TÊN ĐỀ TÀI TIỂU LUẬN
ĐẶC ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA CON NGƯỜI NHÂN VĂN TRONG THƠ CA SƠ KỲ TRUNG ĐẠI VÀ MẠT KỲ TRUNG ĐẠI
CHUYÊN NGÀNH VĂN HỌC VIỆT NAM
MỤC LỤC
1. Một số vấn đề chung
1.1. Khái niệm nhân văn và con người nhân văn
1.2. Khái quát về con người nhân văn trong thơ ca sơ kì trung đại
1.3. Khái quát về con người nhân văn trong thơ ca mạt kì trung đại
2. Điểm khác nhau giữa con người nhân văn trong thơ ca sơ kì trung đại và mạt kì trung đại
2.1. Con người nhân văn với ý thức trách nhiệm với đất nước
2.2. Con người nhân văn với bản lĩnh khẳng định cái tôi cá nhân
2.3. Con người nhân văn trong vẻ đẹp hài hòa với thế giới tự nhiên
2.4. Con người nhân văn với vẻ đẹp của lòng nhân ái
2.5. Lí giải nguyên nhân khác biệt giữa con người nhân văn trong thơ ca sơ kì trung đại và mạt kì trung đại
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Một số vấn đề chung
1.1. Khái niệm nhân văn và con người nhân văn
Trong phạm vi bài luận này chúng tôi sử dụng khái niệm của PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân trong cuốn Con người nhân văn trên thi đàn Việt Nam sơ kỳ trung đại. Theo tác giả “thuật ngữ "nhân văn" được hiểu hiểu theo ý nghĩa từng từ tố, "nhân" là người, "văn" là vẻ đẹp. "Nhân văn" có thể hiểu như là những giá trị đẹp đẽ của con người.” [7, tr5]
"Con người nhân văn được hiểu như là hình tượng nghệ thuật về con người mang tính nhân văn, tức con người mang vẻ đẹp người (về trí tuệ, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh...) được biểu hiện trong tác phẩm văn học. [7, tr6]
1.2. Khái quát về con người nhân văn trong thơ ca sơ kỳ trung đại
Con người nhân văn trong thơ ca giai đoạn từ thế kỉ X đến giữa thế kỷ XV được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình phục hưng, bảo vệ đất nước trước kẻ thù. Chế độ phong kiến khá ổn định, lý tưởng “trí quân trạch dân” được đề cao, bên cạnh là sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Chính vì vậy, con người nhân văn giai đoạn này có những đặc điểm riêng biệt so với các thời kỳ khác. Đó là những con người có sự uyển chuyển trong suy nghĩ, linh hoạt trong cách sống, tùy duyên mà hành động, tùy ngộ mà có cách cư xử hợp lẽ phải, thấm đượm giáo lí nhà Phật. Chú trong sự hòa hợp với thiên nhiên, hòa hợp với con người. Hướng đến một tinh thần nhân ái, giàu yêu thương, tinh thần nhập thế, chú trọng đời sống thực tiễn. Và đặc biệt là yêu nước mang âm hưởng ngợi ca
1.3. Khái quát về con người nhân văn trong thơ ca mạt kỳ trung đại
Giai đoạn giữa thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX được xem là chặng đường cuối cùng, phát triển rực rỡ nhất của văn học trung đại. Giai đoạn này gắn liền với những năm tháng bi thương của dân tộc, mâu thuẫn trong nội bộ triều đình, thực dân pháp đến xâm lược, nhà Nguyễn bán nước cho giặc. Hoàng loạt cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra nhưng cũng nhanh chóng dập tắt, nhân dân đói khổ, lầm than. Chính vì vậy đối tượng phản ánh của văn học được mở rộng. Con người nhân văn trong giai đoạn này vẫn là vẫn đề cập đến ý thức trách nhiệm với đất nước, sự hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng cơ bản nhất vẫn là tình yêu và khát vọng hạnh phúc lứa đôi, tình cảm đời thường. Đây được xem là giai đoạn kết tinh cho truyền thống nhân văn của người Việt.
