TÊN ĐỀ TÀI TIỂU LUẬN
BÀI PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG DIỄN XƯỚNG TÁC PHẨM “TRUYỀN THUYẾT QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT”
DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
NKC: Người kể chuyện
NTD: Người tham dự
NBKC: Ngôn bản kể chuyện
VBKC: Văn bản kể chuyện
MỤC LỤC
I. HỒ SƠ DỮ LIỆU TIẾT MỤC DIỄN XƯỚNG TRUYỀN THUYẾT QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
1.1. Loại dữ liệu
1.2. Người diễn xướng
1.3. Người tham dự
1.4. Tóm tắt tình huống giao tiếp
1.5. Chủ đề của tình huống giao tiếp
1.6. Chủ đề của sự kiện diễn xướng
II. DIỄN BIẾN SỰ KIỆN KỂ CHUYỆN
2.1. Sự kích hoạt kể chuyện
2.2. Cấu trúc tự sự của câu chuyện được kể
2.2.1. Mô tả khái quát tiến trình câu chuyện qua sự tái hiện của người diễn xướng
2.2.2. Đối sánh chi tiết ngôn bản kể chuyện với văn bản kể chuyện (chọn bản kể Sự tích Bà chúa Ba ở chùa Hương - khuyết danh)
2.3. Sự đúc kết sự kiện diễn xướng
III. DIỄN BIẾT CÁC TƯƠNG TÁC XÃ HỘI VÀ VAI TRÒ CỦA TRUYỆN KỂ
3.1. Diễn biến các tương tác xã hội
3.2. Vai trò của truyện kể
IV. BẢN SẮC CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN
4.1. Chiến lược giao tiếp
4.2. Kĩ thuật diễn xướng
C. KẾT LUẬN
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC 1
PHỤ LỤC 2
I. HỒ SƠ DỮ LIỆU TIẾT MỤC DIỄN XƯỚNG TRUYỀN THUYẾT QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
1.1. Loại dữ liệu
- Hình thức video pháp thoại Phật giáo
1.2. Người diễn xướng
- Thích Trí Minh tên thật là Nguyễn Đắc Sỹ (28 - 06 - 1969). Năm 2014, thầy nhận học vị Tiến sĩ (Phật học) ở Ấn Độ. Hiện nay thầy làm giảng viên chính thức, khoa Anh văn Phật pháp tại Học viện Phật giáo VN tại TPHCM.
1.3. Người tham dự
- Phật tử (Sinh viên)
1.4. Tóm tắt tình huống giao tiếp
- Tình huống diễn xướng được diễn ra tại chùa Hoằng Pháp – Việt Nam, dành cho khóa tu sinh viên. Để tiếp nối chủ đề Tuổi trẻ với đời sống tâm linh, nhân ngày Đản sanh 19 tháng 2 của công chúa Diệu Thiện, Thích Trí Minh đã trình bày về nguồn gốc tên gọi, hình tượng Quán Thế Âm và kể Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát cho các bạn sinh viên để kỉ niệm vị bồ tát này. Qua đó rút ra bài học về cách cư xử của cha mẹ với con cái và cách để yêu thương một người.
1.5. Chủ đề của tình huống giao tiếp
- Tuổi trẻ với đời sống tâm linh.
1.6. Chủ đề của sự kiện diễn xướng
- Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát.
II. DIỄN TIẾN SỰ KIỆN KỂ CHUYỆN
2.1. Sự kích hoạt truyện kể
- Người chủ thuyết giới thiệu truyện kể và nêu lí do buổi nói chuyện.
+ Phần này tương ứng với đoạn “Hôm nay Trí Minh sẽ tiếp nối đề tài Tuổi trẻ với đời sống tâm linh… Mình công nhận nó không đúng không phải mình bài bác những câu chuyện đó mà mình rút ra bài học, ý nghĩa qua câu chuyện đó để mình tu.”
- NKC giới thiệu về nguồn gốc tên Bồ Tát Quán Thế Âm
+ Kinh Pháp Hoa dịch là Quán Thế Âm
+ Đến thời Đường, ngài Huyền Trang đi qua Ấn Độ để thỉnh Kinh về vì sợ kị húy (trùng tên với vua Lý Thế Dân) nên dịch là Quán Âm hoặc dịch là Quán Tự Tại.
- NKC giới thiệu về khái niệm về hình tượng Quán Thế Âm.
+ Bồ Tát Quán Thế Âm có rất nhiều hóa thân, vừa là nam vừa là nữ
Phần này trong video tương ứng với đoạn: “Các bạn biết là cái chữ Quán Thế Âm… văn minh Trung Quốc lại nhân cách hóa các ông thần thành người thường.”
2.2. Cấu trúc tự sự của câu chuyện được kể
2.2.1. Mô tả khái quát tiến trình câu chuyện qua sự tái hiện của người diễn xướng
HOÀN CẢNH XUẤT PHÁT
Giới thiệu nhân thân của nhân vật:
- Vua Diệu Trang Nghiêm không có hoàng tử nối ngôi.
+ Nhà vua thỉnh cầu thần Núi tâu với Thượng Đế cho người xuống đầu thai làm con.
+ Thần núi lên tâu với Thượng đế, Thượng Đế động lòng thương cho một vị bồ tát hóa thân xuống.
+ NKC dừng lại tiến trình để liên hệ, giải thích câu nói của dân gian “Mẹ đất thì bị mù, Cha trời thì bị điếc”.
- Hoàng hậu hạ sinh công chúa trái với mong mỏi có được con trai của nhà vua.
CÁC BIẾN CỐ
Biến cố 1: Công chúa Diệu Thiện quyết tâm tu hành, vua Diệu Trang Vương cố tình gây khó dễ.
Biến cố 1.1. Nhà vua tức giận định giết công chúa
+ Hành động trừng phạt: Khi biết đứa con hoàng hậu sinh ra là con gái nên nhà vua đã tức giận định giết con của mình nhưng được hoàng hậu ngăn cản.
+ Trong bản ghi chép, biến cố này từ câu “ Ở đất nước Hưng Lâm, có một ông vua tên là Diệu Trang Nghiêm…” cho đến câu “Thôi bây giờ Hoàng Hậu muốn nuôi nó thì nuôi đi.”
Biến cố 1.2. Công chúa bị trừng phạt vì không chịu lấy hoàng tử
- Thấy công chúa lớn lên xinh đẹp, giỏi giang, ăn chay trường, sống cuộc như ni cô, nhà vua lo lắng, tìm hoàng tử cho công chúa.
- Công chúa không chịu kết hôn, ra ba điều kiện, nhà vua không đồng ý, phạt đánh đòn.
- Hành động trừng phạt: Nhà vua bắt công chúa xuống dưới nhà bếp làm công quả. Công chúa càng mập mạp, càng.
- Hành động trừng phạt: Nhà vua bắt công chúa xuống vườn rau để tưới cây, tưới phân, cuốc đất mỗi ngày. Công chúa càng làm càng hăng say, càng khỏe mạnh, càng trẻ đẹp hơn.
Điểm nút: Nhà vua bất lực, đồng ý cho công chúa đi tu.
+ Trong bản ghi chép, biến cố này từ câu “Càng nuôi công chúa Diệu Thiện càng lớn lên càng dễ thương …” cho đến câu “Nhà vua thấy bất lực rồi, thế thì công chúa đòi đi tu, nhà vua cũng phải đáp ứng.”
Biến cố 2: Công chúa Diệu Thiện xuất gia, Diệu Trang Vương tức giận đốt chùa, mãnh hổ cứu nguy cho công chúa
Biến cố 2.1. Nhà vua âm mưu hành hạ để công chúa từ bỏ con đường xuất gia
- Hành động ra lệnh: Nhà vua gia hạn cho các sư cô một tuần để hành hạ công chúa, nếu không thành công sẽ chém hết tất cả mọi người, kể cả công chúa, đốt chùa.
- Người kể chuyện dừng lại tiến trình để liên hệ với Võ Tắc Thiên lúc vô chùa cũng bị hành hạ.
- Một tuần lễ sau công chúa vẫn tỉnh bơ, không có chuyện gì xảy ra hết.
+ Trong bản ghi chép, biến cố này từ câu “Và ngày công chúa đi tu là ngày 19 tháng mấy?” cho đến câu “Một tuần lễ sau công chúa vẫn tỉnh bơ, không có chuyện gì xảy ra hết.”
Biến cố 2.2. Nhà vua tức giận cho người đốt chùa, giết công chúa
+ Hành động trừng phạt: Nhà vua đùng đùng nổi giận châm lửa đốt chùa nhưng trời mưa không đốt được.
+ Hành động trừng phạt: Nhà vua sai đao phủ chém đầu công chúa nhưng tên đao phủ thương lấy cớ sét đánh không chém công chúa.
Điểm nút: Công chúa được cọp trắng đưa vào rừng
+ Trong bản ghi chép, biến cố này từ câu “Nhà vua đùng đùng nổi giận lên, nổi lửa đốt chùa.” cho đến câu “…cái đó là tính Quan Âm của mình, lát nữa chúng ta sẽ nói tính thiện đó.”
