TÊN ĐỀ TÀI TIỂU LUẬN
LỐI NÓI ẨN NGÔN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG
MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU
B. NỘI DUNG
I. CÁC PHƯƠNG DIỆN BIỂU HIỆN CỦA LỐI NÓI ẨN NGÔN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG
1.1. Lối nói ẩn ngôn nhìn từ phương diện ngôn ngữ
1.1.1. Cách nói nghịch ngữ, phi logic
1.1.2. Ẩn dụ
1.1.3. So sánh
1.2. Lối nói ẩn ngôn nhìn từ phương diện kết cấu
1.2.1. Vận động chuyển hóa giữa các mặt đối lập
1.2.2. Đối chiếu qua mặt phẳng
II. TÁC DỤNG CỦA LỐI NÓI ẨN NGÔN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG
2.1. Phá vỡ những khái niệm để hướng đến phương pháp đốn ngộ tự giác
2.2. Người đoc cộng hưởng cảm xúc và đồng sáng tạo
C. KẾT LUẬN
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. MỞ ĐẦU
Nói đến đạo Phật là nói đến giác ngộ, không giác ngộ không phải là đạo Phật. Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhàrtha) tọa thiền dưới cội bồ-đề được giác ngộ mà thành Phật. Cũng có lẽ vì lí do này mà thơ thiền nói chung và thơ thiền Lý – Trần nói riêng thường ít lời, cốt chỉ khơi gợi cho người học đạo tự giác ngộ chân lí.
Tuệ Trung thượng sĩ, một cái tên không còn xa lạ trong thơ thiền Lý – Trần với sự độc đáo, sáng tạo trong phong cách viết. Mỗi bài thơ thiền của Thiền sư đều không dễ lí giải, ẩn ý rất sâu xa bởi lối nói ẩn ngôn. Với tinh thần “dĩ tâm truyền tâm”, không có một mẫu số chung nào cho hành trình giác ngộ, lý thuyết, ngôn ngữ chỉ đóng vai trò là phương tiện, cái cốt lõi nhất là mỗi cá nhân tự ngộ đạo theo cách riêng của mình. Chính vì vậy mà hầu hết các khái niệm, chân lí, con đường giải thoát đều được ẩn ý qua lối nói nghịch ngôn, so sánh, ẩn dụ, tương phản…Điều này đã tạo nên một khoảng trống buộc người đọc phải vượt ra khỏi lối suy nghĩ thông thường, đối thoại với các ẩn số, trở thành người đồng sáng tạo. Khi đã thấm nhuần tư tưởng mà Tuệ Trung gửi gắm qua tác phẩm của mình thì người đọc có thể loại bỏ những trói buộc, phiền não, đánh đổ cái nhìn “nhị kiến”, từ bỏ cái ngu tối, mê muội, lầm lạc của thế tục để vươn tới giác ngộ, giải thoát chính mình. Đó chính là những giá trị nhân văn mà Tuệ Trung gửi gắm qua lối nói ẩn ngôn.
B. NỘI DUNG
I. CÁC PHƯƠNG DIỆN BIỂU HIỆN CỦA LỐI NÓI ẨN NGÔN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG
1.1. Lối nói ẩn ngôn nhìn từ phương diện ngôn ngữ
1.1.1. Cách nói nghịch ngữ, phi logic
Cách nói nghịch ngữ, phi logic có hiểu hiểu là sự kết hợp các từ ngữ, các khái niệm hoặc các mệnh đề có sự mâu thuẫn nhau về logic hình thức, biểu đạt một nghịch lý trong nhận thức. Các Thiền sư sử dụng ngôn ngữ này nhằm mục đích gây ấn tượng mạnh về mặt cảm xúc, làm cho người đọc vượt thoát khỏi lối suy nghĩ thông thường, đánh đổ những định kiến cố chấp đã thành nếp mòn nhận thức dẫn đến cái nhìn sai lệch về bản chất của sự vật hiện tượng và hành trình giác ngộ. Ban đầu những nghịch lí này thường khiến cho người đọc ngơ ngác, họ như bị dồn vào chân thường giới hạn của tư duy lí tính, họ buộc phải vượt thoát suy nghĩ vốn có của bản thân để hướng đến một sự bừng tỉnh, trực ngộ chân lí, tìm về với “chân như”.