2. Đặc điểm khác nhau giữa con người nhân văn trong thơ ca sơ kỳ trung đại và mạt kỳ trung đại
2.1. Con người nhân văn với ý thức trách nhiệm với đất nước
Nhìn lại tiến trình vận động và phát triển của văn học trung đại, có thể nói tinh thần yêu nước là một nội dung xuyên suốt. Tùy vào mỗi thời kỳ mà ý thức trách nhiệm và bổn phận với đất nước được thể hiện trực tiếp hay gián tiếp, nổi bật hay ẩn sâu.
Con người nhân văn với ý thức trách nhiệm với đất nước trong thơ ca sơ kỳ:
Sơ kỳ trung đại được xem là một giai đoạn hưng thịnh của chế độ phong kiến sau một nghìn năm Bắc thuộc, gắn liền với các chiến công hiển hách của dân tộc. Chính vì thế âm hưởng chính của văn học giai đoạn này là hào hùng. Hình tượng con người xuất hiện trong văn học là con người cộng động – sống theo chuẩn mực đạo đức của Nho gia, mang trong mình một lí tưởng “trí quân trạch dân”. Từ thiền sư cho đến quan lại, vua chúa đều khẳng định vai trò, trách nhiệm và bổn phận với đất nước: “Đoạt sáo Chương Dương độ,/Cầm Hồ Hàm Tử quan./Thái bình tu nỗ lực,/Vạn cổ thử gian san.”(Tụng giá hoàn kinh sư – Trần Quang Khải). Với ngôn ngữ hàm súc, ngắn gọn, hai câu thơ đầu đã tái hiện lại khung cảnh chiến trường với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc với một giọng văn sảng khoái, hào hùng. Dù giành thắng lợi nhưng vị tướng – nhà thơ không ngủ quên trên chiến thắng. Hai câu cuối lại là một kế sách mới về giữ gìn nền thái bình được đặt ra. Qua đó, ta thấy được tầm nhìn xa trông rộng của Trần Quang Khải trước bối cảnh của đất nước.
Có thể nói, tinh thần yêu nước trở thành một nội dung cốt yếu nhất của văn học giai đoạn từ thế kỉ X - XIV. Mỗi cá nhân đều có cách thể hiện tình yêu với đất nước khác nhau, nhưng nhìn chung đều hướng tới khát vọng thái bình, thịnh trị, khẳng định niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Một Phạm Ngũ Lão đại diện cho các đấng nam nhi bộc lộ chí hướng, khí phách của người anh hùng qua bài thơ Tỏ lòng. Một thiền sư với tinh thần nhập thế, đã đưa ra kế sách để xây dựng và bảo vệ đất nước “Vô vi cư điện các” – Quốc Tộ, Pháp Thuận. Hay đó còn là nỗi trăn trở về tuổi già đã đến mà thù nước trả chưa xong “Thù nước chưa xong đầu đã bạc” – Cảm hoài, Đặng Dung. Là nỗi suy tư, chất vấn bản thân khi không làm gì cho đất nước“Sáu mươi năm trong cõi trần/ Quay đầu nhìn lại lấy làm xấu hổ với chức vị gián quan.”- Đề huyền thiên quán, Trần Nguyên Đán. Tất cả tạo nên một bức tranh đa sắc màu về ý thức trách nhiệm, xây dựng và bảo vệ đất nước, hầu hết họ đều là những con người có công lớn trong việc đánh thắng quân xâm lược nhưng đa phần họ đều tự nhận thấy bản thân còn yếu kém, thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu. Phải chăng đó là sự khiêm nhường, một khát khao được cống hiến nhiều hơn thế nữa.
