BÀI TÓM TẮT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
TÊN ĐỀ TÀI: “KHÔNG VÀ CHẲNG TRONG TIẾNG VIỆT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA LÝ THUYẾT BA BÌNH DIỆN: KẾT HỌC - NGHĨA HỌC - DỤNG HỌC”
MỞ ĐẦU
- Lý do chọn đề tài
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, từ luôn có hình thức không biến đổi dù ở bất kì vị trí nào, với chức năng ngữ pháp nào trong câu. Vì là ngôn ngữ đơn lập nên các quan hệ ngữ pháp, ý nghĩa ngữ pháp được biểu thị chủ yếu thông qua hai phương thức ngữ pháp là trật tự từ và hư từ (ngoài ra còn có phương thức trọng âm và phương thức ngữ điệu). Hư từ tuy không có ý nghĩa từ vựng rõ nét như thực từ nhưng là phương tiện biểu thị phần lớn các phạm trù ngữ pháp giữa từ với từ, giữa câu với câu, đoạn văn với đoạn văn v.v. Vì vậy việc tìm hiểu rõ hư từ được xem là chìa khóa để giải mã các phạm trù ngữ pháp.
Thông qua việc khảo sát cách nói năng của người Việt, chúng tôi nhận thấy không, chẳng là hai hư từ được sử dụng với một tần suất khá cao và đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau. Cùng thuộc nhóm phó từ mang ý nghĩa phủ định, có chức năng phủ định sự vật, hiện tượng, hành động, tính chất… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp chúng lại có những điểm khác biệt nhau. Để thấy được nét tương đồng và khác biệt của hai từ loại này, chúng tôi sử dụng mô hình lý thuyết ba bình diện: kết học – nghĩa học – dụng học. Hệ hình lý thuyết này có thể bao quát được các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ từ hình thức, nội dung đến các vấn đề liên quan đến người dùng. Vì vậy chúng tôi lựa chọn đề tài “Không và chẳng trong tiếng Việt dưới góc nhìn của lý thuyết ba bình diện: kết học - nghĩa học - dụng học” để nghiên cứu. Việc ứng dụng mô hình lý thuyết ba bình diện vào nghiên cứu không, chẳng trong tiếng Việt giúp chúng tôi có thể nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ nhất về hai hư từ này.
- Lịch sử nghiên cứu
Không và chẳng trong tiếng Việt đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến với tư cách là hư từ, phó từ phủ định, những từ đồng nghĩa với nhau, có sự khác nhau về mức độ phổ biến trong sử dụng. Tuy nhiên chúng vẫn chưa được mô tả đầy đủ các đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng do chỗ các nhà nghiên cứu thường đặt chúng trong nhóm đối tượng nghiên cứu rộng hơn và chỉ dừng lại ở các khái quát mang tính tổng quan. Trong khóa luận này, dựa trên ngữ liệu khảo sát, chúng tôi đi sâu phân tích đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng của hai từ này.
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là không và chẳng trong tiếng Việt nhìn từ ba bình diện: kết học, nghĩa học, dụng học; trong đó, chúng tôi hướng đến mô tả đặc điểm riêng của từng từ, từ đó so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng.
Phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi khảo sát ngữ liệu từ các tác phẩm văn học, Từ điển tiếng Việt và từ thực tế lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt. Chúng tôi chú trọng các quán ngữ được tạo ra bởi sự kết hợp của không và chẳng với một số từ khác.
Đối với từ không, nó vừa tồn tại như phó từ mang ý nghĩa phủ định, như một thực từ gốc Hán có nghĩa là trống rỗng và vừa tồn tại như một số từ (không/ zêrô). Trong khóa luận này chúng tôi chỉ nghiên cứu không với tư cách là phó từ mang ý nghĩa phủ định.
- Phương pháp nghiên cứu
+ Phương pháp miêu tả
+ Phương pháp so sánh – đối chiếu
+ Phương pháp phân tích
+ Phương pháp thống kê
- Đóng góp của đề tài
Về mặt lý luận: Thực hiện đề tài này chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp một cái nhìn toàn diện về không và chẳng trong tiếng Việt, bổ sung lý thuyết về từ phủ định cũng như các kiểu loại câu được cấu tạo từ từ phủ định; thấy được vai trò và hiệu quả của việc ứng dụng mô hình cấu trúc ba bình diện để nghiên cứu từ loại tiếng Việt.
Về mặt thực tiễn: Kết quả của công trình nghiên cứu này có thể trở thành một tài liệu bổ ích, giúp giáo viên, sinh viên, học sinh thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu về các hư từ mang ý nghĩa phủ định, câu phủ định, các kiểu câu tỉnh lược sử dụng từ phủ định.
- Cấu trúc của đề tài
Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phần nội dung chính của khóa luận được chia làm ba chương:
Chương 1: Không và chẳng nhìn từ bình diện kết học
Chương 2: Không và chẳng nhìn từ bình diện nghĩa học
Chương 3: Không và chẳng nhìn từ bình diện dụng học
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÔNG VÀ CHẲNG NHÌN TỪ BÌNH DIỆN KẾT HỌC
1.1.Dẫn nhập lý thuyết
1.1.1.Bình diện kết học
Bình diện kết học là bình diện nghiên cứu về mặt hình thức của các đơn vị ngôn ngữ như: đặc điểm ngữ pháp, vị trí, chức vụ cú pháp và những cách thức, quy định kết hợp để tạo nên các từ, ngữ đoạn, các kiểu cấu trúc câu, rộng hơn là văn bản.