Một số nghịch ngữ, phi logic trong thơ thiền Lý Trần như: đàn không dây, sáo không lỗ, dùi rùa đập ngói, rùa mù xoi vách đá, anh mù ngắm trăng rằm, kẻ điếc nghe đàn cầm…Đối với thơ Thiền Tuệ Trung, ngoài lối nói nghịch ngữ thông qua hình ảnh, Thiền sư còn sử dụng tiếng cười, giọng giễu nhại và ngôn ngữ thông tục.
Lối nói nghịch ngữ “đàn không dây”, “sáo không lỗ” được Thiền sư Tuệ Trung sử dụng như một phương tiện để giúp các môn đệ ngộ ra chân lí.
“Đương nhật đáo gia tham vấn bãi,
Một huyền cầm tử thỉnh kim đàn.”
Thướng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư
|
(Hôm nọ đến nhà tham vấn xong,
Giờ đây, xin gảy cây đàn không dây.)
|
“Hứng thời xuy hề vô khổng địch,
Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương.”
Phóng cuồng ngâm
|
(Khi hứng thì thổi sáo không lỗ,
Nơi yên tĩnh thì thắp hương giải thoát.)
|
Theo tư duy thông thường chúng ta thường nói “đàn có dây”, “sáo có lỗ” thì mới phát ra âm thanh được. Ở đây Tuệ Trung lại dùng “sáo không lỗ”, “đàn không dây” rõ ràng là phi logic, điều mà tri kiến thông thường không thể lí giải được. Vì xưa nay những “chấp niệm” đã ăn sâu vào trong đầu óc khiến người ta khó có thể hình dung và chấp nhận sự khác biệt. Qua việc sử dụng “sáo không lỗ”, “đàn không dây”, Thiền sư có thể giúp các môn đồ của mình nhận rõ được bản chất của vấn đề, mọi sự vật, hiện tượng đều do con người mặc định cho nó tính đúng sai, cho nên cần phải phá bỏ thành lũy của những định kiến, cố chấp, trói buộc những cảm xúc lầm lạc trong việc tìm kiếm các chân lí.
Trong bài Tâm vương, Tuệ Trung đã dùng lối nói nghịch ngữ để giải thích cho vấn đề “tâm vương”:
“Tâm vương vô tính diệc vô hình,
Nhãn tự ly châu dã bất minh.
Dục thức giá ban châu diện mục,
Ha ha nhật ngọ đả tam canh.”
|
(Vua tâm không tướng cũng không hình,
Dù mắt sáng như hạt châu dưới cằm con rồng cũng không thấy được.
Muốn biết được “khuôn mặt thực” của nó,
Ha! ha! giữa ngọ là canh ba.)
|
Thuật ngữ “tâm vương” có thể hiểu là tâm thức, cái bản thể bên trong của con người. Ba câu thơ đầu, Thiền sư sử dụng các thuật ngữ trong Phật giáo “vô tướng”, “vô hình”, “chân diện mục” để nói về sự không tướng không hình của bản thể bên trong con người. Dù cho người có mắt sáng như hạt châu của con rồng vẫn không thể thấy được tâm này. Tuy nhiên ở câu cuối Thiền sư sử dụng lối nói nghịch ngữ “Ha ha nhật ngọ đả tam canh” để đánh thức trực giác về thời gian của Phật tử. Đang giữa ngọ là mười hai giờ trưa mà thấy là mười hai giờ đêm, nghĩa là ngay nơi cái sáng mà thấy được cái tối, ý chỉ chúng ta muốn nhận ra tâm chân thật thì phải có khả năng nhìn ngược lại nơi ta không kẹt nơi hình tướng, không có sự phân biệt giữa các sự vật.
