Banner cho bài viết:BÀI VIẾT PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN KHI NGƯỜI TA TRẺ CỦA PHAN THỊ VÀNG ANH
Ôn tập Ngữ Văn 12

BÀI VIẾT PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN KHI NGƯỜI TA TRẺ CỦA PHAN THỊ VÀNG ANH

VĂN BẢN KHI NGƯỜI TA TRẺ 

      Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...

    1. Cô tự tử bằng thuốc ngủ. Không ai cứu được vì cô là sinh viên y và lại hay đọc tiểu thuyết, nên cô dùng thuốc với liều chết thật chắc chắn, ở một nơi không ai có thể can thiệp được. Còn lại mình bà sống trong căn nhà rộng, hằng ngày đốt nhang cho hai bàn thờ của ông và của cô.

    Bà tôi nói với mẹ: "Để con Hoàn về với bà". Mẹ tôi không vui nhưng biết sao! Công việc của tôi là đi học, đi chợ, làm vài việc vặt. Bà tôi nấu ăn, nuôi gà, tưới phong lan và gắng giữ sao cho cả một ngày dài lúc nào hương cũng lập lòe trên hai bàn thờ.

    2. Cô là một người đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận; ăn nói ác độc, kiêu căng mà rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều. Cô nhiều bạn nhưng chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê; là một người không bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn, trong ngăn kéo còn lại vô số những bản tự cam kết. Sẽ không... Nếu không... Trong tủ đầy những mảnh vải thêu cắt dở dang, những cuốn tiểu thuyết gập góc ở những trang gần cuối. Thích đấy rồi chán đấy, cô làm khối kẻ điên tiết...

    3. Rồi cô cũng dừng chân lại. Người cô yêu (hơn là người yêu cô) cả tính tình lẫn dáng vẻ đều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi tôi, nghĩa là thua cô hai tuổi. Sau lưng, cô cũng gọi nó là thằng - thằng Vỹ. Hẹn, nó không đến, cô chửi: "Đồ khốn nạn!". Nó đến, cô lại ngỏn ngoẻn đi chơi, không hề dám giận. Mười một giờ đêm cô về, có bữa vui vẻ kể đủ chuyện, có bữa lặng lẽ lên giường ngủ thẳng. Bố tôi bảo: "Coi chừng!". Bà tôi chỉ cười. "Nói thì nó làm ngược lại. Thôi kệ!".

    4. Kệ! Cô tôi vẫn đi đi về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu" này đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hằng ngày, từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh, mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ cô tôi ở lại trơ vơ tráo váo. Dăm bữa sau anh chàng lê lại với tiền đầy túi không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật model. Cô hỏi "Về làm gì?" "Hết tiền!". "Có gặp Ngân không? Vui không?". "Không, chán rồi! Nó cà chớn lắm!". Cô tôi tự lừa mình mà vui được ít ngày, để rồi sau đó tự an ủi: "Nó còn nói thật là còn yêu!". Khi Vỹ nhịn không được, liền kể cho cô nghe về một căn nhà ở dưới đó, trong một đường hẻm có bán cơm tấm thật ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dóc. "Mệt lắm, chẳng muốn tí nào!". Cái câu than thở này thật chẳng thích hợp tí nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ.

     Mẹ tôi hỏi: "Sao em có thể chịu đựng được cảnh một gà hai mề thế hả Xuyên?". Cô ngồi băm thịt như chém vào mặt thớt, cười nhạt: "Nó có phải chồng em đâu, chơi cho vui vậy thôi. Đi với ai cũng được, ngủ với ai cũng được, em không quan tâm!". Mẹ tôi lí nhí: "Đừng có đùa, em! Rồi khó dứt ra lắm!".