Biến cố 3: Hành trình tu hành đắc đạo của công chúa Diệu Thiện
Biến cố 3.1. Công chúa phát nguyện cứu độ chúng sinh
+ Cọp trắng đưa công chúa đến tu ở chùa Phổ Đà của Ấn Độ
+ Ở đây công chúa phát nguyện có thần lực để cứu độ chúng sinh
+ Công chúa nằm mơ thấy mình được ngồi trên toà sen trắng nổi lên giữa biển, liền nói với sư phụ mình, sư phụ mới chỉ là lên núi Tu Di trên Mã Lạp Sơn mà lấy bông sen trắng tuyết liên ở trên đó thì sẽ thành đạo.
Điểm nút: Đức Phật hiện ra nói ta đã đem bông sen đó về lại Phổ Đà rồi, con về lại Phổ Đà thì sẽ gặp bông sen đó. Công chúa quay về Phổ Đà thì công chúa đắc đạo vào ngày 19/6.
+ Trong bản ghi chép, biến cố này từ câu “Đi vào trong rừng chỉ có 15’ nữa thôi…” cho đến câu “Ngày 19.6 đắc đạo thành Bồ Tát Quan Âm”
Biến cố 3.2. Công chúa quay về cứu vua cha
+ Vua Triệu Trang Vương bị bệnh cùi
+ Công chúa giả dạng thầy thuốc quay về cứu nhà vua
+ Trong bản ghi chép, biến cố này từ câu “Lúc đó ông vua Triệu Trang Vương bị bệnh cùi …” cho đến câu “Nhà vua sáng mắt ra thấy công chúa Diệu Thiện hối hận vô vàn các bạn”
CHUNG CỤC
- Hành động đối kháng được hóa giải: Nhà vua hối hận, sai người khắc tượng con gái
- Công chúa nhập niết bàn, đi về Phổ Đà để thành Bồ Tát Quan Âm
- Nhân vật chính đạt được ước nguyện
+ Trong bản ghi chép, phần này từ câu “Mới sai ông điêu khắc gia nổi tiếng của vương quốc mình …” cho đến câu “…1000 mắt thay vì thiếu tay, thiếu mắt.”
2.2.2. Đối sánh chi tiết ngôn bản kể chuyện với văn bản kể chuyện (chọn bản kể Sự tích Bà chúa Ba ở chùa Hương – khuyết danh)
(Chúng tôi chọn chọn bản kể “Sự tích Bà chúa Ba ở chùa Hương” – khuyết danh vì nhận thấy bản kể này cũng viết về Quán Thế Âm Bồ Tát và mang tính thuần Việt, khác với NBKC “Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát của Thích Trí Minh” – bản kể của Trung Quốc)
Tiêu chí
|
NBKC của Thích Trí Minh
|
VBKC (Sự tích Bà chúa Ba ở chùa Hương – khuyết danh)
|
Về dung lượng
|
- Khoảng 2300 từ (chỉ tính truyện kể)
|
- Khoảng 2200 từ
|
Về các chi tiết diễn biễn cốt truyện
|
- Lai lịch của công chúa
- Công chúa không chịu kết hôn, quyết tâm tu hành
- Nhà vua tức giận phạt đánh đòn, xuống dưới nhà bếp làm công quả.
- Nhà vua bất lực, đồng ý cho công chúa đi tu và yêu cầu các sư cô hành hạ để công chúa hoàn tục, nếu không sẽ đốt chùa.
- Công chúa quyết vẫn quy y, nhà vua tức giận đốt chùa nhưng trời mưa không đốt được chùa.
- Nhà vua sai đao phủ chém đầu công chúa nhưng tên đao phủ thương, lấy cớ sét đánh nên không chém công chúa. Cọp trắng đến cứu công chúa
- Công chúa đến tu ở chùa Phổ Đà của Ấn Độ.
- Đức Phật giúp đỡ công chúa đắc đạo vào ngày 19/6.
- Công chúa giả dạng thầy thuốc quay về cứu nhà vua bị bệnh cùi.
- Công chúa nhập niết bàn, đi về Phổ Đà để thành Bồ Tát Quan Âm.
|
- Lai lịch của công chúa
- Công chúa không chịu kết hôn, quyết tâm tu hành
- Nhà vua tức giận nhốt công chúa vào vườn.
- Nhà vua bất lực đành đưa công chúa vào chùa và bảo các nhà sư hành hạ để công chúa hoàn tục, nếu không sẽ đốt chùa.
- Công chúa quyết vẫn quy y, nhà vua tức giận bèn sai quan quân đốt chùa, giết sư. Công chúa thấy vậy bèn cắt tay chảy máu và vung lên trời. Ngọc Hoàng liền biến những giọt máu thành mưa dập tắt lửa.
- Nhà vua sai đao phủ chém đầu công chúa. Ngọc Hoàng liền sai thần linh hóa thành mãnh hổ lao ra cõng nàng công chúa vào rừng.
- Công chúa được sứ giả của Diêm Vương đưa xuống thăm 18 tầng địa ngục. Ở đây công chúa xót thương cho những tội nhân, Thượng Đế cảm động liền sai Diêm Vương xá tội cho những tội nhân. Sau đó nàng được đưa lại dương gian và được thần hổ đưa về chùa giải oan để tu hành.
- Đức Phật thử lòng son sắt của công chúa, công chúa vượt qua thử thác, thần hổ đưa nàng vào động Hương Tích để tu hành.
- Công chúa trở về cứu vua cha bị bệnh cùi.
- Công chúa được sắc phong thành Bồ Tát Quan Âm. Cả gia đình công chúa trở thành Bồ Tát.
|
|
Nhận xét: Nhìn chung về diễn biến cốt truyện thì cả NBKC và VBKC đều có nhiều sự kiện giống nhau. Tuy nhiên ở NBKC của Thích Trí Minh các chi tiết, sự kiện ít hơn ở VBKC, NKC tập trung vào thể hiện các chiến lược giao tiếp.
+ Ở VBKC, nhân vật Ngọc Hoàng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công chúa thoát khỏi sự trừng phạt của vua cha. Còn ở NBKC chú trọng vào yếu tố bất ngờ: trời đột nhiên mưa, bất ngờ mãnh hổ cứu công chúa.
+ Trong quá trình tu hành, ở VBKC công chúa phải trải qua nhiều thử thách hơn.
+ Trong phần kết thúc truyện kể, ở VBKC công chúa được được sắc phong Quán Thế Âm Bồ Tát và cả gia đình đi tu và được sắc phong thành bồ tát ở NBKC thì chỉ có công chúa nhập niết bàn, nhà vua sai người tạc tượng công chúa để tưởng nhớ.
+ Ở NBKC, NKC thường xuyên tạm hoãn tiến trình truyện kể để giải thích, bình luận, trò chuyện với người tham dự.
|
Về nội dung miêu tả
|
- Miêu tả tâm trạng, suy nghĩ nhân vật.
+ Tâm trạng lo lắng của nhà vua khi 40 tuổi mà chưa có hoàng tử nối ngôi.
+ Tên đao phủ xót thương khi phải chém đầu một người tốt như công chúa
+ Suy nghĩ của Thần Núi về việc khẩn cầu có hoàng tử của nhà vua.
- Miêu tả chi tiết hành động của nhân vật
+ Hành động chém đầu công chúa của tên đao phủ: “khi mà đao phủ giơ lên thì chắc tên đao phủ cũng thương công chúa Diệu cho nên ông mới canh canh cái lưỡi đao lúc mặt trời rọi xuống chín ngọ, lưỡi đao lóa lên ánh sáng, cái ổng la lên “Trời ơi ông trời nổi sấm sét rồi, tôi chặt đầu công chúa không được”
+ Hành động cứu cha của công chúa “lấy bàn tay của mình ghép vào bàn tay nhà vua, … công chúa móc hai con mắt của mình ra ghép vô con mắt của nhà vua.
|
- Không miêu tả tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật
- Không miêu tả chi tiết hành động của nhân vật.
|
|
Nhận xét: Ở VBKC chủ yếu tập trung vào các sự kiện, hành động của nhân vật chỉ được nhắc đến chứ không miêu tả cụ thể như trong NBKC.
+ Để cho câu chuyện được hấp dẫn, khi miêu tả các hành động của nhân vật, NKC còn chêm xen vào đó những lời bình luận như “hồi xưa không biết y học hay ghê nha, người ta biết ghép tay cho bệnh nhân cùi cùi. Ghép vào bàn tay nhà vua, đây là thần lực Quan ÂM, không thể nghĩ bàn, không thể dùng trí tuệ phàm phu bàn được chuyện đó.” Hay câu “Mẹ đất thì bị mù, Cha trời thì bị điếc” để nói về việc Hoàng Đế cho đầu thai nhầm người nữ.
|
Về đối thoại giữa các nhân vật
|
+ Theo thống kê chúng tôi nhận thấy trong NBKC có 19 lượt lời giữa các nhân vật.
|
+ Các nhân vật hầu như không có sự đối thoại.
|
Nhận xét: Ở NBKC, NKC đảm nhận nhiệm vụ hóa thân vào các nhân vật để họ xây dựng các đoạn hội thoại. Qua các cuộc đối thoại giữa các nhân vật thì diễn biến cốt truyện, tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật được khắc họa rõ nét hơn.
|
- Lí giải sự khác biệt
+ Ở NBKC ít chi tiết hơn VBKC vì đây cũng là một câu chuyện rất phổ biến đối với các Phật tử, cho nên việc kể lại thứ đã biết rồi, mà không có sự sáng tạo thì sẽ gây nhàm chán
+ Đối với NBKC, tâm trạng, hành động của nhân vật được miêu tả chi tiết bởi vì NKC có thể lồng ghép vào đó các yếu tố trợ ngôn để tăng tính hấp dẫn, cuốn hút cho bài thuyết pháp.
