Banner cho bài viết:BÀI LUẬN: BIỂU HIỆN VĂN HÓA VÙNG QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN
ĐẠI HỌC

BÀI LUẬN: BIỂU HIỆN VĂN HÓA VÙNG QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN

BÀI LUẬN: BIỂU HIỆN VĂN HÓA VÙNG QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN 

MỤC LỤC

I. MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ VĂN HÓA

1.1. Khái niệm văn hóa và văn học dân gian

1.2. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa

1.3. Dẫn chứng

II. BIỂU HIỆN CỦA VĂN HÓA VÙNG QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN

2.1. Khái niệm văn hóa vùng

2.2. Biểu hiện của văn hóa vùng qua một số truyện cổ dân gian xứ Quảng

2.2.1. Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn

2.1.2. Truyền thuyết về bà chúa tằm tang xứ Quảng

2.1.3. Truyện cổ tích Ông vua cãi

2.3. Lí do chọn tác phẩm

III. THU HOẠCH CÁ NHÂN SAU KHI TIẾP CẬN MÔN HỌC

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHỤ LỤC 

BÀI VIẾT

  1. MỐI QUAN HÊ GIỮA VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ VĂN HÓA

    1. Khái niệm văn hóa và văn học dân gian

      Theo tác giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.” [7, tr10]

      Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể, thể hiện nhận thức, tư tưởng tình cảm của nhân dân lao động về tự nhiên, xã hội, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

    1. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa

      Có thể nói một cách ví von về mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa “ Văn hóa như một mảnh đất còn văn học dân gian là một cái cây”. Đất cung cấp nước, chất dinh dưỡng cho cây, giúp cây có thể đứng vững và tồn tại. Ngược lại, cây có thể gìn giữ, bảo vệ mảnh đất ấy trước sự xói mòn của nước. Từ cách nói ví von này có thể khẳng định rằng văn hóa và văn học dân gian có mối quan hệ mật thiết, gắn bó tương trợ cùng nhau phát triển.

     - Văn học dân gian phản ánh và bảo tồn, lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.

     Văn học dân gian là sản phẩm, phản ánh đời sống của nhân dân lao động, cho nên nó có nhiều lợi thế trong việc phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện cách cảm, cách nghĩ của dân tộc một cách tự nhiên, đầy đủ, sinh động nhất. Khi tìm hiểu các thể loại văn học dân gian như thần thoại, truyền thuyết, sử thi, tục ngữ, ca dao, vè, truyện cười, truyện ngụ ngôn… thì ta dễ dàng nhận thấy những thể loại này không hẳn là nhằm mục đích nghệ thuật, tạo ra các giá trị thẫm mĩ mà chủ yếu là chức năng phản ánh đời sống xã hội, phục vụ lao động sản xuất, giải phóng tâm tư tình cảm của con người. Là một thành tố của văn hóa, văn học dân gian có một vai trò quan trọng trong việc phản ánh bản sắc văn hóa của dân tộc trên nhiều phương diện. Từ văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên đếnvăn hóa ứng xử với môi trường xã hội, văn hóa tổ chức đời sống cá nhân đến văn hóa tổ chức đời sống tập thể, văn hóa nhận thức về tự nhiên đến văn hóa nhận thức về vũ trụ đều được phản ánh một cách chân thực, sinh động. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, không phải tác phẩm văn học dân gian nào cũng phản ánh hết tất cả những giá trị văn hóa này. Tùy vào đặc trưng thể loại, mỗi tác phẩm sẽ chọn lọc những tư liệu văn hóa để đưa vào tác phẩm.

       Văn học dân gian không chỉ phản ánh mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Việt. Truyền miệng – một đặc trưng cơ bản của văn học dân gian, nhờ hình thức lưu truyền này mà các vùng địa phương, các thời đại khác nhau có thể lưu truyền, gìn giữ, bổ sung, góp phần xây dựng một nét đẹp văn hóa dân tộc phong phú, sinh động. Nhờ hình thức lưu truyền này mà đến bây giờ dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử thì các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn giữ nguyên giá trị.

     Văn học dân gian còn góp phần phát triển các giá trị văn hóa

     Văn học dân gian góp phần vào phát triển ngôn ngữ của dân tộc. Ngôn ngữ được xem là một thành tố cơ bản của văn hóa, nó phản ánh quá trình phát triển của một dân tộc. Văn học dân gian xuất hiện trước khi văn học viết ra đời, ngôn ngữ trong văn học dân gian chủ yếu tồn tại ở dạng nói. Đa phần những tác phẩm văn học dân gian đều gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân lao động, tuy nhiên chúng ta không nên phủ định sự sáng tạo của cha ông trong cách sử dụng ngôn ngữ. Từ việc quan tâm đến vần, nhịp đến kết cấu, hình ảnh. Nhất là các thể loại ca dao, dân ca, tục ngữ, vè, câu đố. Và đó cũng là lí do tại sao nhiều hình ảnh, câu nói trong văn học dân gian được đưa vào những tác phẩm văn học viết. “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đồng/ Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắm mười mưa dám quản công”, các chất liệu dân gian “thân cò”, “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa” được Tú Xương tái hiện lại trong bài thơ Thương vợ của mình để khắc họa sự vất vả, tảo tần của người vợ nói riêng và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

      - Văn hóa giữ vai trò là nguồn cội cung cấp chất liệu, tri thức, nguồn cảm hứng để tạo nên những tác phẩm văn học dân gian.

      Văn hóa được xem là một cái nôi nuôi dưỡng văn học dân gian. Trở thành một chất liệu quý giá để tạo nên tác phẩm. Các yếu tố văn hóa như bối cảnh xã hội, tư tưởng, tâm lí, chi phối văn học dân gian trong cách xây dựng đề tài, chủ đề, tư tưởng, hình thức nghệ thuật. Khi xã hội có sự phân chia giai cấp, xuất hiện nhiều số phận thấp bé trong xã hội thì nét đẹp văn hóa truyền thống về lòng bao dung, thương người, triết lí “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” trở thành chất liệu cho những câu chuyện cổ tích. Hay khi đất nước có giặc ngoại xâm thì lòng yêu nước trở thành chất liệu cho truyền thuyết, ca dao, vè. Theo cách hiểu văn hóa của Trần Ngọc Thêm, thì chúng tôi khẳng định rằng: Tất cả những gì vốn có trong cuộc sống đề trở thành chất liệu, cảm hứng cho văn học dân gian, từ các vấn đề nhỏ như ăn, ngủ, nói năng cho đến quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước.