     Khó dứt thật, cô tôi ngày ấy thật khó trở lại với những quán cà phê khiêm tốn, với những buổi đi chơi "chay" ít xu. Thế giới sách vở của cô thu lại bé tí, cô làm những bài thơ tình quanh quẩn chẳng ai thèm đăng, cô viết những trang nhật ký u uẩn chỉ ba nhân vật: cô, Vỹ, Nhân. Cô không dám đề nghị một sự chọn lựa thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn Ngân khi bị dồn vào chân tường.

     5. Hồi ấy, tôi hay sang chơi với bà, phụ bà hái xoài, vú sữa, thông ống máng hay xách nước khi cúp điện... là những công việc không bao giờ cô làm. Cô ngồi ở cái bàn gần cửa sổ có cây hồng xiêm thò cành lá vào, vui thì chơi với hai bà cháu, buồn thì mở nhạc, ngồi viết nhật ký, thư từ, ai đụng đến cũng quạu quọ. Bà bảo tính cô thất thường như ông. Có điều ông không mê chơi, phù phiếm như cô. Bà bảo cô dễ tủi thân, buồn bã nhưng uất quá đến nỗi không khóc được, mặt chỉ lì ra, u ám. Tôi đã từng chứng kiến và hoảng hồn trước bộ mặt này khi cô đợi Vỹ trễ hẹn. Nó dữ tợn và tang tóc. Tôi kể lại, mẹ tôi bảo: "Mày chỉ khéo tưởng tượng!".

     6. Bạn bè cô xa dần. Những anh học trò nghèo hiền lành. Những anh văn nghệ sĩ nửa mùa đang say sưa với cái nghèo tài tử chợt giật mình khi thấy cô đánh đổi tất cả để đến với Vỹ. Họ phân tích bằng cách này hay cách khác, xa hay gần, cho cô thấy rằng Vỹ chỉ là "thằng Vỹ" mà thôi. Một thằng Vỹ ít nói vì không biết gì để nói, một thằng nhà giàu ích kỷ, chơi bời và tàn bạo. Mặc kệ, cô gọi những cái ấy là đàn ông, là amateur. Cứ như vậy, giảng đường trở nên xa lạ với cô và Vỹ. Cúp học liên miên. Thi lại cũng liên miên. Trong ngăn tủ lại thêm rất nhiều những mẩu giấy kể từ mai phải học, phải... nếu không...

     7.... Rồi những tháng hè đến. Cậu Vỹ thì biến đâu mất. Cô tôi càng lầm lì, bỏ cà phê, ca nhạc... Hằng ngày cô vẫn ngồi bên cái bàn cạnh cây hồng xiêm, học bài và viết những trang giấy bé như bàn tay. Bà hỏi: "Con chưa nghỉ hè à?" "Thi lại!". Đây là chuyện cơm bữa, bà tôi cũng chẳng nói gì, lại nhờ tôi làm giúp các việc vặt để cho cô nấu sử sôi kinh.

     Sinh nhật cô, không mưa sụt sùi, không nắng chói chang nhưng cũng chẳng ma nào đến ngoài hai bạn gái cùng lớp khệ nệ mang đến một bó hoa với vài cục xà bông. Cô tôi cắm hoa vào cái ly cũ không cần sửa sang, rồi đặt vào một góc bàn. Ngày ấy, tôi mang quà của bố mẹ tôi sang và nấu cho cô nồi chè. Cô nằm trong màn không thức, không ngủ. Tôi hỏi: "Cô đi uống cà phê với cháu không?". Cô bật dậy ngay: "Đi, ở nhà mệt quá!". Tôi dẫn cô ra quán cà phê Phi Vân là nơi tôi hay uống. Cô ngơ ngáo nhìn đường mới, nhìn xe qua lại, không nói năng gì. Rồi cô hỏi: "Hoàn, cháu có bồ chưa?" "Bạn thôi cô!". Tôi hạnh phúc và ngượng ngùng khi cô hỏi đến "người" của tôi. Cô hỏi: "Làm gì? Có tốt không?" "Học cùng với cháu. Hiền lắm, nông dân lắm, tốt lắm!". Cô cau mày: "Nông dân lắm là sao?" "Là thật lắm, cháu đùa sao cũng tin là thật!". Cô cười một cái cười xanh xao, đôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ. Tôi "lịch sự" hỏi lại: "Tối chú Vỹ mới đến hả cô?" Cô sa sầm: "Không, chẳng ai đến cả. Cô bây giờ ít bạn lắm rồi!". Ít bạn lắm rồi, có thế, vào cái ngày này tôi mới được ngồi với cô ở đây chứ!