Sang thế kỉ XV, 1400 Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, 1407 giặc Minh sang xâm lược nước ta. Sự yếu kếm của nhà Hồ, sự độc ác của quân Minh càng làm cho nhân dân khốn khổ lầm than. Trước bối cảnh đó, người anh hùng Lê Lợi dấy lên khởi nghĩa Lam Sơn, quân thù vắng bóng thì cũng là lúc các quyền thần, nịnh thần trở nên lộng hành, khiến cho những con người “trung quân ái quốc” như Nguyễn Trãi rơi vào bi kịch. Cả một cuộc đời cống hiến cho triều đình nhưng cuối cùng lại phải rơi đầu trước lưỡi dao của chính nơi ông khao khát được dốc hết sức mình. Dù đôi lúc chán nản trước thời cuộc nhưng trong thơ Nguyễn Trãi lý tưởng vì nước vì dân, sự hòa quyện giữa yêu nước, yêu dân vẫn luôn sáng ngời trong từng vần thơ: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.” (Thuật hứng bài 5- Nguyễn Trãi)
Con người nhân văn với ý thức trách nhiệm với đất nước trong thơ ca mạt kỳ:
Bước sang giai đoạn giữa thế kỉ XVIII đến hết XIX, chế độ phong kiến rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên ở Đà Nẵng, báo hiệu cuộc chiến sắp nổ ra. Nhà Nguyễn bạc nhược, nhanh chóng thỏa hiệp rồi đầu hàng giặc. Đời sống nhân dân cơ cực, lầm than, các giá trị Nho giáo dần dần bị đảo lộn, các mối quan hệ vua-tôi, cha-con, chồng-vợ… dần dần bị rạn nứt. Đội ngũ nhà Nho chân chính bị chênh vênh về lí tưởng, họ rơi vào bi kịch của thời đại, tự nhận mình là những con người thừa của xã hội. Vì vậy mà ý thức trách nhiệm và bổn phận với đất nước ở giai đoạn này hoàn toàn khác biệt với giai đoạn sơ kỳ trung đại. Họ không còn ca ngợi, tự hào với chế độ triều đình mà họ đang sống. Tình cảm dành cho dân chúng đã đặt cao hơn tình cảm cho vua. Tư tưởng “trung quân” bị mất phương hướng, họ không còn tin vào những vị vua chúa hèn nhát, ăn chơi sa đạo, sống sung túc trên sự đói khổ, lầm than của dân. Đó là lý do trong giai đoạn này rất nhiều tác giả cất lên tiếng nói châm biếm, phê phán xã hội. Từ bộ máy chính quyền cho đến chế độ khoa cử được tái hiện với tất cả những gì xấu xa, mục rỗng nhất.
Lần đầu tiên trong văn học, người phụ nữ dám cất lên tiếng nói phê phán những thói hư tật xấu của giai cấp phong kiến bằng một giọng điệu mỉa mai, trào phúng: “Chúa dấu vua yêu một cái này” (Vịnh cái quạt - Hồ Xuân Hương). Vua, chúa, hiền nhân quân tử đối với bà chỉ là những kẻ ham mê sắc dục, không còn là những con người trong khuôn mẫu của lễ giáo phong kiến. Từ việc nhận ra sự yếu kém của họ, Hồ Xuân Hương đã dũng cảm nói lên khát vọng được cống hiến cho đất nước: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân Hương)
Đối với xã hội phong kiến, người phụ nữ thường gắn liền với những cái tầm thường trong khuôn mẫu giới, họ không có quyền được tham gia vào những việc hệ trọng của đất nước. Nên ta có thể thấy được cái khao khát được làm con trai của Hồ Xuân Hương vừa thấy được bi kịch của người phụ nữ vừa thấy được ý thức trách nhiệm của bà đối với đất nước.
Bộ máy cai trị qua cái nhìn của Nguyễn Khuyến chỉ là những thằng hề: “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề!”(Lời vợ anh phường chèo - Nguyễn Khuyến). Mượn lời của một người vợ đang mắng người chồng làm nghề hát chèo để nói lên sự khủng hoảng niềm tin đối với bộ máy chính quyền.Với Nguyễn Khuyến, Vua, quan lúc này cũng chỉ là những thằng hề, diễn vai trên dân khấu mà không biết được vai trò thật của mình trong xã hội là gì.