Ngoài ra, Tuệ Trung còn sử dụng lối nói nghịch ngữ để nói lên quan điểm của mình về “Pháp thân thanh tịnh” (pháp thân trong sạch):
“Ra vào trong nước đái trâu,
Chui rúc giữa đống phân ngựa.”
Đối cơ
Khi được học trò hỏi “Thế nào là Pháp thân thanh tịnh?” thì Thiền sư không trực tiếp đưa ra một khái niệm nào về “Pháp thân thanh tịnh” mà sử dụng lối nói ẩn ngôn để phá vỡ tư duy thông thường của người nghe, giúp họ có thể ngộ được ý chỉ sâu xa của đạo Phật. Ban đầu mới nghe hai câu này thì chắc chắn rằng ai cũng cảm thấy sự vô lí vì tâm thanh tịnh lại tìm thấy ở “nước đái trâu”, “phân ngựa” nhưng thực sự cách viết này có tác dụng phản tỉnh người đọc, vừa khiến cho triết lí vốn uyên áo trở nên gần gũi. Thông thường chúng ta tự trói mình vào hai khái niệm “sạch” và “nhơ nhớp”. Cho nên việc đầu tiên để có một “Pháp thân thanh tịnh” thì người học phải tỉnh thức khỏi sự phân biệt nhị nguyên vọng tưởng này, vượt ra ngoài cái thấy giữa “dơ” và “sạch”. Không nên cố chấp vào giáo lí một cách máy móc mà phải phá chấp, bởi lẽ sách vở, kinh kệ chỉ là phương tiện, nếu không vượt lên nó thì không bao giờ đạt được đến tâm Thiền.
1.1.2. Ẩn dụ
Phương thức ẩn dụ qua hình ảnh được sử dụng khá nhiều trong thơ thiền của Tuệ Trung. Mỗi hình ảnh là một ẩn số buộc người đọc phải tham gia vào quá trình giải mã để hiểu được ẩn ý sâu xa.
Trong Phật Giáo, hình ảnh hoa sen mọc trên bùn tượng trưng cho sự vươn lên, giác ngộ, giải thoát, thanh tịnh trong tâm hồn. Đặc biệt ở thơ thiền Lý – Trần, hoa sen xuất hiện như một biểu tượng đa nghĩa nó gắn liền với quá trình tu tập, hành trình tìm lại tự tính. Trước vẻ đẹp vốn có của hoa sen, Tuệ Trung đã mượn hình ảnh “đóa sen nở trong lò lửa” để giúp các môn đệ của mình tự tìm thấy con đường tu hành.
“Hành diệc thiền
Tọa diệc thiền;
Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên.”
Phật tâm ca
|
(Đi cũng thiền
Ngồi cũng thiền;
Một đóa hoa sen trong lò lửa hồng.)
|
“Tu tri thế hữu nhân trung Phật,
Hưu quái lô khai hỏa lý liên.”
Thướng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư
|
(Nên biết rằng đời có vị Phật trong đám người bình thường
Thì đừng lạ gì đóa sen nở ra trong lò lửa)
|
Nói đến một hành trình là nói đến những trải nghiệm, khó khăn thử thách. Con đường tu hành cũng vậy, để trở thành một vị Thiền sư ngộ đạo, rũ bỏ được bụi trần họ phải trải qua nhiều cám dỗ và không phải ai cũng đủ can đảm để vượt qua. Trong hình ảnh “đóa sen nở trong lò lửa” ta có thể thấy “cái lò lửa” là hình ảnh ẩn dụ cho những khó khăn, nghịch cảnh của tọa hóa, còn “đóa sen nở” là sự hiện thân cho một cái gì đó bất diệt, nó vĩnh hằng, vượt lên trên quy luật sinh diệt, là chân tâm của người đạt đạo. Khi đã ngộ đạo, tâm tĩnh lặng thì không có một tác động ngoại cảnh nào có thể làm thay đổi được.
1.1.3. So sánh
Trong thơ thiền Tuệ Trung, so sánh ít khi dùng để chỉ ra sự khác biệt giữa các sự vật, hiện tượng mà thường dùng để chỉ ra sự nhất nguyên của vạn vật.