1.1.2.Thực từ và hư từ
Thực từ là lớp từ có ý nghĩa từ vựng - ngữ pháp, có chức năng biểu thị sự vật, hiện tượng, quá trình, trạng thái, đặc trưng của sự vật. Thực từ có khả năng đảm nhận các thành phần, vị trí trong câu và có khả năng làm thành tố chính trong cụm từ. Là những từ có khả năng một mình tạo thành câu, đồng thời có chức năng gọi tên sự vật, thuộc tính sự vật. Về phân loại, thực từ bao gồm: danh từ, động từ, tính từ, đại từ, số từ.
Hư từ là những từ không có ý nghĩa từ vựng chân thực, không độc lập làm thành câu (trừ một số hư từ chưa bị hư hóa hoàn toàn như không, chưa, đâu, sao, … có thể dùng độc lập trong câu đơn đặc biệt, câu tỉnh lược), không làm trung tâm ngữ đoạn đồng thời không có chức năng gọi tên sự vật, thuộc tính của sự vật, nhưng lại có chức năng ngữ pháp nhất định, dùng để biểu thị các quan hệ ngữ nghĩa - cú pháp khác nhau giữa các thực từ, làm chức năng nối kết giữa từ với từ, câu với câu, đoạn văn với đoạn văn. Về phân loại: Hư từ gồm phụ từ, quan hệ từ, tình thái từ, thán từ
1.1.3.Quán ngữ
Quán ngữ được hình thành trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, nó mang tính khẩu ngữ tự nhiên và giàu sắc thái biểu cảm. Về hình thức: quán ngữ là tổ hợp từ được lặp đi lặp lại.Về chức năng, quán ngữ không có chức năng định danh mà chủ yếu dùng để liên kết, chuyển ý, đưa đẩy, rào đón, liên kết hoặc nhấn mạnh nội dung nào đó.
1.1.4.Câu
Câu là đơn vị cơ bản của lời nói, nó là đơn vị giao tiếp nhỏ nhất, là ngôn bản nhỏ nhất, có chức năng diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn.
Người ta có thể phân loại câu theo hai tiêu chí : theo cấu trúc ngữ pháp và theo mục đích nói năng. Phân loại câu theo cấu tạo ngữ pháp thì câu sẽ gồm hai loại lớn là câu đơn và câu ghép. Phân loại câu theo mục đích nói năng sẽ gồm: câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến, câu trần thuật, câu khẳng định, câu phủ định (trong các loại này còn có câu có mục đích trực tiếp, câu có mục đích nói gián tiếp)
1.2. Điểm tương đồng của không và chẳng trên bình diện ngữ pháp
1.2.1. Phân định không và chẳng trong tiếng Việt
Dựa vào các tiêu chí phân định từ loại như chức vụ cú pháp, ý nghĩa ngữ pháp, khả năng kết hợp, chúng tôi thống nhất theo quan điểm của các nhà Việt ngữ học cấu trúc xem không và chẳng là những phó từ phủ định trong tiếng Việt.
1.2.2.Vị trí xuất hiện của không và chẳng trong câu
1.2.2.1.Vị trí đứng đầu câu
Không và chẳng xuất hiện ở vị trí đầu câu trong mô hình cấu trúc: Không (chẳng) những … mà còn.., không chỉ .. mà còn…, có chức năng nối kết hai vế trong câu ghép đẳng lập. Với tư cách là phó từ phủ định không, chẳng đứng đầu câu để phủ định sự vật, hiện tượng, hành động tính chất… Trong cách câu tĩnh lược không và chẳng xuất hiện đầu câu khá nhiều.
Không những Nam đẹp trai mà còn dễ mến.
1.2.2.2.Vị trí đứng ở giữa câu
Không và chẳng đứng ở giữa câu thì thường là những phó từ mang ý nghĩa phủ định. Đây là vị trí không và chẳng xuất hiện nhiều nhất.
Ví dụ:
Người ta đánh chửi cho là phúc nhà mình đấy, không đánh, không chửi, sao có nên thân người được?
(Đôi mắt – Nam Cao)
1.2.3. Khả năng kết hợp của không và chẳng
1.2.3.1. Kết hợp với thực từ để tạo nên các đơn vị ngôn ngữ lớn hơn
Không và chẳng thường kết hợp với các thực từ để tạo nên các đơn vị ngôn ngữ lớn hơn như các ngữ động từ, ngữ tính từ, ngữ danh từ và câu. Về bình diện ngữ, thì thường là những ngữ mang ý nghĩa phủ định, không và chẳng thường đóng vai trò là thành phần phụ trước của ngữ. So với ngữ động từ và ngữ tính từ, thì trong ngữ dạnh từ không và chẳng thường kết hợp hạn chế hơn. Về bình diện câu, chủ yếu là các kiểu câu tĩnh lược có khả năng đứng một mình để phủ định, khẳng định,… về một nội dung được đề cập tới.