Trong chế độ phong kiến, khoa bảng là thứ mà tất cả người con trai đều ao ước, nó gắn liền với khát vọng hiển vinh, đỗ đạt ra làm quan, giúp nước giúp đời. Tuy nhiên trong giai đoạn này, thi cử vinh danh lại gắn liền với sự nhố nhăng kệch cỡm, trở thành thước đo của đồng tiền: “Nhân tài đất Bắc nào ai đó? Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà” (Vịnh khoa thi Hương năm Ðinh dậu - Tú Xương). Hai câu thơ là sự đau xót, tủi nhục, một sự thức tỉnh của Tú Xương trước hiện thực của đất nước.
Không chỉ phê phán, châm biếm bộ máy chính quyền, họ còn vạch ra bộ mặt của thế thái nhân tình, một xã hội với sự lên ngôi của đồng tiền, các giá trị nhân nghĩa đứng bên bờ vực thẳm, các mối quan hệ bị đảo lộn: “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược/ Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi” (Thế tình bạc bẽo - Nguyễn Công Trứ)
Và cuối cùng, một điểm độc đáo nhất về con người nhân văn với ý thức trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn mạt kỳ trung đại với giai đoạn sơ kỳ trung đại là nỗi suy tư, trăn trở, chấn vấn bản thân, bất lực trước thời cuộc. Một Nguyễn Du than thở cho hùng tâm tráng chí của mình chưa thành mà tóc đã bạc “Lưu lạc bạch đầu thành để sự” - U cư. Đó còn là một Nguyễn Khuyến tự trào, tự cười chính bản thân mình, ông tự nhận mình là kẻ bỏ cuộc “Cờ đương dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng” (Tự trào). Một Nguyễn Công Trứ từng hào hứng trước lí tưởng trung quân, tuyên ngôn về chí làm trai “Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông – Đi thi tự vịnh) nhưng rồi đến những năm cuối đời “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” - Vịnh cây thông, lại là một nỗi đau về kiếp làm người.
Tiểu kết: Ở giai đoạn sơ kỳ trung đại, con người nhân văn với ý thức trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước gắn liền với âm hưởng ngợi ca, hào hùng, tự hào, gắn liền với lý tưởng “trí quân trạch dân”. Trong giai đoạn mạt kỳ trung con người nhân văn với ý thức trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước gắn liền với âm hưởng bi thương hơn, xuyên suốt là một nỗi buồn, bi kịch của những nhà nho chân chính trước thời cuộc “chênh vênh giữa lí tưởng và bối cảnh xã hội”
2.2. Con người nhân văn với bản lĩnh khẳng định cái tôi cá nhân
Con người nhân văn với bản lĩnh khẳng định cái tôi cá nhân trong thơ ca sơ kỳ:
Nhìn chung trong giai đoạn sơ kỳ trung đại chủ yếu là con người công dân gắn bó với trách nhiệm và vận mệnh của dân tộc. Kiểu con người cá nhân xuất hiện khá mờ nhạt và không phong phú so với các giai đoạn sau.
Đầu tiên đó là nhu cầu giãi bày sự cô đơn của con người giữa không gian bao la, vô tận. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng, nỗi cô đơn trong giai đoạn này chỉ là sự thoáng qua, chứ không phải là một đặc trưng cho kiểu con người nhân văn trong giai đoạn này. Là một nỗi buồn, cô đơn khó diễn tả thành lời, chỉ có bản thân mình hay: “Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm,/Nhàn môn võ sự khả quan tâm./Cá trung khúc phá vô nhân hội,/Duy hữu tùng phong họa thử âm.” (Tự thuật, kỳ 2 – Trần Thánh Tông). Bài thơ là sự giải bày một tấm lòng sâu kín của một bậc quân vương. Cả ngày dài thảnh thơi, gảy một khúc đàn không điệu, gợi lên một cuộc sống nhàn nhã. Nhưng đến hai câu thơ cuối lại toát lên một nỗi cô đơn, không tìm thấy được tri kỉ, chính vì vậy mà khi gảy một cây đàn không điệu thì khúc nhạc trong lòng vẫn trào dâng. Nỗi cô đơn trong thơ ca sơ kỳ trung đại không ủy mị, thở than mà mang một ý nghĩa triết học.
