vụ đầu tiên Tân “thay trời hành đạo” chính là tìm và ra tay trả thù tên côn đồ đã đánh đập bạn mình một cách không thương tiếc Tân “dùng hai quả đấm của mình đánh đến nhũn não một người đàn ông gốc Agiecbaidan dưới bến xe tàu điện ngầm”. Đến vụ thứ hai, Tân đã giết chết một tên biến thái, bị tâm thần, bệnh hoạn “Trò thị dâm quái đản của một kẻ tâm thần, bệnh hoạn”, hắn ta “khoái thú cắt của quý của đàn ông cất đi, thỉnh thoảng mang ra ngắm chơi. Còn với phụ nữ thì ông ta chỉ thích cấu véo để nghe họ kêu gào, la hét rồi sẽ giết họ trước khi họ kiệt sức”. Vụ thứ ba là giết Hoàng lợn, một kẻ phản phúc đã gây ra cái chết thương tâm cho một cậu bé hiền lành mà Tân yêu quý (Đạo) để lại người mẹ già bị chấn động mạnh, gần như ngẩn ngơ, không còn tỉnh táo. Sau những vụ án mạng kinh hoàng đó, quãng đời còn lại Tân sống dựa dẫm vào giang hồ để hai cha con có nơi nương tựa.

     Từ lúc sống nương nhờ Hương ga, cuộc sống của Tân dường như đã chai sạn cảm xúc trước mọi thứ trong cuộc đời. Dù sống trong giới giang hồ nhưng Tân luôn có quan điểm rạch ròi, không a dua và không cổ vũ cho những hành động xấu xa hai người. Ngay cả khi theo phò Hương gia tại thành phố lớn, nhiều lần Hương ga nhờ Tân hiến kế giúp mình thanh trừ đối thủ để soán ngôi thủ lĩnh giang hồ, nhưng Tân từ chối thẳng thừng với người mà mình hàm ơn. Sau khoảng thời gian nương tựa chốn giang hồ, đến hơn nửa đời người, Tân đã quá mệt mỏi trên hành trình phải chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi, dằn vặt lương tâm; đồng thời, Tân cảm thấy bất lực trước dã tâm quyền lực của Diệu, Tân cố gắng sửa chữa cảm xúc và tìm đến nhà Phật để tu thiền, nhưng càng sửa chữa Tân càng thấy tổn thương và thất vọng đưa tới nỗi đau tồi tệ hơn. Hoài mong chút hoàn lương để níu giữ sự sống còn nhưng mọi thứ cũng đã quá muộn màng, Tân vẫn không thể tìm lại được ý nghĩa của cuộc đời mình Tân tìm đến cái chết để thân tâm được trọn vẹn một giá trị nhân bản mà Tân theo đuổi suốt cuộc đời. Tân tìm đến cái chết như một con đường giải thoát, để tìm được chút hạnh phúc bình yên, thanh thản cho mình. Tân rơi vào trạng thái chẳng tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại trên cõi đời này và tìm kiếm sự kết thúc nỗi đau bằng cách tự kết liễu đời mình. Có những nỗi đau chỉ có cái chết mới có thể xoa dịu và Tân đã chọn ra đi như vậy. Và chỉ có cái chết họ mới mong tìm lại được chính mình.

      Nhân vật Tân võ sĩ được khắc họa trong nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau. Tân thông minh, tâm lý và hành tung suy nghĩ khó đoán định; Tân cũng là một nhân vật sống có lý tưởng và vẫn khẳng định được giá trị bản thân của mình. Dù là giết người nhưng Tân không giết người bừa bãi mà chỉ ra tay với những kẻ đã gây nên tội và trả lại cho họ cái giá ngang bằng mà họ đã gây ra bất chấp công lý và không tin vào sự công bằng của pháp luật. Việc Tân mở võ đường Tân Tạo, Tân cũng giúp đỡ cho rất nhiều người và tạo điều kiện phát triển tài năng võ học cho nhiều đối tượng. Đến khi Tân về đầu quân cho Diệu và hiến kế giúp Diệu trở thành một siêu giang hồ bằng con đường hành thiện. Cả cuộc đời Tân oằn mình trong những bi kịch đau đớn, chông chênh, chới với nhưng cuối cùng, trên hành trình đó, Tân đã tìm lại được bản ngã cho chính bản thân mình.