1.2.3.2.Không và chẳng kết hợp phó từ mang ý nghĩa phủ định
Không, chẳng có khả năng kết hợp với chính nó để tạo nên cấu trúc phủ định kép. Ngoài ra không và chẳng còn kết hợp với các từ phủ định khác như: đâu, nào…để tạo nên ý nghĩa khẳng tuyệt đối. Tuy nhiên kiểu kết hợp này không phải đứng liên tiếp nhau mà là kiểu kết hợp gián đoạn.
Ví dụ:
(3) Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng?
(Ca dao)
1.2.3.3.Kết hợp với các hư từ khác để tạo nên các quán ngữ
Không, chẳng kết hợp với hư từ hề để tạo ra quán ngữ không hề, chẳng hề nhằm làm tăng ý nghĩa diễn đạt, phủ định một sự việc, một vấn đề, một hành động mang sắc thái phủ định mạnh hơn, đứt khoát hơn khi không và chẳng đứng một mình.
Kết hợp với các từ chỉ thời gian như: bao giờ, khi nào, lúc nào, mấy lúc, bao giờ, mấy khi… các từ chỉ không gian như đâu, ở đâu, chỗ nào, chốn nào… để tạo nên các tổ hợp từ biểu đạt sự phủ định về thời gian, không gian.
Không và chẳng còn kết hợp với các từ khác để tạo nên các quán ngữ tình thái như: không lẽ, chẳng may, không biết chừng, chẳng biết chừng, không khéo, không chừng, không ngờ rằng, chẳng dấu gì, chẳng ngờ, chẳng thà…
1.2.4.Chức năng trong câu
1.2.4.1.Chức năng tạo câu mang ý nghĩa phủ định
Câu phủ định toàn bộ
Để phủ định nòng cốt của câu thì không và chẳng nằm trong kiểu kết hợp: Không (chẳng) phải + C-V , không (chẳng) phải là + C-V, không (chẳng)… đâu. Thường dùng để phủ định bác bỏ một nội dung nào đấy.
Câu phủ định bộ phận
Không và chẳng trong chức năng tạo câu phủ định bộ phận khi chúng đứng trước các bộ phận của câu như: vị ngữ, chủ ngữ, bổ ngữ, định ngữ, trạng ngữ…để phủ định.
1.2.4.2. Chức năng tạo câu mang ý nghĩa khẳng định
Một từ phủ định không bao giờ làm thành câu khẳng định. Không và chẳng muốn xuất hiện trong câu mang ý nghĩa khẳng định thì phải tồn tại dưới hình thức phủ định của phủ định. Thông thường một câu khẳng định chứa hình thức phủ định của phủ định thường có mức độ khẳng định cao hơn câu khẳng định thông thường.
Ví dụ:
(4) Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em.”
(Đêm sao sáng – Nguyễn Bính)
1.2.4.3.Chức năng tạo câu tĩnh lược
Về chức năng tạo câu tĩnh lược, không và chẳng tham gia vào chức năng tạo câu tĩnh lược chủ ngữ và câu tĩnh lược vị ngữ
Ví dụ:
(5) “Không nghe tiếng thét của Mai nữa” => Tỉnh lược chủ ngữ (Tnú)
(Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành)
1.2.4.4.Chức năng nối kết các vế trong câu ghép
Không và chẳng đảm nhiệm chức năng nối kết các vế trong câu ghép đẳng lập với mô hình cấu trúc: Không những….mà…; Chẳng những… mà….; Không chỉ….mà….; các câu ghép có vế đầu là phủ định, vế sau là khẳng định trong mô hình cấu trúc: Không (chẳng)phải C1-V1 mà C2-V2…
Ngoài ra không và chẳng đảm nhiệm chức năng nối kết các vế trong câu ghép có cấu trúc Không thể A mà không B, Chẳng lẽ A mà không
1.3. Điểm khác nhau giữa không và chẳng trên bình diện ngữ pháp
1.3.1 Về vị trí xuất hiện trong câu
Bên cạnh sự xuất hiện ở đầu câu và giữa câu, không còn có khả năng xuất hiện ở cuối câu nghi vấn, câu trả lời mang ý nghĩa phủ định, khẳng định.
So với chẳng, thì không trong một số trường hợp vừa xuất hiện ở vị trí thực từ, vừa xuất hiện ở vị trí hậu thực từ. Không xuất hiện nhiều hơn trong quá trình tạo lập diễn ngôn của người Việt.