Hay trong bài Đối cơ của Tuệ Trung thượng sĩ là một ví dụ điển hình cho sự vượt thoát khỏi khuôn phép:“Ra vào trong nước đái trâu,/Chui rúc giữa đống phân ngựa.” Việc sử dụng hình ảnh nước đái trâu, đống phân ngựa để giải thích cho khái niệm thanh tịnh đã cho thấy sự phá bỏ mọi ràng buộc, vươn đến sự tự do trong suy nghĩ, hành động, cái tôi cá nhân được phép thổ lộ.
Và có lẽ sự khẳng định ý thức cá nhân trong giai đoạn này rõ ràng nhất đó chính là Nguyễn Trãi. Là một người mang trong mình lý tưởng trí quân trạch dân cho nên thơ ca ông nói rất nhiều đến vấn đề trách nhiệm với đất nước. Song cũng có một số bài nói về ý thức cá nhân. Tiêu biểu nhất là bài thơ Cây chuối: “Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm /Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm/Tình thư một bức phong còn kín/Gió nơi đâu gượng mở xem.”(Cây chuối - Nguyễn Trãi). Trong cuốn Văn học trung đại Việt Nam tập I, Nguyễn Đăng Na (chủ biên) đã có cách lí giải bài thơ này khá độc đáo “Nguyễn Trãi mượn hình tượng cây chuối để thể hiện một cảm xúc sâu sắc, kín đáo nhưng không kém phần sôi nổi, rạo rực: cảm hứng về thiên nhiên, tuổi trẻ.” [2, tr134). Thực vậy, đây không đơn thuần là bài thơ miêu tả cây chuối đơn thuần mà thực chất là mượn hình ảnh cây chuối để diển tả một tình cảm e ấp giữa chàng trai và và cô gái trong khuôn khổ lễ giáo phong kiến.
Con người nhân văn với bản lĩnh khẳng định cái tôi cá nhân trong thơ ca mạt kỳ:
Ý thức cá nhân trong thơ ca sơ kỳ trung đại chưa rõ nét, nhìn chung vẫn chịu sự chi phối của đặc trưng thi pháp trung đại thì đến sang giai đoạn mạt kỳ trung đại cái tôi cá nhân trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Đây được xem là một nét đặc trưng khu biệt với giai đoạn trước. Cũng là sự giải bày nỗi cô đơn, nhưng trong thơ ca mạt kỳ trung đại là một nỗi cô đơn dung dị, đời thường. Không còn là một cách nói chung chung mà được thổ lộ một cách trực tiếp: "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" (Độc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du)
Ý thức cá nhân được thể hiện rõ nét nhất qua thơ của Hồ Xuân Hương. Lần đầu tiên trong văn học mà người phụ nữ dám dũng cảm nói lên những uất hận trong lòng về nỗi khổ làm lẽ, nỗi khổ dở dang, nỗi khổ góa bụa. Mượn những vần thơ để lên án, tố cáo chế độ phong kiến cho phép nam giới năm thê bảy thiếp gây ra biết bao mảnh đời bất hạnh. “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung” là lời uất hận của một trái tim khao khát được yêu, được dâng hiến nhưng lại rơi vào chính bi kịch của đời mình. Hay đó còn là một Hồ Xuân Hương chân thành, chủ động trên con đường kiếm tìm hạnh phúc: “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi.”(Mời trầu – Hồ Xuân Hương)
Hay đó còn là một cái tôi “tự trào” trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Cả hai tác giả đều có xu hướng lấy chính bản thân mình để làm đối tượng trào phúng. Trong tiếng cười tự trào ấy là nỗi đau xót trước bi kịch của chính bản thân mình. Vịnh tiến sĩ giấy là một tiếng cười chua xót “Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi” của Nguyễn Khuyến khi bản thân từng đỗ đầu ba kỳ thi, được gọi là “Tam Nguyên Yên Đỗ” nhưng không cống hiến được gì khi đất nước lâm nguy. Tú Xương cũng không ngần ngại cười cợt tài năng của chính bản thân mình, thậm chí còn kể ra những thói hư tật xấu của ông: “Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ/ Rượu chè trai gái đủ tam khoanh” (Tự cười mình – Tú Xương)
Tiểu kết: Có thể nói con người nhân văn với ý thức khẳng định cái tôi cá nhân trong thơ ca sơ kì trung đại chỉ chiếm một vị trí khá ít, nó không phải đặc trưng trong giai đoạn này. Đối với mạt kì trung đại, ý thức khẳng định cái tôi cá nhân được xem là một đặc trưng nổi trội của văn học giai đoạn này. Điều này cũng thấy được, sự vận động, phát triển của văn học trung đại từ tính quy phạm sang sự pháp vỡ tính quy phạm.
