VĂN XUÔI TỰ SỰ CỦA ĐOÀN MINH PHƯỢNG NHÌN TỪ LÍ THUYẾT CHẤN THƯƠNG TÂM LÍ
MỤC LỤC
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
5. Đóng góp của tiểu luận
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH CỦA VĂN HỌC CHẤN THƯƠNG
1.1. Khái niệm “Chấn thương”
1.2. Cơ sở hình thành lý thuyết chấn thương trong văn học
CHƯƠNG 2: CON NGƯỜI BỊ CHẤN THƯƠNG TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ CỦA ĐOÀN MINH PHƯỢNG
2.1. Tiếng nói của “cái tôi bị chấn thương”
2.2. Hành trình tìm lại cội nguồn bản thể
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ CỦA ĐOÀN MINH PHƯỢNG NHÌN TỪ LÝ THUYẾT CHẤN THƯƠNG
3.1. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng
3.2. Đổi mới phương thức trần thuật
C. KẾT LUẬN
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sau 1986, có thể nói đây là một giai đoạn với sự nở rộ của nhiều hiện tượng văn học khác nhau. Mỗi tác giả đều hướng đến sự sáng tạo, tìm kiếm cho bản thân một lối đi riêng biệt. Tất cả tạo nên một nền văn học đa dạng, độc đáo, phản ảnh hết mọi khía cạnh của đời sống. Từ tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình cho đến những ẩn ức, bản năng của con người.
Đoàn Minh Phượng là một nữ nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại nhưng những tác phẩm của chị luôn mang một tâm thức hướng về quê hương và cội nguồn. Qua mỗi tác phẩm, chị đã phơi bày cho độc giả thấy một thế giới thầm kín, đa chiều, phức tạp trong tâm hồn của những con người xa xứ, lạc lõng nơi đất khách quê người. Chính vì điều này, tác phẩm đã lay động được tâm hồn người đọc, nhất là những con người xa quê hương.
Khảo sát hệ thống nhân vật trong các sáng tác của Đoàn Minh phượng chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nhân vật bị chấn thương tâm lí. Họ phải trả qua những “sự va đập vượt ngưỡng”, dường như họ bị tê liệt về mặt cảm xúc, chìm đắm trong những khoảng không vô thức.
Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: Văn xuôi tự sự của Đoàn Minh Phượng dưới góc nhìn lí thuyết chấn thương tâm lí, với hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ vào việc vận dụng lí thuyết chấn thương tâm lí giải mã tác phẩm văn học.
2. Lịch sử vấn đề
Một số công trình về lí thuyết chấn thương:
+ Nguyễn Thành Thi, Tiếng nói của “cái tôi bị chấn thương” và tính khả dụng của yếu tố nhật kí, trinh thám trong tiểu thuyết (Nhân đọc Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần), 2011.
+ Lê Tú Anh, Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học chấn thương ở Việt Nam và quan điểm nghiên cứu, 2013.
+ Nguyễn Thùy Trang, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng - Ám ảnh bản thể hay sự trốn chạy những ẩn ức của con người hiện đại, 2016
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của tiểu luận là văn xuôi tự sự của Đoàn Minh Phượng nhìn từ lý thuyết chấn thương
Về phạm vi nghiên cứu, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát hai tiểu thuyết:
+ Mưa ở kiếp sau (Tiếng Kiều đồng vọng – tên mới)
+ Và khi tro bụi
4. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai nghiên cứu, chúng tôi sử dụng những phương pháp:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp mang tính quyết định tạo nên cơ sở khoa học và tính thuyết phục cho bài tiểu luận. Trong quá trình phân tích, chúng tôi tập trung làm sáng tỏ các dạng thức chấn thương, từ đó tổng hợp lại để rút ra những kết luận khách quan nhất.
- Phương pháp hệ thống: Đặt các vấn đề, khía cạnh trong một chỉnh thể thống nhất.
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Chúng tôi sử dụng các kiến thức về Y học, Văn hóa để làm sáng tỏ đối tượng nghiên cứu.
Ngoài ra chúng tôi còn vận dụng một số kiến thức liên ngành để nghiên cứu như: thi pháp học, tự sự học
5. Đóng góp của đề tài
Qua việc bài luận này, chúng tôi tin rằng sẽ góp một phần nhỏ vào việc dùng ánh sáng của lí thuyết chấn thương tâm lí để soi sáng một tác phẩm, nhóm tác phẩm cụ thể.
6. Cấu trúc của tiểu luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, cấu trúc của tiểu luận được chia thành 3 chương:
Chương 1: Giới thuyết chung về lý thuyết chấn thương
Chương 2: Con người bị chấn thương trong văn xuôi tự sự của Đoàn Minh Phượng
Chương 3: Nghệ thuật thể hiện trong văn xuôi tự sự của Đoàn Minh Phượng
nhìn từ lý thuyết chấn thương
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH CỦA VĂN HỌC CHẤN THƯƠNG
1.1. Khái niệm “Chấn thương”
Ý nghĩa nguyên thủy của khái niệm “chấn thương” (trauma) vốn có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. “Chấn thương” (trauma) là một thuật ngữ y học. Được định nghĩa trong Từ điển Anh – Anh – Việt về thuật ngữ Y khoa do Tạ Quang Hùng và Bs. Phạm Ngọc Trí chủ biên năm (2007), “chấn thương” được định nghĩa như một vết thương sinh lý: “bị thương hay tổn thương vật lý, như gãy xương hay bị đánh” [4, tr 1294]
Trong bộ Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên năm 2011, khái niệm chấn thương được hiểu là “(tình trạng) thương tổn ở bộ phận cơ thể do tác động từ bên ngoài” [6, tr195]
Ngoài ý nghĩa về vết thương sinh lý, “chấn thương” còn được dùng để nói về tổn thương tâm lý. Theo Từ điển Anh – Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn năm 2003, “chấn thương” hay vết thương được định nghia là “chấn động về cảm xúc gây tác hại lâu dài” hay “sự việc đã trải qua gây đau buồn hoặc khó chịu” [12, tr 2178]
Khái niệm này cũng được S. Freud sử dụng để miêu tả “Một trạng thái tinh thần khổ sở tồn tại dai dẳng một cách khó hiểu trong cuộc đời của những cá nhân nhất định”[13]. Chấn thương trong văn học không phải là một tình trạng bệnh tật hay một sự đau đớn thể xác, mà là những vết thương tinh thần tái diễn, “chúng xuất hiện như thể một chuỗi những sự kiện đau khổ mà người ta bị phụ thuộc vào và điều này hoàn toàn nằm bên ngoài mong muốn hay khả năng kiểm soát của người ta”. Còn Cathy Caruth thì nói: “Theo một định nghĩa phổ biến nhất, chấn thương mô tả một kinh nghiệm choáng ngợp về những sự kiện đột ngột hay thảm họa mà phản ứng đối với sự kiện đó thường xuất hiện dưới dạng ảo giác và các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái diễn một cách không kiểm soát được”[14].
