I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc văn bản sau:
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lứa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như có
Không ai gieo mọc trắng mặt người.
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong...
(Trích Miền Trung, Hoàng Trần Cương, Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX,
NXB Văn hóa Thông tin, 2006, tr. 81-82)
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1: Xác định thể thơ và chủ thể trữ tình của văn bản.
Câu 2: Liệt kê một số hình ảnh diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung.
Câu 3: Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vẻ đẹp đẹp tâm hồn của người miền Trung được thể hiện trong hai câu thơ:
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Câu 4: Nhận xét cấu tứ của bài thơ.
Câu 5: Chỉ ra điểm tương đồng trong cảm xúc, tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên với hai câu thơ trong bài Nói với con của Y Phương: Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/ Sống trên đá không chê đá gập gềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói.”
II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ phần Đọc - hiểu.
Câu 2 (4 điểm): Từ góc nhìn của người trẻ, anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về quan niệm sống: Hạnh phúc bắt đầu từ những điều bình dị.
Tài liệu miễn phí - khi sao chép vui lòng dẫn nguồn: https://hocvancungricky.com