1.3.2.Khả năng kết hợp
Về khả năng kết hợp thì không có khả năng kết hợp rộng rãi hơn. Ngoài khả năng kết hợp trên, không còn kết hợp với tình thái từ: Ôi không!; Ồ không!; À không!; Không nhé!; Không nha!; Không ạ!; Không nhá!; Không mà!; Không thôi!; Không ư!; Không chứ!; Không nhỉ!... với quan hệ từ biểu thị quan hệ điều kiện, giả thiết, kết quả : nếu không, thì không…
Chẳng hạn chế kết hợp với danh từ hơn không. Một số trường hợp chỉ có chẳng mới kết hợp được như: Chẳng thà, chẳng hạn, chẳng hạn như, chẳng qua, chẳng hóa ra…
1.3.3.Chức năng tạo câu
Ngoài những kiểu câu trên, phó từ không còn có khả năng tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến, và câu tĩnh lược khi đứng một mình, còn chẳng thì ít xuất hiện trong các kiểu câu này
CHƯƠNG 2: KHÔNG VÀ CHẲNG NHÌN TỪ BÌNH DIỆN NGHĨA HỌC
2.1. Dẫn nhập
Bình diện nghĩa học là bình diện của “sự tình” được biểu thị và những vai trò “tham gia” cái sự tình ấy. Bộ môn ngữ nghĩa học nghiên cứu nghĩa biểu hiện (nghĩa miêu tả, nghĩa mệnh đề) và nghĩa tình thái:
Nghĩa biểu hiện là những tính chất đã được cố định hóa và trở thành nét nghĩa theo quy ước của cộng đồng người sử dụng ngôn ngữ, có tính chất có sẵn và bắt buộc, nó phản ánh cái sự tình của thế giới được nói đến trong câu.
Nghĩa tình thái là thái độ, cách đánh giá của người nói đối với nội dung thông báo của phát ngôn, đối với hiện thực và đối với người nghe. Trong nghĩa tình thái chia làm hai loại: tình thái khách quan và tình thái chủ quan
Tình thái chủ quan: thể hiện thái độ, cách đánh giá của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.
Tình thái khách quan: cũng nêu nhận xét, đánh giá về sự việc được phản ánh trong câu nhưng ở góc độ khách quan. Khách quan được hiểu là tiêu chí được dùng để nhận xét dựa vào thực tế khách quan và có thể dùng để kiểm tra tính đúng sai của sự đánh giá. Tình thái khách quan chia làm hai loại: tình thái khẳng định mang tính khách quan, và tình thái phủ định
2.2. Điểm tương đồng của không và chẳng trên bình diện nghĩa học.
2.2.1. Không và chẳng trong cấu trúc nghĩa miêu tả của câu
2.2.1.1. Phủ định các kiểu sự tình trong câu
Phủ định sự tình biểu thị hành động
Phủ định sự tình quá trình
Phủ định sự tình trạng thái
Phủ định sự tình tư thế
Phủ định sự tình quan hệ
Để phủ định các kiểu sự tình trên, phần lớn không và chẳng trực tiếp đứng trước các vị từ để phụ định, hoặc trong kiểu kết hợp không, chẳng + phải (là) + vị từ.
2.2.1.2. Phương tiện phủ định các tham thể trong câu
Muốn phủ định tham tố, người ta thường chêm xen yếu tố phủ định ngay trước tham tố đó. Tuy nhiên không phải trường hợp nào không và chẳng cũng là phương tiện để phủ định các tham tố.
Không và chẳng phủ định tham tố khi chúng đứng một mình hoặc xuất hiện trong tổ hợp từ không (chẳng) phải + tham tố , không (chẳng) phải là + tham tố hoặc kiểu rút gọn không (chẳng) + tham tố của cấu trúc không (chẳng) + có + tham tố.
Chẳng đứng trước diễn tố thứ nhất để phủ định chủ thể (ai) của hành động đánh.
2.2.2. Phương tiện để diễn đạt ý nghĩa tình thái chủ quan trong câu
2.2.2.1. Chẳng - phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái chủ quan
Trong câu, chẳng có thể trực tiếp bộc lộ một sắc thái đánh giá chủ quan của bản thân người nói. Ngoài ra, chẳng còn kết hợp với nhóm động từ tình thái và các phụ từ tiếp diễn đồng nhất, để tạo nên các quán ngữ tình thái nhằm thể hiện rõ thái độ, đánh giá của người nói đối với sự tình, hoặc đối với nội dung sự tình, tham tố của sự tình.
(7) Mày chẳng biết gì hết.
Câu này thể hiện thái độ đánh giá về năng lực của người nói đối với người nghe.
2.2.2.2. Không - phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái chủ quan
Không là một phụ từ trung hòa về sắc thái biểu cảm. Không chỉ đảm nhiệm chức năng là phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái chủ quan khi nó kết hợp với các từ loại khác để tạo nên các quán ngữ tình thái. Cũng giống như chẳng, không kết hợp với nhóm động từ tình thái và các phụ từ tiếp diễn đồng nhất, để tạo nên các quán ngữ tình thái nhằm thể hiện rõ thái độ, đánh giá của người nói đối với sự tình, hoặc đối với nội dung sự tình và tham tố của sự tình.
Ngoài ra không còn khả năng kết hợp với các tình thái từ: Ôi không!; Ồ không!; À không!; không nhé!; không nha!; không ạ!; không nhá!; không mà!, không thôi!; không ư!; không chứ!; không nhỉ!... để tạo nên các ý nghĩa tình thái chủ quan của người nói.
2.2.3. Một số ý nghĩa khác mà không và chẳng biểu thị
2.2.3.1. Không, chẳng với chức năng bác bỏ một ý kiến
Không và chẳng phải nằm trong các tổ hợp không phải, chẳng phải, chẳng phải là, không phải là, không đâu… thường dùng để phản bác một ý kiến, một nhận định nào đó.
(8) Em nói Nam nghỉ học à?
Chẳng phải em nói.