Khái niệm “chấn thương” được hiểu theo nhiều nghĩa tùy thuộc vào từng lĩnh vực khác nhau. Nhưng nhìn chung lại, chấn thương là hậu quả của việc va đập quá ngưỡng chịu đựng của con người với một sự kiện trong đời sống gây ra khiến cho họ dù vượt qua nó nhưng không bao giờ thoát khỏi nó. Chẳng hạn như: chiến tranh; do xê dịch môi trường sống và văn hóa; biến đổi của lịch sử, chính trị; sự tha hóa về đạo đức, lối sống. Đó đều là những dạng tổn thương tâm lý khi bản ngã con người đối diện với bạo lực, chết chóc, mất niềm tin vào chính mình, mắc kẹt giữa hiện tại và quá khứ …
1.2. Cơ sở hình thành lý thuyết chấn thương trong văn học
Lí thuyết về chấn thương ra đời gắn liền với những chấn động kinh hoàng của thế giới trong thế kỉ XX, trong đó tiêu biểu là thảm họa khủng bố và hủy diệt người Do Thái của phát xít Đức và trận bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong đại thế chiến lần thứ hai. Hội chứng rối loạn stress hậu chấn thương được nhìn nhận lần đầu tiên một cách chính thức bởi Hiệp hội tâm lí (Tâm thần học) Hoa Kì vào năm 1980. “Hội chứng PTSD là một rối loạn kí ức và người ta quan niệm thế bởi có những tình cảm, tâm cảm về sự sợ hãi hay ngạc nhiên do những sự kiện nào đó gây ra khiến tâm trí con người bị phân tách, phân li. Sau đó tâm trí không thể nào ghi nhận những vết thương cho tâm thần bởi vì qua những cơ chế hay ý thức bình thường, kí ức đã bị tiêu hủy. Do đó nạn nhân không có khả năng nhớ lại hay hợp nhất những trải nghiệm đau đớn ấy trong ý thức bình thường của họ. Nhưng ngược lại, họ bị ám ảnh (hay ám chiếu) bởi những kí ức chấn thương mang tính xâm nhập như vậy. Trải nghiệm của quá khứ không chấp nhận để được thể hiện lại như là quá khứ, mà nó lại được trải nghiệm lại không ngừng trong một dạng hiện tại: đau đớn, phân li và mang tính chấn thương [10, tr.122].
Ở nước ngoài, S.Freud được xem là người có những ý tưởng đầu tiên về chấn thương. Ông đã phác thảo nhiều luận điểm về chấn thương và kinh nghiệm chấn thương. Tiếp đến phải kể đến những đóng góp to lớn của Cathy Caruth . Ông đã đề xuất nhiều luận điểm cụ thể hơn về chấn thương, cơ chế hình thành và hoạt động của nó. Và văn bản Unclaimed Experience: Trauma and The Possibility of History (Kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử) của Cathy Caruth được xem là một trong những văn bản kinh điển của phê bình chấn thương.
Ở Việt Nam, từ khi chúng ta còn xa lạ với lí thuyết chấn thương thì văn học đã sớm biết đến sự than khóc của những nỗi đau như Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ).. hay là tác phẩm của văn xuôi tự sự hiện đại đầu tiên – Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Tuy nhiên, những tác phẩm này không phải là văn học chấn thương mà chỉ là tác phẩm có yếu tố chấn thương.
Phải đến sau năm 1986, kiểu con người chấn thương xuất hiện dày đặc trong văn xuôi ở hầu hết các đề tài, nhất là đề tài chiến tranh, điều này tạo nên một dòng văn học chấn thương. Qua các sáng tác của Nguyễn Minh Châu (Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), Dương Thu Hương (Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù), Lê Lựu (Thời xa vắng), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Bùi Ngọc Tấn (Chuyện kể năm 2000), Trần Dần (Những ngã tư và những cột đèn), Đoàn Minh Phượng (Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau)… Nhìn chung lại, văn xuôi thời kì đổi mới ngày càng khơi sâu vào những sang chấn tinh thần của con người.