“Ngã nhân tự lộ diệc tự sương,
Phàm thánh như lôi diệc như điện.”
Phàm thánh bất dị
|
(Ta, người như móc cũng như sương.
Phàm, thánh như sấm cũng như điện.)
|
Bằng nghệ thuật so sánh, Tuệ Trung đã đưa ra một quan niệm mãnh liệt nhằm giải phóng người học đạo thoát khỏi sự mê chấp vào giáo lí. Thiền sư cho rằng “phàm” hay “thánh” đều là vô tướng, không có hình dạng cụ thể, chỉ như móc, sương, sấm, điện. Đặt ngang hàng giữa “phàm” và “thánh” ở đây không có nghĩa là hạ bệ thần thánh (Đức Phật) mà là xuất phát từ quan niệm “Phật ở trong ta, Phật không ở ngoài ta”, tâm tức Phật, Phật tức tâm. Nghĩa là Phật chính là tâm, tâm chính là Phật. Theo con mắt nhà Thiền thì Phật hay tâm có sẵn nơi mỗi người, không hai. Quan niệm này có sự đồng nhất với Trần Thái Tông "Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng" (Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng). Từ lối nói ẩn ngôn này đã phá đổ quan niệm nhị kiến của người đời về “phàm” và “thánh”. Qua đó khích lệ các môn đồ cố gắng giữ vững tâm tu hành bởi thân ta không khác gì thân Phật “Mi mao tiêm hoành tỵ khổng thùy, Phật dữ chúng sinh đô nhất diện”, khi tâm sinh thì Phật sinh và ai cũng có thể thành Phật. Khi mới tu hành phiền não vẫn còn thì gọi là phàm nhưng tâm đã thanh tịnh rồi thì gọi là thánh. Lúc phiền não hay thanh tịnh thì đều tồn tại trên một cơ thể thì không thể phân biệt đâu là thánh là phàm được. Chính vì vậy, đừng chấp niệm ta chỉ là phàm mà không chịu tu tập, ngộ đạo, để dứt bỏ phàm tục.
1.2. Lối nói ẩn ngôn nhìn từ phương diện kết cấu
1.2.1. Vận động chuyển hóa giữa các mặt đối lập
Ở trong thơ ca cổ, việc xây dựng hình ảnh đối lập nhằm làm nổi bật một trong hai mặt đối lập để tán dương, đồng tình với mặt này, phê phán mặt kia. Hoặc cũng có thể làm nổi bật mặt đối lập để đi đến một quan niệm triết lí về cuộc đời. Còn ở thơ Thiền hay thơ mang ý vị thiền sự đối lập chỉ tạm thời và tương đối. Nhấn mạnh không phải vào sự đối lập mà vào sự biện chứng, chuyển hóa giữa các mặt đối lập để đi đến khẳng định sự thống nhất và nhất nguyên của chúng. Đây là một tín hiệu then chốt để phân biệt thơ Thiền với các loại thơ khác.
Loại kết cấu này được sử dụng khá phổ biến trong thờ thiền Tuệ Trung, bởi Thiền sư nhận thấy rằng mọi người thường phân chia mọi vật ra thành hai cực giá trị để gán cho nó một cực này hoặc cực kia dẫn đến một cái nhìn “nhị kiến”. Từ việc sử dụng các cặp đối lập như giữa “phàm” và “thánh”, “sắc” và “không”, “Phật” và “chúng sinh”… Tuệ Trung muốn người đọc nhận ra sự nhất nguyên giữa chúng, từ đó mà xóa bỏ cái nhìn “nhị kiến” của người đời.
“Đoán tri không hữu bất tương sa (sai),
Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba.”