     8. Bà tôi nhớ lại, trước khi chết vài ngày, cô vui vẻ lại, đi uống cà phê, mua quà bánh, chở bà đi chơi lung tung: "Con thi xong hết rồi!". Rồi như các tiểu thuyết vẫn có mà chẳng ai ngờ, cô xin đi Long Hải hai ngày. Để ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vũng Tàu. Không một cái thư tạ lỗi như người ta hay làm, không trách móc ai, bên cạnh cũng không có ảnh của ai, chữ của ai. Chỉ có cô và vỉ thuốc trống rỗng.

      Bà tôi mặc cho cô cái áo màu rêu cô hay mặc, cái quần thùng thình cô hay diện đi chơi, chải cho cô cái đầu bụi đời. Cô út đã cho bà một đòn nặng. Cô đi không để lại lý do làm cho mọi người đâm áy náy, mọi người đều kiểm tra lại xem đã có chuyện gì để cô tôi - cái người hay hờn dỗi ấy - tủi thân không?

    Đám tang cô không có "chú Vỹ". Nghe đâu "chú" đi Quy Nhơn chưa về. Ở ngoài ấy, tôi chỉ mong sao sóng cuốn phăng nó đi!

    9.... Hai năm rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết ra điều này hẳn cô đã chẳng tự tử làm gì cho mất công! Bố tôi kết luận: "Con điên! Điên như nó không chết trước cũng chết sau!". Mẹ tôi bảo: "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!". Có hay không, chẳng ai biết được. Nhật ký cô để lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi chơi cũng u ám, đi học cũng u ám. Cái gì cũng có vẻ như không lối thoát. Đến nỗi đọc xong, tôi có cảm giác: "Chết đi là vừa!". Với cái đầu tò mò mà ấm ớ, tôi thử làm một bản tổng kết và qui ra rằng cô đã đổi tất cả đề rồi Vỹ ta cao chạy xa bay; rằng cô đã không chịu nổi cảm giác ở lại thêm một năm học để bị bạn cười thương hại. Mẹ tôi lại bảo: "Vớ vẩn, có đáng gì đâu". Có đáng gì đâu?

     Đáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vườn mưa như giông. Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ! Khi chết, hẳn cô đã tưởng tượng ra mọi người khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài như muốn xuống mồ theo... Than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển. Vui lắm và nắng lắm!

BÀI VIẾT: PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁNỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN KHI NGƯỜI TA TRẺ CỦA PHAN THỊ VÀNG ANH

1. Những điểm mới về nội dung

1.1. Phát hiện mới về tuổi trẻ đương thời

     Phan Thị Vàng Anh được xem là cây bút làm “nóng bầu không khí văn chương” Việt Nam đương đại bởi truyện ngắn của chị mang đến một “hơi thở” mới, một cách nhìn mới về cuộc sống và tâm hồn của những người trẻ tuổi. Truyện ngắn Khi người ta trẻ  đem đến cho người đọc những góc nhìn khác nhau về một cuộc sống đa diện và chân dung, quan điểm sống của một lớp trẻ trong thời đại mới.

     Xuyên (cô tôi) – chân dung của người trẻ tuổi với những quyết định bồng bột.