      Tân võ sĩ - một nhân vật dị biệt tâm hồn, là một nhân vật bị chấn thương tâm lý tuổi thơ dẫn đến những suy nghĩ và ý tưởng bất bình thường và dẫn đến những hành động kinh dị suy đồi. Cuộc đời Tân không có giây phút nào sống cho riêng mình, Tân sống vì một lý tưởng “thay trời hành đạo” mong tìm lại sự “trả giá ngang bằng” đối với mọi tội ác mà con người đã gây ra cho nhau và cốt lõi để thân tâm tìm được đôi chút bình an mà tiếp tục sống trên cõi đời này. Cuộc sống mà Tân đã trải qua quá khổ đau và bi thảm. Dù đã cố gắng tìm mọi cách để có thể quay về bản chất lương thiện, tìm về bản ngã của chính mình những không thể. Đến cuối cùng để tâm hồn được ngơi nghỉ trong thanh thản, võ sĩ Tân đã chọn cho mình con đường tự kết liễu, chấm dứt mạng sống như một  sự sám hối. Dẫu không còn tồn tại trong cõi đời nhưng cuối cùng Tân cũng đã tìm về được với bản ngã của bản thân.

 

CHƯƠNG 3: BỨC TRANH ĐỜI SỐNG QUA LĂNG KÍNH NHÂN VẬT VẬT ĐI TÌM BẢN NGÃ

  3.1. Vượt biên trái phép – bi kịch của giấc mơ đổi đời 

     Bức tranh hiện thực đầu tiên mà tác giả đem đến cho người đọc qua góc nhìn của Diệu chính là câu chuyện vượt biên. Đây là một hiện thực nổi bật của xã hội thời bấy giờ, khi mà rất nhiều người Việt Nam chọn cách ra đi mở cho mình một con đường sống mới, mơ về một mảnh đất mới tại một mảnh đất xa lạ. Có chăng trong những người vượt biên năm ấy, không ít người cũng giống gia đình Diệu, đã bán tất cả gia sản của mình đi để tìm kiếm một cơ hội nơi chân trời xa xôi, mà ngay chính họ cũng chưa biết rõ điều gì sẽ chờ đợi họ ở phía trước. Trên chuyến tàu chở những người vượt biên, những cuộc trò chuyện thăm hỏi giữa họ với nhau đã tạo nên một bức tranh khái quát về những con người đi vượt biên lúc bây giờ. Nguyễn Đình Tú đã khắc rõ rõ những nguy cơ tiềm tàng chực chờ hòng đe dọa sinh mạng của những số phận nhỏ bé ấy “Con tàu được tính toán là sẽ chạy trên biển bảy ngày. Nếu quá bảy ngày thì tất cả sẽ lâm nguy, sẽ rơi vào một trong những hiểm họa sau: Thứ nhất là đói; Thứ hai là dạt vào hải phận của một nước mà mình không muốn vào, sẽ bị trao trả về; Thứ ba là nhầm đường, lệch hướng, lại quay trở về nơi xuất phát, án “vượt biên trái phép” sẽ lập tức choàng vào cổ mọi người; Thứ tư là gặp cướp biển; Thứ năm là gặp bão lớn, sóng gió sẽ nuốt chửng con tàu; Thứ sáu là tàu bị hỏng hóc, trục trặc, phải ăn dầm nằm dề trên biển... Người ta đã rút ra được quy luật rồi. Nhất định những hiểm họa ấy sẽ xảy ra nếu sau bảy ngày mà con tàu không cập đất Hồng Kông” Ai ngờ được rằng dù đã lường trước những mối nguy cơ như thế rồi nhưng cũng không thể ngăn cản được bước chân của chúng đến tàn phá con người. Nguy hiểm đến một cách nhanh chóng ngay lúc không ai ngờ đến được, khi tàu bị hư và neo lại để sửa chữa, cướp biển đã xuất hiện và cướp đi hết tất cả của cả. Không những thế, chúng còn vô nhân đạo đến mức lấy đi mạng sống của tất cả những người trên tàu không chừa một ai. Chỉ còn ba người may mắn sống sót là ông Trượt cùng đứa cháu nhỏ chín tháng của mình và Diệu. Dù sống sót nhưng Diệu phải trải qua một nỗi đau bị xâm phạm thân thể, tinh thần tê liệt khi chứng kiến những tên cướp biển giết chết cha mẹ một cách tàn nhẫn “Một con giao long đầu người tiến đến bên bố em, lôi ông ra phía thành tàu rồi quăng ông xuống biển. Chỉ khi cái xác ông lơ lửng trên đôi tay đầy lông lá của con giao long mặt người, trước khi rơi xuống nước, em mới nhìn ra máu đỏ ối nơi ngực ông và một con giao long đã túm tóc mẹ lôi tuột về phía đuôi tàu ... Đúng lúc ấy con giao long từ phía đuôi tàu quay lại, nó hua hua lên trước mặt mấy con giao long kia một lưỡi dao ngập máu, như muốn thông báo rằng đã xử lý xong mụ đàn bà lắm lời dám van xin tha chết cho bác tài công ”. Biến cố này chính là một nỗi ám ảnh không bao giờ có thể xóa nhòa trong cuộc đời Diệu, cũng là nguyên nhân lật mở sang một trang đời khác của cô.