2.3. Con người nhân văn trong vẻ đẹp hài hòa với thế giới tự nhiên
Thiên nhiên được xem là một trong những đối tượng được nhắc đến khá nhiều trong thơ ca sơ kỳ và mạt kỳ trung đại. Cả hai giai đoạn đều thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, tuy nhiên vẫn nhận thấy được điểm khác biệt giữa hai giai đoạn này.
Đối với sơ kỳ trung đại, thiên nhiên mang đậm ý vị thiền, mượn thiên nhiên để chuyển tải những bài học, giáo lý của đạo Phật và sự thanh tịnh trong tâm hồn: “Dạ khí phân lương nhập hoạ bình,/ Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh./Trúc đường vong thích hương sơ tẫn,/ Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh.” (Tảo thu - thiền sư Huyền Quang). Bề nổi của bài thơ là một bức tranh mùa thu tươi mát, yên bình nhưng ẩn sâu xa là sự tĩnh lặng trong tâm hồn “quên bẵng hương vừa tắt”, quên mình để hòa nhập trọn vẹn với thiên nhiên, vũ trụ. Đó còn là hình ảnh con người từng bước bừng sáng sự giác ngộ.
Thiên nhiên là nguồn cảm hứng, khơi nguồn ngọn bút trong bài Hạnh An Bang phủ - Trần Thánh Tông. Thiên nhiên còn gắn liền với chiến công hiển hách của dân tộc, mấy chục năm sau chiến thắng trên sông Bạch Đằng trong bài Bạch Đằng giang của Trần Minh Tông.
Đó còn là một tâm hồn rộng mở, giao cảm với những cảnh vật bình dị ở thôn quê trong thơ ca Nguyễn Trãi. Từ quả núc nác, lảnh mồng tơi, bè rau muống vốn gần gũi, quen thuộc với nhân dân nhưng lại có phần xa lạ với văn chương bác học được Nguyễn Trãi đưa vào thơ một cách tự nhiên. Giữa thiên nhiên và nhà thơ không còn khoảng cách:“Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn/ Ủ ấp cùng ta làm cái con” (Ngôn chí-bài 20 - Nguyễn Trãi)
Sang giai đoạn mạt kỳ trung đại, sự hòa hợp với thiên nhiên được thể hiện rõ ở khía cạnh thiên nhiên mang tâm trạng của con người. Như đại thi hào Nguyễn Du đã nói “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương được nhân hóa lên, thiên nhiên không còn mang vẻ vô tư, hồn nhiên như sự vốn có mà mang cả tâm tình của thi sĩ. Đá cũng có tình cảm trai gái yêu nhau trong bài Đá ông chồng bà chồng. Hay hình ảnh trăng cũng biết hẹn hò, đợi chờ:“Năm canh lơ lửng chờ ai đó?/ Hay có tình riêng với nước non?” (Vấn nguyệt – Hồ Xuân Hương). Điều này khác với thơ Thiền trong sơ kỳ, các thiền sư thường dùng ánh trăng để thể hiện sự bừng sáng trong tâm hồn.