Đốn tỉnh
|
(Đoán rằng không hữu chẳng khác nhau,
Sống và chết vốn từ một đợt sóng.)
|
Lối nói ẩn ngôn được thể hiện qua việc tạo nên các cặp phạm trù đối lập “có và không”, “sống và chết”. Từ các cặp đối lập này Thượng sĩ khuyên chúng ta cần phải tỉnh thức mau chóng về quan niệm nhị kiến ở đời. Chúng ta luôn phân định ranh giới giữa “có và không” nhưng thực sự cái không nó có sẵn trong cái có. Có những cái không nó vô tướng những vẫn chứa bên trong một nội dung, thế nên không chẳng tuyệt đối không, mà có cũng chẳng tuyệt đối có. Vậy hà cớ gì phải cố đi tìm ranh giới giữa “có và không”. Tương tự cặp phạm trù đối lập “sống và chết”, Tuệ Trung xem sống và chết vốn từ một đợt sóng. Sóng ở đây cần phải hiểu là cái dấy động nơi tâm chứ không phải từ đâu đem lại. Khi buông hết những dấy động trong tâm thì sống hay chết cũng bình lặng như nhau. Cuộc sống luôn vận động trong nhân duyên, có sinh thì có diệt, luân hồi trong vũ trụ “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” – Thiền sư Mãn Giác. “Có, không”, “sống, chết” là giống hay riêng biệt thì hoàn hoàn phụ thuộc vào cái nhìn chủ quan của mỗi người, cho nên mỗi người cần có một cái nhìn rộng mở trước sự biến chuyển của cuộc đời.
1.2.2. Đối chiếu qua mặt phẳng
Mặt phẳng có thể hiểu là vật thể bên ngoài soi vào mặt nước hay mặt gương để tạo nên một cái bóng hư ảo, khó nắm bắt. Sử dụng cấu trúc này để đánh đổ “vọng kiến” những định kiến sai lầm “tưởng cái hư là thực” để trở về cái tự tính của con người.
“Xả vọng tâm,
Thủ chân tính.
Tự nhân tầm ảnh nhi vong kính,
Khởi tri ảnh hiện kính trung lai.
Bất giác vọng tòng chân lí bính,
Vọng lai phi thực diệc phi hư,
Kính thụ vô tà diệc vô chính.”
Phật Tâm ca
|
(Bỏ vọng tâm,
Giữ chân tính.
Cũng giống như người đi tìm bóng mà quên gương,
Nào hay biết bóng từ trong gương mà ra.
Không biết cái vọng đến từ trong cái thực,
Cái vọng đến thì chẳng thực cũng chẳng hư,
Cái gương tiếp nhận thì không tà cũng không chính)
|
Thông thường người ta đi tìm một vật tưởng là thực, là hư nhưng đâu có biết đó là do mắt của mình tự gán ghép cho nó tính đúng, sai, hư, thực. Cái sai lầm ấy không phải thực cũng phải không hư, nó giống như cái gương phản chiếu, tự thân nó không sai cũng không đúng. Cái sai lầm ở đây ý chỉ cái chủ quan của con người khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng. Tuệ Trung sử dụng mặt phẳng “gương” có tác dụng thức tỉnh sự “chấp ngã” (bám víu cái tôi) đã làm nảy sinh vọng kiến. Chân tánh là cái hiện tại đang thấy đang nghe, đang có cảm giác, là chính mình. Vọng tâm tức là những dấy động làm cho mình đau khổ. Ở đây Tuệ Trung ví chân tánh là cái bóng, còn vọng tâm là cái gương. Nếu bỏ vọng tâm giữ chân tánh thì như người tìm bóng mà quên gương. Bởi lẽ vọng tâm và chân tánh không phải hai, cho nên không thể bỏ cái này giữ cái kia. Vọng tâm phát khởi từ chân tánh, vọng tâm là bóng hiện trong gương. Cho nên khi đã đốn ngộ, tìm về với chân như thì vọng tâm tự ắt không còn đáng sợ.
II. TÁC DỤNG CỦA LỐI NÓI ẨN NGÔN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG
2.1. Phá vỡ những khái niệm để hướng đến phương pháp đốn ngộ tự giác
Việc sử dụng lối nói ẩn ngôn giúp cho những bài thơ Thiền của Tuệ Trung không còn nặng về tính triết lí, giáo huấn. Điều răn dạy không còn hiện rõ trên bề mặt câu chữ mà buộc người nghe phải đốn ngộ tự giác. Sự đốn ngộ bên trong quan trọng hơn những hiểu biết thu nhận của người khác. Không có một mẫu số chung nào để đến với con đường giác ngộ, lý thuyết, ngôn ngữ chỉ đóng vai trò là phương tiện, cái cốt lõi nhất là mỗi cá nhân tự ngộ đạo theo cách riêng của mình.