Ví dụ: Dùng để biểu thị quan hệ tăng tiến
Không và chẳng dùng để biểu thị quan hệ tăng tiến, khi chúng xuất hiện trong mô hình Không (chẳng) những... mà còn, không (chẳng) chỉ... mà còn... Trong kiểu cấu trúc này, vế thứ nhất thường biểu thị ý nghĩa khẳng định, còn vế thứ hai thường biểu thị quan hệ tăng tiến.
Ví dụ:
(9) Hoa không chỉ xinh mà còn học rất giỏi.
2.2.3.2. Làm chức năng như một lời đáp phủ định/ khẳng định
Không và chẳng được sử dụng rất nhiều trong câu trả lời mang ý nghĩa phủ định, khẳng định , nhất là kiểu câu nghi vấn.
(10) Có phải con làm vỡ lọ hoa không?
Không phải con.
2.3. Điểm khác biệt giữa không và chẳng trên bình diện nghĩa học
2.3.1. Khác biệt trong sắc thái đánh giá của người nói đối với người nghe và đối tượng được nói đến trong câu.
Không và chẳng cùng có chức năng là phủ định như nhau nhưng mỗi hư từ lại có những sắc thái ý nghĩa phủ định khá riêng biệt.
Nếu không là một phó từ trung hòa về sắc thái biểu cảm, là phương tiện để diễn đạt ý nghĩa tình thái khách quan, muốn biết được thái độ của người nói đối với người đối thoại hoặc phát ngôn của người đối thoại thì cần phải dựa vào tình thái của các câu trước đó hoặc tình huống giao tiếp, ngữ điệu. Thì chẳng ngoài chức năng thông báo thì nó còn mang sắc thái của người đánh giá chủ quan của người nói, người viết.
(11) “Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy, chẳng béo chỉ làng nhang”
(Tự trào – Nguyễn Khuyến)
Trong hai câu thơ trên, nếu như thay bằng hư từ không thì hai câu thơ cũng mang ý nghĩa phủ định tính chất, tuy nhiên nó không kèm sắc thái đánh giá chủ quan của người nói mà chỉ mang tình thái đánh giá khách quan.
2.3.2. Khác nhau về mức độ phủ định
Chẳng cũng mang sắc thái phủ định được dùng có nghĩa tương đương với không tuy nhiên nó có nghĩa phủ định mạnh, dứt khoát hơn không, được dùng những khi cần thiết để nhấn mạnh ý nghĩa phủ định.
(12) “Sau hàng chục đêm thức chong bên tay lái, tưởng như họ cứ nằm xuống là con mắt sẽ díp lại, vậy mà chẳng ai buồn ngủ cả”
(Mãnh trăng cuối rừng – Nguyễn Minh Châu)
Chẳng được dùng với ý nghĩa phủ định dứt khoát hơn không. Nếu trong câu trên chúng ta thay chẳng thành không thì nội dung hoàn toàn không thay đổi nhưng sắc thái diễn đạt thì sẽ không được dứt khoát như trong cách diễn đạt có dùng phó từ chẳng.
2.3.3. Một số chức năng ngữ nghĩa khác của phó từ không
Ngoài chức năng trên, không còn đảm nhiệm một số chức năng khác như: làm chức năng để hỏi, chức năng biểu thị thái độ cấm đoán, ra lệnh, chức năng nhấn mạnh
Đối với những câu biểu thị ý chí quyết đoán, quyết tâm hay hành động tuyên bố thì chúng ta chỉ sử dụng không còn chẳng thì không xuất hiện trong các câu này. Nhiều trường hợp cùng kết hợp với một thực từ, nhưng khi không xuất hiện trước hoặc sau thực từ đó thì ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
2.3.4. Một số chức năng ngữ nghĩa khác của phó từ chẳng
Từ chẳng trong ngữ cố định chẳng hạn, chẳng hạn như.., có chức năng đưa ra dẫn chứng làm rõ câu chủ đề hay một luận điểm nào đó mà người nói đưa ra.
Chẳng khi kết hợp với từ qua thì nó có chức năng giải thích chứng minh cho nguyên nhân của hành động, sự việc, tính chất nào đó.
Chẳng trong tổ hợp chẳng hóa ra dùng để dẫn nhập tình huống mới phát hiện hay có tác dụng giải thích, người nói như vỡ lẽ ra một sự thật nào đấy.
Trong thơ ca, chẳng được sử dụng để tạo nên tính nhạc và bộ lộ cảm xúc dễ hơn không .
CHƯƠNG 3: KHÔNG VÀ CHẲNG NHÌN TỪ BÌNH DIỆN DỤNG HỌC
3.1. Dẫn nhập
Bình diện ngữ dụng học nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với người sử dụng và mối quan hệ giữa ngôn ngữ với một tình huống giao tiếp cụ thể. Đây được xem là cái đích nghiên cứu cuối cùng của ngôn ngữ học.
3.1.1. Hành động ở lời
Hành động ở lời là hành động được thực hiện bởi người nói khi tạo ra một phát ngôn trong một ngữ cảnh cụ thể, thể hiện mục đích của người nói đối với người nghe khi thực hiện phát ngôn. Hành động ở lời có đích là bày tỏ mong muốn được giải đáp điều người nói chưa rõ.