+ Trong NBKC, việc sử nhiều đoạn hội thoại giữa các nhân vật là cơ hội để NKC có thể tạo được dấu ấn cá nhân khi hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau với nhiều giọng điệu, cử chỉ nét mặt…
+ So với VBKC thì NBKC hay hơn rất nhiều vì sự tài năng, am hiểu tri thức của thầy Thích Trí Minh.
+ NBKC là bản kể của Trung Quốc, còn VBKC là một tác phẩm VHDG mang tính thuần Việt, gắn liền với lễ hội truyền thống của dân tộc ở chùa Hương.
2.3. Sự đúc kết sự kiện diễn xướng
- Thông thường trong những bài thuyết pháp Phật giáo, phần trọng tâm nhất là bài học được rút ra từ câu chuyện đó và liên hệ nó với cuộc sống. Trong tình huống diễn xướng này, NKC không chỉ giúp NTD ôn lại kỉ niệm về vị Bồ Tát Quán Thế Âm mà con đưa ra nhiều bài học nhân sinh.
+ Người kể chuyện đúc rút ý nghĩa của truyện kể “Cha mẹ phải hiểu được ước, cha mẹ không hiểu được ước nguyện của con cái. Ép nó vô ước nguyện của mình thì nó rất là đau khổ. Câu chuyện này cho chúng ta rất nhiều bài học là mình muốn thương một người thì mình phải hiểu được người đó. Chuyện tu hành của công chúa Diệu Thiện nhắc chúng ta rằng mình chỉ có thể hi sinh được cho người thân mình với một trong hai điều kiện. Thứ nhất, mình thương người đó không nghĩ gì hết như là mẹ thương con. Thứ hai, để hiểu và thương ta cần có một năng lực khác đó là hiểu biết và trí tuệ, hiểu bình thường ta thương không nổi, hiểu kiểu thế gian, ta thương một người không thương trọn vẹn được.”
- Qua sự kiện diễn xướng, NTD có thể đúc rút ra được hai bài học về cách cư xử giữa cha mẹ với con cái và cách để thương một người. Hai bài học này hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà các mối quan hệ xã hội đang dần bị rạn nứt.
Nhận xét chiến lược tổ chức logic của bài diễn thuyết
- Bài diễn thuyết được tổ chức theo mô hình tâm lý tam cấp: Nêu vấn đề - Kí thác vấn đề qua truyện kể - diễn giảng, đúc kết vấn đề. Điều này hoàn toàn phù hợp với logic của một buổi thuyết pháp Phật giáo có sử dụng truyện kể dân gian. Đầu tiên dẫn dắt, giới thiệu câu chuyện để tạo sự tò mò ở NTD, sau đó kể lại câu chuyện và cuối cùng là đúc rút ra bài học từ câu chuyện.
- Trước khi đi vào truyện kể NKC trình bày một cách chi tiết về ý nghĩa tên gọi Quán Thế Âm cũng như là các kiểu hóa thân của nhân vật, điều này NTD dễ dàng hơn trong việc tiếp cận truyện kể.
- Cách sắp xếp trình tự kể chuyện của NKC logic, khoa học, không lặp bị lặp ý. Điều này giúp bài diễn thuyết trở nên cuốn hút người nghe, đạt được mục đích.
III. DIỄN BIẾN CÁC TƯƠNG TÁC XÃ HỘI VÀ VAI TRÒ CỦA TRUYỆN KỂ
3.1. Diễn biến các tương tác xã hội
Luồng tương tác bình thường theo trật tự
- NKC hỏi về kỉ niệm ngày hôm nay đối với lại một vị Bồ Tát
- NTD trả lời câu hỏi mà người kể chuyện đưa ra
- NKC dẫn dắt, giới thiệu câu chuyện sẽ thể hiện
- NTD hào hứng, chờ đợi tiết mục của NKC
- NKC trình bày câu chuyện chi tiết, rõ ràng
- NTD hưởng ứng tích cực tiết mục của NKC
Sự việc dẫn đến phá vỡ thế cân bằng giữa các bên giao tiếp
- Trong sự kiện diễn xướng “Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát”, sự việc dẫn đến phá vỡ thế cân bằng giữa các bên giao tiếp là do người chủ thuyết tự đặt ra một nhiệm vụ giao tiếp cho bản thân: “Với đề tài Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát này, Trí Minh sẽ phân tích cho các bạn những cái nào nó đúng ở mặt lịch sử thì mình công nhận nó đúng, cái nào không đúng mình phải công nhận nó không đúng. Mình công nhận nó không đúng không phải mình bài bác những câu chuyện đó mà mình rút ra bài học, ý nghĩa qua câu chuyện đó để mình tu.”
- NTD chờ đợi NKC thực hiện vai trò của mình.
Các hiệu chỉnh xen kẽ
Tùy vào sở thích, tài năng mà mỗi NKC sẽ có cách khác nhau, có người thường xuyên tạm hoãn tiến trình trần thuật để giảng giải nghĩa lí của chi tiết nghệ thuật; để giải thích nghĩa lí sâu xa của tác phẩm, hoặc sử dụng các câu hỏi, ngôn ngữ cơ thể, kĩ năng mô phỏng hành động, ngữ điệu của nhân vật để tương tác với NTD. Hay cũng có thể là việc người kể chuyện phải dừng lại để nhắc nhở, yêu cầu NTD trật tự để lắng nghe.
Về phía NTD, hiệu ứng của NTD phụ thuộc rất nhiều vào NKC, nếu NKC kể lôi cuốn thì NTD sẽ rất tích cực, hăng say nghe kể. Còn người kể chuyện nhàm chán, NTD thường lơ là, mất tập trung.
Trong tình huống diễn xướng hiệu chỉnh của NKC được thể hiện xuyên suốt câu chuyện được kể. Từ phần thông báo cho đến phần kích thích, NKC sử dụng rất nhiều ngôn ngữ cơ thể nhất là bàn tay và ánh mắt, nụ cười và các yếu tố trợ ngôn như ngữ điệu kể chuyện để tác động vào đối tượng tham gia giao tiếp và biến hóa linh hoạt giọng điệu. Ngoài ra NKC còn chêm xen những yếu tố gây cười để giúp cho người đọc tiếp nhận vấn đề một cách thoải mái.
Đặc biệt đối với phần Kích thích: NKC thường dùng kỹ năng mô phỏng hành động và ngữ điệu nhân vật tạo sự tương tác tích cực đối với NTD. Chẳng hạn như đoạn tên đao phủ né tránh việc chặt đầu công chúa, NKC dùng một tay lắc qua lắc lại để chỉ thanh đao, một tay xòe ra, giơ cao để chỉ mặt trời. Hay hình ảnh con cọp trắng nhảy ra vồ công chúa chạy vào rừng thì NKC giơ tay miêu tả cảnh con hổ vồ lấy công chúa chạy vào rừng rồi tạm dừng câu chuyện, bình luận “Đúng là thần thoại các bạn ha.”. Hay lúc công chúa giả dạng thầy thuốc, lấy bàn tay của mình ghép vào bàn tay nhà vua thì NKC nắm hai tay miêu tả hành động công chúa cứu nhà vua, kèm thêm dòng bình luận: “hồi xưa không biết y học hay ghê nha, người ta biết ghép tay cho bệnh nhân cùi. Đây là thần lực Quan ÂM, không thể nghĩ bàn, không thể dùng trí tuệ phàm phu bàn được chuyện đó.”
Chính việc làm chủ cuộc giao tiếp và tạo nên sức hút thực sự của NKC, đã tạo nên những hiệu chỉnh tích cực cho NTD. Xuyên xuốt tình huống diễn xướng, NTD đều chăm chú lắng nghe, trả lời hết tất cả câu hỏi của NKC, hưởng ứng một cách nhiệt tình trước những tình huống khôi hài. Kết thúc câu chuyện là một tràng vỗ tay tán thưởng. Điều này cũng góp phần cho NKC hoàn thành tiết mục của mình một cách thành công.
Cân bằng được tái lập
Xuyên suốt bài thuyết pháp, hầu như không có sự xung đột, mẫu thuẫn giữa NKC và NTD, mọi chuẩn mực xã hội đều được tuân thủ. Sự tương tác giữa NKC và NTD được duy trì suốt câu chuyện. Ban đầu, người chủ thuyết tự đặt ra một nhiệm rồi thực hiện một cách xuất sắc nhiệm vụ đó. NTD đón nhận tiết mục một cách tích cực, hào hứng. Qua câu chuyện được kể, NTD hiểu thêm về cách nuôi dạy con cái và cách để yêu thương một người.
3.2. Vai trò của truyện kể
Đây là cuộc trò chuyện giữa sư thầy và các sinh viên với chủ đề là tuổi trẻ với đời sống tâm linh, NKC đã chọn Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát để đề cao hai đặc tính của bồ tát, đó là nhân và hiếu. Từ hai đặc tính này, NKC đã rút ra những ý nghĩa, bài học nhân sinh về nuôi dạy con cái, về chữ hiếu và cách để thương yêu một người. Việc chọn truyện kể này hoàn toàn phù hợp với việc các bạn sinh viên đến để tham gia khóa tu mùa hè. Đồng thời truyện kể cũng phù hợp với kỉ niệm ngày đản sinh của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Truyện kể trong tình huống diễn xướng này đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng rõ nhiệm vụ giao tiếp mà người chủ thuyết đặt ra từ ban đầu, thiết lập được sự cân bằng giữa NKC và NTD.