     Trở về sau chuyến vượt biên không thành, bị bọn cướp biển dày vò thể xác, Diệu không còn đủ tự tin ở bản thân và hoài nghi tất cả những người xung quanh kể cả Nhân, người khiến cô có những rung động lần đầu của một cô gái bắt đầu lớn: “Lẽ nào anh có cảm tình với em? Hay là anh thương hại em?… còn em từ lâu đã tự giết chết cảm xúc của mình rồi”. Đang mất phương hướng, Diệu gặp Hưng mã, cuộc gặp gỡ định mệnh để sau này khi đã trở thành một nữ chúa giang hồ, cô vẫn còn dằn vặt, tự hỏi liệu nếu không gặp Hưng mã thì cuộc đời cô có như thế này không? Mối quan hệ ấy đã khiến Diệu gần như không thể giữ nổi giá trị nhân phẩm của một con người: “Em thuộc về Hưng từ thể xác đến tâm hồn. Hưng dẫn em đi qua miền cực lạc của trai gái, của cuộc sống bụi đời, của những tháng ngày đứng bãi, của những mộng mơ mê đắm đầu đường, xó chợ. Chúng em ăn ngủ với nhau ở bất kỳ chỗ nào có thể ngả lưng xuống được”. Cô không thể kiểm soát được bản thân, chìm đắm, mê mải trong những hoan lạc ái tình, sẵn sàng chiều theo mọi suy tính của Hưng một cách vô điều kiện kể cả việc phải ngủ với Tuấn chợ để yên ổn mà làm ăn. Không chỉ buông thả, phó mặc trong đời sống tình cảm Diệu còn tiếp tục bóp méo tâm hồn và đẩy cuộc đời mình trượt dài trên con đường tha hóa khi chấp nhận tồn tại bằng mọi giá mà ban đầu là việc tiêu thụ đồ ăn cắp. Kết quả Diệu lãnh hai mươi tư tháng tù giam về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Hai mươi tư tháng và cái nhà tù ấy vẫn không đủ sức mạnh để chế ngự bản tính “nghịch” trong Diệu, để Diệu làm lại cuộc đời. Có lẽ nhà tù mới chỉ đủ sức chế ngự được tính “nghịch” của Diệu ở trong tù, còn khi ra ngoài đời tính “nghịch” ấy được chế ngự hay không là do Diệu và hiện thực cuộc sống này. Ra tù hôm trước, hôm sau Diệu lại ra đứng chợ và bước tiếp con đường của sự tha hóa mà Diệu đã lựa chọn. Cuộc đời của Diệu bước sang một trang mới, Diệu lên xe hoa, lấy chồng giàu có, tiếng tăm nhất vùng và cũng có một quãng thời gian sống hạnh phúc bên Tùng hê rô, trùm giang hồ.