Khi nói đến các khái niệm “sinh, tử”, “có không”, “pháp thân thanh tịnh”, “vọng tâm”, “chân tính”, “phàm, thánh”, “tâm vương”… Thiền sư đều không giải thích khái niệm mà ẩn ngôn qua hình ảnh, lối nói nghịch ngữ, ẩn dụ, so sánh để giúp các học trò của mình đi tới đốn ngộ tự giác mà không bám víu vào các khái niệm. Mỗi học trò sẽ tùy vào “duyên”, khả năng tri nhận của mình mà tự khai mở lối học cho riêng mình.
Ông giác ngộ, khai mở trí tuệ cho người học bằng cách dẫn dắt họ vào các khái niệm, từ đó giúp học trò tự gỡ rối cho chính mình. Chẳng hạn, học trò đang có cái nhìn đối đãi, phân biệt tạo ra “nhị kiến” phân chia mọi vật ra thành hai cực giá trị để gán cho nó một cực này hoặc cực kia. Tuệ Trung cho rằng giữa “phàm” và “thánh”, “sắc” và “không”, “Phật” và “chúng sinh” đồng nhất hay khác biệt do chính cái tâm con người quyết định. Tâm tĩnh lặng thì tất cả là một, còn tâm sai biệt thì không thể hòa làm một. Mọi sự phân biệt lầm lẫn chẳng khác nào dẫn người ta đến chỗ tự mua dây để trói buộc mình.
Hay nói đến việc tu hành luôn gặp nhiều cám dỗ khiến nhiều người lùi bước thì Thiền sư sử dụng hình ảnh “đóa sen nở trong lò lửa” để học trò tự đốn ngộ về việc một khi tâm đã tĩnh lặng thì không có một tác động ngoại cảnh nào có thể làm thay đổi được. Lối nói ẩn ngôn trong thơ thiền Tuệ Trung giúp người đọc lĩnh hội tri thức bằng trực cảm tâm linh vượt khỏi tầng không gian của suy luận và nhận thức lí trí, từ đó khai mở những vấn đề mới mẻ, ngộ ra được nhiều chân lý mà trước đó chưa từng có. Từ lối nói ẩn ngôn này, người học có thể xóa bỏ những nếp mòn trong suy nghĩ, không còn bám víu vào các hiện tượng được nhìn nhận qua giác quan hữu hạn để rồi giữ mãi tri kiến hẹp hòi.
2.2. Người đọc cộng hưởng cảm xúc và đồng sáng tạo
Khi nói về giá trị thẩm mĩ của thơ thiền Việt Nam thế kỷ X – thế kỷ XIV, Đoàn Thị Thu Vân cho rằng “giá trị thẩm mĩ của nó là ở chỗ giống như chưa hoàn chỉnh, buộc người đọc không thể không động não để cùng tham gia vào quá trình hoàn thành bài thơ. Nó tránh cho người đọc rơi vào cảm giác nhạt nhẽo trống rỗng khi thưởng thức trọn vẹn một cái gì đó – nếm xong, biết vị ngay, và thế là hết.” [6, tr.113]. Việc sử dụng lối nói ẩn ngôn không chỉ phá vỡ những khái niệm để hướng đến phương pháp đốn ngộ tự giác mà còn là phương tiện giúp người đọc cộng hưởng cảm xúc và đồng sáng tạo.
Đồng sáng tạo là cấp độ tích cực nhất của tiếp nhận văn học, người đọc tham gia quyết định vào việc định hình và hoàn thiện tác phẩm. Nhiều lớp nghĩa chưa được giải mã là cơ sở khách quan để phát huy tính sáng tạo của người đọc.