     Bước vào thế giới nhân vật trong truyện ngắn Khi người ta trẻ, ta bắt gặp chân dung của những người trẻ tuổi với những quyết định bồng bột của tuổi mới lớn.  Nhân vật Xuyên trong truyện ngắn Khi người ta trẻ là một người trẻ điển hình trong thời hiện đại dưới ngòi bút của Phạn Thị Vàng Anh. Xuyên là người có học thức, cô theo học trường Y, đọc tiểu thuyết nhiều nhưng tính tình thì dễ thích rồi cũng dễ chán và  “Cô là một người đầy mâu thuẫn”, sự mâu thuẫn đó được thể hiện thông qua cách mà cô sống, đó là vừa ngông nghênh nhưng lại rất sợ dư luận, ăn nói độc ác nhưng lại là một con người rất tự ti. Cô đắm chìm, khao khát tình yêu với một chàng công tử Bạc Liêu. Nghịch lý ở chỗ là Xuyên biết chắc chắn rằng Vĩ không yêu mình thật lòng nhưng cô vẫn lập lờ, cố gắng gìn giữ, bênh vực cho cái tình yêu mù quáng ấy. Để rồi, khi Vỹ biến mất thì Xuyên trở nên lầm lì, dần từ bỏ những sở thích của mình, cuối cùng là một cái chết khờ dại để chứng minh rằng “khi chết, mọi người sẽ khóc, Vỹ sẽ hoảng loạn, hối hận, ôm lấy quan tài như xuống mồ theo…” nhưng thực sự thì Vỹ vẫn vui chơi, tắm biển “Đám tang cô không có chú Vỹ. Nghe đâu chú đi Quy Nhơn chưa về”. 

     Vỹ - Chân dung của một lớp trẻ thực dụng, vô cảm 

      Xuyên – đại diện cho một cô gái ngây thơ, hồn nhiên, đặt hết tất cả niềm tin vào tình yêu thì Vĩ lại là một chàng trai biết cách để trêu đùa thứ tình cảm ấy. Qua cách giới thiệu của nhân vật tôi, Vỹ hiện lên là “một thằng Vĩ ít nói vì không biết gì để nói, một thằng nhà giàu ích kỷ, chơi bời và tàn bạo.” Vỹ dẹp bỏ bỏ hết cái gọi là chung thủy trong tình yêu. Đối với Vỹ, tình yêu chỉ là những cuộc dạo chơi và hơn hết là một công cụ để kiếm tiền  "công tử Bạc Liêu này đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hằng ngày, từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh, mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ cô tôi ở lại trơ vơ tráo váo. Dăm bữa sau anh chàng lê lại với tiền đầy túi không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật model”. Hơn thế, Vỹ còn khốn nạn như cái tên mà Xuyên gọi Vỹ "Đồ khốn nạn !", bởi trong đáng ma của Xuyên, Vỹ không hề về mà lại đi tắm biển. Có thể nói, kiểu người như Vĩ trong xã hội hiện đại bây giờ tồn tại rất nhiều. Chính họ đã làm mất đi cái giá trị đẹp đẽ nhất đó là tình yêu. 

     Hoàn (tôi) – Chân dung của một lớp trẻ biết hiểu chuyện 

     Nếu như Xuyên, Vĩ là hai nét vẽ đại diện cho chân dung của một lớp trẻ có những suy nghĩ bồng bột, vô cảm thì Hoàn lại là một nét vẽ riêng biệt. Hoàn hiểu rõ được cái giai đoạn tuổi trẻ người ta nghĩ gì, có những hành động điên cuồng ra làm sao “Ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ !”. Điều này khác với góc nhìn của người lớn "Con điên ! Điên như nó không chết trước cũng chết sau !",  "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!". Họ cho rằng những bi kịch mà Xuyên trải qua là một vớ vẩn, tầm phào. Nhưng qua góc nhìn của Hoàn, một đứa trẻ mới chập chững bước vào đời, thì sự bội bạc, vô tâm của tình yêu là một điều có thể làm vụn vỡ, tan nát của tâm hồn. 