Các nhà nho trong giai đoạn mạt kì trung đại thường mượn thiên nhiên để bộ lộ tâm sự, nỗi niềm yêu nước của bản thân mình. Đọc bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến, thoáng qua bài thơ là một bức tranh mùa thu trong trẻo, tĩnh lặng, nhưng đằng sau vẻ đẹp của thiên nhiên ấy là một trái tim lo lắng trước vận mệnh của đất nước, một con người cô đơn, buồn bã, bất lực trước thời cuộc.
Tiểu kết: xét ở khía cạnh mối quan hệ với thiên nhiên, thì con người nhân văn trong thơ ca sơ kì trung đại là sự hài hòa với thiên nhiên, tìm thấy ở thiên nhiên là sự thanh tịnh trong tâm hồn. Còn mạt kì trung đại, các nhà thơ thường có xu hướng mượn thiên nhiên để bày tỏ, gửi gắm những suy tư, trăn trở về cuộc đời của chính bản thân mình.
2.4. Con người nhân văn với vẻ đẹp của lòng nhân ái
Con người nhân văn với vẻ đẹp của lòng nhân ái trong thơ ca sơ kỳ trung đại thường gắn với tình yêu quê hương đất nước, nỗi lo lắng cho nhân dân trước thiên tai dịch bệnh: “Niên lai hạ hạn hữu thu lâm,/ Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm./Tam vạn quyển thư vô dựng xứ,/Bạch đầu không phụ ái dân tâm (Nhâm Dần lục nguyệt tác- Trần Nguyên Đán). Bài thơ là đau xót của Trần Nguyên Đán trước nỗi đau mất mùa của nhân dân lao động. Hai câu cuối là sự buồn phiền của ông khi mái đầu đã bạc phơ mà yêu dân vẫn còn nợ, ba vạn sách dầy cũng không thể giúp dân thoát khỏi lũ lụt, hạn hán.
Bên cạnh đó, lòng nhân ái còn thể hiện rõ trong tình cảm cha con cảm động trong thơ Nguyễn Trãi “Quân thân cha báo lòng canh cánh/ Tình phụ cơm trời áo cha” (Ngôn chí, bài 7- Nguyễn Trãi). Hay đó còn là một tình bạn trong sáng“Lòng bạn trăng vằng vặc cao” trong bài Báo kính cảnh giới – bài 40.
Con người nhân văn với vẻ đẹp của lòng nhân ái trong thơ ca mạt kỳ trung đại đa phần cũng giống như sơ kỳ trung đại, tuy nhiên được mở rộng biên độ phản ánh. Lần đầu tiên mà tình cảm vợ chồng được đi vào thơ ca một cách tươi sáng, đẹp đẽ: “Dạ dạ thủ không sang/ Hải nguyệt chiếu cô mộng (Tự quân chi xuất hỷ - Cao Bá Quát). Đó còn là tấm lòng nâng niu, thương xót đối với trẻ con trong bài Mộng vong nữ của Cao Bá Quát.
Tiểu kết: Nhìn chung trong thơ ca sơ kì trung đại, con người nhân văn gắn với vẻ đẹp của lòng nhân ái thường gắn với những tình cảm chung, còn ở mạt kì thì được mở rộng thêm các mối quan hệ cá nhân, đặt biệt là tình cảm dành cho người phụ nữ.
2.5. Lý giải nguyên nhân khác biệt giữa con người nhân văn trong thơ ca sơ kỳ trung đại và mạt kỳ trung đại
Thứ nhất, do bối cảnh lịch sử hai giai đoạn khác nhau. Nhìn chung giai đoạn sơ kỳ trung đại chế độ phong kiến tương đối ổn định, không rối rắm, phức tạp nên con người trong giai đoạn này không có nhiều tâm sự u uẩn. Sang mạt kỳ trung đại chế độ phong kiến khủng hoảng một cách trầm trọng, đời sống con người bị đe dọa, nên văn học cất lên tiếng nói để bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người.