     Ngoài ra, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối cách hiểu, cách đánh giá một tác phẩm văn học dân gian. Dựa vào văn hóa ta có thể hiểu hơn về những tác phẩm văn học dân gian. Cũng chính vì lí do này, ngày nay có rất nhiều nhà nghiên cứu chọn cách nghiên cứu văn học dân gian nói riêng và văn học nói chung dưới góc nhìn văn hóa. Lối nghiên cứu này rất phù hợp, cung cấp một cái nhìn trọn vẹn về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa, vừa hiểu được cái hay của tác phẩm vừa hiểu được các giá trị văn hóa của dân tộc.

     Văn học vừa là bộ phận, vừa là sản phẩm của văn hóa cho nên khi muốn giải mã tác phẩm thì cần đặt trong ngữ cảnh văn hóa. Ngày ngay có rất nhiều người người bằng cái nhìn của con người hiện đại để phản bác một thành quả của dân tộc trong quá khứ. Chúng tôi đơn cử một dẫn chứng về tựa đề “ Có nên tiếp tục dạy con bằng truyện cổ tích” được đăng trên báo vnexpress, bài viết này đưa ra hai quan điểm trái chiều về tính giá trị của truyện cổ tích. Theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy rằng hiện nay truyện cổ tích vẫn đóng một vai trò hữu ích cho việc giáo dục nhân cách của trẻ. Chúng ta cần dựa vào bối cảnh văn hóa lúc truyện cổ tích ra đời để có một cái nhìn cởi mở hơn.

    1. Dẫn chứng

      Một nét đẹp nhất trong văn hóa của người Việt đó chính là ý thức về cội nguồn dân tộc. Chắc hẳn đối với mỗi người dân đất Việt, ai cũng từng được nghe câu tục ngữ này “Con người có cố có ông/ Như cây có cội như sông có nguồn.” một câu ca dao rất ngắn gọn nhưng đã truyền tải được một thông điệp đáng quý “Phải luôn có ý thức về cội nguồn”. Vậy cội nguồn dân tộc Việt có từ đâu? Theo cách lí giải của dân gian thì chính là “Con Rồng cháu Tiên” – trong Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây là một truyền thuyết khá phổ biến, gần gũi với người Việt. Mượn cốt lõi lịch sử (nhiều chi tiết khá giống với Đại Việt sử kí toàn thư) và yếu tố hoang đường kì ảo để lí giải nguồn gốc giống nòi của dân tộc Việt “Âu Cơ vốn là dòng tiên, cảm phục Lạc Long Quân trí dũng hơn người nên hai người đã kết duyên vợ chồng. Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra môt trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai.” Qua chi tiết này, ta thấy rõ được giá trị văn hóa về cội nguồn được phản ánh rõ vào trong tác phẩm như một niềm tự hào cùng chung dòng máu Lạc Hồng. Ngoài ra, ý thức về cội nguồn còn được nhắc đến qua hình tượng 18 vị Vua Hùng, hơn hết là vị vua dựng nước đầu tiên “Văn Lang”. Việc nhắc đến các vị vua Hùng ở cuối tác phẩm như một sự nhắc nhở thế hệ sau phải biết ơn công lao của người xây dựng đất nước. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” hay nhân dân ta vẫn hay truyền nhau câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

       Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ còn phản ánh một cách sinh động về nền văn hóa lúa nước “Dẹp xong yêu quái, Lạc Long Quân thấy người dân nơi đây còn rất nghèo, vì thế chàng dạy học cách trồng lúa, nấu cơm bằng ống tre và cách xây nhà cao từ cây để tránh thú dữ.” Lúa nước đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa (văn hóa ẩm thực, tín ngưỡng, lễ hội…) Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Một nền văn hóa nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên cho nên người Việt thường có tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Điều này cũng dễ hiểu khi xem xét nguồn gốc xuất thân của Lạc Long Quân – Con của Rồng, cháu của Chim.

     Bên cạnh giá trị văn hóa về cội nguồn và nền văn hóa lúa nước, Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ còn phản ánh các địa danh gắn liền với văn hóa tâm linh của người Việt : Bạch Long Vĩ, Đầm xác cáo “Đến vùng bờ biển Đông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá thành tinh đã mấy ngàn năm tung hoành ngang dọc… Khúc đuôi biến thành một hòn đảo dài có hình cong lên như đuôi rồng, nên về sau này được gọi là Bạch Long Vĩ. Sau đó Lạc Long Quân đến Long Biên, ở đây có con cáo chín đuôi sống hơn nghìn năm,chuyên hãm hại dân lành... xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo”.

     Nhìn chung lại, Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đã phản ánh được một số bản sắc văn hóa của người Việt. Từ việc phản ánh này, đã góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, trở thành những bài học về đạo lí làm người cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.

     Văn hóa giữ vai trò là nguồn cội cung cấp chất liệu, tri thức, vốn sống, nguồn cảm hứng để tạo nên những tác phẩm văn học dân gian. Các yếu tố văn hóa văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên – tín ngưỡng sùng bái tự nhiên “Rồng”, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội – ý thức hướng về nguồn cội đã trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng để các tác giả dân gian biến những sự kiện, nhân vật lịch sử trở thành một truyền thuyết sinh động, dễ lưu truyền trong nhân gian.

     Hay chỉ cần một câu tục ngữ ngắn gọn “Giấy rách giữ lề” cũng đủ để phản ánh được mối quan hệ giữa văn hóa và văn học dân gian. Với cách nói ẩn dụ, ví von, câu tục ngữ đã phản ánh được những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông về phẩm giá, đạo đức của con người. Dù có khó khăn, đói khổ thì cũng phải giữ vững được lòng tự trọng, không được đánh mất cái bản tính tốt đẹp, lương thiện của chính mình. Nét đẹp văn hóa về đạo lí làm người, trở thành một chất liệu phong phú trong kho tàng văn học dân gian. Trong bối cảnh hiện nay, với sự lên ngôi của đồng tiền nhiều cá nhân sẵn sàng đánh mất đi bản thể của chính mình thì câu nói này càng thêm phần giá trị.

     Kết luận: Văn học dân gian và văn hóa có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tác động qua lại. Qua các tác phẩm văn học dân gian có thể hiểu văn hóa, qua văn hóa có thể hiểu văn học dân gian. Văn học dân gian góp phần vào việc phản ánh, lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa. Nhờ có văn học dân gian mà văn hóa dân tộc trở nên sinh động, hấp dẫn. Văn hóa được xem là chất liệu, nguồn cảm hứng để tạo nên những tác phẩm văn học dân gian.

     Đọc một tác phẩm văn học dân gian có thể giúp ta hiểu hơn về những giá trị văn hóa của dân tộc. Để hiểu hết được tất cả những gì trong tác phẩm dân gian thì cần phải trang bị cho mình một lượng kiến thức về văn hóa.