     Cũng tham gia trong hành trình vượt biên ấy còn có một nhân vật khác: Cộc ba tai. Tác giả không miêu tả rõ hành trình của hắn mà chỉ tóm lược qua một đoạn kể ngắn “Cũng cái nơi mà thị xuống tàu vượt biên năm nào, Cộc đã bị bộ đội biên phòng bắn trúng tai khi cố chạy khỏi đám người “phản bội tổ quốc” đang nháo nhào vì bị bao vây, bắt giữ. Cộc ôm cái tai rách ấy chạy về được tới thành phố, nhờ y sĩ phường chữa cho lành, nhưng trông chả khác gì một cái mộc nhĩ bị xé thành ba mảnh. Cộc vẫn không bỏ mộng vượt biên dù Liên Hiệp quốc đã liên tục khuyến cáo là các đoàn thuyền nhân khi sang đến Hồng Kông sẽ phải ở trại cấm vĩnh viễn và không có cơ hội sang nước thứ ba nữa nếu không chứng minh được là tị nạn chính trị. Cộc vẫn đi. Và đi thoát. Nhưng sau hai năm thì bị trả về. Liên hiệp quốc đã đóng cửa các trại tị nạn và các đoàn thuyền nhân như Cộc lần lượt phải quay lại nơi mình đã ra đi

3.2.  Bức tranh đa sắc màu về cuộc chiến sinh tồn trong giới giang hồ 

     Giới giang hồ ở ngã ba sông hình thành thế chân vạc từ lâu bằng sự đứng đầu của ba thủ lĩnh: Tùng hê rô, Lân sói và Cộc ba tai. Nhưng rồi Tùng hê rô bị bắt giữ và xử tử hình. Sau đó, Lân “sói” lĩnh án hai mươi năm cho tội giết người cùng hàng loạt tội trạng khác. Thế giới ngầm những tưởng xoá được thế chia ba, nhưng sao lặn thì sao lại mọc, Hương ga đã tay dao tay súng đi lại trên giang hồ, sẵn sàng chém giết, chẳng ngán đối thủ nào nên vẫn giữ được cơ đồ Tùng để lại. Thế chân vạc chính thức bị xóa từ đây. Giang hồ chỉ còn hai con hổ là thị và Cộc ba tai mà thôi. Từ đây trở thành cuộc đối chọi gay gắt giữa hai bên nhằm nắm giữ quyền kiểm soát độc tôn giới giang hồ trên mảnh đất này. Dưới sự bày mưu tính kế của Tân và sự hỗ trợ của Đinh, thị dần dần đưa Cộc Ba Tai vào tròng. Kết quả, Cộc lĩnh án tử hình, đám đàn em tan đàn xẻ nghé. Mà thị thì không mất một nhát dao, một viên đạn, một cử động cơ bắp mà giang hồ ngã ba sông chuyển về thế độc tôn.“Bây giờ thì bao nhiêu sòng bạc, bao nhiêu động gái, bao nhiêu hiệu cầm đồ, bao nhiêu đường dây bán lẻ thuốc phiện, bao nhiêu dịch vụ bảo kê, một tay thị sẽ thâu tóm.”

     Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, Hương Ga không bước lên một bậc thang mới nằm giữ thế độc tôn trong giới giang hồ ngã ba sông mà thị còn muốn bước đến bậc thang của một “siêu giang hồ” khác hẳn với Tùng hê rô, Lân Sói và Cộc Ba Tai trước đó. Vậy, làm cách nào để thị chuyển mình thành một “siêu giang hồ”? Đó là, xin phép thành lập công ty: Công ty Sóng Biển. “Thị bắt đầu công cuộc đánh bóng một hình ảnh khác về mình. Lễ tết nào thị cũng có quà bánh thăm hỏi cán bộ phường, quận. Thị cung tiến tiền bạc cho chùa chiền, đình miếu. Thị trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Thị nhận nuôi bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thị ủng hộ các quỹ từ thiện. Cái tên Hương "ga" bắt đầu chứa đựng trong nó những nội hàm mới.” Đó là thời điểm đánh dấu đỉnh cao quyền lực của thị.

     Thế nhưng, ngai vàng của thị ngồi vững được một khoảng thời gian thì lại bị đe dọa bởi một thế lực không ai khác ngoài đội công an và sự trừng trị của luật pháp. Khi chính phủ ra sức mạnh tay với việc truy quét triệt tiêu những thế lực ngầm, đế chế mà thị một tay dày công xây nên rốt cuộc cũng nghiêng ngả. Thông qua cuốn sổ ghi chép mà công an đã truy quét được hết những sòng bạc của thị, mà thị thì lại tập trung của cải của mình vào đầu tư những nơi ấy. Câu chuyện của Hương ga không chỉ có chiến thắng huy hoàng của kẻ mạnh mà còn là câu chuyện đằng sau song sắt nhà giam. Những kẻ phạm tội trao đổi với nhau thế nào, được quản giáo ra sao, kẻ bên ngoài liên lạc với kẻ bên trong ra sao, những mánh lới đút lót hòng chạy tội tất cả đều hiện lên một cách chân thật qua chính những cảm nhận của Hương ga. Chuyến này vào tù nhưng vì cải tạo tốt mà thị được ra sớm. Thị cũng không hẳn là mất hết mà được sự hỗ trợ của đàn em Tùng trước đây và Đinh, thị lần nữa vực dậy, làm quen với ông Trùm - một thế lực “siêu giang hồ” khác ở thành phố lớn để gây dựng là nhà hàng Sóng Biển.

     Thế giới giang hồ như dòng sông hết lên rồi xuống, hết chìm rồi lại nổi, mà những người trên dòng sông đó cứ trôi lênh đênh giữa những tham vọng, những toan tính được mất để thỏa mãn được lòng tham lam quyền lực của cải của chính mình đến cuối cùng vẫn là nhận lấy cái chết. Tre già măng mọc, hết lớp giang hồ này bị xử tử thì một lớp đàn em mới lại thay thế tạo thành một vòng tròn tội ác không hồi kết. Sau này, Hưng Mã tìm đến và kể cho Hương ga nghe về tình hình ngã ba sông. Đàn em của Cộc Ba Tai là Hiếu cu tái xuất giang hồ. Hắn “ngồi xe lăn mà hai tay hai thanh mã tấu, tả xung hữu đột, chả ngán thằng nào”. Dưới trường hắn là hai anh em thằng Phát - toàn là người quen cả, vì chúng là tay chân của những kẻ trước đây đã từng tranh chấp một mất một còn với thị.

      Ai có ngờ một Hương ga lẫy lững như thế, cuối cùng lại bị ám sát mà chết. Ở “thời kỳ hậu Hương ga”, Hiếu cu đang dương dương tự đắc về khả năng kiểm soát thế giới ngầm với những hoạt động bài bạc, cầm đồ, ma túy, bảo kê ở một thành phố nọ có tên là Ngã ba sông. Họ có nhắc đến một mụ đàn bà gớm ghiếc nào đó có biệt danh là Tử thần hoa cải. tên sát thủ ấy. Đó là một phụ nữ. Và rồi Hiếu cu cũng bị ám sát. Trên khuôn mặt của người phụ nữ sát thủ đã giết Hiếu cu chỉ còn một con mắt. Là Mỹ chột chăng?