Thứ hai, do chữ viết. Sơ kỳ trung đại sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán. Mạt kỳ trung đại ngoài chữ Hán còn có thêm chữ Nôm. Sự phong phú về chữ viết cũng thúc đẩy sự phát triển của văn học.
Thứ ba, do lực lượng sáng tác. Trong thơ ca sơ kỳ trung đại, lực lượng sáng tác chủ yếu là thiền sư, vua, quan, nhà nho. Sang giai đoạn mạt kỳ trung đại, xuất hiện một lực lượng sáng tác mới, ngoài nhà nho còn có nho sĩ ở ẩn, nho sĩ bình dân, nho sĩ quan liêu. Vì vậy con người nhân văn trong giai đoạn mạt kỳ trung đại dần thoát li dần tính chất bác học mà gắn với sự bình dị, đời thường.
Thứ tư, bản chất của văn học là sự sáng tạo, văn học luôn tự tìm cách làm mới mình, vì vậy không thể giai đoạn nào đối tượng phản ánh của văn học đều giống nhau.
KẾT LUẬN
Con người nhân văn trong thơ ca sơ kì trung đại, mạt kì trung đại đều mang vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và bản lĩnh. Ở mỗi giai đoạn sẽ có cách thể hiện các vẻ đẹp này theo nhiều hướng khác nhau. Thông qua việc đặt con người nhân văn của hai giai đoạn vào bốn tiêu chí để so sánh, chúng tôi nhận thấy một số điểm khác biệt như sau:
Con người nhân văn trong thơ ca sơ kì trung đại
|
Con người nhân văn trong thơ ca mạt kì trung đại
|
Chủ yếu là con người cộng đồng, mang vẻ đẹp lý tưởng của thời đại
|
Chủ yếu là con người cá nhân với những cảm xúc đời thường (tình người, tình yêu và hạnh phúc)
|
Yêu nước gắn liền với lý tưởng trung quân ái quốc.
|
Yêu nước gắn liền với thương dân
|
Hài hòa với thiên nhiên, tìm thấy niềm vui, sự thanh tịnh ở thiên nhiên
|
Mượn thiên nhiên để bộc lộ tâm tư tình cảm, nỗi niềm yêu nước
|
Tinh thần nhân ái gắn liền với tình cảm chung của dân tộc
|
Tinh thần nhân ái gắn liền với những tình cảm đời thường, tình yêu, hạnh phúc
|
Cảm hứng chủ đạo: yêu nước
|
Cảm hứng chủ đạo: yêu nước và nhân đạo
|
Chủ thể trữ tình: nam giới
|
Chủ thể trữ tình: nữ giới, nam giới
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Thời Đôn (1997), Văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, Đại học Huế, Trường đại học sư phạm.
2. Nguyễn Đăng Na (chủ biên), (2012), Văn học trung đại Việt Nam tập 1, NXB Đại học sư phạm.
3. Ngô Thị Kiều Oanh (2013), Chất trào phúng trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến và Tú Xương, Tạp chí khoa học ĐHSP TPHCM, số 46.
4. Nguyễn Hữu Sơn (2014), So sánh trào lưu nhân văn trong văn học Hàn – Việt thế kỷ XVIII-XIX, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, trang 47-57.
5. Lã Nhâm Thìn (2017), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, tập 1, NXB giáo dục.
6. Lã Nhâm Thìn (2016), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, tập 2, NXB giáo dục.
7. Đoàn Thị Thu Vân (2006), Con người nhân văn trên thi đàn Việt Nam sơ kỳ trung đại, Trường đại học sư phạm TP.HCM.
8. Đoàn Thị Thu Vân (2008), Văn học trung đại Việt Nam - thế kỉ X đến nửa cuối thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục.
9. Lê Trí Viễn (1976), Lịch sử văn học Việt Nam tập 4A, NXB giáo dục.
10. https://www.thivien.net/