  1. BIỂU HIỆN CỦA VĂN HÓA VÙNG QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN

      2.1 Khái niệm vùng văn hóa

      Trong cuốn Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh đã trình bày một cách đầy đủ về khái niệm vùng văn hóa “Vùng văn hoá là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về tŕnh độ phát triển kinh tế - xă hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hoá qua lại, nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hoá khác.” [6, tr15] Theo tác giả có thể chia cả nước thành 7 vùng văn hóa.

Trong phạm vi câu hỏi này, chúng tôi chỉ đi sâu phân tích biểu hiện văn hóa ở Quảng Nam, Đà Nẵng trong tiểu vùng văn hóa Xứ Quảng.

      2.2. Biểu hiện của văn hoá vùng qua một số truyện cổ dân gian xứ Quảng

    2.2.1. Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn

    Tóm tắt tác phẩm: Ngày xưa, khi nơi đây chỉ còn là một miền đất hoang địa thì có một con rồng đến đây đẻ trứng. Đẻ xong, Rồng lập tức quay về biển đông. Rùa Vàng hiện lên, bới cát ủ cho trứng rồng nở. Nhân có một lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi dạt tới, Rùa Vàng đưa cho lão ngư dân một chiếc móng vuốt và dạy cho lão cách bảo vệ giọt máu của Long Quân. Nhờ có chiếc móng vuốt này, lão ngư dân bảo vệ được trứng Rồng. Sau một ngàn ngày đêm thì nở ra một nàng tiên xinh đẹp khác thường. Năm mảnh trứng rồng nứt ra cứ lớn mãi, lớn mãi lên, thành năm ngọn núi. Vì năm ngọn núi có năm sắc lấp lánh cho nên người ta gọi là Ngũ Hành Sơn.

     Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn là một truyền thuyết địa danh, thông qua việc giải thích tên gọi địa danh Ngũ Hành Sơn người dân xứ Quảng cũng gửi gắm trong đó bản sắc văn hóa của dân tộc người Việt nói chung và văn hóa của vùng đất xứ Quảng nói riêng.

     Văn hóa nhận thức về vũ trụ: nguyên lý ngũ hành

     Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn phản ánh rõ truyền thống văn hóa dân gian đó là ứng dụng thuyết ngũ hành trong cách gọi tên Ngũ Hành Sơn “Năm mảnh trứng rồng nứt ra cứ lớn mãi, lớn mãi lên, thành năm ngọn núi. Ngày nay, năm cụm núi ấy vẫn còn, và do đá núi có năm sắc lấp lánh nên người ta gọi là núi Ngũ Hành.” Những ngọn núi này gọi tên như trong bát quái: Hòn phía Bắc tượng trưng hành thủy, gọi là Thủy Sơn; hòn phía Nam ứng với hành hỏa gọi là Hỏa Sơn; hòn phía Đông hành mộc gọi là Mộc Sơn và hòn chính giữa là hòn thổ, gọi là Thổ Sơn. Tác giả Trần Ngọc Thêm cho rằng “ Cũng không phải ngẫu nhiên mà sáu ngọn núi ở Nước Non (Quảng Nam) được quy về năm để gọi là Ngũ Hành Sơn” [7, tr70], năm ngọn tương ứng với năm hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Ngày nay, thuyết ngũ hành được vận dụng khá phổ biến vào đời sống: Thiết kế, trang trí nhà, công ty…; xem tuổi để kết hôn.

     - Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên: Rồng, Rùa

     Với đặc trưng loại hình văn hóa gốc nông nghiệp, do sống phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên cho nên họ luôn có ý thức tôn trọng và mong ước sống hòa hợp với thiên nhiên. Điều này thấy rõ khi người Việt xưa thường tôn các hiện tượng tự nhiên thành “Thần”, thậm chí dùng tự nhiên để giải thích cội nguồn của loài người. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên còn được thể hiện rõ qua việc sùng bái các loài động vật. Người Việt có câu “Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng”. Hay hình ảnh Tứ Linh “Long Lân Quy Phụng” khá quen thuộc và gắn liền với cuộc sống của người Việt nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung. Trong Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn đã đề cập đến hai con vật trong Tứ Linh đó là Rồng và Rùa. Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm có lí giải về loài Rồng “Con Rồng mang đầy đủ hai nét đặc trưng cơ bản của tư duy nông nghiệp là tổng hợp và linh hoạt, là kết quả của các sấu và rắn, sinh ra từ nước và bay lên trời, bay lên trời mà không cần phải có cánh, miệng vừa phun nước vừa phun lửa.” [7, tr135] Đối với người Việt, Rồng trở thành một biểu tượng thiêng liêng gắn với tâm thức về nguồn cội của dân tộc. Trong Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn, nguồn gốc của loài người được gắn liền với quả trứng rồng “Sau đúng một ngàn ngày đêm, trứng Rồng bỗng nứt ra. Một cô gái xinh đẹp tựa như tiên nga ra đời”.

     Bên cạnh Rồng, Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn còn nhắc đến hình ảnh con Rùa – một loài động vật khá phổ biến và gắn liền với văn hóa sông nước của người Việt. Trong những giai đoạn lịch sử sơ khai của dân tộc Việt, Rùa trở thành một biểu tượng thiêng liêng và được thần thánh hóa trong tâm thức của người Việt. Từ thời Âu Lạc, hình ảnh con Rùa vàng được xuất hiện gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của An Dương Vương trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy. Ngoài ra trong văn hóa Việt, hình ảnh con Rùa còn gắn liền hình ảnh rùa thần cho Lê Lợi mượn thanh gươm thần để đánh đuổi giặc minh đô hộ nước Đại Việt. Khi giành thắng lợi, vua đang ngự thuyền rồng trên hồ Tả Vọng, Rùa vàng xin lại gươm thần. Từ đó hồ Tả Vọng này được gọi là Hồ Gươm, hay Hồ Hoàn Kiếm.

    Đối với Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn, Rùa vàng hay còn gọi là Thần Kim Quy trở thành một biểu trưng sự trường tồn, bảo vệ sự an toàn của loài người, nhờ có móng vuốt của rùa mà người ngư dân có thể giữ được sự an toàn cho trứng Rồng.

- Văn hóa biển gắn liền với công cuộc khai khẩn vùng đất mới

     Khi tiếp cận Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có một truyền thuyết khác về Núi Ngũ Hành “Núi Ngũ Hành đó là năm ngón tay của Đức Phật Quan Âm đè lên mình Đại Thánh. Năm ngón tay đó làm năm hòn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tức là Ngũ Hành Sơn. Truyền thuyết này có phần ảnh hưởng của Tây du ký.” [3, tr 294]. Núi Ngũ Hành được tạo ra từ năm ngón tay của Đức Phật. Tuy nhiên trong Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn của người dân xứ Quảng, chúng tôi nhận thấy Núi Ngũ Hành được tạo ra bởi vỏ trứng của Rồng và Rùa vàng trao móng vuốt cho ngư dân để bảo vệ quả trứng Rồng. Từ việc gắn với hình ảnh Rùa vàng và quả trứng rồng “gọt máu của Long Quân” chúng tôi bước đầu khẳng định được Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn mang dấu ấn văn hóa biển, trong quan niệm về giống nòi.