3.1.2. Nghĩa hàm ẩn
Nghĩa hàm ẩn là nghĩa không được biểu hiện trực tiếp nhờ các yếu tố ngôn ngữ mà chỉ được suy ra dựa trên cơ sở nghĩa tường minh và ngữ cảnh giao tiếp, đồng thời căn cứ vào những quy tắc chung trong giao tiếp ngôn ngữ cộng đồng.
3.1.3 Lập luận
Lập luận là đưa ra những luận cứ dựa vào những lý lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận hay chấp nhận một kết luận nào đó mà người nói muốn hướng tới.
3.1.4. Hội thoại
Hội thoại là một hoạt động cơ bản của giao tiếp bằng ngôn ngữ, trong đời sống hằng ngày.
Nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice được chia thành bốn phương châm:
+ Phương châm về lượng
+ Phương châm về chất
+ Phương châm quan yếu
+ Phương châm về cách thức
3.1.5. Cấu trúc thông tin trong phát ngôn
Trong giao tiếp, người phát thường chuyển tải một hoặc nhiều thông tin nhất định, trong đó có cấu trúc thông tin. Cấu trúc tin của mỗi phát ngôn thường gồm có hai phần: Phần tin cũ hay phần tin đã biết, tin cho sẵn và phần tin mới.
3.2. Điểm tương đồng của “không” và “chẳng” trên bình diện dụng học
3.2.1. Không và chẳng trong cấu trúc thông tin của phát ngôn
Trong cấu trúc thông tin của phát ngôn, không và chẳng cũng có chức năng đánh dấu phần tin mới khi chúng làm chức năng thông báo hoặc trong lời đáp phủ định/ khẳng định. Đối với kiểu câu tĩnh lược, thì phần tin cũ thường bị lược bỏ. Không và chẳng trong kiểu câu này thường đảm nhận chức năng đánh dấu thông tin mới.
Trong cấu trúc thông tin, thì tiêu điểm thông tin được xem là phần quan trọng, là phần mà người nói, người nghe tập trung chú ý nhất và giúp người nghe hiểu đúng ý đồ mà người nói người viết thông báo. Trong nhiều trường hợp, không và chẳng được xem là phương tiện đánh dấu tiêu điểm thông tin của phát ngôn. Không và chẳng có thể trực tiếp đứng trước tiêu điểm hoặc đứng trước các lớp từ đánh dấu tiêu điểm thông tin như: cũng, vẫn, sẽ, đã….để làm rõ hơn tiêu điểm thông tin. Ngoài ra để nhấn mạnh tiêu điểm, người phát còn sử dụng không, chẳng để phủ định một ý kèm theo phát ngôn chứa tiêu điểm.
Ví dụ:
(13) Cô giáo đến lớp không?
- Cô giáo chẳng đến.
Cô giáo là phần tin đã biết, còn chẳng đến là phần tin mới, có chức năng thông báo cho người hỏi biết là sự vắng mặt của cô giáo.
3.2.2. Chức năng tổ chức lập luận
3.2.2.1. Đóng vai trò là kết tử lập luận
Không và chẳng trong kiểu cấu trúc: Không những A mà còn B; Chẳng những A mà còn B; Chẳng A thì cũng B; Không A thì cũng B; Không phải A mà là B; Chẳng phải A mà là B…đóng vai trò là kết tử lập luận, có chức năng nối kết hai hoặc một số phát ngôn thành một lập luận duy nhất. Đồng thời tăng hiệu lực lập luận và đi tới định hướng kết luận.
3.2.2.2. Đóng vai trò là tác tử lập luận
Không và chẳng đóng vai trò là tác tử phủ định và tác tử bác bỏ. Trong cấu trúc lập luận, chúng ta thêm các tác tử phủ định, bác bỏ vào thì các luận cứ, dẫn chứng sẽ bị mâu thuẫn với kết luận (tức là trái với lẽ thường), cho nên cần phải thay đổi kết luận. Vì vậy không và chẳng được xem là những tác tử phủ định dùng để định hướng và thay đổi kết luận.
Ví dụ:
(14) Chẳng những hoa sen đẹp mà còn tượng trưng cho sự thanh khiết của tâm hồn Việt Nam.
3.2.2.3. Tham gia vào tổ chức kết luận trong cấu trúc lập luận.
Kết luận là điều được rút ra sau khi đã phân tích, giải thích, chứng minh trong quá trình lập luận. Kết luận là cái đích cuối cùng của lập luận. Đó có thể là sự khẳng định hay phủ định, có thể là sự bộc lộ thái độ hay tình cảm. Trong cấu trúc lập luận, không và chẳng xuất hiện khá nhiều trong kết luận mang ý nghĩa khẳng định, hoặc phủ định.
(15) Nó học giỏi nên đỗ đại học
Khi ta thêm tác tử phủ định không hoặc chẳng (Nó học chẳng giỏi) vào thì để phù hợp với lẽ thường thì buộc kết luận phải thay đổi (Nên không đỗ đại học).
3.2.3. Phương tiện thể hiện hàm ý hội thoại
Không và chẳng không chỉ bổ sung ý nghĩa cho các thực từ để hoàn chỉnh ý nghĩa tường minh của câu mà còn là những phương tiện thể hiện nghĩa hàm ẩn trong hội thoại khi chúng xuất hiện trong cấu trúc câu hỏi có hành động ở lời gián hoặc trong những câu cố ý vi phạm phương châm hội thoại như: phương châm về lượng, phương châm về cách thức, phương châm quan yếu. Bởi lẽ không và chẳng không tự mình làm phương tiện thể hiện nghĩa hàm ý được.
