Banner cho bài viết:TỪ CÁI TA TRỞ VỀ CÁI TÔI CÁ THỂ TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN
ĐẠI HỌC

TỪ CÁI TA TRỞ VỀ CÁI TÔI CÁ THỂ TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN

 TỪ CÁI TA TRỞ VỀ CÁI TÔI CÁ THỂ TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN

1. Nguyên nhân dẫn tới sự vận động từ cái ta về cái tôi cá thể trong thơ Chế Lan Viên.

     Năm 1975 là một cột mốc lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử đất nước ta. Sau ba mươi năm tiến hành hai cuộc kháng chiến, nhân dân ta đã trải qua muôn vàn gian khổ, hi sinh và cuối cũng đã dành được chiến thắng huy hoàng. Mùa xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chúng ta đã thực hiện được nhiệm vụ lịch sử “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bước vào thời kì độc lập tự chủ.

     Mặc dù chiến tranh kết thúc, nhưng những dư âm hào hùng cũng như những nỗi ám ảnh về những nỗi đau thương mất mát của cuộc chiến vẫn còn đọng lại trong tâm trí biết bao người, trong đó có các nhà văn. Những dư âm và nỗi ám ảnh về những năm tháng không thể nào quên ấy là nguồn cảm hứng để các nhà văn tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh và người lính, một đề tài lịch sử mang đậm khuynh hướng sử thi.

     Mặt khác, Sau năm 1975, tuy đất nước bước sang cảnh hòa bình, nhưng do sự tàn phá của chiến tranh khốc liệt, kèm theo đó là sự mới mẻ của thời kỳ cơ chế thị trường thì đất nước ta đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc, cuộc sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ. Nó tạo ra một không khí nặng nề trong toàn xã hội.

     Giữa lúc đất nước đang còn trong cơn khủng hoảng, khó khăn, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam như một luồng gió mới mở ra một thời kỳ đổi mới, phát triển cho đất nước ta. Đây là thời kỳ Đảng ta đã xác định đúng đắn hướng đi của đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó văn học giai đoạn này cũng có sự đổi mới toàn diện. Đảng đã khuyến khích văn nghệ sĩ cần thay đổi tư duy nghệ thuật, nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống, có quyền nói thẳng nói thật mọi vấn đề trong cuộc sống. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng đã đưa đến những thay đổi cho cuộc sống xã hội và văn học.

     Trong hoàn cảnh hòa bình, nhu cầu thẩm mĩ của người đọc đã thay đổi.

Chính những điều kiện lịch sử xã hội ấy đã ảnh hưởng rõ rệt đến bộ mặt văn chương nói chung,  thơ Chế Lan Viên nói riêng.

2. Sự nhạt dần cái ta trong thơ Chế Lan Viên.

     Thơ trữ tình những năm 1975 là sự bừng tỉnh ý thức về cái tôi cá nhân. Đó là sự đòi hỏi khẳng định cá tính cùng với cá tính sáng tạo, là nhu cầu giải bày về muôn mặt đời thường. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng không ngoại lệ, từ sau năm 1975, cái ta trong thơ Chế Lan Viên đã nhạt dần, nhường chỗ cho cái tôi cá nhân.

      Mặc dù chiến tranh kết thúc, nhưng những dư âm hào hùng cũng như những nỗi ám ảnh về những nỗi đau thương mất mát của cuộc chiến vẫn còn đọng lại trong tâm trí biết bao người, trong đó có Chế Lan Viên. Chính những dư âm và nỗi ám ảnh về những năm tháng không thể nào quên ấy là nguồn cảm hứng để các nhà văn tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh và người lính, một đề tài lịch sử mang đậm khuynh hướng sử thi. Tuy các đề tài sử thi, mang cảm hứng cộng đồng còn được đề cập, nhưng nó đã nhạt dần.