CHƯƠNG 2: CON NGƯỜI BỊ CHẤN THƯƠNG TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ CỦA ĐOÀN MINH PHƯỢNG
2.1. Tiếng nói của “cái tôi bị chấn thương”
Chấn thương là tình trạng thường bắt đầu từ một “sự kiện va chạm quá ngưỡng” giữa cái tôi cá nhân với môi trường sống. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, chính là nạn nhân của một “sự kiện va chạm quá ngưỡng” như vậy. Trong tiểu thuyết Và khi tro bụi, chấn thương xảy ra đối với An Mi bắt đầu từ khi cô phải trải qua một cú va đập quá ngưỡng. Đó là lúc trong cảnh chiến tranh loạn lạc, trên không “đạn đang tiếp tục rú những tiếng kinh hoàng” thì An Mi, một cô bé bảy tuổi trên tay ôm xác của người mẹ đã mất. Sự kiện này khiến cho An Mi hoảng sợ tới mức “gần ngất đi”. Như một bản năng sinh tồn, An Mi bỏ chạy khỏi khung cảnh chiến trường, cô bỏ mặc cái xác của người mẹ và cả tiếng kêu cứu yếu ớt của đứa em gái ba tuổi. Chính sự kiện này đã gây ra những tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho cô, ngay cả khi cô bắt đầu một cuộc sống mới ở nước Đức xa lạ thì những kí ức buồn đau này vẫn không ngừng ám ảnh. Như vậy, với An Mi, chiến tranh cũng là cú va đập quá dữ dội và khốc liệt, tạo nên những chấn động tinh thần quá sức nặng nề.
Mất người thân, An Mi trở thành con nuôi của một gia đình người Đức. Cuộc sống tưởng chừng như mang lại phép màu mới cho An Mi, nhưng khoảng thời gian hạnh phúc ấy lại bị khép lại khi cô nhận được tin người cha nuôi nổ súng tự sát trong nhà thờ. Trớ trêu hơn là trong mắt mẹ nuôi, An Mi là thủ phạm gây ra cái chết của cha nuôi “Bà buộc tội tôi và bắt tôi nhận nó, khốc liệt như thể nếu tội lỗi được phân định rõ ràng xong, được xóa đi bằng sự trừng phạt hay sám hối thì cái hệ quả của tội lỗi cũng sẽ không còn” . Rồi tiếp đó là sự ra đi đột ngột của người chồng vì tai nạn giao thông. Với An Mi, cái chết của người chồng là nỗi bất hạnh lớn nhất – nỗi “bất hạnh đã tước đi tất cả ước ao được sống của tôi”. Hàng loạt nỗi đau cứ tiếp nối đồn dập khiến cho An Mi liên tục phải sống trong nỗi đau đớn khôn nguôi, ngấm ngầm, dai dẳng. Để quên những kí ức đau buồn, cô tìm cách chạy trốn quá khứ, chỉ đến khi An Mi bắt đầu hành trình kiếm tìm bản thể, bản thể được đánh thức cũng là lúc cô đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết thì những kí ức quá khứ mới hiện hữu rõ nhất. Mất người thân, mất quê hương, cuộc sống không còn ý nghĩa gì, để rồi khi nghĩ về đời mình, nhân vật tôi chỉ ghi vào sổ tay mấy dòng chữ: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh”. Như vậy, với An Mi, chiến tranh là cú va đập đầu tiên, quá dữ dội và khốc liệt, tạo nên những sang chấn tâm lí nặng nề. Đây được xem là một chấn thương chiến tranh “di căn” thành cảm thức lạc loài, thiếu quê hương.
Nếu sự va đập quá ngưỡng đầu tiên của An Mi trong Và khi tro bụi là chiến tranh thì nhân vật Mai trong Tiếng Kiều đồng vọng lại ở phạm vi gia đình. Ban đầu chỉ là sự bỏ rơi của người cha, tiếp đến là cái chết của Chi, đứa em gái cùng cha khác mẹ và người mẹ. Việc bị cha bỏ rơi, Mai phải sống tha hương, nghèo khổ cùng người mẹ ở Hà Nội là một bi kịch vượt ngưỡng đối với cô. Cô khao khát tìm lại cha, để cha có thể nhìn thấy cô trong hình dáng đáng yêu của một cô gái mới lớn, bởi lẽ Mai chưa hề biết sự thật về cha. Qua lời dặn của dì Lan, Mai bắt đầu vào Sài Gòn. Ở đây, nhiều sự thật về gia đình Mai được phơi bày bởi sự xuất hiện của Chi. Chi đã chết từ hai mươi hai năm trước. Người cha tàn nhẫn đã đưa 5 chỉ vàng cho người lái xe để anh ta nhờ một người bà con ở quê nuôi hộ. Nhưng thỏa thuận ngầm của cuộc trao đổi ấy là thủ tiêu Chi. Hai mươi hai năm hận thù, Chi không có cách nào siêu thoát. Chi nhập vào Mai, bắt Mai phải sống cuộc đời mình, trả mối thù của mình. Cái chết, oan hồn của Chi trở thành một cú sốc quá lớn đối với Mai. Cha giờ đây đối với Mai chỉ là hận thù. Các chấn thương ngày càng mạnh khiến cho Mai rơi vào trạng thái vô thức, thường xuyên xuất hiện những giấc mơ. Trong cơn mộng mị, không có sự kiểm soát của ý thức, Mai thường bị dẫn dụ hành động bởi những tiếng nói từ bên ngoài, của một cõi xa xăm, không thực. Cô không ý thức được mình vừa nói gì, tại sao lại nói như thế “Tôi không nhớ gì về đêm qua. Ai đã sắp hành lý cho tôi? Hay chính tôi đã thật sự còn thức, làm trong một cơn mộng du? Tôi cảm thấy sợ, và buồn kinh khủng.”
Hành động trả thù của Mai suy cho cùng cũng là nỗi phức cảm Oedipe của những đứa con thương mẹ, thương mình mà sinh lòng thù hận cha mình. “Chợt hiểu cha chỉ là một khái niệm trừu tượng, một giấc mơ lầm lạc” . Việc Mai để cha mình rơi vào tội loạn luân nhằm mục đích để cho người cha nhận ra lỗi lầm của mình, nhận thấy sự nhục nhã mà sửa lỗi lầm, hiểu thế nào là nỗi đau mà ông đã mang lại cho họ.