(16) Liên đếm lại những phong thuốc lào, xếp vào hòm các bánh xà phòng lại, vừa lẩm nhẩm tính tiền hàng. Hôm nay phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì.
(Hai đứa trẻ - Thạch Lam)
Hàm ý: đáng lẽ ngày phiên chợ thì phải bán được nhiều hàng hơn ngày thường. Vì vậy câu nói này đã vi phạm phương châm cách thức, nói không rõ ràng.
3.2.4. Chức năng đưa đẩy, rào đón trong giao tiếp
Trong giao tiếp, để tránh sự hiểu lầm của người nghe về tính chân thực của hành động ngôn ngữ trong phát ngôn, giảm bớt sự phản ứng tiêu cực của người nghe khi phát ngôn được nói ra, đồng thời tạo nên tính lịch sự, tế nhị trong giao tiếp, giảm thiểu mức độ áp lực cho người tiếp nhận thông tin hồi đáp thì người nói thường dùng những lời rào đón, đưa đẩy. Không và chẳng không tự thân có chức năng đưa đẩy rào đón trong giao tiếp, chúng chỉ thực hiện chức năng ấy khi tham gia vào hình thành các quán ngữ tình thái như: Nếu tôi không nhầm thì, tôi nhớ không rõ nhưng, tôi không dám chắc, nói không phải nịnh, chẳng qua, không khéo thì, không có nghĩa lý gì, chẳng giấu gì, chẳng lẽ, chẳng hóa ra, không biết chừng, chẳng mấy khi, không dám….
3.3. Điểm khác biệt giữa không và chẳng trên bình diện ngữ dụng
3.3.1. Đánh dấu thông tin mới trong cấu trúc thông tin.
So với chẳng thì không trong cấu trúc thông tin có khả năng đánh dấu thông tin mới và tiêu điểm thông tin khi một mình tạo thành câu đơn tĩnh lược.
(17)“Ba má có đi đây không? – dạ không”
( Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)
Những người cán bộ không biết ba má của hai chị em Việt, Chiến có đi theo hay không, cho nên cần cung cấp thông tin mới. Dạ không! Được xem là thông tin mới, đồng thời cũng là tiêu điểm của phát ngôn.
3.3.2. Phương tiện thể hiện hàm ý trong câu nghi vấn không chính danh
Trong kiểu câu nghi vấn không chính danh, phó từ không tham gia vào thực hiện chức năng tạo hàm ý cho phát ngôn, còn chẳng thì không có chức năng này.
(18) Anh có đồng hồ không?
Đặt trong ngữ cảnh đối tượng A không có đồng hồ, nhưng muốn biết mấy giờ rồi thì dùng câu này để hỏi đối tượng B, hỏi không nhằm mục đích đối tượng B có mấy giờ không, mà muốn biết mấy giờ. Còn trong ngữ cảnh đối tượng A đi uống cà phê cùng với một đối tượng B nào đấy, nhưng vì đối tượng B nói chuyện chán quá, hoặc đối tượng A có việc bận thì dùng câu này với hàm ý rằng chúng ta nên kết thúc cuộc trò chuyện ở đây. Đây cũng có thể là câu của cấp trên trách cứ cấp dưới khi đi trễ hoặc làm trễ một công việc nào đấy.
3.3.3. Những tác động của ngữ cảnh đối với việc sử dụng không và chẳng trong tiếng Việt
Không được sử dụng rộng rãi trong mọi ngữ cảnh giao tiếp từ hoàn cảnh giao tiếp thân mật, không mang tính chất chính thức xã hội cho đến hoàn cảnh giao tiếp trang trọng, nghi thức.
Chẳng thì chỉ xuất hiện nhiều trong hoàn cảnh giao tiếp thân mật, không mang tính chất chính thức xã hội.
3.3.4. Không và chẳng trong cấu trúc của một cuộc thoại
Trong cấu trúc của một cuộc thoại, Không thường xuất hiện nhiều trong phần mở thoại hơn là chẳng. Trong mở thoại, không thường được sử dụng nhiều hơn chẳng trong các kiểu câu hỏi chính danh về sức khỏe, gia đình, công việc, …
3.3.5. Khả năng xuất hiện trong các phong cách chức năng.
Không - một từ trung hòa về sắc thái biểu cảm, nên có thể xuất hiện hầu hết trong các phong cách chức năng, còn chẳng là mang sắc thái biểu cảm chủ quan nhiều hơn phó từ không, nên không xuất hiện trong phong cách ngôn ngữ trung hòa về sắc thái biểu cảm, ít bộc lộ cảm xúc như: phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ chính luận.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở xác lập những nền tảng lý thuyết và việc khảo sát không và chẳng từ các tác phẩm văn học, Từ điển tiếng Việt, từ thực tế lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt cũng như việc căn cứ vào mục tiêu của khóa luận. Chúng tôi đã đạt được một số kết quả như sau:
Trên bình diện kết học
Về phân định không và chẳng trong tiếng Việt, chúng tôi cho rằng không và chẳng là những phó từ mang ý nghĩa phủ định.