     Trong Di cảo thơ, nhiều lần Chế Lan Viên cũng nhắc đến những khái niệm “Tổ quốc”, “nhân dân”, , “đất nước” như thơ ông giai đoạn 1945 đến trước 1975, nhưng nó không còn có sức ngân vang, hùng tráng như trong thơ ông thời kỳ cách mạng:

Tên Tổ quốc vang ngoài bờ cõi

Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng”

     Cảm hứng trữ tình đã chuyển từ tự hào, chiêm ngưỡng xuống lắng đọng, suy tư. Không gian cũng đã chuyển từ không gian lịch sử, không gian trận chiến sang không gian đời tư, từ số phận chung của đất nước sang số phận của những con người cụ thể. Cái giọng hô to, gào lớn trước đây được thay thế bởi “giọng trầm” thấm thía hơn, rung động tâm hồn người đọc hơn.                   

“ Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm

Tiếng hát lẫn im lìm của đất

Vườn lặng im mà thơm mùi mít mật

Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân”

(Giọng trầm)

     Đọc Di cảo thơ, dường như ta bắt gặp nhiều những nỗi lòng ngậm ngùi chua xót cho những con người đi chinh chiến không trở về:

Nhớ thằng bạn cùng quê

Hẹn đánh giặc xong về

Cùng tắm sông một bữa

Tao đã về rồi đó

Mộ mày còn trong kia.

Mày đâu mày chẳng về

     Chế Lan Viên cũng xúc động khi nghĩ về những con người đã hi sinh vì sự nghiệp chung:

Bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nắm xương Trường Sơn

Không có người lượm lặt

Những anh hùng đến chết vẫn vô danh

                                                ( Chiều châu âu)

     Cuộc chiến đã kết thúc, những nỗi đau về những chiến sĩ chết vô danh vẫn ám ảnh nhà thơ. Hay trong bài thơ Mộ cát vô danh, ông viết:

“ Hàng nghìn mộ cát vô danh, vô danh, vô danh

Một tấm sắt sơn đỏ, thời gian xóa nhào tên tuổi

Cả một đời không có một giây phút hạnh phúc

Cái hạnh phúc lớn lao là cuộc đấu tranh

Giờ lại vô danh trong nấm mồ bằng cát

Hoa dại mọc lên mồ, màu tím vô danh”

     Không phải ngẫu nhiên nhà thơ dùng đi dùng lại hai tiếng “ vô danh”, hai tiếng “ vô danh” được lặp lại nhiều lần, càng nhằm nhấn mạnh thêm nỗi đau của những con người xem hạnh phúc là cuộc đấu tranh giành độc lập, giành sự sống cho dân tộc, họ chết không được chôn cất tử tế, chỉ là những cái mộ cát không có tên.

     Viết về những người đã hi sinh, tác giả đau đớn, ngậm ngùi là thế. Còn viết về những người lính từ chiến trường trở về, ông cũng nặng lòng suy ngẫm:

Quên rằng giờ chiến thắng mười năm

Anh ta vẫn khổ

Con vào trường không có chỗ

Đến bệnh viện không tiền

Ra đường không ai nhớ

Về làng người ta quên

     Tuy nhiên những bài thơ như thế này rất ít trong Di cảo thơ. Viết về chiến tranh, viết về nhân dân, Tổ quốc thiếu đi chất hùng tráng, nó không còn hùng tráng như giai đoạn 1954-1975, nhưng lại mang vẻ đẹp của chiều sâu tâm hồn, sự cảm nhận chiến tranh trên những cung bậc xót xa, nỗi đau thương của con người sau hậu quả của chiến tranh.

     Dù cảm hứng cộng đồng trong thơ Chế Lan Viên có xu hướng nhạt dần, cái ta trong thơ ông đã có xu hướng chuyển sang cái tôi cá thể, nhưng không quay lưng với lịch sử dân tộc. Ông vẫn trân trọng và gìn giữ nó. Có điều là bây giờ ông ý thức được không phải là hô to gào lớn mà âm thầm trở về với cõi riêng tư, cái mà văn học sau năm 1975 hướng tới.