Tuy nhiên đối với tình huống diễn xướng này, truyện kể không đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi cốt truyện của truyện kể cũng đơn giản, phổ biến. Yếu tố góp phần vào tầm quan trọng của truyện kể đó chính là chiến lược, kĩ thuật của NKC.
IV. BẢN SẮC CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN
4.1. Chiến lược giao tiếp
- Chiến lược kể chuyện thể hiện thông qua việc kiến tạo mô hình tâm lý cho bố cục tình huống giao tiếp.
Mô hình diễn thuyết của người kể chuyện trong sự kiện diễn xướng được thiết lập theo sơ đồ: Dẫn dắt chủ đề -> Giới thiệu câu chuyện -> Giải thích nguồn gốc tên nhân vật Quán Thế Âm -> Giải thích hình tượng nhân vật Quán Thế Âm -> Kể chuyện
-> Đúc kết sự kiện diễn xướng. NKC đã biết kết nối mô hình trần thuật của truyện kể dân gian với mô hình giáo thuyết của pháp thoại. Chính điều này làm cho bài thuyết pháp Phật giáo không khô khan, giáo điều, máy móc. Đồng thời làm cho truyện kể được hấp dẫn hơn.
- Chiến lược kể chuyện thể hiện thông qua việc kiểm soát phản ứng thẩm mỹ của đối tượng giao tiếp
Điều này được thể hiện qua sự tương tác giữa NKC và NTD. NKC quan sát rất kĩ các phản ứng thẩm mỹ của NTD. Ánh mắt của NKC luôn hướng về phía NTD. Nhất là NKC phát vấn, ông đều quan sát, chăm chú lắng nghe những câu trả lời của NTD. Theo khảo sát chúng tôi nhận thấy NKC có 6 lần phát vấn:
+ “Các bạn biết hôm nay ngày gì không?”
+ “Đố các bạn trang đó ghi cái gì?”
+ “Đố các bạn Bồ Tát Quán Thế Âm là người nam hay người nữ?”
+ “Công chúa đi tu là ngày 19 tháng mấy?”
+ “Các bạn có nghe từ Pô-ta-la một lần nào chưa?”
+ “Công chúa đắc đạo vào ngày 19 tháng mấy?”
Trước những câu trả lời của NTD, NKC đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Nếu đúng thì khen ngợi “Sao các bạn giỏi quá vậy” nếu chưa đúng thì vui vẻ đính chính lại bằng một giọng điệu rất vui vẻ.
Đối tượng tham gia buổi thuyết pháp phần lớn là các sinh viên, nắm bắt được tâm lí lứa tuổi, NKC đã không quá câu nệ vào tính quy phạm mà chủ động sử dụng ngôn ngữ đời thường và nhiều yếu tố khôi hài như:
+ “Mẹ đất thì bị mù, Cha trời thì bị điếc”
+ “Con hổng có chịu đâu”
+ “Ông vua này hổng coi dự báo thời tiết cũng xui”
+ “Đi vào trong rừng chỉ có 15’ nữa thôi là hết giờ cho nên công chúa phải tu lẹ lẹ lên chứ hổng kịp giờ.”
+ “Hồi xưa không biết y học hay ghê nha, người ta biết ghép tay cho bệnh nhân cùi”
Chính vì vậy mà khoảng cách tâm lí giữa NKC và NTD được kéo gần, vượt qua được rào cản về vị thế xã hội.
- Chiến lược kể chuyện thể hiện thông qua viêc phát huy hiệu năng của các yếu tố trợ ngôn tạo sức hút cho truyện kể.
Đối với sự kiện diễn xướng này, NKC đã rất thành công trong việc sử dụng các yếu tố trợ ngôn như: Chu tuyến ngữ đoạn, cách ngắt, nghỉ, cách thay đổi giọng điệu trần thuật, nghệ thuật sắm vai nhân vật, các biểu cảm cơ thể,.v.v.. Tình huống diễn xướng kéo dài 1 giờ 14 phút nhưng NKC luôn biết cách làm cho NTD không cảm thấy nhàm chán, bằng việc thường xuyên thay đổi giọng điệu trần thuật, chẳng hạn như giọng lo lắng, cầu khẩn khi nói tâm sự của nhà vua về việc không có hoàng tử nối ngôi, khi nói về luật nhân quả thì giọng rất trang nghiêm, khi nói về núi Phổ Đà NKC chuyển sang giọng trang nghiêm, nhấn mạnh “Sự tích này có thiệt chứ không phải thần thoại nha các bạn.”, lúc công chúa từ chối lấy hoàng tử thì giọng rất dễ thương “Con hổng dám đâu”. Còn khi sắm vai thành nhà vua lúc trừng phạt công chúa thì gắn liền với giọng lạnh lùng, nghiêm khắc.
Ngôn ngữ cơ thể cũng được NKC khai thác thành công đặc biệt là nụ cười, điều này tạo nên sự gần giũ với NTD, ngoài ra NKC thường xuyên sử dụng hai tay để diễn tả hành động của nhân vật. Ví dụ như, khi nói một tuần thì NKC đưa một ngón tay lên, đưa tay lên tai để miêu tả việc đang lắng nghe, giơ bàn tay lên miêu tả bệnh cùi của nhà vua, nắm hai tay miêu tả hành động công chúa cứu nhà vua…
4.2. Kĩ thuật diễn xướng
Kĩ thuật tạo yếu tố khôi hài
Để cho buổi nói chuyện không căng thẳng, mệt mỏi thì NKC đã lồng ghép vào đó nhiều yếu tố hài hước. Ông biết khai thác các chi tiết có khả năng gây cười để phát huy năng lượng tích cực nơi người tham dự. Chẳng hạn như “Ông vua này hổng coi dự báo thời tiết cũng xui”, “Đi vào trong rừng chỉ có 15’ nữa thôi là hết giờ cho nên công chúa phải tu lẹ lẹ lên chứ hổng kịp giờ.”, “Hồi xưa không biết y học hay ghê nha, người ta biết ghép tay cho bệnh nhân cùi”… qua mỗi yếu tố khôi hài này, NTD (cười) rất hào hứng, thích thú.
Kĩ thuật phát vấn
Trong một cuộc nói chuyện, mỗi bên chỉ đóng một vai duy nhất như vai người nói, vai người nghe mà không có sự đổi vai thì chắc chắc cuộc trò chuyện đó sẽ ít thành công, bởi sự nhàm chán, không có điểm nhấn cho câu chuyện. Trong tình huống diễn xướng này, để tương tác với NTD, NKC đã sử dụng kĩ thuật phát vấn một cách hiệu quả cao. Theo thống kê trên phần Chiến lược giao tiếp, thì có sáu lần NKC phát vấn: “Các bạn biết hôm nay ngày gì không?”, “Đố các bạn trang đó ghi cái gì?”, “Đố các bạn Bồ Tát Quán Thế Âm là người nam hay người nữ?”, “Công chúa đi tu là ngày 19 tháng mấy?”, “Các bạn có nghe từ Pô-ta-la một lần nào chưa?”, “Công chúa đắc đạo vào ngày 19 tháng mấy? Sáu câu hỏi này không chỉ nhằm mục đích giao tiếp, tạo sự tương tác với NTD, đối với sự kiện kể chuyện, năm câu hỏi này còn có tác dụng duy trì chủ đề, xác lập lại sự cân bằng giữa các bên giao tiếp.
Kĩ thuật nhấn mạnh từ ngữ/ chi tiết trọng tâm
Khi nói đến chi tiết “Con cọp trắng nhảy ra vồ công chúa”, NKC dừng lại câu chuyện để nhấn mạnh “Đúng là thần thoại các bạn ha.”, qua giọng kể nhấn mạnh, hài hước của NKC, NTD cười thích thú. NKC tiếp tục câu chuyện nhưng thấy NTD hưởng ứng rất nhiệt tình thì NKC tiếp tục nhấn mạnh lại một lần nữa “Nhưng mà các bạn lại khoái câu chuyện thần thoại đúng không. Có cái gì đó cứu người hiền là mình chịu à. Còn chém đầu công chúa là các bạn tắt tivi ngay tức khắc.” để tạo sự đồng cảm, đồng tình với NTD. Hoặc khi nói đến chi tiết Bồ Tát Quan Âm tu ở núi Phổ Đà, NKC nhấn mạnh “Sự tích này có thiệt chứ không phải thần thoại nha các bạn.”
Việc nhấn mạnh hai chi tiết này có tác dụng làm làm rõ nhiệm vụ mà người chủ thuyết đặt ra từ đầu “Với đề tài Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát này, Trí Minh sẽ phân tích cho các bạn những cái nào nó đúng ở mặt lịch sử thì mình công nhận nó đúng, cái nào không đúng mình phải công nhận nó không đúng.” Tuy nhiên ở điểm này người viết cũng thắc mắc “Quán Thế Âm Bồ Tát liệu có phải là nhân vật lịch sử?”