Cũng giống như nhân vật An Mi trong tiểu thuyết Và khi tro bụi, những chấn thương tâm lý ấy cũng làm cho Mai mang một cảm thức lạc loài, thiếu quê hương. Quê hương đối với Mai chỉ là sự mơ hồ qua những lời nói lập lờ của mẹ Liên và dì Lan “thứ tình nối tôi với quê hương đó đã mất rồi, cuốn ra sông trôi ra biển còn đâu. Tôi chưa bao giờ thực sự là người Hà Nội, nhưng tôi cũng không phải là người Huế. Tôi không có quê hương” . Mai luôn khao khát tìm về quê ngoại, nhưng ở đây ngoài dì Mai ra thì không ai chào đón cô, Sự đứt đoạn các mối quan hệ với người thân là nỗi đau đớn của Mai “Tôi không biết gì về bên ngoại. Ông bà tôi làm gì, tôi có bao nhiêu cậu, dì. Tôi không biết gì về cha tôi.
Cái chết của Chi, cũng được xem là một cú va chạm quá ngưỡng đối với dì Lan. Bởi dì Lan đã vô tình dì đã gây ra cái chết gián tiếp cho Chi. Hình bóng của Chi luôn xuất hiện trong giấc mơ của dì “Thân Chi vẫn còn quấn trong một tấm vải trắng, như trong tấm tã mà ngày xưa dì đã quấn nó. Ma thì mãi mãi mang hình thù lúc chết, nhưng trong những giấc mộng của dì, Chi cứ dần dần lớn lên.” Chính vì vậy mà dì Lan luôn ám ảnh về cái chết của Chi
2.2. Hành trình tìm lại cội nguồn bản thể
Trước những “sự kiện va chạm quá ngưỡng” đã làm cho các nhân vật trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng rơi vào trạng thái cô đơn, trống rỗng, thường xuyên đắm chìm trong sự vô thức, dường như họ không còn nhận thức được bản thân mình là ai. Tất cả điều này đã thôi thúc họ bắt đầu một hành trình kiếm tìm lại cội nguồn bản thể, tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”
Trước cái chết đột ngột của chồng, An Mi, trong tiểu thuyết Và khi tro bụi đã hoàn toàn tuyệt vọng “Đáng lẽ tôi nên chết đi trong vòng hai tuần sau khi chồng tôi chết”. Nhưng những hoài nghi về cội nguồn bản thể đã thôi thúc cô dấn thân vào hành trình kiếm tìm để biết được “Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.” Cuộc hành trình tìm lại chính mình, tự trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”; “Tôi đến từ đâu?” được An Mi lựa chọn bằng cách lang thang khắp châu Âu trên các chuyền tàu xe lửa.
Trên hành trình tìm kiếm lại bãn ngã, An Mi lại bắt gặp câu chuyện của người trực đêm khách sạn, từ cuốn nhật kí của Michael, cô đã lặn lội hơn hai năm để tìm ra căn nhà của Michael và bắt đầu đi tìm những sự thật trong cuốn nhật kí về những người thân của Michael: cô Sophie, em Marcus, ông Kempf, bà Anita. Theo như cuốn nhật kí của Michael, người cha (ông Kempf) giết mẹ (Anita) rồi giấu xác xuống hồ băng, đứa em trai (Marcus) năm tuổi sợ hãi khi nhìn thấy cha giết mẹ đã bỏ chạy vào rừng rồi biệt tích. Nhưng khi An Mi tìm ra được chân tướng sự việc thì Michael phủ nhận nội dung trong nhật ký của chính mình mặc cho ông bố Kempf tự thú đã giết vợ. Qua sự phủ nhận của Micheal, càng làm cho câu chuyện trong cuốn nhật kí trở nên mơ hồ, tạo nên một sự hoang mang, ngờ vực, nhưng cũng chính sự kiện này làm cho An Mi làm rõ được bản thân mình là ai, những nỗi đau trong quá khứ cũng được nhìn nhận lại. Nhân vật Marcus – đứa em trai bị thất lạc của nhân vật Micheal đã ảnh hưởng rất lớn đến hồi ức quay trở về của An Mi. Cô nhớ về quê hương, quê hương đối với cô giờ đây chỉ còn là hình ảnh một đứa em gái ba tuổi đáng thương trong tiếng kêu cứu đã bị cô bỏ quên, cô đã bỏ chạy, bỏ rơi em mình, bỏ chạy suốt “25 năm” nay. Mặc cảm tội lỗi cứ đeo bám An Mi “Tôi chợt hiểu ra tất cả. Tại sao trong tất cả những năm của đời mình tôi đã không tìm được cái thứ keo để gắn lại các mảnh của cuộc đời lại với nhau và gắn chính mình vào thế giới loài người. Tôi đã cố hết sức mình, nhưng mọi thứ đều rời rạc, tan tác và tôi mãi là một thứ rong rễ không bám được vào một thứ gì để trôi nổi. Bởi vì trong cái khoảnh khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vào lúc người ta cần nhau nhất để cứu nhau ra khỏi tai ương, trí óc tôi đã chọn xóa đi cái khoảnh khắc ấy ngay khi nó đang xảy ra, đã chọn không nhận ra tiếng đứa em mình đã trông giữ mỗi ngày. Tôi đã bỏ rơi đứa em trong cái khoảnh khắc quan trọng nhất của cả đời tôi và đời nó”.