Như vậy, tác giả đã rất khéo léo khi chọn góc nhìn của Diệu để miêu tả thật chi tiết mọi hoạt động của thế giới ngầm. Bởi lẽ chính Diệu từ cô gái ngây thơ, cô trở thành một Hương ga khét tiếng không ngừng từng bước leo lên vị trí ngai vàng của thế giới hắc ác đầy máu tanh ấy. Còn có ai hiểu rõ hơn cô tất cả những thủ đoạn, những tranh đấu, những đánh đổi để tồn tại và đạt được quyền lực chốn giang hồ? Qua cuộc đời nhiều, ta chỉ thấy một vòng tròn tội lỗi không hồi kết, hết lớp người này đến lớp người khác thay nhau. Truyện đã cho thấy được bộ mặt đáng ghê sợ của giới giang hồ để rồi đặt ra một vấn đề, làm cách nào để thanh tẩy được thế giới đục bẩn đó đây, để những con người tội lỗi bước về với con đường chính đạo? Niềm hy vọng đó của tác giả được kín đáo bộc lộ thông qua luận án Tiến sĩ của nhóc Chín tháng.

     Đến đây, bức tranh đời sống của tiểu thuyết Phiên Bản không chỉ là bức tranh miêu tả đơn thuần những sự việc bên ngoài, mà đó còn là miêu tả bức chân dung bên trong của đời sống tinh thần mỗi con người. Xuất hiện trong tiểu thuyết là rất nhiều những gương mặt kẻ ác khác nhau. Có gương mặt được miêu tả nổi trội như Diệu, Tân, Đinh cũng có gương mặt được nhắc đến thoáng qua như Tùng, Hưng mã, Cộc, Mỹ chột, Châu điên, … Mỗi nhân vật là mỗi một hiện thực về việc sa ngã vào con đường tội lỗi. Với Diệu và Tân, họ bước vào con đường tội ác bởi vì những cú sốc tâm lý diễn ra khiến thế giới tinh thần bị lệch lạc, hoang mang không nơi neo đậu. Những ám ảnh trong quá khứ không ngừng đeo bám lấy họ, mài mòn sức mạnh tinh thần của họ. Vì thế họ cần một nơi bấu víu để giữ được sự cân bằng trong tâm hồn và thoát khỏi sự kìm kẹp của những ám ảnh. Với Diệu, khi cô bơ vơ trơ trọi và yếu đuối, những lời đường mật của Hưng mã đã an ủi trái tim nhức nhối của cô, đưa đường chỉ lối cho cô thấy được tương lai phía trước. Cô đã trải qua một cú sốc quá lớn, cô không còn đủ tự tin để sánh bước bên Nhân nhưng Hưng mã thì khác, vì hắn hứa cho cô một cuộc sống sung túc hơn và muốn lấy cô làm vợ. Vì thế mà cô mù quáng tin theo hắn để rồi bước chân vào con đường lầm lạc không thể nào thoát ra được, thậm chí đánh mất luôn bản ngã trong sáng của mình. Đáng ra, đã có lúc cơ hội đến với Diệu, Nhân đã từng muốn đưa tay ra để mang cô ra khỏi vũng lầy, nhưng chính vì yếu lòng, tự ti và mặc cảm, cô đã lựa chọn ngã vào vòng tay của Hưng. Diệu là nạn nhân của cái ác, nhưng chính cô cũng là kẻ đã thỏa thuận với nó để tiếp tục tồn tại dưới hình hài của một kẻ ác.