Về vị trí trong câu, với tư cách là phó từ mang ý nghĩa phủ định, không và chẳng thường đứng đầu câu và giữa câu để phủ định. Xuất hiện nhiều ở vị trí thành phần phụ trước của ngữ động từ và ngữ tính từ.
Về khả năng kết hợp, không và chẳng kết hợp với các thực từ để tạo nên các đơn vị ngôn ngữ lớn hơn như ngữ đoạn, câu…vv. Ngoài ra hai phó từ này còn kết hợp với các phó từ phủ định để tạo nên ý nghĩa khẳng định, kết hợp với các hư từ khác để tạo nên các quán ngữ dùng để nhấn mạnh hoặc các ngữ chuyên phủ định không gian, thời gian.
Xét về khả năng cấu tạo câu, không và chẳng có chức năng tạo câu phủ định, câu tĩnh lược, chức năng nối kết các vế trong câu ghép đẳng lập, và câu ghép có vế đầu là phủ định, vế sau là khẳng định.
Thông qua việc khảo sát không và chẳng trên bình diện kết học, chúng tôi nhận thấy phó từ không đảm nhiệm nhiều chức năng ngữ pháp hơn:
+ Không có thể xuất hiện ở vị trí cuối câu và trong nhiều trường hợp không vừa xuất hiện được ở vị trí tiền thực từ vừa có thể xuất hiện ở vị trí hậu thực từ.
+ Phó từ không có khả năng kết hợp rộng rãi hơn
+ Phó từ không có khả năng tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến mang ý nghĩa cấm đoán. Tạo câu tĩnh lược khi đứng một mình.
Trên bình diện nghĩa học
Trên bình diện nghĩa, không và chẳng đảm nhiệm chức năng phủ định các kiểu sự tình trong câu như phủ định sự tình biểu thị hành động, quan hệ, trạng thái, tư thế, quá trình. Trong một số trường hợp không và chẳng tham gia vào phủ định các tham thể trong câu, tuy nhiên chúng chỉ chiếm số lượng ít hơn so với chức năng phủ định nội dung sự tình do các vị tố đảm nhiệm.
Về chức năng diễn đạt ý nghĩa tình thái trong câu, thì chẳng có khả năng bộc lộ một sắc thái đánh giá chủ quan của người nói. Còn không là một phụ từ trung hòa về sắc thái biểu cảm.
Ngoài hai chức năng trên, Không và chẳng còn đảm nhiệm chức năng bác bỏ một ý kiến, một nhận định, biểu thị ý nghĩa tăng tiến, làm chức năng như một lời đáp khẳng định, phủ định.
Về mức độ phủ định, chẳng cũng mang sắc thái phủ định được dùng có nghĩa tương đương với không tuy nhiên nó có nghĩa phủ định mạnh, dứt khoát hơn không. Nhiều trường hợp cùng kết hợp với một thực từ, nhưng khi không xuất hiện trước hoặc sau thực từ đó thì ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Trên bình diện dụng học
Trên bình diện dụng học, Không và chẳng được xem là phương tiện đánh dấu phần tin mới trong cấu trúc thông tin của phát ngôn. Trong nhiều trường hợp, không và chẳng được xem là phương tiện đánh dấu và làm nổi bật rõ tiêu điểm thông tin của phát ngôn.
Trong cấu trúc lập luận, không và chẳng tham gia vào cấu trúc lập luận với vai trò kết tử lập luận, có chức năng nối kết hai hoặc một số phát ngôn thành một lập luận duy nhất. Đồng thời tăng hiệu lực lập luận và đi tới định hướng kết luận. Ngoài việc đóng vai trò là những kết tử lập luận thì không và chẳng còn đóng vai trò là những tác tử phủ định và tác tử bác bỏ dùng để định hướng, thay đổi kết luận.
Hai phó từ này không chỉ bổ sung ý nghĩa cho các thực từ để hoàn chỉnh ý nghĩa tường minh của câu mà còn là những phương tiện thể hiện nghĩa hàm ẩn trong hội thoại khi chúng xuất hiện trong cấu trúc câu có hành động ở lời gián tiếp, hoặc trong những câu cố ý vi phạm phương châm hội thoại.
Không và chẳng thực hiện chức năng đưa đẩy rào đón trong giao tiếp, khi chúng tham gia vào hình thành các quán ngữ tình thái dùng để đưa đẩy, rào đón trong giao tiếp.
Không khi đứng một mình vẫn có thể tạo ra thông tin mới, đồng thời cũng là tiêu điểm của phát ngôn. Phó từ không còn xuất hiện trong câu hỏi không chính danh để thực hiện chức năng tạo hàm ý cho phát ngôn.
Không được sử dụng rộng rãi trong mọi ngữ cảnh giao tiếp. Còn phó từ chẳng thì chỉ xuất hiện nhiều trong hoàn cảnh giao tiếp thân mật, không mang tính chất chính thức xã hội. Chính vì điều này mà phó từ không xuất hiện hầu hết trong các phong cách chức năng, còn chẳng xuất hiện khá ít trong phong cách ngôn ngữ chính luận và phong cách ngôn ngữ khoa học.