     Tiếp đến, vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng được xem là một vùng đất trẻ của Tổ Quốc. Không tính những cư dân từ thời tiền sử và sơ sử cư trú và phát triển trên vùng đất này thì hầu như những cư dân miền biển đều có quê gốc ở Miền Bắc “Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, một số nhỏ từ Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên” vào đây theo những đợt di dân khác nhau [Tập 3, tr36]. Ban đầu họ mới đến chỉ tập trung làm nông, sau này họ bắt đầu khai phá và định cư trên những bãi cát trắng, trở thành cư dân miền biển. Hình ảnh ngư dân từ phương Bắc trôi dạt vào “Ngày kia, có một lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi dạt tới. Ông lão tự đi đốn cây, cắt tranh, dựng một túp lều con và sống thui thủi một mình trên bãi biển vắng” gợi lên gốc gác của những người lưu dân trên đất Quảng. Vì ban đầu họ chỉ là những người thuần nông, nên biển đối với họ là một cái gì đó siêu nhiên, đầy bí ẩn. Họ tin rằng biển là mẹ, là nơi sinh ra con người qua hình ảnh “rồng”, đồng thời biển cũng bảo vệ, giúp đỡ con người khi họ gặp khó khăn qua hình ảnh “Rùa vàng”

     Nhìn chung lại, Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn đã phản ánh rõ được nét văn hóa đặc sắc riêng của xứ Quảng. Đó là sự sáng tạo khi kết hợp các truyền thuyết khác mang đậm dấu ấn của dân tộc để lí giải tên gọi Ngũ Hành Sơn đặc trưng cho vùng đất này. Phản ánh được dấu ấn văn hóa biển gắn liền với quá trình khai phá vùng đất mới. Ngoài ra còn mang đậm bản sắc văn hóa chung của người Việt trong việc nhận thức về con người “con rồng cháu tiên” , nhận thức về vũ trụ “nguyên lí ngũ hành”. Ngày nay Ngũ Hành Sơn trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng, nơi tổ chức các lễ hội: lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Vu lan báo hiếu.

     2.1.2. Truyền thuyết về bà chúa tằm tang xứ Quảng

     Tóm tắt tác phẩm: Truyện bắt đầu bằng một cuộc tình duyên Đế vương giữa cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc và Chúa Nguyễn Phúc Lan. Khi Nguyễn Phước Lan lên ngôi, bà được phong là Hiếu Chiêu hoàng hậu. Vốn dĩ là một cô thôn nữ hái dâu nên khi lên làm hoàng hậu bà đã ra sức khuếch trương nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề dệt tơ lụa. Nhờ thế mà nghề nuôi tằm ở Đàng Trong được mở mang và sản xuất được nhiều loại tơ lụa nổi tiếng. Cũng chính vì vậy mà Hiếu Chiêu hoàng hậu được nhân dân tôn là "Bà chúa tằm tang xứ Quảng". Khi bà mất các Chúa Nguyễn lần lượt phong bà nhiều danh hiệu tôn kính. Để tưởng nhớ công đức của bà, người dân Điện Bàn vẫn gìn giữ, phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tầm, ươm tơ, dệt lụa cho đến ngày nay.

     Văn hóa ứng phó với môi trường tự nhiên và xã hội : Mặc

      Mặc được xem là một nhu cầu rất cần thiết của con người. Từ thời xa xưa người ta mặc để giữ ấm cho cơ thể, thể hiện một nét văn hóa ứng phó với môi trường tự nhiên (thời tiết). Khi nhận thức con người bắt đầu tiến bộ, mặc không chỉ để ứng phó với môi trường tự nhiên mà còn mang một ý nghĩa xã hội rất quan trọng. Cách ăn mặc vừa trở thành một nét đẹp chung cho cả dân tộc vừa thể hiện được cái riêng, dấu ấn văn hóa của từng địa phương.

     Truyền thuyết về bà chúa tằm tang xứ Quảng đã góp phần tái hiện lại nét đẹp văn hóa về nghề trồng dâu nuôi tằm của người dân xứ Quảng. Thể hiện một nét đẹp văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nhờ hết lòng khuyến khích của Đoàn Qúy Phi mà nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây phát triển cực thịnh. Dưới thời chúa Nguyễn, tơ lụa xứ Quảng được chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn làm vật cống hằng năm cho vua Lê. Không những vậy, tơ lụa nơi đây còn trở thành một món hàng phổ biến để xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới. Ngày nay, cái danh lụa tằm tang vẫn nổi tiếng khắp cả nước và thực sự đã trở nên thu hút một lượng lớn du khách khi đến phố cổ Hội An, đặc biệt là khách quốc tế. Các làng nghề này cũng đã tạo nên sự sầm uất của “Con đường tơ lụa trên biển” và thương cảng Hội An.

     Tín ngưỡng thờ người có công và Lễ hội Bà Chúa tằm tang

     Để tưởng nhớ công lao của Đoàn Qúy Phi, người dân xứ Quảng đã lập đề thờ và tổ chức lễ hội hằng năm “Hàng năm, từ ngày 11 đến ngày 13.2 (âm lịch) nhân dân và tộc họ quanh vùng làm lễ dâng hương tưởng niệm và tổ chức lễ hội Bà Chúa tằm tang… Tại Bảo tàng Làng Lụa ở Hội An, còn có một không gian được dành riêng, rất trang nghiêm để thờ Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, cô thôn nữ hái dâu ngày xưa”. Điều này đã phản ánh được đạo lí uống nước nhớ nguồn – một truyền thống quý báu có từ lâu đời của dân tộc Việt.

     2.1.3.Truyện cổ tích Ông vua cãi

    Tóm tắt: Truyện kể về một người nông dân nhà nghèo, nhưng lại nổi tiếng ăn nói khôn ngoan, ứng đối lưu loát như nước sông, sóng biển. Cả ba lần tranh luận với ba người nổi tiếng đến từ Trung Quốc: Khổng Tử, Lý Thiết Quài (một trong tám vị tiên xuất hiện trong vở kịch Bát tiên Khánh Thọ ở đời Nguyên), Quan Đại học sĩ Trung Quốc thì anh nông dân đều cãi thắng, khiến ba người uất ức bỏ đi.