3. Những biểu hiện của cái tôi cá thể sau năm 1975 trong thơ Chế Lan Viên

3.1. Cái tôi trữ tình suy ngẫm về thế thái nhân tình và cuộc đời riêng của tác giả.

     Di cảo thơ vẫn còn một số bài mang âm hưởng sử thi, nhưng chất sử thi đến đây đã nhạt dần. Di cảo thơ đã tạo ra một bước chuyển của nhà thơ từ những chủ đề có tính chất lịch sử, có tính chất thời sự về Tổ quốc, nhân dân, về dân tộc và thời đại sang chủ đề thế thái nhân tình. Đó cũng là sự chuyển đổi giọng thơ từ giọng “vang ngân” sang “giọng trầm” từ những bài thơ tràn đầy lạc quan hi vọng về một tương lai sán lạn của đất nước sang những bài thơ mang nặng tính chất trầm tư suy ngẫm.

     Đọc Di cảo thơ ta bắt gặp một cái tôi chiêm nghiệm, tổng kết lại cuộc đời mình:

“ Ta là ai ? Về đâu? Hạt móc

Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng. Tiếng khóc

Là ta chăng? Vì sao lạc phương trời

Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời

Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối.”

(Hỏi – Đáp. Di cảo 1)

      Có thể nói cuộc đời Chế Lan Viên là hành trình đi tìm lại bãn ngã của mình. Ngay lúc 16,17 tuổi, trong tập Điêu tàn nhà thơ đã bắt đầu đi tìm bản ngã của mình, một cái tôi nghi ngờ bản thể, nghi ngờ sự tồn tại của chính mình “Ai bảo giùm ta: Ta có ta không”. Đến Di cảo thơ  ta cũng bắt gặp câu hỏi nghi ngờ bản thể, sự hoài nghi về chính mình, nhưng có sự khác biệt, nó có đối tượng, chủ thể để băn khoăn, băn khoăn mình là ai, “là hạt móc”, “là dòng sông” hay là “ một vì sao lạc phương trời”, nó cụ thể hơn, chứ không phải là câu hỏi bâng quơ như trong Điêu tàn. Dẫu vậy, câu hỏi của nhà thơ vẫn chưa được trả lời vì đã bị cuốn vào bóng tối. Để rồi nhà thơ nhận ra mình chính là người:

“Ừ, anh là sông trôi, là hạt móc 
Là tiếng khóc thất thanh... Nhưng anh lại 
Là người. Việc gì phải tủi 
Việc gì phải đau! Hãy chấp nhận và cười!”

(Hỏi – Đáp. Di cảo 1)

      Càng về cuối đời, Chế Lan Viên càng trăn trở về mình, về đời để có cuộc sống tốt hơn, thể hiện một tâm hồn luôn có ý thức trách nhiệm đối với đời.

“Trong tỉ tỉ bóng đêm

Được làm người khoái thế

Vậy mà anh để hồn buồn và vần trán luôn cau.”

(Vơ vẩn)

     Trong bài thơ khác, Chế nghiêm túc tự phê bình mình vì thoáng chao lòng trước danh vọng:

“Cái áo danh vọng triều bào lấp lánh tuổi tên anh,

Người ta ban cho anh lúc chết và anh diện chơi khi còn sống.

Cái áo ấy đánh mất bản thể anh đến nỗi vì sợi kim

tuyến trên áo ấy mà quên đi mùi thân thể.”

                                                                   (Áo triều bào).

     Ông muốn như những viên gạch, viên sỏi, để nghe rõ âm thanh của cuộc sống xung quanh, để hòa mình vào cuộc đời:

“ Anh đừng là viên ngọc, mà hãy là viên sỏi,

cục gạch lẫn lộn cùng cỏ rác

Cũng xoàng xĩnh, vô danh, nhếch nhác

Hiểu cho hết nỗi đau của cuộc đời

Nghe tiếng cười của trẻ con reo nhóc

Điệu hát của những bà mẹ xanh xao”

     Chế Lan Viên  đau đớn, vật lộn, oán trách mình khi đã cổ vũ chiến tranh, khiến cho 2000 con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ Quốc. Qua đó thấy được sự ý thức của ông về vai trò của bản thân đối với vận mện đất nước:

Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm còn sống có ba mươi

Ai chịu cái chết 2000 người đó

Tôi! Tôi - Người viết những câu thơ cổ vũ…

  Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có tiếng cười”

     Không dừng lại ở đó, ông luôn cảm thấy day dứt đau khổ khi không thể làm gì cho những người lính còn sống trở về, ông đau khi thấy họ phải bán nước bên đường, kiếm tiền nuôi đàn con nhỏ:

 “Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

........