Ngoài ra NKC còn thường xuyên nhấn vào các từ như: đi tu, chém, hổ dữ còn không ăn thịt con, ta bực quá đi,…
Dưới đây là bảng ghi chép bản sắc cá nhân của NKC từ phút thứ 38 đến phút thứ 41 của pháp thoại:
Các vai hóa thân
|
Nội dung tạo hình
|
Dáng điệu, ngữ điệu
|
Nhà vua
|
+ Yêu cầu các sư cô hành hạ để công chúa hoàn lương
+ Nhà vua sai người đốt chùa
+ Nhà vua sai người chém công chúa
|
+ Dùng bàn tay miêu tả hành động đì công chúa, giơ một ngón tay để nói một tuần.
+ Nhấn mạnh các từ như “đì, triệt để, một tuần, chém hết tất cả mọi ngươi…”
+ Nét mặt lạnh lùng, trang nghiêm
+ Dùng bàn tay miêu tả mưa rớt xuống
+ (cười) hóm hỉnh “ Ông vua này hổng coi dự báo thời tiết cũng xui”
+ Giọng nhà vua dứt khoát “Đao phủ, chém”
|
Đao phủ
|
+ Giơ đao chém đầu công chúa
|
+ Diễn tả suy nghĩ của đao phủ, giọng chuyển sang nhanh, lo lắng.
+ Dùng tay miêu tả hành động chuẩn bị chém đầu công chúa của đao phủ: canh canh cái lưỡi đao lúc mặt trời rọi xuống chín ngọ, NKC lấy một tay lắc qua lắc lại để chỉ thanh đao, 1 tay xòe ra, giơ cao để chỉ mặt trời. Rồi la lớn “Trời ơi ông trời nổi sấm sét rồi, tôi chặt đầu công chúa không được”
|
Người trần thuật
|
+ Cọp trắng cứu công chúa
|
+ Dùng tay miêu tả cảnh công chúa được cọp trắng.
+ NKC tạm đừng câu chuyện, bình luận “Đúng là thần thoại các bạn ha.”
|
Từ việc đơn cử một ví dụ về bản sắc cá nhân của người kể chuyện, chúng tôi nhận thấy sự linh hoạt trong cách kể chuyện của NKC. NTD hưởng ứng câu chuyện một cách tích cực.
C. KẾT LUẬN
Ở sự kiện diễn xướng, người chủ thuyết đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình. Ba tiêu chí cốt lõi để tạo nên thành công cho một bài diễn thuyết: dễ hiểu, dễ nhớ và cảm xúc đã được người chủ thuyết vận dụng một cách tài tình. Qua bài thuyết pháp, NKC hoàn toàn cho chúng tôi thấy được tài năng, sự sáng tạo, linh hoạt trong việc biến một câu chuyện trên văn bản giấy được “sống” một cách trọn vẹn, để lại nhiều ấn tượng khó phai. Ở tình huống diễn xướng này, NTD cũng đóng một vai trò quan trọng. Trước câu chuyện được kể, NTD hưởng ứng tích cực, tương tác với người diễn thuyết rất tốt. Nhìn chung lại, để một bài diễn thuyết đạt được mục đích giao tiếp thì từ việc lựa chọn tình huống diễn xướng đến người chủ thuyết, NTD đều đóng một vai trò quan trọng. Cuối cùng, việc nghiên cứu văn học dân gian theo lí thuyết bối cảnh là một hướng đi mới, mang lại một cái nhìn mới mẻ, đa chiều.
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trần Thị An (2005), “Tái định hướng thể loại folklore”, Nghiên cứu Văn học (1), tr. 113-122.
2. Huỳnh Vũ Lam (2014), “Văn học dân gian như một quá trình – một hướng tiếp cận hứa hẹn nhiều thay đổi trong nghiên cứu truyện kể dân gian ở Việt Nam”, Tạp chí khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, số 33c, tr15-22.
3. Huỳnh Vũ Lam (2015), Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam Bộ theo hướng tiếp cận bối cảnh, Luận án Tiến sĩ, chuyênh nghành Ngôn ngữ và văn học, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM.
4. Nguyễn Hữu Nghĩa (2008), Truyện cổ dân gian có yếu tố Phật giáo của Việt Nam và Myanmar nghiên cứu theo hướng tiếp cận bối cảnh, Luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM.
5. Nguyễn Hữu Nghĩa (2016), “Chiến lược của người kể chuyện trong các pháp thoại Phật giáo”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sài Gòn, số tháng 8, tr.77-87.
6. https://www.youtube.com/watch?v=IJIHD2LLk8k
7.https://truyencotich.vn/truyen-co-tich/co-tich-viet-nam/su-tich-ba-chua-ba-o-chua-huong.html
PHỤ LỤC 1:
Hôm nay Trí Minh sẽ tiếp nối đề tài Tuổi trẻ với đời sống tâm linh để trình bày cho các bạn một đề tài cũng liên quan đến tâm linh nữa. Nhưng mà tâm linh này gắn liền với kỉ niệm ngày hôm nay đối với lại một vị Bồ Tát rất là gần gũi với đời sống tâm linh của chúng ta. Các bạn biết ngày gì không?
Bằng tuổi các bạn, Trí Minh không biết hôm nay là ngày gì đâu, lúc đó chưa có biết đạo, bây giờ thì biết rồi. Hôm nay là ngày 19/ 2 âm lịch, tức là nhằm ngày vía của Bồ Tát Quán Thế Âm. Một vị Bồ Tát mà có lẽ các anh chị em sinh viên, cũng như các Phật tử theo truyền thống Bắc Tông Phật giáo đều biết đến ngài cả.
Có nhiều nơi người ta không biết đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đâu, thậm chí ở Hồ Chí Minh này cũng vậy. Trí Minh còn nhớ lúc Trí Minh còn ở nhà ở quận Gò Vấp, lúc còn nhỏ, nhà Trí Minh thờ ông Quan Công, còn thờ bà là Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, mình cứ nghĩ ông bà này là hai ông thần, bà thần, chứ không có khái niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ai cả. Điều đó cho thấy rằng trong dân gian chúng ta nói về hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm rất là gần gũi, thậm chí còn gần gũi hơn là Đức Phật Thích Ca nữa. Và trong cuộc sống của mình ai cũng một lần trải qua đau khổ, và khi đã trả qua đau khổ rồi thì chúng ta tìm một chỗ để chúng ta bám víu, cầu nguyện, tìm cách để chúng ta vượt qua khổ đau đó. Một trong số đó mà chúng ta tìm đó là danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hôm nay, chính vì ý nghĩa quan trọng này mà Trí Minh sẽ trình bày cho các bạn một đề tài đó là Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát. Để các bạn có phần nào hiểu hơn về vị Bồ Tát mà mình sẽ gặp, sẽ nương tựa trong cuộc sống của mình. Với đề tài Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát này, Trí Minh sẽ phân tích cho các bạn những cái nào nó đúng ở mặt lịch sử thì mình công nhận nó đúng, cái nào không đúng mình phải công nhận nó không đúng. Mình công nhận nó không đúng không phải mình bài bác những câu chuyện đó mà mình rút ra bài học, ý nghĩa qua câu chuyện đó để mình tu.
Nguồn gốc của tên Bồ Tát Quán Thế Âm
Các bạn biết là cái chữ Quán Thế Âm, thậm chí cái tên của ngài thôi mà quý thầy mình dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán cũng có nhiều tên khác nhau. Ví dụ khi Kinh điển mới du nhập vào Trung Quốc vào khoảng thế kỉ thứ II, III, ví dụ như Kinh Pháp Hoa mà các bạn tụng hằng ngày có Phẩm Phổ Môn là Phẩm nói về Bồ Tát Quán Thế Âm. Kinh đó là kinh mà được các thầy dịch kiểu cựu dịch, tức là dịch kiểu cũ thì dịch là Quán Thế Âm (Quán Thế Âm nghĩa là nhìn xuống âm thanh của thế gian)
Nhưng mà đến thời Đường, ngài Huyền Trang đi qua Ấn Độ để thỉnh Kinh vào khoảng thế kỉ VII, VIII sau Công Nguyên, thì ngài Huyền Trang không dịch là Quán Thế Âm nữa mà dịch là Quán Tự Tại. Các bạn đọc Kinh Bát Nhã Tâm Kinh, các bạn thấy Quán Tự Tại Bồ Tát. Vì lúc Huyền Trang sang Tây Phương thỉnh kinh, các bạn có xem phim Tây Du Kí không? Cái ông vua mà tiễn ngài Huyền Trang đi mà kêu là ngự đệ là ông vua gì biết không? Lý Thế Dân, chồng của Võ Tắc Thiên đó. Ông này là người sáng lập ra đời nhà Đường ở bên Trung Quốc gọi là Đường Thế Tông. Thực ra ông Lý Thế Dân này cũng chả coi Huyền Trang là ngự đệ gì đâu. Theo lịch sử, Huyền Trang phải trốn, vượt biên mà đi qua Ấn Độ mà, cho nên nhà vua đâu có tuyển Huyền Trang được. Nhưng khi đi thỉnh kinh 18 năm về lại Trung Quốc. Vì ngài Huyền Trang sợ mình dịch là Quán Thế Âm là kị húy. Vì tên ông vua có chữ “Thế” mà mình dịch là Quán Thế Âm, mà dân gian đọc là Quán Thế Âm, là mang tội phạm thượng, bị chém đầu. Cái luật ngày xưa nó quy định vậy đó. Các bạn biết bây giờ người ta vẫn quy định như vậy ở bên Thái Lan. Nếu các bạn qua Thái Lan mà các bạn thấy hình Đức vua Thái Lan với Hoàng hậu mà các bạn có một thái độ bất kính như nhổ nước bọt hoặc là viết gì lên đó các bạn sẽ bị cảnh sát bắt ngay lập tức và phạt ở tù. Có một ông người Úc, ông bị phạt 5 năm vì thái độ bất kính. Bây giờ mà còn nặng nề như vậy huống chi ngày xưa. Do đó ngài Huyền Trang ngài kị dịch cái tên Quán Thế Âm mà dịch là Quán Âm bỏ chữ Thế đi, hoặc là dịch là Quán Tự Tại. Cho nên khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh chúng ta thấy Quán Tự Tại thì các anh chị sinh viên chúng ta phải biết đó là danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Khái niệm về hình tượng Quán Thế Âm.