     Từ việc tái hiện lại chân dung của tuổi trẻ đương đại qua những chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt, người đọc dường như đang đối diện một thế giới đang mất đi ý nghĩa: sự chờ đợi vô nghĩa, tình yêu vô nghĩa, những ngày đi học đi làm vô nghĩa, những cái chết vô nghĩa, sự trả thù vô nghĩa. 

1.2. Bài học mới về giá trị cuộc sống 

      Cuộc sống hiện đại đã ảnh hưởng rất lớn đến lớp trẻ, từ suy nghĩ đến hành động, lối sống, cách cư xử… Chỉ có đối diện trực tiếp với cuộc sống, va chạm, cọ xát với nó, con người mới có thể tìm lại được chính bản thân mình để có thể hiện diện giữa cuộc đời trong tư thế của một con người đúng nghĩa. Chính vì vậy, trong truyện ngắn Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh ta có thể nhìn thấy, đằng sau những câu chuyện buồn về cuộc sống, sự bi quan, chán nản của con người, thất vọng trong trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc là những giá trị nhân sinh sâu sắc: 

     Thứ nhất, đối với bản thân, hãy tôn trọng những giá trị vốn có của mìn, biết chia sẻ, quan tâm và yêu bản thân nhiều hơn. Không nên thơ ơ, suy nghĩ tiêu cực, hãy sống lạc quan, tự ý thức và thay đổi bản thân để vươn đến những điều tốt đẹp. Đừng thu hẹp bản thân trong cái tôi, trong những khoảng không của sự im lặng.  Và đặc biệt đừng bao giờ có suy nghĩ “thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi” mà kết thúc cuộc đời một cách vô nghĩa.

    Thứ hai, điều cốt lõi nhất của một gia đình hạnh phúc là sự quan tâm, lắng nghe, sẻ chia và thấu hiểu. 

     Thứ ba, trong tình yêu, hãy trân trọng, gìn giữ, yêu thương, nâng niu, cảm thông, chia sẻ cho nhau, đừng làm  tổn  thương nhau.  Hãy ứng xử một cách văn minh nhất trong tình yêu. Đừng chạy theo lối sống hưởng thụ mà quên đi những giá trị, chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống. 

    Thứ tư, trong các mối quan  hệ bạn bè, cần quan tâm, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau. 

    Thứ năm, cần đặt bản thân mình vào câu chuyện của người khác để mà cảm thông, thấu hiểu, tránh cách nhìn nhận đánh giá chủ quan, phiến diện một chiều. 

2. Những điểm mới về nghệ thuật 

2.1 Kết cấu truyện ngắn “Khi người ta trẻ”.

      Kết cấu là toàn bộ tổ chức tác phẩm, phục tùng đặc trưng nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể mà nhà văn tự đặt ra cho mình. Mỗi thiên truyện có một mạch phát triển riêng và một cấu trúc hình tượng riêng. Tất cả những gì là trật tự hợp lý, những quy định có tính chất bắt buộc của một tác phẩm văn xuôi, một thiên truyện ngắn như các trình tự thắt nút, mở nút, các mâu thuẫn, xung đột… đều không được tuân thủ như lẽ chúng phải được tuân thủ. Được tạo thành dưới sự tác động của những cảm xúc và sự hồi tưởng, mạch truyện phát triển như một thôi thúc mong muốn nhận diện lại chính mình. Kết cấu tác phẩm được sử dụng như một phương tiện diễn tả thế giới tâm hồn phức tạp của con người. Không theo bất kỳ một quy định nào, mỗi kiểu tính cách, mỗi số phận được tác giả chọn thể hiện bằng một kết cấu riêng biệt.

      Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh như nhiều người gọi là truyện không có cốt truyện, nhưng thật ra, khả năng mở sau câu chuyện làm ám ảnh mọi người.Truyện có dung lượng rất ngắn, ngắn chỉ vài ba trang - người ta thường gọi là truyện ngắn mini. Tuy dung lượng ngắn nhưng lại chứa đựng nhiều ý tưởng, nhiều mối quan hệ đời sống, và tất cả lại được chứa đựng trong ngôn ngữ và kiểu viết tình cờ, tự nhiên như đó không phải là ngôn ngữ văn chương vậy. 

      Mặt khác, khi nhìn vào hình thức truyện ngắn có thể thấy câu chuyện được chia tách thành những đoạn nhỏ được đánh số từ 1 đến 9, mỗi đoạn sẽ là một mảnh cắt hình ảnh câu chuyện xoay xung quanh nhân vật Xuyên. Điều này đồng thời minh chứng cho một kiểu kết cấu nổi bật mới mẻ trong giai đoạn văn học đổi mới - kết cấu phân mảnh. Sử dụng kiểu kết cấu phân mảnh – lắp ghép là một trong những điểm thể hiện sự cách tân của văn xuôi đương đại. Thông qua kiểu kết cấu này, các nhà văn muốn thể hiện một quan niệm mới về hiện thực. Hiện thực đó không phải là một khối duy nhất mà nó có vô số các mảnh vỡ xuất hiện từ nhiều phương hướng khác nhau. Đó là một hiện thực không toàn vẹn, một hiện thực rời rạc đổ vỡ, rạn nứt, một cuộc sống đang tan rã dần dần, không dễ tìm mối tương giao liên kết. 

     “Khi người ta trẻ”, kết cấu trần thuật được thể hiện rất rõ nét. Truyện ngắn được Phan Thị Vàng Anh tạo một kết cấu hình tượng rất độc đáo. Cốt truyện chỉ đơn giản là nhân vật “tôi” trong ngày giỗ cô mình nhớ lại cô vì yêu một anh chàng tên Vỹ nhưng không được đáp lại nên đã tự tử. Phan Thị Vàng Anh đã khéo léo dựng lên một kết cấu rất riêng khiến cho cốt truyện không nhàm chán mà hấp dẫn, lôi cuốn người đọc ngay từ đầu. Mở đầu truyện “tôi” giới thiệu ngay về ngày giỗ cô mình. Nói ngay về cái chết tức tưởi của cô ra sao. “Cô tự tử bằng thuốc ngủ”. Chính điều đó đã tạo nên một thắc mắc cho độc giả rằng tại sao “cô tôi” lại tự tử khi còn quá trẻ như vậy. Lần theo từng dòng truyện, người đọc mới nắm được mấu chốt của vấn đề. Phần tiếp theo, “tôi” giới thiệu về cô mình, đó là một con người “đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận, ăn nói ác độc, kiêu căng mà lại rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều”. Một vài nét khái quát như vậy đã cho người đọc những ý niệm về nhân vật “cô tôi”. Mối tình của cô và Vỹ mới dần dần hé lộ ở phía sau. Một mối tình tay ba khi “cô tôi” và Ngân được đặt lên bàn cân để Vỹ ta chọn lựa. Thế rồi dần dần Vỹ ta biến mất, cô tôi đau khổ trong điệu bộ bất cần đời ! Đang từ mạch hồi tưởng, truyện trở về với thực tại, “bà tôi nhớ lại trước khi chết vài ngày, cô vui vẻ lại, … cô xin đi Long Hải hai ngày. Để ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vũng Tàu”. Đoạn cuối là những suy nghĩ của mọi người về cái chết của “cô tôi”. Chi tiết cuối cùng của truyện vừa chua chát vừa sâu cay “than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển. Vui lắm và nắng lắm”. Kết cấu như trên tạo ra sự hồi hộp, tò mò cho người đọc. Điều đó góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

2.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn “Khi người ta trẻ”

     - Tác giả đặt nhân vật trong nhiều mối tương quan đời sống: trong truyện ngắn “Khi người ta trẻ”, nhân vật “Tôi” chỉ nhỏ hơn nhân vật “Cô” 2 tuổi; có thể nói Phan Thị Vàng Anh thường để nhân vật tự soi vào một đối tượng cùng trang lứa để nhận thức về mình và để khẳng định mình. 