Trong hành trình kiếm tìm cội nguồn, thứ An Mi nhận lại không phải là sự an lạc trong tâm hồn mà lại là sự hoài nghi, chìm đắm trong sự cô độc, bất an “Tôi mồ côi, không có quá khứ, tình yêu, ước mơ, tôi không có một cái tên, chân dung hay linh hồn. Tôi là một gian nhà trống,… tôi không có gì để nhớ”. “Cả người tôi bất an, ruột tôi quặn lại, tôi lạnh và buồn nôn. Tôi thấy đau đớn, không còn là nỗi đau đớn trong lòng mà là trên thân thể, khi đầu óc tôi mờ đục không còn ý nghĩ nào”
Cuộc kiếm tìm kéo dài hai năm, cũng là lúc cô nhận ra được mình là ai, cô không phải là người Đức, cô là đứa trẻ mồ côi, cô đến từ một đất nước có chiến tranh. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những chấn thương tinh thần, những nỗi đau, mất mát vẫn còn vọng lại. Trong cơn chập chờn giữa sự sống và cái chết lại là lúc cô càng khao khát sống nhất, khao khát được trở về quê hương, tìm lại tuổi thơ, tìm lại đứa em gái mà cô bỏ rơi để trốn chạy một mình “Tôi không thể chết, ngàn lần không muốn chết. Xin cho tôi sống nhìn thấy em tôi một lần, cho tôi giải mối oan này, quay về với cuộc đời, với sự sống tôi chưa từng được biết và khao khát đến nao lòng. Cho tôi sống những ngày và những đêm của mình, chứ không sống bằng thời gian và trí nhớ của người khác. Cho tôi gặp em dù chỉ một lần, một lần thôi ơn trời vô tận”. Một người từ bỏ cội nguồn của mình sẽ không thực sự bám rễ vào đâu hết. Cũng giống như tro bụi cũng có quê hương. Phải chăng đây chính là những điều Đoàn Minh Phượng trăn trở về cuộc sống xa quê hương, xa nguồn cội:
“Và khi tro bụi rơi về
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương”
Hành trình của Mai trong Tiếng Kiều đồng vọng từ Hà Nội vào Sài Gòn không phải chỉ để tìm cha hay là theo đuổi ước mơ có được tấm bằng đại học y mà chính là hành trình tìm lại bản ngã của chính cô – một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài 22 năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ". “Tôi là ai?”, “ Cha là ai?”, “ Tại sao tôi được sinh ra?”. Mai khao khát đi kiếm tìm lại sự thật “Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết. Dù mất bao nhiêu năm hay cả một đời, tôi cũng sẽ đi tìm” . Câu hỏi về cội nguồn thôi thúc Mai “có thể sự bình an và vô ưu không phải là điều chúng ta đi tìm. Chúng ta đi tìm những mối dây gắn mình với một thứ gì đó rất bao la tôi không biết tên. Tên nó là cội nguồn? Tên nó là duyên kiếp?” [, tr.269]. Nhưng cuối cùng cuộc hành trình tìm lại quá khứ, quê hương, cội nguồn của Mai lại là những chuỗi ngày tháng đớn đau nhất. Mai vẫn chưa một lần nhìn thấy gương mặt thật của cha, còn bản thân mình thì không tồn tại hoặc chỉ tồn tại bằng khai sinh của một thân thể khác (Chi – con của cha và dì Lan).
Đi tìm bản thể, nhân vật tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng thường rơi vào tâm trạng cô đơn, khủng hoảng. Kết thúc mỗi hành trình đều là một số phận bị bỏ ngỏ. Số phận An My rồi sẽ ra sao? Liệu mong muốn được sống cuộc sống của chính mình ở An My có là quá muộn? Mai sẽ sống thế nào khi biết được sự thật là mình không phải là Mai mà là Chi, không phải là con mẹ Liên mà là con Dì Lan.
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ CỦA ĐOÀN MINH PHƯỢNG NHÌN TỪ LÝ THUYẾT CHẤN THƯƠNG
3.1. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng
Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: “Theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng, một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời” [3, tr. 24].
Trong cuốn Biểu tượng văn hóa thế giới thì tìm hiểu biểu tượng chính là tìm ra “chìa khóa của những con đường đẹp đẽ… vượt ra cái dáng vẻ bên ngoài người ta thấy được những chân lý, niềm vui, ý nghĩa ẩn kín và thiêng liêng của mọi điều trên mặt đất quyến rũ và kinh khủng này”[16, tr 66]
Biểu tượng cái chết
Biểu tượng “cái chết” trong Từ điển văn hóa thế giới được định nghĩa: “là mặt có thể mất đi, có thể bị hủy hoại của sự sống. Nó chỉ cái sẽ mất đi trong tiến hóa của sự vật: nó gắn bó với hệ tượng trưng đất” [16, tr 160]. Con người tin rằng luôn tồn tại một thế giới sau cái chết, có thể là Thiên đường hay Địa ngục gắn với các nghĩ lễ vượt qua. Cái chết “là sự khải huyền và nhập môn”. Mọi cuộc thụ pháp đều phải trải qua một giai đoạn chết, trước khi mở lối vào cuộc đời mới. Sự bí ẩn của cái chết từ ngàn xưa vẫn được cảm thụ như là nỗi kinh hoàng và được biểu thị bằng những nét khiếp đảm: “Đây là sự kháng cự, được đẩy lên mức tối đa, chống lại sự thay đổi và một hình thức sinh tồn chưa biết đến, nhiều hơn là nỗi sợ bị diệt trừ trong hư vô” [16, tr 160].