   Hay cãi – một bản sắc văn hóa riêng của người dân xứ Quảng

“- Ông hỏi trước hay tôi hỏi trước?

Khổng Tử nói rằng, ta vốn là bậc thánh nhân, lẽ đâu chịu tiếng thấp kém, nên thôi, cứ cho nhà người hỏi trước.

Ông Vua Cãi liền hỏi Khổng Tử:

Ông có còn cha mẹ không?

Thưa còn!

Ông ở tận bên Tàu qua đây có xa không?

Thưa xa

Vua Cãi mỉm cười rồi nói tiếp:

     Ông thường dạy mọi người là "Phụ mẫu tồn, tử bất viễn du” đó mới là con có hiểu. Thế mà nay vì hiếu danh, muốn cãi hơn tôi để được tiếng tài giỏi, mà đành bỏ cha mẹ già yếu ở nhà, lại làm trái với chính ý kiến của ông đem ra dạy bảo mọi người, vậy ông nghĩ sao?”

     Chỉ qua một cuộc trò chuyện ngắn giữa anh nông dân và Khổng Tử ta thấy rõ được sự thông minh, nhạy bén của anh nông dân khi dồn một bậc thánh nhân vào bước đường cùng của ngôn ngữ. Hai từ “Vua Cãi” cũng đã phản ánh rõ tài năng, tính cách của anh thanh niên này. Dù đây chỉ là một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện hoàn toàn được hư cấu, tuy nhiên nó phản ánh được tính cách của người dân xứ Quảng. Xưa nay, ai cũng biết Quảng Nam hay cãi, nhiều người còn lầm tưởng nó là khuyết điểm lớn của người dân xứ này. Tuy nhiên, cãi ở đây bắt nguồn từ sự cương trực, ưa lẽ phải. Nhìn lại lịch sử vùng đất này, không tính những cư dân từ thời tiền sử và sơ sử cư trú và phát triển trên vùng đất này thì phần lớn là dân di cư từ miền Bắc vào. Một người họ phải bỏ lại quê hương xứ sở để đến một vùng đất mới để lập nghiệp thì chắc chắn trong họ có một sự gan dạ, can trường. Để giải thích cho tính hay cãi của người Quảng Nam nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Cùng ra đi theo Nguyễn Hoàng vào Nam là những người quyết rời một xã hội đối với họ không còn có thể sống được nữa… Họ đi tìm một lối thoát, một lối mở cho một xã hội đã phân rã. Đó chính là thành phần quan trọng nhất trong những tiên dân xứ Quảng. Đấy là những con người đã quyết “cãi lại” một xã hội cũ, một cách sống cũ, đi tìm một xã hội mới, một cuộc sống mới, một cách làm người Việt kiểu khác, mới. “Quảng Nam hay cãi” chính là sinh ra từ đây chăng? Quảng Nam đã “cãi lại” từ đầu!” [4]. Từ sự gan dạ, dũng cảm kết hợp với tinh thần yêu chính nghĩa và tinh thần hiếu học đã mang lại một nét văn hóa riêng cho vùng đất này “hay cãi”. Họ cãi để bảo vệ cái ngay thẳng, chính nghĩa chứ không phải bắt nguồn từ sự hiếu thắng, ngoan cố.

     2.3. Lý do chn tác phẩm

     Mỗi vùng đều mang trong mình những nét văn hóa chung của cả dân tộc, vừa mang những nét riêng tiêu biểu để khu biệt với các vùng khác. Trong bài viết này, chúng tôi chọn hai truyền thuyết: Truyền thuyết sự tích Ngũ Hành Sơn, Truyền thuyết về bà chúa tằm tang xứ Quảng và truyện cổ tích Ông Vua Cãi để làm rõ bản sắc văn hóa của người dân xứ Quảng trong các tác phẩm văn học dân gian. Các yếu tố văn hóa như tín ngưỡng thờ người có công, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, nguyên lí ngũ hành, ý thức về cội nguồn dân tộc là những nét đẹp truyền thống của người Việt. Địa danh núi ngũ hành, lễ hội bà chúa tằm tang xứ Quảng, tính hay cãi là những nét văn hóa riêng của người dân Xứ Quảng. Từ những nét riêng và chung này đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu của người dân xứ Quảng. Hơn nữa, khi đọc nhan đề tác phẩm thì người đọc có thể nhận biết đây là tác phẩm văn học dân gian của địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng, nó như một sự khu biệt với các địa phương khác.

  1. THU HOẠCH CÁ NHÂN SAU KHI TIẾP CẬN MÔN HỌC

     Mỗi hành trình là một trải nghiệm, mỗi bài học là một điều bổ ích. Sau khi học xong học phần Nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hoá- lịch sử và vấn đề phương pháp luận, bản thân học viên thu hoạch được nhiều kiến thức bổ ích. Ở chương trình đại học, văn học dân gian chỉ được tiếp cận trong bản thân nội tại tác phẩm, đặc trưng thể loại. Đối với học phần này, văn học dân gian lại được nhìn từ một góc nhìn khác – văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa.

     Trong những buổi học đầu, học viên đã tiếp thu được khá nhiều kiến thức về văn hóa để phục vụ cho việc tiếp cận tác phẩm văn học dân gian:

Văn hóa

+ Khái niệm văn hóa

+ Đặc trưng, chức năng, các thành tố cấu thành văn hóa

Vùng văn hóa

+ Khái niệm vùng văn hóa

+ Các nhân tố tạo nên vùng văn hóa

+ Các đặc trưng của một vùng văn hóa

+ Ranh giới trong phân vùng văn hóa

+ Các cấp độ phân vùng văn hóa

+ Các vùng văn hóa

     Mối quan hệ giữa văn hqc dân gian và văn hóa : Trong phần kiến thức này học viên khá ấn tượng với việc các học viên giới thiệu đặc trưng vùng văn hóa nơi họ sinh sống, từ văn hóa ẩm thực, ăn mặc đến lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Từ đó hiểu thêm về nhiều nét văn hóa của từng địa phương khác nhau. Sau cùng thì được chốt lại những điểm quan trọng về mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa.

     Sự cần thiết của nghiên cứu văn hqc dân gian theo vùng văn hóa: Đối với phần này, học viên hiểu rõ được sự cần thiết của việc nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa:

+ Hướng nghiên cứu này là một biểu hiện của tiếp cận hệ thống và tiếp cận bối cảnh.

+ Hướng nghiên cứu này là biểu hiện của tiếp cận liên ngành (kết hợp kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau để nghiên cứu văn học dân gian)

+ Đặt tác phẩm văn học dân gian vào vùng văn hóa để từ văn hóa hiểu hơn về VHGD

+ Đặt tác phẩm văn học dân gian vào vùng văn hóa để từ văn hóa dân gian thấy được cái hay, cái đẹp của văn hóa.