      Về Tân, cái chết của người em sinh đôi trở thành một nỗi đau day dứt ám ảnh mãi nơi Tân và anh đã tìm thấy lại được sự cân bằng cho mình bằng cái lý tưởng “thay trời hành đạo”. Với Đinh thì khác, lòng tham tiềm tàng trong con người Đinh không ngừng sinh sôi nảy nở, mầm mống tội ác đang dần khuếch trương trong con người này, vì vậy mà Diệu không hề bất ngờ trước những tội lỗi mà Đinh phạm phải. Thậm chí cô đã nhận ra điều đó từ trước khi nó sinh sôi. Qua số phận của mỗi một nhân vật ta thấy được cái ác luôn ẩn nấp đâu đó trong cuộc sống của mỗi con người. “cái ác tiềm ẩn trong người là một dạng bệnh lý” (Phạm Tường Vân, 2019) nên khi rơi vào điều kiện, môi trường thuận lợi, nó sẽ kích thích nổ qua bom tiềm ẩn trong mình một cách mạnh mẽ và hậu quả gây nên cũng hết sức rùng rợn. Thiện và ác là hai phạm trù đối lập song luôn là một cuộc chiến không khoan nhượng trong tâm thức của mỗi con người, giữa ranh giới thiện ác mong manh, con người sẽ có thể đánh mất tất cả nếu vô minh, mù quáng vì một bước đi sai lầm. Tiểu thuyết là một hồi chuông cảnh báo con người luôn phải tỉnh táo để chống lại cái ác, diệt trừ cái ác, và dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ lấy cái bản ngã lương thiện của mình. Nếu không, rồi cuộc sống sẽ lại nảy sinh những Diệu, Tân và Đinh khác, vòng xoáy của tội ác lại càng khuếch trương lớn thêm và kết cục nhận lấy chỉ là những đau thương và nỗi ân hận gặm nhấm đến độ không thể nào tồn tại trên cõi đời này được nữa.

       Cuộc đời vốn dĩ công bằng, những tội lỗi gây ra sẽ phải đền trả xứng đáng, cái chết chưa phải là kết thúc tất cả. Sự kết thúc khởi lạc là lúc con người nhận ra được chính lỗi lầm của mình và dám mạnh mẽ đương đầu với nó và thật sự sám hối dù có muộn màng đến đâu đi chăng nữa. Đây là thông điệp chứa đầy giá trị nhân văn sâu sắc trong cách cư xử và nhận định về những con người phải mang lấy nghiệp tù tội của Nguyễn Đình Tú. Anh luôn nhìn thấu được “tính thiện” tiềm ẩn trong sâu thẳm mỗi con người và để cho nhân vật vùng vẫy , cựa quậy đến cùng trong cuộc chìm nổi với tham tàn tội lỗi. Anh luôn tạo cho họ cơ hội để được nhìn thấy những gì trải qua, phải chịu đựng đau đớn , ân hận và hối tiếc cuộc sống để cải thiện trong bản chất họ sẽ thức tỉnh, nhận ra lỗi lầm và buông bỏ tất cả để trở về là chính mình, dù là quá muộn. Nguyễn Đình Tú luôn nhìn các nhân vật tội phạm ở khía cạnh nhân văn và trân trọng cái thiên bẩm “nhân chi sơ, tính bổn thiện” vốn có trong mỗi con người.