Mỗi bài thơ Thiền của Tuệ Trung đều để lại một khoảng trống. Chính cái sự chưa hoàn chỉnh này đã khơi dậy tính tò mò nơi người đọc, buộc họ phải động não tìm kiếm ẩn ý sâu xa. Với tinh thần “dĩ tâm truyền tâm”, người đọc trở thành người đồng sáng tạo. Chính người đọc sẽ giúp cho tác phẩm vượt thời gian vươn tới các giá trị vĩnh hằng. Hơn hết, khi tiếp cận một bài thơ Thiền mà mọi thứ quá rõ ràng, không có sự thách đố, kích thích sự động não của người đọc thì chắc chắn rằng tác phẩm ấy sẽ mang lại sự nhàm chán, vô vị. Bởi cái quan trọng nhất của thơ Thiền là đem đến sự chuyển biến trong nhân thức giúp họ đạt đến tầm cao hơn trong quá trình tu tập chứ không phải là một hình thức giải trí.
Lối nói ẩn ngôn khiến người đọc không suy nghĩ một chiều mà cần phải động não nhiều lần, đánh đổ sự hoài nghi nơi họ về một đối tượng còn mơ hồ để tạo nên một sự bừng tỉnh, cởi bỏ mọi ràng buộc nơi trí tuệ để tiếp cận chân lí đích thực.
C. KẾT LUẬN
Việc sử dụng lối nói ẩn ngôn đã làm cho những vấn đề uyên áo của đạo Phật trở nên gần gũi với người đọc, đồng thời cũng thấy được sự tài năng, uyên bác và tinh thần nhập thế của Tuệ Trung Thượng sĩ. Qua việc sử dụng lối nói nghịch ngữ, ẩn dụ, so sánh và kiểu kết cấu vận động chuyển hóa giữa các mặt đối lập và đối chiếu qua mặt phẳng giúp cho người đọc nhận rõ được bản chất của vấn đề. Mọi sự vật, hiện tượng đều do con người mặc định cho nó tính đúng sai, cho nên cần phải phá bỏ thành lũy của những định kiến, cố chấp, trói buộc những cảm xúc lầm lạc trong việc tìm kiếm các chân lí. Tâm tĩnh lặng thì tất cả là một, còn tâm sai biệt thì không thể hòa làm một. Mọi sự phân biệt lầm lẫn chẳng khác nào dẫn người ta đến chỗ tự mua dây để trói buộc mình. Lối nói ẩn ngôn đã tạo nên một khoảng trống lớn, điều này nó kích thích người đọc tư duy sáng tạo, xóa bỏ những tri kiến thông thường để hướng đến con đường đốn ngộ tự giác. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp nhân văn sáng ngời cho thơ Thiền nói riêng và nền văn học Lý - Trần nói chung.
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị Thu Hiền (2009), Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ thiền Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM.
2. Trần Thị Hoa Lê (2020), Triết lí Thiền tông của Trần Tung trong nguồn mạch Tam giáo hòa đồng đời Lí - Trần, Truy cập 15/7/2021, nguồn: http://nguvan.hnue.edu.vn/
3. Đỗ Thị Vân Oanh (2013), Tinh thần nhân văn trong thơ thiền Tuệ Trung, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM.
4. Huệ Thiên (2013), Những dòng thơ đời của Tuệ Trung Thượng sĩ, Truy cập 15/7/2021, nguồn: https://quangduc.com/
5. Đoàn Thị Thu Vân (1992), Một vài nhận xét về thơ thiền Lý Trần, Tạp chí văn học, số 2, tr.35.
6. Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam thế kỷ X – thế kỷ XIV, NXB Trung tâm nghiên cứu Quốc học và NXB Văn Học.
7. Đoàn Thị Thu Vân (1998), Thơ thiền Lý Trần, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
8. Đoàn Thị Thu Vân (2014), Thiền đạo và nghệ thuật thơ ca thời Lý Trần, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, số 55.
9. Đoàn Thị Thu Vân, Thơ thiền Việt Nam thời Lý – Trần – Khảo sát từ góc độ nghệ thuật, Chuyên đề cao học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM.
10. Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988