Trước khi vào truyền thuyết, Trí Minh nói về định nghĩa đó trước để các bạn có khái niệm về Bồ Tát Quan Âm. Kế tiếp là các bạn phải có khái niệm về hình tượng Quán Thế Âm.
NKC: Đố các bạn: Bồ Tát Quán Thế Âm là người nam hay người nữ?
NTD: trả lời
NKC: Nam á. Sao các bạn giỏi quá vậy! Sao chùa Hoằng Pháp thờ người nữ kì vậy!
Thưa các bạn có cả hai nha các bạn. Quán Thế Âm Bồ Tát có rất nhiều hóa thân, chúng ta đọc Kinh Pháp Hoa chúng ta thấy Bồ Tát Quán Thế Âm có thể là đồng nam, đồng nữ, thành nữ cư sĩ, nam cư sĩ , trưởng giả, ông trời . Vì vây mà ở bên Ấn Độ và Trung Quốc cho đến thế kỉ X sau CN, người ta vẫn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm là người nam. Mãi cho đến cuối đời Đường, đời Đường bắt đầu suy sụp mới chuyển hình tượng người nam thành người nữ. Lý do vì thời loạn lạc, li tán, rồi thời mà tương ứng với lại các nước ở bên Ấn Độ người ta đã chuyển hình thức từ Phật giáo Đại Thừa mang tính triết học sang Mật Tông, nên họ mới lấy hình tượng người nữ để tạc tượng cho Bồ Tát Quán Thế Âm, bởi vì từ bi là một cái gì đó rất mềm mại, dễ thương. Do đó mà tượng Bồ Tát Quán Thế Âm người nữ được ảnh hưởng vào trong Phật giáo và ở Ấn Độ đã tạc ra những tượng phật Bồ Tát Quán Thế Âm với dạng thần Ta-ra, nữ thần Ta-ra, rồi đem Phật giáo Mật tông đó ra Tây Tạng, tồi Tây Tạng ảnh hưởng lại bên Trung Quốc.
Vào thế kỉ thứ X trở đi, đời Đường bắt đầu tan rã rồi, thì bên Trung Quốc mới có hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm là người nữ, nguyên nhân là do ảnh hưởng của Phật giáo Mật Tông, nhưng người Trung Quốc tạc hình tượng của người nữ theo người Trung Quốc, nó giống như người bình thường của chúng ta, chứ không phải là một nữ thần trên trời mà mình nhìn vô mình thấy không giống mình một chút nào hết, thấy không gần gũi. Nói về tượng thần đó các bạn thì ở bên nền tôn giáo với văn minh của Phương Tây như là Hy Lạp, La Mã, rồi sau đó ảnh hưởng qua Ấn Độ thì thường là người ta thần cách hóa về con người, hiện tượng, thiên nhiên. Còn ngược lại văn minh Trung Quốc lại nhân cách hóa các ông thần thành người thường.
Truyền thuyết Quán Thế Âm Bồ Tát
Từ câu chuyện Ngàn tay ngàn mắt của Phật bà Quan Âm người ta chuyển thể thành một câu chuyện ở đời Minh, do một vị học giả có tên Chu Đỉnh Thần, ông viết truyện là Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát xuất thân Hương Sơn tu hành truyện. Người ta gọi tắt là Quán Âm Nam Hải truyện. Câu chuyện được kể như sau:
Lấy bối cảnh ở bên Ấn Độ nhưng mà người Trung Quốc biết. Ở đất nước Hưng Lâm, có một ông vua tên là Diệu Trang Nghiêm, ông lên ngôi lúc 20 tuổi, sau khi đánh Nam dẹp Bắc đã thu phục được thiên hạ trong tay ở xứ Tây vực Bắc Ấn Độ thời đó. Thì sau đó ông ta phong bà hoàng hậu, mà trong tiếng Hán là hoàng hậu Bá Nha, chứ không phải là hoàng hậu Bảo Đức như cuốn truyện tranh Quan Âm Diệu Thiện mua ở tiệm sách. 20 năm lấy nhau, hoàng hậu chỉ sinh cho nhà vua 2 người con gái, không có hoàng tử, nên khi nhà vua mất, vương quyền sẽ rơi vào tay các đại thần. Cho nên ông ta tâm sự với hoàng hậu “Ái khanh ơi bây giờ làm sao, làm sao đây, giờ ta cũng già, bốn chục tuổi rồi cho nên bây giờ phải tính cách gì”. Hoàng hậu nói: “Chắc có lẽ là hồi xưa nhà vua đánh Nam dẹp Bắc nhà vua giết người nhiều quá, cho nên bây giờ bệ hạ không có con là nhân quả báo ứng. Thì bây giờ ở trên núi Hoa Sơn có ông thần Núi, ông rất là linh. Bệ hạ lên trên núi đó cầu khẩn đi xem sao”.
Ông vua nghe lời, lên cầu thần Núi, thì thần Núi mới cảm động tấm lòng của nhà vua. Nếu mà ổng mất ngôi thì coi chừng ông vua mới lên không thờ mình nữa thì kẹt. Cho nên mình lên Thượng Đế, tâu với Thượng Đế cho người xuống đầu thai làm con của nhà vua này đi. Nhạc thần lên nói không biết có phải nói tiếng Trung Quốc không mà ông Thượng Đế Ấn Độ không hiểu, cho nên ông ta mới phái Từ Hàng Bồ Tát xuống lại là biến thành người nữ, trong khi nhà vua lại cần người nam. Do đó nhiều khi các bạn biết ở dân gian Việt Nam có câu “Mẹ đất thì bị mù, Cha trời thì bị điếc”. Ngọc Hoàng thượng đế bị điếc, cho nên người ta kêu trời ơi mà ông không có giúp. Còn mẹ đất, thì nghe mình khổ quá nhưng không thấy nên cứ ngỡ mình sướng không à. Ông Thượng đế bị điếc cho nên ông nhạc thần lên thì ra dấu làm sao như kịch câm hay sao đó, nói rằng là “Bây giờ ông vua này rất là nhân đức mà bây giờ ông muốn có đứa con trai” thì Hoàng đế bảo “Ừ xuống đi, ta cho một vị bồ tát hóa thân xuống”. Thế thì xuống làm sao sinh ra được con gái. Nhà vua rất là tức giận định giết con của mình. Hoàng hậu mới cản lại “Dù sao cũng là con của mình, tại sao lại giết con của mình. Hổ dữ còn không ăn thịt con nữa mà nhà vua ác vậy”. Nhà vua nói “Ta bực quá đi, mấy ông thần này ta phong thần cho mấy ổng, mà mấy ổng lên tâu trật nữa. Thôi bây giờ Hoàng Hậu muốn nuôi nó thì nuôi đi.”
Càng nuôi công chúa Diệu Thiện càng lớn lên càng dễ thương, càng đẹp, càng có nết đức hạnh. Lúc còn nhỏ, mỗi lần thấy người ta giết con này, con kia thì công chúa khóc lên, bỏ đi. Ăn chay trường từ nhỏ, nhà vua thấy công chúa vậy cũng thương. Càng lớn lên công chúa càng sống một cuộc sống như một ni cô, thế thì nhà vua lại lo, như vậy làm sao cưới hoàng tử cho công chúa được. Do đó nhà vua chuẩn bị kiếm một hoàng tử có tài, có đức để nối ngôi sau này. Công chúa nói “ Con hông có chịu đâu”. Phụ hoàng : “Bây giờ sao con không chịu”. Công chúa trả lời “Tại vì phụ hoàng cho con cưới chồng á thì con hỏi phụ hoàng: nếu mà con lấy chồng sau này con có trẻ mãi không già không”. Phụ hoàng nói “Ai mà không già con, sau này con có sanh con, con cũng phải già thôi.” Công chúa nói “Vậy thì khi nào cưới chồng mà cho con trẻ mãi thì con mới cưới. Nếu như phụ hoàng đáp ứng được điều kiện thứ nhất thì con mới cưới”
Phụ hoàng nói không đáp ứng được điều kiện thứ nhất. Công chúa mới xin điều kiện thứ hai. “Nếu con cưới chồng mà phụ hoàng cho con không bị da nhăn, ăn không bị bệnh như là mẫu hậu của con thì con mới cưới chồng”. Nhà vua nói “Sao mà được, con già con cũng bị bệnh thôi, phụ hoàng cũng bị bệnh đây mà”. Công chúa nói “Vậy thì con cũng hổng dám đâu”. Điều kiện thứ 3 “Nếu như cưới chồng mà con sống hoài không chết thì con mới cưới, còn nếu cưới chồng mà cũng chết thì con thà đi tu”.