Trong tác phẩm, biểu tượng “cái chết” được lặp đi lặp lại nhiều lần, là biểu tượng trung tâm thể hiện những buồn đau bất hạnh của con người, nhưng cũng là con đường người ta tìm đến để giải thoát. Mở đầu tác phẩm là cái chết của chồng An Mi, một cái chết không rõ nguyên nhân, nó mở đầu cho những biến cố, những bất hạnh về sau. Trước nỗi đau quá lớn khi người chồng, An Mi đã cố quên đi “từng chuyện, từng chuyện một, từng ngày, từng ngày một trong khoảng đời ấy của tôi, từ ngày tôi gặp anh cho đến ngày anh chết”. Nhưng càng cố quên cô lại càng nhớ, tất cả mọi hình ảnh của người chồng cứ hiện về sống mãi trong cô làm cho cô đau đớn, dằn vặt và bắt đầu hành trình tìm kiếm cái chết để giải thoát cho bản thân. Trong chuyến hành trình, An Mi đọc được câu chuyện trong cuốn sổ tay của một nhân viên khách sạn cũng bắt đầu là cái chết bí ẩn của một người phụ nữ. Trong hai năm, cô cố tìm ra sự thật về cái chết của Anita nhưng thực chất thì mọi sự thật đều được xóa bỏ bởi sự chối từ quá khứ của Micheal. Đó còn là cái chết của cha nuôi An Mi, ông tìm đến cái chết khi nhận ra mình yêu con gái nuôi, nhưng ông không dám vượt qua lòng kính Chúa, vượt qua ranh giới cuộc sống ông đang có để sống thật với chính mình. Có thể nói, đối với cha nuôi của An Mi, cái chết được xem là sự giải thoát, cái chết là sự huỷ diệt về thể xác nhưng phải chăng đó là sự tái sinh trong tâm hồn, chết để tìm lại mình.
Biểu tượng cái chết cũng xuất hiện rất nhiều trong Tiếng Kiều đồng vọng. Đó là cái chết cô độc, tha hương của mẹ Mai, là cái chết đầy đau đơn của Chi “Vì cha đã thuê tên tài xế úp mặt lên con bé con một chiếc gối, chỉ sáu phút thôi thì em phải bỏ xác thân em để làm một con ma mồ côi. Mai tưởng cái chết mềm mại như cái gối đó à? Không đâu. Tên tài xế chưa dám sờ mũi em ngay. Hắn lấy xe đạp đi ăn một đĩa lòng, uống ba cốc rượu rồi quay lại. Lúc hắn thò tay xuống dưới gối, ấn mấy ngón tay sát nhân vào mặt đứa bé con xem em đã chết thật chưa, thì dưới làn da mỏng manh thịt đã bắt đầu cứng...". Đây được xem là khởi nguồn cho một cuộc đời đầy bi kịch của Mai.
Biểu tượng tro bụi
Trong Kinh thánh đã nói “người là tro bụi sẽ trở về với tro bụi” có nghĩa là khởi nguyên của mọi sự cũng là tro bụi, đó là quy luật tái sinh và hủy diệt. Tro bụi – ý nghĩa biểu trưng ban đầu của nó toát ra từ cái hiện thực của nó: về bản chất tro bụi là vết tích còn sót lại sau khi ngọn lửa thiêu đốt đã tắ, nếu xét từ quan điểm lấy con người làm trung tâm thì đó là cái chết, cái di hài còn sót lại khi lửa sống đã tắt trong cơ thể. Về phương diện tinh thần, giá trị còn lại ấy bằng không, và như thế tro tượng trưng cho tính vô giá trị, gắn liền với cuộc sống con người là tính mỏng manh phù du của nó. Bụi là biểu tượng của sức mạnh sáng thể được ví như hạt giống, như phấn hoa nhưng cát bụi vẫn là dấu hiệu của sự chết, của sự khóc thương (Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới). Như vậy “tro bụi” tượng trưng cho thân phận con người, cho cái chết. Ngay trong nhan đề “Và khi tro bụi” đã gợi lên cho người đọc cảm thức về sự nhỏ bé, hư vô, sự ra đi và sự trở về. Biểu tượng “tro bụi” được lặp lại gần mười lần trong tác phẩm, nó gắn liền với cái chết. Đó còn là biểu trưng cho một tâm hồn bị tổn thương của An Mi “Hồn tôi chỉ còn là một đám tro”. “Tro bụi” không chỉ biểu tượng cho cái chết, cho sự tan biến mà còn biểu tượng cho sự tái sinh. Khi chồng mất đi An Mi chỉ còn là một đám tro tàn, cô không muốn sống và cô đã đi tìm cái chết, đó là sự huỷ diệt, nhưng cũng trên hành trình dấn thân đi tìm cái chết cô lại tìm được chính mình, tìm lại cuộc sống cội nguồn mà trước kia cô chạy trốn chối bỏ. Đó phải chăng là sự tái sinh dù nó đau đớn nhưng nó không phải vô nghĩa.
Biểu tượng Mưa (một biến thể của nước)
Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biểu tượng nước có ba ý nghĩa cơ bản, nước vừa là nguồn sống, vừa là phương tiện thanh tẩy, là trung tâm tái sinh, đồng thời cũng lại cho rằng nó có một ý nghĩa đối lập khác, nước vừa là nguồn sống, vừa là nguồn chết, vừa là nơi tái sinh, vừa là nơi tiêu hủy. “Nước là khối vật chất chưa phân hóa, làhình tượng của số lượng vô cùng lớn những khả năng diễn biến, chứa đựng toàn bộ cái tiềm tàng, cái phi hình, cái mầm mống của mọi mầm mống, tất cả mọi hứa hẹn về sự phát triển, nhưng cũng chứa đựng mọi mối đe dọa bị tiêu tan. Đầm mình trong nước để rồi lại đi ra mà không tự hòa tan hết vào trong đó, trừ khi do một cái chết tượng trưng, đó là trở về cội nguồn, tự tiếp nguồn cho mình trong một kho dự trữ tiềm năng rộng mênh mông và lấy ở đó một sức mạnh mới: là một bước thoái lui và tan rã nhất thời, tạo tiền đề cho một bước tiến lên để tái thống hợp và tái sinh” [16, tr.709].