KẾT LUẬN

     Toàn bộ tiểu thuyết Phiên bản được bao trùm bởi cảm xúc đầy thương cảm và khắc khoải khôn nguôi trước những nghịch cảnh số phận của nhân vật. Nguyễn Đình Tú đã không biết bao lần muốn lật ngược tất thảy những cuộc đời tội lỗi để tìm lại “chút người”, giành giật từng khoảnh khắc cho những nhân vật trong tác phẩm của mình tìm về bản chất thật sự của mỗi nhân vật. Mỗi người sinh ra đều giống nhau ở chỗ là ai cũng có một giá trị riêng. Tuy nhiên, trong quá trình con người trưởng thành, va chạm với cuộc sống xung quanh, trải qua muôn ngàn gian khó và các biến cố làm giá trị cá nhân trong mỗi chúng ta bị lu mờ, bị che lấp bởi chính sự tham lam, tranh giành lợi ích, uy quyền,... Theo thời gian, những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta sẽ dần bị xóa nhòa đi. Và khi họ đã đánh mất đi giá trị của bản thân thì lúc đó họ cũng sẽ lạc mất bản ngã của chính mình. Đó là những người bị sự cô đơn, quyền lực, danh vọng, tội lỗi,... và chính số phận của mình dần dần tha hóa buông xuôi cho số phận, thụ động trước thực tại để rồi trở thành những con người sống lay lắt trong nỗi cô đơn, đổ vỡ thậm chí trượt dài trên tội lỗi. Chỉ khi nào họ tìm lại được những giá trị tiềm tàng của bản thân khi đó họ mới có thể trở về là chính mình, tìm về được với bản ngã. Cũng như Diệu phải vượt qua bao gian nan, thử thách, đối diện với linh hồn của chính mình, đối mặt với một chuỗi quá khứ vun đầy cái ác, dũng cảm đối mặt với tất cả, nhận diện và thú nhận tất cả để có thể tìm lại bản ngã của chính mình; như Đinh tự soi chính mình trong những vụn vỡ ở quá khứ để sám hối đi tìm cội nguồn của bản thể  Tân cố gắng tìm mọi cách để  thể quay về bản chất lương thiện, cuối cùng Tân đã chọn lấy cái chết để có được sự thanh thản trong tâm hồn.

      Bằng sự khéo léo, tài tình, Nguyễn Đình Tú đã tạo nên một Phiên bản độc đáo; tác phẩm không chỉ khám phá mà còn phơi bày những góc khuất, mặt trái đầy hiểm nguy của đời sống xã hội. Một trong những yếu tố tạo sự hấp dẫn, thu hút độc giả; là sợi dây vô hình kết nối người viết và người đọc vào những guồng mạch tác phẩm chính là hành trình đi tìm bản ngã của chính mình của những nhân vật bị tha hóa, dị dạng trong tác phẩm. Tiểu thuyết Phiên bản không chỉ khơi nguồn mạch, tạo động lực sáng tác văn chương trong giới trẻ mà còn góp phần khẳng định tài năng và vị trí của nhà văn Nguyễn Đình Tú trong nền văn học đương thời.

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Thúy Hằng, (2017) Luận văn thạc sĩ, Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú từ góc nhìn phân tâm học, Trường Đại học khoa học.

2. Dương Thị Hương (2013), Luận văn thạc sĩ, Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn.

3. Phương Lựu (chủ biên) (2006), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Đình Tú (2009) Phiên bản, Nhà xuất bản trẻ

5. Nguyễn Thị Huê Vân, (2012), Luận văn thạc sĩ, Nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami, Trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh.

6. Nhiều tác giả (1992), Từ điển thuật ngữ Văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

7. Krishnamurti (2002), Bàn về bản ngã, (Huỳnh Ngọc Hương dịch), NXB Hà Nội, Hà Nội.

8. Nhà văn Nguyễn Đình Tú - Phiên bản hay một cuộc vượt thoát để tìm về bản thể.(https://cand.com.vn/van-hoa/Nha-van-Nguyen-Dinh-Tu-Phien-ban-hay- mot-cuoc-vuot-thoat-de-tim-ve-ban-nga-i85293/) (truy cập lúc 19 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2021)

9.(https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_%C4%90%C3%ACnh_T

%C3%BA_(nh%C3%A0_v%C4%83n)) (truy cập lúc 19 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2021)

10. https://trangtamly.blog/2019/02/11/freud-noi-gi-ve-ban-nga-ego/, (truy cập 19 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2021)