Ai chịu trách nhiệm vậy?

Lại chính tôi!

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời

Tôi ú ớ.”.

     Phải chăng đó là tâm thế của một người sắp từ giã cõi đời, càng khao khát được sống thì ông lại càng hối tiếc những ngày đã qua, hối tiếc vì không thể làm gì giúp cho đời, giúp cho những con người khốn khổ. Qua đó ta thấy được tâm hồn cao đẹp của nhà thơ.

3.2. Cái tôi lo âu trước sự trôi chảy của thời gian.

     Đến những năm cuối đời, thời gian thành nỗi ám ảnh da diết với tâm hồn nhiều khát khao nhưng luôn lo sợ thời gian vơi cạn Chế Lan Viên. Nỗi ám ảnh này không phải là sợ tuổi trẻ vơi dần như ta thường gặp trong thơ Xuân Diệu “ Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em ơi em, tình non sắp già rồi”  mà là e ngại cái chết đang đến, lo âu đời người và đời thơ sắp kết thúc.

 “ Số ngày còn lại cho anh trên trái đất, đếm rồi

Như thóc giống đếm từng hạt một

Chỉ còn từng hạt ấy thôi anh phải tạo ra mùa

Chừng ấy ngày, chừng ấy tháng, chừng ấy năm

Chưa kể bất thình lình đổ ập”

                                    (Nghề của chúng ta)

  Ông hốt hoảng trước sự trôi chảy của thời gian:

“ Ngẩng nhìn lên lớp tóc xanh chưa hoa râm đã bạc trắng ngang đầu

Chưa tỉnh dậy, hoàng hôn đã tới”

                                                           (Thời gian nước xiết)

     Chế Lan Viến đếm từng ngày, từng giờ mình còn sống trên trái đất này, càng nhận ra được thời gian hữu hạn của đời người, nhà thơ càng sống gấp gáp hơn, phải làm gì đó có ích cho đời. Ông ví thời gian ít ỏi sống trên đời của mình như những hạt thóc ít ỏi, nhưng những hạt thóc ấy phải tạo ra mùa, không được tồn tại một cách vô ích.

                             “ Số ngày còn lại cho anh trên trái đất, đếm rồi

Như thóc giống đếm từng hạt một

Chỉ còn từng ấy hạt thôi, anh phải tạo ra mùa

(Nghề của chúng ta)

     Nhà thơ nhận ra được rằng, mình chưa làm được gì cả, câu thơ còn chưa kịp viết xong mà thời gian cứ vụt qua nhanh như lá bàng rơi.

“Hết năm hết năm rồi

Thời gian làm ra đời

Câu thơ đang viết dở

Mà lá bàng cứ rơi”

( Lá bàng rơi)

      Càng luyến tiếc thời gian, con người ta càng khao khát được chiếm lĩnh thời gian. Trong thơ mới ta cũng bắt gặp những ước muốn táo bạo, không thể thực hiện được, như trong thơ Xuân Diệu, ông đã ước ao tắt nắng, buộc gió “ Tôi muốn tắt nắng đi, cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại, cho hương đừng bay đi”. Chế Lan Viên cũng có những ước muốn táo bạo, không kém nhà thơ Xuân Diệu, ông ao ước thời gian như một thứ nước  có thể uống được:

“Chỉ cần uống nước thời gian

Hằng ngày hằng bữa

(Quên)

     Chế Lan Viên càng lo âu, phấp phỏng về thời gian bao nhiêu, thì ta càng nhận ra nỗi đau của ông. Nỗi đau của một con người luôn ao ước thời gian đừng trôi qua, để mình trẻ mãi để đem những vần thơ cống hiến cho đời, mang lại những niềm vui cho mọi người. Điều này thể hiện rõ giá trị nhân văn trong thơ Chế Lan Viên.