     - Khi miêu tả nhân vật Phan Thị Vàng Anh ít chú ý đến miêu tả ngoại hình, diện mạo và hành động của nhân vật (hoặc nếu có chỉ là cách tái hiện gián tiếp). Cái mà Phan Thị Vàng Anh muốn hướng tới không phải là bộ mặt hình thức mang là diện mạo tinh thần và phong cách của đối tượng nghệ thuật của mình vận dụng các thủ pháp nghệ thuật để đi sâu vào đời sống tâm lý của mỗi nhân vật “Mẹ tôi hỏi: "Sao em có thể em có thể chịu đựng được cái cảnh 1 gà hai mề thế hả Xuyên ?''. Cô ngồi băm thịt như chém vào mặt thớt, cười nhạt: ''Nó có phải chồng em đâu, chơi cho vui vậy thôi. Đi với ai cũng được, ngủ với ai cũng được,em không quan tâm !"".

2.3 Ngôn ngữ nghệ thuật

     Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. M.Gorki đã nói: “Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học”. Các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học cũng khẳng định: “Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học”, “là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [1, tr.215]. Chính vì vậy, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn luôn quan tâm lựa chọn ngôn ngữ trần thuật để tạo lập một phong cách ngôn ngữ riêng cho tác phẩm của mình. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 gắn với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn, ngợi ca cái cao cả, phi thường. Do vậy ngôn ngữ mà văn học giai đoạn này lựa chọn là thứ ngôn ngữ đầy chất thơ, đẹp đẽ, trang trọng, mực thước và được mĩ lệ hóa. Sau 1975, con người trở về với hiện thực muôn mặt của đời thường, văn học cũng nhạt dần tính sử thi, tăng dần chất thế sự. Hiện thực “cuộc đời đa sự, con người đa đoan” đòi hỏi phải có hình thức ngôn ngữ thể hiện mới. Ngôn ngữ văn xuôi giai đoạn này đã bắt đầu “bớt đi vẻ trang trọng, ít du dương, ít rào đón mà gần gũi với đời thường, chân thật trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ” (Nguyễn Thị Bình). 

      Hòa chung với không khí đổi mới của cả một giai đoạn văn học, Phan Thị Vàng Anh đã có nhiều tìm tòi thể nghiệm để đổi mới cách viết. Chính vì vậy, ngôn ngữ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh luôn hiện lên với sự phong phú, đa dạng và phức tạp. Đó là một bức tranh đa màu sắc với nhiều gam màu đậm nhạt, sáng tối, vừa đối chọi nhưng vẫn thống nhất. Ở đó vừa có ngôn ngữ đời thường, vừa có ngôn ngữ giàu cảm xúc, trữ tình…

      Ngôn ngữ đời thường trong truyện ngắn “Khi người ta trẻ” được Phan Thị Vàng Anh thể hiện qua cách dùng từ ngữ đời thường, gần gũi, thân thuộc. Bên cạnh đó là ngôn ngữ giàu cảm xúc, trữ tình bộc lộ qua cái tôi duy cảm nhân vật xưng “tôi” xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm. Điều thể hiện rất rõ là ngôn ngữ tràn đầy cảm xúc, cái tôi tâm trạng trong tác phẩm luôn hiện diện nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau song tất cả đều gặp gỡ ở một điểm đó là khát vọng tìm được sự đồng cảm, sẻ chia.