+ Hướng nghiên cứu này giúp nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa văn hóa và VHDG.

+ Nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa là một hướng đi tất yếu, hợp quy luật, bản chất của VHDG

Cách thức nghiên cứu văn hqc dân gian theo vùng văn hóa

+ Đọc tác phẩm văn học dân gian để xác định mối quan hệ giữa tác phẩm và vùng văn hóa.

+ Tìm hiểu thông tin về vùng văn hóa đó (có chọn lọc, có trọng tâm, tùy mục đích nghiên cứu tác phẩm)

+ Khảo sát kĩ tác phẩm văn học dân gian, tìm những biểu hiện của văn hóa vùng trong tác phẩm trong tác phẩm (văn hóa ẩm thực, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội..)

+ Phân tích, nhận xét các khía cạnh của văn hóa vùng xuất hiện trong tác phẩm: chỉ ra mối quan hệ văn học dân gian – văn hóa

+ Tìm hiểu tác phẩm văn học dân gian để thể hiện văn hóa vùng đặc sắc như thế nào?

+ Tìm ra những nét riêng, chung của TP văn học dân gian dưới góc nhìn văn hóa trong tương quan so sánh vùng văn hóa này và vùng văn hóa khác.

    Đối với phần này, học viên thu hoạch được khá nhiều kiến thức về tiến trình nghiên cứu một tác phẩm văn học dân gian theo vùng văn hóa. Và cũng hiểu được, khi nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa thì trọng tâm là nghiên cứu văn học, không phải là văn hóa. Không phải khía cạnh nào của văn hóa cũng được in dấu trong văn học dân gian (thường là tùy theo đặc trưng thể loại). Bản sắc văn hóa vùng không phải luôn dễ nhận diện, để dễ nhận diện văn hóa vùng hơn cần: đọc nhiều tác phẩm văn học dân gian của vùng đó; đọc mở rộng tác phẩm văn học dân gian của vùng khác; cần có kiến thức sâu rộng, phong phú về vùng văn hóa; sử dụng hiệu quả phương pháp thống kê; so sánh, đọc các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học.

    Trong học phần này, bên cạnh học được kiến thức về môn học, bản thân học viên cũng học được nhiều kĩ năng như: kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm và phong cách giảng dạy của giảng viên.

    Đặc biệt nhất là qua học phần này, học viên trở nên yêu thích văn học dân gian hơn, nhận thấy bộ phận văn học này cũng rất thú vị và có được nguồn cảm hứng để nghiên cứu về văn học dân gian nhiều hơn trong tương lai.

TÀI LIÊU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Bổn (2018), Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, tập II, NXB hội nhà văn
  2. Nguyễn Văn Bổn (2018), Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, tập III, NXB hội nhà văn
  3. Nguyễn Đổng Chi (1957), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, NXB Giáo dục
  4. Nguyên Ngọc (2005) Tìm hiểu con người xứ Quảng, NXB Đà Nẵng
  5. Phạm Tứ, Danh thắng Ngũ Hành Sơn dưới góc nhìn văn hóa tâm linh và giá trị thời đại, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 6/2012
  6. Ngô Đức Thịnh,  2005, Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, NXB trẻ
  7. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

PHỤ LỤC:

TRUYỀN THUYẾT SỰ TÍCH NGŨ HÀNH SƠN

      Ngày xưa, khi nơi đây còn là một miền hoang địa, những bãi cát ngày đêm bốc hơi nóng hừng hực. Hơi mát của gió biển không thổi tan hết được chướng khí tụ mù mịt trên một vùng đất chưa hề có con người.

     Ngày kia, có một lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi dạt tới. Ông lão tự đi đốn cây, cắt tranh, dựng một túp lều con và sống thui thủi một mình trên bãi biển vắng.

     Một buổi sáng ấm áp, sóng gió bỗng cuộn lên. Lúc sau, có một con Rồng Vàng rẽ sóng tiến vào bờ. Rồng Vàng quằn quại hồi lâu, cát bụi bốc mù mịt, mây đen che kín bầu trời. Trong khoảng đất trời u ám ấy, bỗng có một tiếng thét lớn, rồi một làn ánh sáng lạ xuất hiện. Rồng Vàng đẻ ra một quả trứng rất lớn. Đẻ xong, Rồng lập tức quay về biển đông.

    Rùa Vàng hiện lên, bới cát ủ kín trứng rồng. Rùa Vàng gọi lão ngư dân sống trên bãi vắng tới, và dạy rằng:

     Ta là thần Kim Quy. Ta muốn nhà người phải tận lực bảo vệ giọt máu này của Long quân!

     Lão ngư dân hỏi:

     Già này sức cùng lực tận thì làm sao mà bảo vệ được?

    Rùa Vàng bèn tháo chiếc móng chân của mình trao cho ông già và dặn rằng:

    Ta giao cho ngươi khí giới của ta, những khi thật cần thiết, ngươi hãy đặt ngay nó vào tai, ta sẽ có cách giúp!

    Từ đó, lão ngư dân hết lòng hết dạ bảo vệ trứng rồng, cúc cung tận tụy, không hề dám lơ là nửa buổi. Trứng rồng cứ theo ngày tháng lớn lên, dầu lão ngư dân có che đậy bằng cây lá, có không ngừng gánh cát đổ lên phủ kín trứng, cũng chẳng thấm vào đâu. Giữa bãi cát trắng, trứng cứ không ngừng cao lên, to ra, màu vỏ trứng lấp lánh năm sắc, trông tựa như một hòn ngọc khổng lồ, phản chiếu ánh dương quang.

     Ngày kia, có một đạo quân xa lạ tràn đến, đốt cháy túp lều nhỏ bé của lão ngư dân. Gươm đao tua tủa, chúng hăm hở kéo tới bên cạnh trứng rồng, tưởng chừng chỉ trong phút chốc chúng có thể ùa vào đập tan cái trứng khổng lồ kia. Nhờ có móng rùa của thần Kim Quy, ông cụ đã kịp thời bốc cát ném ra chung quanh. Lạ thay, những nắm cát nhỏ bé ấy, trong giây phút, cháy lên thành một vòng rào lửa, vây hãm bọn giặc hung ác. Chẳng còn tên nào sống sót để quay về.

     Sau đúng một ngàn ngày đêm, trứng Rồng bỗng nứt ra. Một cô gái xinh đẹp tựa như tiên nga ra đời. Nàng lớn nhanh như thổi. Giữa một mảnh vỏ trứng, có một chiếc hang như được dành sẵn cho nàng. Trong chiếc hang thoáng mát kia, có hai cái vú đá không ngừng tuôn ra một dòng sữa trắng để nuôi nàng. Còn muôn chim thì đua nhau đến nhảy nhót hót ca giúp vui cho nàng, và tha bông vải đến dệt áo cho nàng mặc, tha sợi đay về dệt thảm cho nàng trải. Nàng Tiên ngày một lớn, ngày một đẹp khác thường.