3.3. Cái tôi luôn trăn trở với nghề

      Trong Di cảo thơ, ta bắt gặp nhiều bài thơ có tính chất tổng kết về thơ, về nghề của tác giả. Trong sự tổng kết này, ta thấy rất rõ ý thức trách nhiệm cao cả của người cầm bút. Trong bài  Thơ bình phương, đời lập phương sáng tác sau 1975 và được in trong Hoa trên đá, Chế Lan Viên đã bắt đầu bộc lộ xu hướng này:

Chiều rồi!

Gọi chim Anh về thôi!

Chớ để đàn chim Anh rong ruổi

Phát triển đường bay mình mê mải

Vượt quá chân trời, vượt quá chân mây

Hãy thu đội hình thi tứ lại

Lùa nghìn câu tản mác của anh vào trang giấy.”

      Mặt khác, đối với Chế Lan Viên  nhà thơ cần phải biết “lắng cho tinh, nhìn cho rõ” để giữ được cái phong cách riêng  cho mình, vì đó là điều không thể thiếu trong quá trình sáng tạo thơ. Nếu nhà thơ chỉ biết đi theo lối mòn, rập khuôn trong sáng tạo, không tìm được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng, không có sự sáng tạo  thì tất yếu nhà thơ tự đánh mất mình và sẽ rơi vào tình cảnh :

“Người trước vứt vỏ dưa và anh đạp vỏ dừa

Vô vàn thi nhân trước anh đã viết về mưa

Mắt anh chả còn hồn nhiên đâu sau nhiều từ ngữ

Khéo cơn mưa anh viết bây giờ là cơn mưa của họ.”

( Thơ bình phương - Đời lập phương )

Chế Lan Viên mong muốn những vần thơ của mình trở nên có ích, là vũ khí để an ủi tâm hồn:              

           “Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày

             Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ cho đỡ khổ

         Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngả vào tay.”

                                            ( Thơ bình phương - Đời lập phương)

      Đối với Chế Lan Viên, thơ phải là một phương thuốc tinh thần có khả năng chữa lành những vết thương trong cõi tinh thần con người, “muốn mỗi bài thơ có ích cho nỗi đau người”, để “phục sinh” con người. Vì thế mà ông luôn cảm thấy  xót xa và “xấu hổ” khi:

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười”

(Ai? Tôi!)

      Càng về già, cái chết càng cận kề, Chế Lan Viên lại càng ý thức về sự hữu hạn, bé nhỏ của tài thơ mình. Ông ngậm ngùi tự nhận:

“Anh có phải Thánh Gióng đâu mà chờ lên mình ngựa sắt

May lắm trong thơ cầm một cái roi tre

Cỡi tàu ngựa rách toe

Lá chuối!”

     Rồi đau đớn thốt lên những lời vô vọng:

Tài năng ở đâu?

Tài năng ở đâu?

Cho tôi với!

Trên trời cao hay dưới bể sâu”

(Thời gian nước xiết)

      Những câu hỏi được lặp lại, cho thấy một khát khao rất cháy bỏng, khát khao tìm được những vần thơ giúp ích cho đời.  Càng van xin, tìm kiếm tài năng, tài thơ ca, thì ông lại càng tỏ ra bất lực, không thoa mãn với tài năng của mình, để rồi thốt lên những tiếng kêu đau đớn, khắc khoải, khôn nguôi.

Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt

Có hộc tốc chạy đến hết chân trời cũng là đồ bất lực”

(Xâu kim).

     Ông mỉa mai, chua xót nhìn cái thế giới Thời thượng chạy đua với “quyền lực tuổi tên”. Trước sự thay đổi của xã hội, ông càng đau xót  khi nhận ra vị trí nghề ngiệp của mình chẳng khác gì như rác đổ thùng, chẳng giúp gì được cho đời..