     “Trong thế giới của Vàng Anh, những sự vật gần gũi nhất lại đưa tâm hồn con người đi xa nhất. Trong sân chơi những ngày thường đó, nhiều khi con người nghe tiếng hội hè trong lòng mình. Ấy là vì Vàng Anh biết lạ hóa những điều quen thuộc, biết làm cho da diết những điều tưởng như nhạt nhẽo. Văn chương của Vàng Anh là trò chơi nói bằng ngôn ngữ của trò chơi, vì thế mà nó thật. Ngòi bút này đã rủ rê những từ ngữ tinh nghịch nhất để làm văn học, cái việc mà ai cũng cho là cần phải nghiêm túc”. (Huỳnh Như Phương). Nhận xét chí lý đó đã khẳng định một lần nữa ngòi bút tài năng của Phan Thị Vàng Anh.

     Bằng một cách có lẽ là không tình cờ chút nào, Phan Thị Vàng Anh đã chọn cho thiên truyện chúng tôi vừa tóm tắt cái tên Khi người ta trẻ. Và sự thách thức của tác giả được đẩy lên một mức nữa, khi nó được chọn làm tên chung của cả tập. 

2.4 Giọng điệu nghệ thuật

     Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của văn học. Các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm”. [1, tr.134]. Như vậy, giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Thông qua giọng điệu, người đọc có thể nhận thấy chiều sâu tư tưởng, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh là sự phức hợp của nhiều giọng điệu, trong đó nổi bật nhất trong truyện Khi người ta trẻ là giọng điệu trần thuật, giọng điệu hoài nghi bất lực….

- Giọng điệu trần thuật được thể hiện trong “Khi người ta trẻ qua lời trần thuật của chủ thể “tôi”. Người trần thuật – nhà văn hóa thân hòa tan trong ngôi thứ nhất để bộc lộ cái nhìn tự sự đối với cuộc đời. 

- Giọng hoài nghi, bất lực được các nhà văn đương đại đặc biệt quan tâm. Khi họ ý thức được những ngổn ngang, bộn bề của hiện thực cuộc sống và không ngừng trăn trở, suy tư về nó. Khi cuộc sống không ngừng biến đổi, con người bị chi phối bởi các mối quan hệ xã hội, khiến họ rơi vào trạng thái bất an, lo lắng như “Hẹn, nó không đến, cô chửi: ''Đồ khốn nạn !''. Nó đến cô lại ngỏn nghẻn đi chơi, không hề dám giận”.

- Giọng điệu lạnh lùng, khách quan được Phan Thị Vàng Anh vận dụng và xây dựng một cách rõ ràng và cụ thể. Thông qua nhân vật người kể chuyện là Hoàn cũng đồng thời là nhân vật người cháu, nhưng đã viết về cái chết của người cô ruột của mình với một giọng điệu hết sức tỉnh táo và không mấy cảm xúc: “Để ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vũng Tàu. Không một cái thư tạ lỗi như người ta hay làm, không trách móc ai, bên cạnh cũng không có ảnh của ai, chữ của ai. Chỉ có cô và vỉ thuốc trống rỗng.” Khiến người đọc thực sự ngỡ ngàng trước cái chết của Xuyên trong giọng kể của Hoàn như một hiện thực phũ phàng. Nhà văn cũng có biệt tài trong việc che giấu cảm xúc của mình, người đọc không dễ dàng gì nhận ra cảm xúc của nhà văn trong trường hợp đó. Đây cũng là điểm đặc biệt trong giọng điệu lạnh lùng mà khách quan của tác giả. 

     Có thể nói truyện ngắn Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh là sự kết hợp của nhiều giọng điệu. Giọng điệu trần thuật, giọng điệu hoài nghi bất lực, giọng điệu lạnh lùng khách quan đã góp phần phản ánh một hiện thực đa chiều đa diện. Sự đan xen kết hợp nhiều giọng điệu đã minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Phan Thị Vàng Anh, qua đó thể hiện được góc nhìn sâu sắc và tinh tế của tác giả.