Nhà vua mới giật mình và nổi giận lên vì đến 18 tuổi mà công chúa không chịu lập gia đình cho nên mới phạt đánh đòn. Càng đánh công chúa càng thích, đánh đòn mà được đi tu cũng sướng nên cho đánh cho đã. Thấy không có tác dụng nên nhà vua mới cho nó khổ cho nó biết. “Con tưởng đi tu là sướng lắm hả, vô chùa phải làm công quả, thôi bây giờ con xuống dưới nhà bếp con làm công quả đi”. Công chúa xuống nhà bếp làm công quả một tuần công chúa càng mập mạp, càng khỏe, càng tươi, mặc dù làm suốt ngày. Thế thì nhà vua thấy không hiệu quả cho nên nhà vua mới cho công chúa xuống vườn rau để tưới cây, tưới phân, cuốc đất mỗi ngày. Công chúa càng làm càng hăng say, càng khỏe mạnh, càng trẻ đẹp hơn. Nhà vua thấy bất lực rồi, thế thì công chúa đòi đi tu, nhà vua cũng phải đáp ứng. Và ngày công chúa đi tu là ngày 19 tháng mấy?
NTD: tháng 2
(Tháng 2 là đản sanh, xuất gia là tháng 9, thành đạo là tháng 6) Ngày 19/9 công chúa Diệu Thiện xuất gia. Nhà vua này khôn lắm, cho vô chùa rồi biểu mấy sư cô trong chùa đì nó đi, cho nó làm cực cho nó sợ bỏ chạy về. Gia hạn một tuần mấy cô phải đì công chúa cho công chúa sợ, nếu không thành công ta sẽ chém hết tất cả mọi người, kể cả công chúa, còn thậm chí đốt luôn chùa. Một tuần lễ đó là quý sư cô hành hạ công chúa theo lệnh nhà vua triệt để giống như Võ Tắc Thiên ngày xưa đi vô chùa tu vậy đó. Một tuần lễ sau công chúa vẫn tỉnh bơ, không có chuyện gì xảy ra hết.
Nhà vua đùng đùng nổi giận lên, nổi lửa đốt chùa. Tự nhiên trên trời có mưa rớt xuống (ông vua này không coi dự báo thời tiết cũng xui), mưa xuống thì lửa tắt, nhà vua sợ thần trừng phạt cho nên hổng giám đốt nữa mà nói “đao phủ, chém”. Bắt đầu bắt công chúa Diệu Thiện ra trảm thủ thì khi mà đao phủ giơ lên thì chắc tên đao phủ cũng thương công chúa Diệu Thiện (mình giết mấy thằng ác, chém đầu nó chứ công chúa hiền lành như vậy mà đi chém đầu thì không có ổn rồi) cho nên ông mới canh canh cái lưỡi đao lúc mặt trời rọi xuống chín ngọ, lưỡi đao lóa lên ánh sáng, cái ổng la lên “Trời ơi ông trời nổi sấm sét rồi, tôi chặt đầu công chúa không được” thế là ổng buông đao không chặt đầu công chúa, thì ngay lúc đó trong rừng tự nhiên có con cọp trắng nhảy ra vồ công chúa chạy vô mất tiêu. Đúng là thần thoại các bạn ha. Nhưng mà các bạn lại khoái câu chuyện thần thoại đúng không. Có cái gì đó cứu người hiền là mình chịu à. Còn chém đầu công chúa là các bạn tắt tivi ngay tức khắc. Con người chúng ta sẵn có tính thiện ở trong người, cái đó là tính quan âm của mình, lát nữa chúng ta sẽ nói tính thiện đó.
Đi vào trong rừng chỉ có 15’ nữa thôi là hết giờ cho nên công chúa phải tu lẹ lẹ lên chứ hổng kịp giờ. Con cọp nó chạy đi, các bạn biết nó chạy hơn 4000 cây số, đúng là con cọp thần thiệt, nhanh mà. Truyền thuyết, thần thoại nó phải vậy mới hay. Các bạn chạy từ nước Hưng Lâm ở Đông Bắc Ấn Độ là nước tây vực mà các bạn chạy xuống chùa Phổ Đà của Ấn Độ. Ở Ấn Độ nó có một cái mõm như mũi Cà Mau ở Việt Nam mình. Bây giờ gọi là Kê-ni-gia-cu-ma-ri. Người ta xác định núi Phổ Đà, Phổ Đà tiếng Phạn là Potala. Các bạn có nghe từ Pô-ta-la một lần nào chưa? Một cung điện, một đền thờ, một vương quốc Tây Tạng mà Đạt lai Lạt Ma đã từng ở đó gọi là thành Potala bên Tây Tạng cũng là từ Phổ đà la, cái mũi đó có hai hòn đảo nổi lên trên mặt biển có ba mét, mà cách đất liền có ba cây số, người ta đi bè ra đó để đi du lịch. Chỗ đó là chỗ mà Bồ Tát Quan Âm tu ở đó các bạn. Sự tích này có thiệt chứ không phải thần thoại nha các bạn. Thế thì con cọp đem công chúa Diệu Thiện. Công chúa Diệu Thiện tu ở đó, không bao lâu công chúa quán sát nỗi khổ của chúng sanh, công chúa phát ra những lời nguyện như 12 nguyện của quan âm. Công chúa phát nguyện là chúng sanh nó khổ quá, giống như con đang bị nhà vua đày, con khổ quá nên con thông cảm nỗi khổ của chúng sanh cho nên con nguyện là ai kêu khổ là con cứu, ai kêu khổ là con cứu, con nguyện có thần lực như vậy mong chư Phật chứng minh. Thế là trong một thời gian ngắn công chúa nằm mơ, công chúa thấy là mình được bê lên toà sen trắng ngồi, có một bông sen nổi lên giữa biển và mình được ngồi lên đó. Thế là công chúa thức dậy, công chúa nói với sư phụ mình, sư phụ mới chỉ là lên núi Tu Di trên Mã Lạp Sơn mà lấy bông sen trắng tuyết liên ở trên đó thì sẽ thành đạo. Công chúa đi cho đã rồi lên đó không thấy bông sen đâu. Đức Phật hiện ra Đức Phật nói ta đã đem bông sen đó về lại Phổ Đà rồi, con về lại Phổ Đà thì sẽ gặp bông sen đó. Kiểu thử 81 thử thách như Tề Thiên Đại Thánh, nhờ vậy công chúa mới thấu hiểu dân tình, đi đâu cũng gặp người khổ, ra khỏi thủ đô Đề Li của Ấn Độ ta khổ tràn lan hết rồi. Thì công chúa quay về Phổ Đà thì công chúa đắc đạo vào ngày 19 tháng mấy
NKC: 19
Ngày 19.6 đắc đạo thành Bồ Tát Quan Âm nhưng chưa xuất chiêu đâu. Lúc đó ông vua Triệu Trang Vương bị bệnh cùi vì cái tội chém chư ni và giết công chúa, đốt chùa cho nên quả báo nhãn tiền bị bệnh cùi nó rớt từng đốt lóng tay, con mắt mù luôn. Thế thì nhà vua mới rao lên “Ai mà cứu được nhà vua, nhà vua sẽ trọng hậu” lúc đó công chúa đi về cứu nhà vua nhưng mà công chúa giả dạng thầy thuốc, công chúa mới lấy bàn tay của mình (hồi xưa không biết y học hay ghê nha, người ta biết ghép tay cho bệnh nhân cùi) ghép vào bàn tay nhà vua, đây là thần lực Quan ÂM, không thể nghĩ bàn, không thể dùng trí tuệ phàm phu bàn được chuyện đó. Ghép cho nhà vua, nhà vua lành cái tay, nhưng còn con mắt, công chúa móc hai con mắt của mình ra ghép vô con mắt của nhà vua. Nhà vua sáng mắt ra thấy công chúa Diệu Thiện hối hận vô vàn các bạn. Mới sai ông điêu khắc gia nổi tiếng của vương quốc mình “Bây giờ công chúa con ta đã bị mù mắt, đã bị cụt tay vì ta rồi, ông hãy tạc một bức tượng mà nó thiếu tay, thiếu mắt để ta nhớ con ta”. Tại vì công chúa móc mắt xong, công chúa nhập niết bàn luôn, công chúa đi về Phổ Đà để thành Bồ Tát Quan Âm luôn. Thì ông điêu khắc, ông nghe ba chớp ba nháng làm sao á. Chữ thiếu, chữ khuyết ông nghe làm sao thành chữ thiên là ngàn. Thế là ông tạc Đức Bồ Tát Quan Âm đến 1000 tay, 1000 mắt thay vì thiếu tay, thiếu mắt. Câu chuyện đó là câu chuyện nằm trong cuốn Nam Hải Quán Thế Âm bồ tát xuất thân Hương Sơ tu hành truyện vào đời Minh.
Bản này là tiếng Hoa, Trí Minh phải copy rồi dán vô từ điển, mới xong hồi sáng nay. Cho nên kể vắn tắt các bạn nghe, người ta kể rất li kì, hấp dẫn như vậy đó các bạn.
Ý nghĩa của câu chuyện:
Cha mẹ phải hiểu được ước, cha mẹ không hiểu được ước nguyện của con cái. Ép nó vô ước nguyện của mình thì nó rất là đau khổ. Vì vậy khi công chúa Diệu Thiện thành Bồ Tát Quan Âm, công chúa Diệu Thiện thực hiện hạnh đó là hạnh lắng nghe. Hoàng thượng Nhất Hạnh gọi đó là hiểu và thương. Mình muốn thương một người nào thì mình phải hiểu được người đó, còn mình không có hiểu thì mình thương không có nổi. Do đó câu chuyện này cho chúng ta rất nhiều bài học là mình muốn thương một người thì mình phải hiểu được người đó.