     Một hôm, nàng nhặt những viên đá nhỏ có năm sắc lấp lánh vương vãi bên chân nàng ngồi, ném ra chung quanh. Lạ thay, mỗi viên sỏi ngũ sắc rơi xuống đều mọc lên một loài hoa lạ, có năm cánh. Về sau, những người dân từ phía Bắc đến, đã dùng loại hoa Tứ quý này để chữa bệnh thời khí và bệnh sốt rét.

     Vào một đêm trăng sáng, Nàng Tiên xinh đẹp tuyệt trần kia được Rùa Vàng hiện lên đưa đi mất.

    Còn lão ngư dân, trước khi trả lại móng rùa cho thần Kim Quy, đã được mách bảo cho tìm thấy một chiếc hang xinh đẹp, thoáng mát trong lòng một mảnh vỏ trứng rồng, trên nóc hang có ánh mặt trời soi dọi, trước hang có cây cỏ xanh tốt mọc đầy. Lão ngư dân dọn vào ở hẳn trong lòng hang. Về sau, chẳng ai còn biết tin gì về ông lão.

    Năm mảnh trứng rồng nứt ra cứ lớn mãi, lớn mãi lên, thành năm ngọn núi. Ngày nay, năm cụm núi ấy vẫn còn, và do đá núi có năm sắc lấp lánh nên người ta gọi là núi Ngũ Hành. Người dân vùng đất Tiên Sa này còn cho rằng khi Rồng Vàng ở cử, trong cơn quằn quại đã vô tình làm lở đất thành dòng sông Cẩm Lệ và sông Hàn ngày nay.

    Khảo dị

     Về “Sự tích núi Ngũ Hành”, trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” (Tập 1, trang 298), Nguyễn Đổng Chi có ghi chép một khảo dị khác với truyền thuyết này. “ Một truyền thuyết khác về Núi Ngũ Hành đó là năm ngón tay của Đức Phật Quan Âm đè lên mình Đại Thánh. Năm ngón tay đó làm năm hòn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tức là Ngũ Hành Sơn. Truyền thuyết này có phần ảnh hưởng của Tây du ký. [2,tr 294]

THUYẾT VỀ BÀ CHÚA TẰM TANG XỨ QUẢNG

     Tương truyền rằng, ngày xưa ở làng Chiêm Sơn có một cô thôn nữ nổi tiếng hát hay. Và chính tiếng hát của cô, trong một đêm trăng sáng, giữa nương dâu bên bờ sông Thu Bồn, đã đưa đến một cuộc tình duyên đế vương. Đó là cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc.

     Cô thôn nữ họ Đoàn, theo sử ghi chép, sinh năm 1601, vốn là người nhan sắc kém, bị rỗ, nhưng lại có tướng phúc hậu, đã từng được ca tụng: "An nước, an dân, an năm bảy cõi". Và chính con ngươi phúc hậu và đức hạnh ấy. Đoàn Qúy phi, khi trở thành Hiếu Chiêu hoàng hậu, đã góp công không nhỏ vào sự nghiệp phát triển "con dường tơ lụa trên biển", vang danh ở Đàng Trong thời bấy giờ.

   Trong Đại Nam liệt truyện có ghi lại rõ ràng cuộc đời của cô gái hái dâu người làng Chiêm Sơn, huyện Diễn Phước, thuộc dinh Quảng Nam thời ấy.

    Nhân một đêm trăng, Chúa Nguyễn Phúc Lan ghé thuyền lại ghềnh Điện Châu (nay là bãi Ân Phú Tây), vì nghe tiếng hát mượt mà của bà khi đang hái dâu:

    Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng/ Thiếp thương phận thiếp má hồng hái dâu Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu?/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình. Chúa cho rước bà về cung, và khi Nguyễn Phước Lan lên ngôi (1635), bà được phong là Hiếu Chiêu hoàng hậu, vì đã sinh ra Chúa Hiền (Thái Tông Nguyễn Phước Tấn, 1619 - 1687) Hiếu Chiêu hoàng hậu đã ra sức khuếch trương nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề dệt tơ lụa trên khắp đất Điện Bàn, Thăng Hoa thời bây giờ. Nhờ thế mà nghề tằm ở Đàng Trong được mở mang, đã sản xuất được nhiều loại tơ lụa nổi tiếng, như gấm vóc, đoạn, lãnh, sa, trườu... Các mặt hàng này, vào thuở đó, không chỉ bán trong nước, mà còn tập trung về thương cảng Hội An phồn vinh để xuất ra nước ngoài, như bán qua Trung Quốc, Tân Gia Ba (Singapore ngày nay), Nam Dương (Indonesia này nay) hay Mã Lai (Malaysia)... Trong "Phủ biên tạp lục", Lê Quý Đôn đã viết: "Người ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn đã dệt được những vải lụa, vóc đoạn, sa linh, hoa màu khéo đẹp chẳng kém gì hàng Quảng Đông (Trung Quốc)".

    Cũng chính vì thế mà Hiếu Chiêu hoàng hậu được nhân dân tôn là "Bà chúa tằm tang xứ Quảng". Bà sống suốt ba đời Chúa, và qua đời vào ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu (tức năm 1661), thọ 60 tuổi. Chúa Hiền (Nguyễn Phước Tần) đưa thân mẫu về quê an táng trên gò Cốc Hùng, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh ngày nay. Các Chúa Nguyễn lần lượt phong bà nhiều danh hiệu tôn kính. Năm 1744, Võ vương (Nguyễn Phước Khoát) truy tôn bà là "Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ Phi"; về sau, lại thêm hai chữ "Mãn Duệ". Vào năm Gia Long thứ năm, 1806, nhà vua đã truy tôn bà là Hoàng hậu, với vương hiệu đầy đủ là: "Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng hậu", và cho khắc tên lên Kim Sách của vương triều Nguyễn.

     Tưởng nhớ công đức của bà, người dân Điện Bàn vẫn gìn giữ, phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tầm, ươm tơ, dệt lụa. Hàng năm, từ ngày 11 đến ngày 13.2 (âm lịch) nhân dân và tộc họ quanh vùng làm lễ dâng hương tưởng niệm và tổ chức lễ hội Bà Chúa tằm tang. Thôn Chiêm Sơn tập trung lễ tế Bà Chiêm Sơn tại Dinh Bà. Còn thôn Đông Yên tổ chức lễ tế bà Đoàn Quý Phi tại nhà thờ tộc Đoàn. Thu hút du khách trong và ngoài nước là chương trình sân khấu hóa lễ hội Bà Chúa tằm tang vào đêm cuối cùng, tại ngay trung tâm làng nghề. Các trò chơi trong phần hội, như: đua thuyền, thả diều, kéo co, cờ tướng, chọi gà, têm trầu... đã được tổ chức, và lôi cuốn được lớp trẻ và các du khách tham gia.