“Giờ là thế giới của xe cúp, ti-vi, phim màu ngũ sắc

Của quyền lực tuổi tên đốp chát

Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng”

                                                                (Thời thượng)

      Có thể nói, trong suốt cuộc đời mình, sự ham muốn tìm tòi, sáng tạo luôn thôi thúc và bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn ông. Với ông, cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu như ngừng học hỏi, sáng tạo. Bởi thế, ngay cả khi nằm trên giường bệnh, khi cái chết đã cận kề, ông vẫn trăn trở :

Thời hạn đi tìm của anh đã hết rồi mà bờ bến tít mù xa

Nhưng dừng lại, anh đâu còn anh nữa ?

( Tìm thơ)

     Trong Di cảo thơ ta bắt gặp một cái tôi tự trách mình vì chưa đem những  vần thơ để giúp ích cho đời, đó còn là ý thức về sự  hữu hạn về tài năng của mình. Nhưng thực chất thì khi đọc thơ Chế Lan Viên thì không phải như vậy, không phải ông là người không có tài năng mà phải chăng Chế Lan Viên quá yêu quê hương, đất nước, ông luôn khao khát phải viết thật nhiều hơn nữa, phải đem những vần thơ để giúp ích cho đời. Nhưng đời người là hữu hạn, càng về già thì khát khao đó càng cháy bỏng trong tâm hồn nhà thơ. Từ tập thơ Điêu tàn đến những vần thơ cuối cùng trong Di cảo thơ, ta thấy Chế Lan Viên là một nhà thơ tài năng với một phong cách độc đáo.

3.4. Cái tôi triết lý

      Thi ca là một loại hình nghệ thuật ngôn từ đặc biệt, nó là sự điển hình của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm. Thơ xuất phát từ tình cảm,  nhưng không phải duy nhất chỉ có tình cảm mà trong thơ ta còn bắt gặp trong đó là lí trí, trí tuệ, Tình cảm và lí trí trong thơ không loại trừ nhau mà luôn gắn bó mật thiết, bổ sung cho nhau. Sự hàm súc và chiều sâu luôn là yêu cầu cao đối với thơ mà điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách huy động sức mạnh của lí trí thông qua suy tưởng, triết lí.“Tính triết lý trong văn chương không phải là những gì khô khan; vì nếu thế, các lĩnh vực khác như triết học, tư tưởng sẽ đắc địa nhiều hơn. Tính triết lý ở đây được thăng hoa từ cảm xúc và suy nghĩ trên cái nền hiện thực cụ thể mà chủ thể sống qua. Thơ ca từ xưa đến nay đều vươn lên sự hài hòa này. Không chỉ phải câu thơ, bài thơ mà ngay cả những gì trong đầu óc nhà thơ đã bao hàm một ẩn tàng triết lý. Và khi được thể hiện ra, lập tức nó làm giàu và nâng cao hiệu quả thơ. Nhà thơ nào có vốn văn hóa, vốn triết học cao và biết vận dụng chúng trong sáng tạo để hình thành kiểu tư duy độc đáo, đậm đặc mang cá tính, giọng điệu riêng khi bình giá cuộc sống thì được xem như nhà thơ trí tuệ, nhà thơ triết lý.” [9, tr42]  

         Cũng như những nhà thơ khác, trong Di Cảo Thơ ta bắt gặp một cái tôi đầy tính triết lý. Ông tuyên bố chắc nịch như chân lí:

                            “Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa mà còn  để mang thương tích

                               Cũng không phải chỉ nỗi đau cao sang mà hủi cùi ghẻ lở đục hình hài.”

                                                                  (Nhiệm vụ).

      Đây quả là những quan niệm mới mẻ, hiện thực và nhân tình. Không chỉ chấp nhận đau thương mà con người nên đón nhận, xem đó là quy luật của cuộc sống. Bởi lẽ, đau  thương dạy con người trưởng thành và thấu suốt giá trị cuộc đời.