Ví dụ: Một đứa con mê chơi game, một người bạn của mình ham uống rượu, ham hút thuốc, một cô bạn gái ham đi shopping mà tiền không có thì bây giờ mình mới hiểu thì mới thương được họ. Mình không hiểu mình sẽ nổi sân liền. Do đó hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Âm là công chúa Diệu Thiện thực hành. Và bài học đó cho chúng ta thấy rằng, muốn thương phải lắng nghe. Và công chúa thì sao, muốn thương được vua cha thì phải tu, các bạn không thương được người ta là các bạn không có tu, không tu không thương được. Chuyện tu hành của công chúa Diệu Thiện nhắc chúng ta rằng mình chỉ có thể hi sinh được cho người thân mình với một trong hai điều kiện là một: mình thương người đó qua đi không nghỉ gì hết như là mẹ thương con.
Để hiểu và thương ta cần có một năng lực khác đó là hiểu biết và trí tuệ, hiểu bình thường ta thương không nổi, hiểu kiểu thế gian, ta thương một người không thương trọn vẹn được. Thậm chí cả chồng và vợ hiểu nhau lắm, nhưng quá sức chịu đựng của mình cũng ra tòa. Bởi vì hiểu mà không hiểu bằng con mắt chánh pháp. Các bạn về đây các bạn học về Phật pháp hướng về Phật pháp cung cấp cho các bạn hiểu đúng thế nào là một con người
PHỤC LỤC 2
Sự tích Bà chúa Ba ở chùa Hương (https://truyencotich.vn/truyen-co-tich/co-tich-viet-nam/su-tich-ba-chua-ba-o-chua-huong.html)
Theo phật thoại ngày xưa, vào đời vua Dịêu Trang Vương ở nước Hương Lâm kể rằng: thời trị vì nhà vua không có con để kế vị ngai vàng nên nhà vua bèn đến miếu Tây Nhạc cầu tự. Lòng thành nhà vua cảm động tới Thiên Đế. Nhân lúc ở dưới trần gian có gia đình họ thị có ba người con trai bị Ngọc Hoàng giáng tội vì gia đình ăn ở không tốt và cho nhốt vào ngục tối. Được tin ở hạ giới có nhà vua đang cầu xin con nên Nam Tào xin Ngọc Hoàng cho ba anh em họ thi đầu thai vào gia đình nhà vua, nhưng phải chuyển kiếp thành nữ giới.
Thế rồi thời gian trôi qua Hoàng Hậu cũng mang thai. Nhưng sau nhiều năm sinh nở, Hoàng Hậu chỉ sinh được ba người con gái và đặt tên là Diệu Thanh, Diệu Âm và Diêu Thiện. Vì không sinh được con trai để nối ngôi nên nhà vua rất buồn phiền. Rồi thời gian qua đi, các công chúa cũng đã khôn lớn. Trong ba cô công chúa thì Công Chúa thứ ba vừa đẹp người lại vừa đẹp nết lại có tâm hướng thiện sâu sắc, nàng chỉ mong được xuất gia tu hành.
Vì không có con trai nối ngôi nên nhà vua gả chồng cho các công chúa hy vọng có kén được rể tốt để nhường ngôi báu. Nhưng thật đáng tiếc, hai người rể họ Triệu và họ Mã đều là nhưng người tham lam nên không xứng đáng để nhà vua nhường ngôi. Chính vì vậy, nhà vua bắt Công Chúa thứ ba phải lấy chồng hy vọng có người rể tốt để truyền ngôi. Nhưng công chúa một mực cự tuyệt không muốn xuất giá mà muốn xuất gia tu hành. Nhà vua tức giận bèn nhốt công chúa vào vườn sau cách ly với mọi người, nhưng công chúa lại thấy nơi đây rất yên tĩnh để tu hành. Nhà vua thấy vậy bèn đưa nàng tới chùa Bạch Tước và bảo các nhà sư bắt nàng làm nhiều việc nặng nhọc mong nàng nản chí từ bỏ việc tu hành. Thế nhưng lại càng mừng rằng đó là quy luật (Hữu Thân, Hữu Khổ) không tiếc thân mình hằng mong đắc đạo. Nhà vua thấy vậy lại càng tức giận bèn sai quan quân đốt chùa, giết sư. Công chúa thấy vậy bèn cắt tay chảy máu và vung lên trời. Ngọc Hoàng thấy vậy biến những giọt máu thành mưa dập tắt lửa. Việc làm của nàng càng làm cho nhà vua tức giận cho dù Hoàng Hậu và mọi người can ngăn nhưng nhà vua vẫn sai quan quân đưa nàng ra pháp trường xử chém vì nàng chống lại lệnh của nhà vua. Ngọc Hoàng thấy vậy liền sai thần linh hóa thành mãnh hổ biến thành trận cuồng phong tối tăm và mãnh hổ lao ra cõng nàng công chúa vào rừng cứu thoát khỏi sư truy đuổi của quan binh. Sau đó nàng được sứ giả của Diêm Vương đưa xuống thăm 18 tầng địa ngục. Ở đây, nàng chứng kiến rất nhiều sự tra tấn và cực hình của những tội nhân rất thương tâm và đau lòng, nàng cầu xin được xá tội cho những tội nhân và nàng than rằng:
Ước sao tù ngục vắng không
Bao nhiêu tội chúng sạch trong lầu lầu.
Lòng thành của nàng được Thượng Đế cảm động liền sai Diêm Vương xá tội cho những tội nhân. Sau đó nàng được đưa lại dương gian và được thần hổ đưa về chùa giải oan để tu hành. Ở đây nàng được Đức Phật thử lòng son sắt xem nàng có thực sự có tâm hướng Phật hay không hay vẫn vướng vân tình ái nhân gian. Nhưng nàng một lòng một dạ muốn được tu hành để cứu độ chúng sinh, Đức Phật thấy nàng một lòng hướng thiện bèn sai thần hổ đưa nàng vào động Hương Tích để tu hành. Trước khi vào động nàng được Đức Phật cho tắm ở suối giải oan mong rằng nàng sẽ chút bỏ mọi muộn phiền để hướng tâm vào tu hành.
Sau chín năm tu hành bà đã có nhiều phép thuật, được Chư Phật kính trọng và tôn bà là Bồ Tát Quán Thế Âm (còn có tên gọi: “Bà Chúa Ba” ứng với mong ước của bà tu hành là để độ cho chúng sinh được an bình.
Cùng lúc đó tại quê nhà, nhà vua thì lâm bệnh nặng, đất nước thì loạn lạc vì sự tranh giành ngôi báu của hai người con rể. Thấy vua cha như vậy, Bà Chúa Ba đã cải trang đến chữa bệnh cho nhà vua và giúp gia đình tránh khỏi cảnh loạn lạc. Vì để chữa bệnh cho vua cha mà bà đã chặt tay, móc mắt để làm thuốc chữa bệnh. Sau khi vua cha khỏi bệnh bà lại quay lại động Hương Tích để tu hành. Khi nhà vua đã khỏi bệnh và đất nước cũng trở lại thái bình, nhà vua đã dò hỏi và dẫn cả gia đình tới động Hương Tích để cảm tạ, lúc đó nhà vua mới nhận ra người chữa bệnh cho mình chính là Công Chúa thứ ba ngày xưa mà mình đã hắt hủi. Cả nhà khi nhìn thấy Bà Chúa Ba bị mất cả tay và mắt thì rất đau lòng, nhưng bà khuyên mọi người đừng quá đau lòng vì bà đã mãn nguyện tu hành. Sau bao nhiêu năm xa cách gia đình mới được đoàn tụ, lúc này nhà vua thức tỉnh và mong được xuất gia tu hành để được chuộc lại lỗi lầm. Thấy tấm lòng của cả gia đình bà như vậy chúa trời đã hóa phép cho bà được trở lại như xưa. Cảm động trước tấm lòng của cả gia đình một lòng hướng thiện tu hành, chúa trời đã sắc phong cho Công Chúa thứ ba là Quán Thế Âm Bồ Tát, Công Chúa thứ nhất là Văn Thù Bồ Tát, Công Chúa thứ hai là Phổ Hiền Bồ Tát, nhà Vua là Thiện Thông Bồ Tát, Hoàng Hậu là Khuyến Thiện Bồ Tát.
Vậy là cả gia đình Bà Chúa Ba được vinh hiển thơm tho lưu truyền hậu thế và trở thành một nét đẹp của văn hóa dân tộc. Dân gian còn lưu truyên câu thơ:
Rằng trong bể nước nam ta
Chùa Hương có Đức Phật Bà Quan Âm.
Ở Chùa Hương còn có một nơi hiện giờ vẫn lưu truyền thờ phụng gia đình Bà Chúa Ba đó là Động chùa Tiên Sơn – Chùa Hương.
Và từ xa xưa nét đẹp đó đã trở thành một lễ hội truyền thống của dân tộc. cứ mỗi độ xuân về thì du khách cả nước lại nô nức về đây trẩy hội, thắp một nén hương thơm cầu mong người mẹ của tâm linh luôn che chở cho họ được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống và tiếp thêm sức mạnh cho mọi người vượt qua những khó khăn.