Trong tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng, biểu tượng “mưa” xuất hiện dày đặc suốt 24 chương truyện. Ngay mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng dựa trên lời bài hát Within you của nhóm của nhóm The Beatles do George Harrison “Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước / Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”. Nguyên văn của bài hát là “And the time will come when you see we're all one / And life flows on within you and without you". Tuy nhiên có điểm khác biệt, tác giả đã thay đổi từ “one” thành từ “nước”. Chính sự thay đổi này đã làm cho “nước” trở thành biểu tượng mang nhiều ý nghĩa trong tác phẩm. Trong tác phẩm “mưa” là một biến thể của biểu tượng “nước”. “Mưa” mang ý nghĩa thanh lọc và xoa dịu nỗi đau bị cha bỏ rơi của Mai “Tôi thường nghĩ cha tôi sẽ đến với tôi vào một ngày mưa”. “Mưa” còn gắn liền với những biến cố quan trọng nhất của cuộc đời Mai. Đầu mùa mưa, Mai dối mẹ vào Sài Gòn trong “mưa gió ngập trời”, Mai nhận được lá thư của dì Lan và gặp Chi. Mai đi tìm Quỳnh để ngăn chặn một bi kịch sắp xảy ra cũng vào một chiều mưa. Mưa còn chính là nước mắt của những trái tim phụ nữ bị bội bạc, là cảm giác bơ vơ của những đứa trẻ không tìm được mái nhà bình yên. “Mưa” trở thành biểu tượng cho quá khứ, điều mà Mai kiếm tìm. So với nhan đề cũ Mưa ở kiếp sau thì Tiếng Kiều đồng vọng là nhan đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Bởi Mai không còn chờ “mưa”, tức “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.
3.2. Đổi mới phương thức trần thuật
Cốt truyện lắp ghép
Cốt truyện lắp ghép thường xoáy vào suy nghĩa hơn là hành động, như một cấu trúc lắp ghép rời rạc. Tiêu biểu cho xu hướng nới lỏng cốt truyện. Trong Và khi tro bụi, để hiện thực bị phân thành những mảnh rời rạc, tác giả đã chọn dạng thức trần thuật theo kiểu “truyện trong truyện”. Câu chuyện [1], cũng là nội dung chính của toàn bộ tác phẩm. Chuyện kể về nhân vật An Mi, một người có chồng vừa bị tai nạn, kể về hành trình đi tìm cái chết của chính mình. Cô lang thang trên những chuyến tàu với chiếc túi xác đầy những vỉ thuốc ngủ. Trong hành trình ấy, cô tìm lại được quá khứ, nhận thức ra được mình là ai, tìm được ý nghĩa của sự tồn tại. Câu chuyện [2], kể về gia đình Michael, một nhân viên trực đêm khách sạn. Trong một lần dừng chân tại một khách sạn nhỏ, An My tình cờ gặp Michael và có được cuốn sổ ghi lại những bí mật về bi kịch gia đình anh ta. Hai câu chuyện dường như bị tách rời nhau nhưng lại hoàn toàn liên kết. Câu chuyện [2] làm cho hành trình của An My không còn là hành trình vô định. Từ những bí ẩn về câu chuyện của Michael mà những mảnh ghép kí ức càng được hiện rõ. Đó là hình ảnh xác của người mẹ, tiếng kêu thảm thiết của đứa em trong tiếng bom đạn hãi hùng. Là hình ảnh người cha nuôi tự sát trong nhà thờ. Là hình ảnh người chồng chết vì tai nạn giao thông. Tất cả hiện về trong dòng suy nghĩ miên man của An Mi trong hành trình đi tìm lại chính mình, tìm lại cội nguồn, quá khứ, ý nghĩa cuộc sống. Dường như mạch truyện Và khi tro bụi bị xé rời thành nhiều mảng hiện thực khác nhau, nhưng người đọc vẫn nhận ra mạch truyện chính của tác phẩm là hình trình kiếm tìm cội nguồn bản thể của An Mi.
Trong Tiếng Kiều đồng vọng, các mảnh ghép hiện thực bị xáo trộn bởi những giấc mơ của Mai. Từ khi Mai bắt đầu hành trình tìm cha, bị cô Tâm lừa bán cho khách làng chơi ở Muôn Hoa, Mai như rời vào nỗi sợ hãi tột cùng. Mai thường xuyên đắm chìm trong giấc mơ. Sự xuất hiện của Chi trong các giấc mơ của Mai làm cho các mảnh hiện thực bị gián đoạn, chập chờn, vô lý và rời rạc “Tôi nhìn lên, không thấy Chi đâu nữa, tôi còn có một mình. Tôi nhìn xuống thân mình, thấy tôi đang mặc chiếc áo của Chi, dài và mỏng. Tóc tôi cũng là tóc của Chi, mái tóc dài đến tận bìa của phiến đá tôi đang nằm và chảy xuống đất từ nó.”. Người đọc nhiều lúc dường như không hiểu được Chi có phải là linh hồn đã khuất hay là chính sự phân thân của Mai. Sau mỗi giấc mơ, cuộc đối thoại giữa Mai và Chi là những hành động mà Mai không hề biết tại sao mình lại làm như vậy.
Kết cấu đan xen thực ảo
Kết cấu đan xen thực - ảo trong tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng được tạo bởi việc sử dụng môtip hiện hồn của những hồn ma. Linh hồn của Chi tồn tại với tư cách là một cái bóng trò chuyện với Mai. Hầu như ý thức, hành động của Mai đều được Chi dẫn dắt. Chính đều này tạo nên một thế giới thực ảo - đan xen. Thế giới thực của Mai ngày càng hiện rõ qua hành trình kiếm tìm cha. Đó là thế giới của sự đau thương, nghiệt ngã. Còn thế giới ảo của Chi lại gắn liền với sự hận thù, chết chóc. Việc đan xen thực - ảo làm cho người đọc bắt đầu sự hoài nghi “Liệu thực sự có linh hồn của Chi”. Bởi khi đọc tác phẩm, nhiều đoạn cho thấy Mai tự phân thân thành một con người khác, Mai xuất hiện với tư cách là một hình một bóng, tồn tại song song nhau “Tôi tự hỏi tại sao có đứa con gái nào đi qua sân vào lúc nửa khuya. Nhưng trong lúc tự hỏi như vậy, tôi thấy mình là đứa con gái đó, tôi thấy tôi đi trong sân và tôi thấy sợ vì sân không có lối ra, mà tôi không thể quay đầu trở lại con đường mình đã đi vào được.”