Tại Bảo tàng Làng Lua ở Hội An, còn có một không gian được dành riêng, rất trang nghiêm để thờ Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, cô thôn nữ hái dâu ngày xưa. [1, tr49]

TRUYÊN CỔ TÍCH ÔNG VUA CÃI

     Ngày xưa, có một người nông dân nhà nghèo khó, nhưng lại nổi tiếng ăn nói khôn ngoan, ứng đối lưu loát như nước sông, sóng biển. Tài hùng biện của bác nông dân chẳng những vang dậy khắp mọi miền mà thậm chí tiếng đồn bác ta nói hay, cãi giỏi lan cả sang nước Tàu.

    Lúc bấy giờ, Khổng Tử đang đi khắp nơi truyền bá đạo lý, thuyết phục các vua chúa thực hiện học thuyết của mình mà trị nước, nên nghe tiếng Vua Cãi ở Nước Nam, có tài tranh luận, thì trong lòng không phục, muốn tranh hơn với Vua Cãi.

    Sang đến Nước Nam, Khổng Tử được dẫn đến gặp Vua Cãi. Hai bên ra điều kiện, mỗi bên phải bỏ ra mười lượng vàng, nếu bên nào cãi hơn thì được lấy trọn số vàng ấy. Hai bên thách nhau xong, bắt đầu cãi.

    Vua Cãi hỏi Khổng Tử.

   Ông hỏi trước hay tôi hỏi trước?

   Khổng Tử nói rằng, ta vốn là bậc thánh nhân, lẽ đâu chịu tiếng thấp kém, nên thôi, cứ cho nhà người hỏi trước.

    Ông Vua Cãi liền hỏi Khổng Tử:

    Ông có còn cha mẹ không?

    Thưa còn!

    Ông ở tận bên Tàu qua đây có xa không?

    Thưa xa

    Vua Cãi mỉm cười rồi nói tiếp:

    Ông thường dạy mọi người là "Phụ mẫu tồn, tử bất viễn du” đó mới là con có hiểu. Thế mà nay vì hiếu danh, muốn cãi hơn tôi để được tiếng tài giỏi, mà đành bỏ cha mẹ già yếu ở nhà, lại làm trái với chính ý kiến của ông đem ra dạy bảo mọi người, vậy ông nghĩ sao?

    Khổng Tử thẹn quá, bỏ về Tàu. Càng nghĩ, càng uất ức vì mang tiếng uyên bác, thánh nhân mà lại tranh luận thua một tên đi cày ruộng mướn của một nước nhỏ. Giữa đường, Khổng Tử gặp Tiên ông Lý Thiết Quài. Nhìn mặt Khổng Tử rầu rầu, Lý Tiên ông liền hỏi cớ sự. Khổng Tử kể lể mọi sự tình. Lý Tiên ông bèn bày tỏ lòng thông cảm với Khổng Tử, rồi vội vã từ giã Khổng thánh nhân để có vân qua nước Nam, quyết đến gặp và đánh bại Vua Cãi.

    Gặp nhau, Vua Cãi hỏi ngay thân thể của Tiên ông. Gặp dịp, Lý Tiên ông thuyết trình giờ lâu về cứu nhân độ thế, chữa lành mọi tật bệnh cho đám là trần, mắt thịt của mình. Vua Cãi nghe xong cứ gật đầu, ra chiều thán phục. Hai người cũng đặt điều kiện, mỗi bên bỏ ra hai mươi lương vàng, hễ ai thắng thì sẽ lấy tất cả. Rồi cũng cao ngạo như Khổng Tử, Lý Tiên ông nhường cho Vua Cãi hỏi trước.

   Vua Cãi hỏi rằng:

    Xưa nay, tôi vẫn nghe tiếng ông là bậc thần tiên, có các cải lão hoàn đồng, cứu nhân độ thế, vậy mà tôi thấy cái chân ông bị ghẻ sài hay phung cùi gì đó mà ông tự chữa không lành, thế thì ông còn chữa bệnh cứu người cho ai được nữa và ai mà dám tin ông?

     Lý Thiết Quài đành thua cuộc trở về Tàu.

    Gặp lại Khổng Tử, Lý bèn thúc hổi Khổng bàn mưu tính kế làm sao để có thể cải thắng cho được Vua Cãi. Cả hai dắt nhau vào triều tâu với Lỗ Vương, xin cử cho một đạo hùng binh ra trấn ngay ở biên giới để gây “thanh thế”, rồi cử một đại học sĩ qua tranh tài với Vua Cãi, nhưng nhớ đừng để cho Vua Cãi nói trước.

     Đại học sĩ Trung Quốc đến biên giới, cho quân bày binh bố trận đấu vào đó xong, bắc loa gọi vang cả mộ| vùng: “Vua Cãi đâu? Vua Cãi đâu?”

    Vua Cãi, vẫn trong bộ áo quần nâu chơn chất của người nông dân, tiến ra. Không đợi chào hỏi, Đại học sĩ quát ngay:

   Này, Vua Cãi! Lần này nhà người phải thật thà mà tranh cãi, nếu không ta sẽ cho quân chém đầu, mặc cho vua chúa nước Nam phản đối!

    Vua Cãi thản nhiên cười ruồi, rồi cất giọng sang sảng đáp:

   Từ trước, có ai nghe ta không thật thà đâu! Còn chém đầu, thì cái đầu của một người cày ruộng như ta chắc hẳn nhẹ hơn cái đầu của quan Đại học sĩ một đại quốc.

    Sau đó, hai bên cùng đặt điều kiện, nếu ai thua cuộc thì phải chặt đầu. Xong, vênh váo, quan Đại học sĩ hỏi Vua Cãi còn có ý kiến gì không. Vua Cãi làm bộ nhắm nhía một hồi rồi nói:

    Nếu ta nhắm không sai, thì cái đầu của quan Đại học sĩ chắc nặng mười cân, một lạng.

    Đại học sĩ Tàu ngạc nhiên hỏi lại:

    Sao ngươi biết nặng mười cân, một lạng? Vua Cãi đáp ngay:

     Nếu không tin, ông cứ để tôi chặt đầu ông đem cân thì sẽ thấy ngay!

    Quan Đại học sĩ biết mình mắc mưu, đành chịu thua cuộc, tiu nghỉu ra lệnh cho bọn quan quân Tàu tháo lui. [1, tr205]