     Dẫu biết cuộc đời mang nặng thương đau, nhà thơ vẫn thể hiện tinh thần lạc quan cao độ. Ông cất cao về niềm tin sự sống, ông tin hạnh phúc sẽ tìm đến với bất kì ai, không ở hồi đầu, thì ở hồi kết.

“Hạnh phúc không đến hồi đầu thì đến hồi kết thúc

Tất cả sẽ đoàn viên xin bạn chớ ra về”

                                                                 (Kịch).

     Ông trực tiếp khuyên đời không nên hối tiếc, buồn đau cho những cái đã mất, mà hãy lấy cái vui tươi, hạnh phúc của ngày mai, để bù cho những cái đau khổ trước đó.

“Cái gì mất mất rồi

Cái gì tan tan mất

Đừng hối tiếc

Lấy cái ngày mai bù cho ngày hôm trước”

Hay

“Việc gì phải đau!

Hãy chấp nhận và cười!”

Ông khuyên con người ta luôn luôn giữ nụ cười trên môi trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Không cười cũng cứ cười

Cười được là lành rồi”

                                                                        (Giặc cỏ).

Chế Lan Viên vẫn có niềm tin vào những giá trị vĩnh cửu:

“Dẫu cạn bể vẫn còn viên muối đọng

Tâm hồn ta như những tầng văn hóa phủ lên nhau.”

                                                                        (Đừng tuyệt vọng).

Ông hướng tới sự lạc quan, niềm hi vọng, cái tốt đẹp sẽ tự nhiên đến với mỗi chúng ta.

“Không tồn tại sẽ bỗng nhiên tồn tại,

Đang héo tàn, vũ trụ sẽ sinh sôi.”

(Hỏi? Đáp).

     Nhà thơ chua xót nhận ra sự vơi cạn của tháng ngày, nhưng không vì vậy mà bi quan, chán chường, ngược lại, ông lạc quan chấp nhận, thậm chí đón nhận qui luật cuộc đời. Bên cạnh quan niệm thời gian đơn tuyến, Chế Lan Viên  còn nhận ra qui luật tuần hoàn của đời sống:

“Đừng buồn đêm phù du

Đã có ngày bất tử

Bình minh lên hằng bữa

Như chim gù cúc cu.”

                                                       (Đêm và ngày)

     Hay ông nhận ra triết lý sinh sôi của vạn vật, cái gì cũng có nơi bắt đầu: phải có tro thì mới có ngọn lửa hồi sinh, phải có quá khứ mới có những lãng quên, kĩ niệm.

“Phải có tro thì mới có ngày ngọn lửa hồi sinh

   Có quá khứ, có ẩn tàng, có lãng quên, kỷ niệm…

     Tiểu kết: Thơ Chế Lan Viên sau năm 1975, nó không còn sức ngân vang, hào hùng như thơ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Mỹ mà nó mang một giọng trầm hơn, nó hướng đến những cái đời thường, nó quay về cái tôi cá thể. Một cái tôi luôn chất vấn bản thân, cái tôi lo âu trước cuộc đời. Và đặc biệt điều làm nên phong cách của Chế Lan Viên trong Di cảo đó là cái tôi triết lí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Tuấn Anh (2003), Chế Lan Viên - về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh.  
  2. Vũ Tuấn Anh (2009), Chế Lan Viên – Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục.
  3. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (2000), Văn học Việt Nam (1900-1945), Nxb Giáo dục.
  4. Nguyễn Lâm Điền (2001), Đặc trưng nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
  5. Hà Minh Đức (2001), “Chế Lan Viên – Nghĩ về cuộc sống, nghĩ về thơ”, Tạp chí Nhà văn, (8), tr.96-102
  6.   Hà Minh Đức (2010), “Di cảo thơ những vần thơ thiêng nặng nghĩa tình”, Tạp chí Thơ, (7), tr.32-41.
  7.   Nguyễn Hoàng Minh Hà (2000), Giọng điệu thơ Chế Lan Viên, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
  8.   Hồ Thế Hà (1999), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.  
  9. Hồ Thế Hà (2015), Thơ và thơ Việt Nam hiện đại, Trường Đại học khoa học Huế.