Khác với Tiếng Kiều đồng vọng, trong Và khi tro bụi, thực - ảo đan xen được tạo nên bởi việc lồng ghép thêm một câu chuyện của anh nhân viên trực đêm khách sạn và việc thường xuyên dịch chuyển điểm nhìn của các nhân vật làm cho câu chuyện trở nên mù mờ, không biết đâu là thực, đâu là ảo. Dường như khi đọc hết tác phẩm, người đọc cũng không chắc chắn rằng câu chuyện của Michael là thật hay giả. Bởi Michael, người biết rõ câu chuyện nhất lại chối bỏ toàn bộ để sống một cuộc sống hạnh phúc. Cảm giác về sự thật khắc nghiệt tan biến, câu chuyện lại được phủ lên một màn sương khói lung linh.
Thời gian hồi ức, thời gian phi thực
Qua khảo sát hai tiểu thuyết Và khi tro bụi và Mưa ở kiếp sau, chúng tôi nhận thấy rằng, các nhân vật đều không xác lập được bản thân mình là ai trong thế giới hiện tại. Một câu hỏi hiện sinh được đặt ra “Tôi là ai?”, “Tôi đến từ đâu?”. Chính vì vậy mà nhân vật trong tiêu thuyết Đoàn Minh Phượng luôn sống trong hoài niệm, khắc khoải, dằn vặt trong quá khứ. Quá khứ luôn là đối tượng trong hành trình kiếm tìm của các nhân vật. Nó luôn ám ảnh, đeo bám họ.Vì qúa khứ đầy đau thương nên An Mi tìm cách quên đi để rồi bắt đầu hành trình kiếm tìm “Tôi là ai?” cô nhận thấy quá khứ là một thứ không thể xóa bỏ, bởi nơi đó có hình bóng của đứa em mà cô đã bỏ rơi, nơi cội nguồn của những đau thương.
Thời gian hồi ức, thời gian phi thực trong Tiếng Kiều đồng vọng, gắn liền với những giấc mơ. Trong mỗi giấc mơ của Mai là một mảnh ghép của quá khứ hiện về. Đó là cái chết của Chi, sự tàn nhẫn của người cha.
C. KẾT LUẬN
Chấn thương tâm lí là một “sự kiện va đập vượt ngưỡng” quá sức chịu đựng của con người. Cả hai tiểu thuyết Và khi tro bụi và Tiếng Kiều đồng vọng, đều có thể soi sáng dưới góc nhìn của lí thuyết chấn thương tâm lí. Đoàn Minh Phượng đã có một cách nhìn nhận, khai khác tâm lí của con người ở nhiều góc độ. Nếu như nhân vật An Mi trong Và khi tro bụi là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phi nghĩa thì các nhân vật Mai, Chi, dì Lan lại là nạn nhân của một người đàn ông vô trách nhiệm. Nhưng cả hai tác phẩm đều hướng đến việc làm sáng tỏ những bi kịch tinh thần của con người.
Trước những “sự kiện va chạm quá ngưỡng” các nhân vật trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng thường rơi vào trạng thái cô đơn, trống rỗng, đắm chìm trong trạng thái vô thức, dường như họ không còn nhận thức được mình là ai. Tất cả điều này như thôi thúc họ bắt đầu một hành trình kiếm tìm lại bản thể. Nhưng càng đi sâu để tìm thấy “Tôi là ai?” thì họ lại càng rơi vào cái bi kịch của cuộc đời mình. Mỗi tác phẩm khép lại, đều là một nỗi đau còn dai dẳng, day dứt trong từng nhân vật.
Để tô vẽ những nỗi đau của các nhân vật, tác giả đã xây dựng hệ thống biểu tượng như mưa, tro bụi, cái chết và cốt truyện lắp ghép, kết cấu thực ảo đan xen, thời gian hồi ức, thời gian phi thực. Từ các phương diện về nghệ thuật càng làm cho tác phẩm tăng sự hấp dẫn, đối thoại với người đọc, đồng thời càng khẳng định được vị trí và vai trò của Đoàn Minh Phượng trong nền văn học hậu hiện đại.
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Lê Tú Anh (2013), “Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học chấn thương ở Việt Nam và quan điểm nghiên cứu”, Lý thuyết phê bình văn học hiện đại (Tiếp nhận và ứng dụng), Nxb Đại học Vinh.
2. Thái Phan Vàng Anh (2017), “Con người chấn thương trong tiểu thuyết đề tài chiến tranh và hậu chiến”, Tạp chí Văn học, số 12, tr.55-66, Hà Nội.
3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, 2010. Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Tạ Quang Hùng, Bs. Phạm Ngọc Trí (chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ Y khoa, Anh – Anh – Việt, Nxb Tổng hợp, Hồ Chí Minh.
5. Đặng Hoàng Oanh, “Thân phận các nhân vật chính trong Cánh đồng bất tận nhìn từ lý thuyết chấn thương”, Tạp chí khoa học, tập 46, số 2B, tr. 43 – 49.
6. Hoàng Phê (chủ biên) năm 2011, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách Khoa.
7. Đoàn Minh Phượng (2007), Và khi tro bụi, Nxb Trẻ (Tái bản lần thứ nhất).
8. Đoàn Minh Phượng (2020) Tiếng Kiều đồng vọng, Nxb Hội nhà văn.
9. Nguyễn Thành Thi (2010), “Tiếng nói của “cái tôi bị chấn thương” và tính khả dụng của yếu tố nhật kí, trinh thám trong tiểu thuyết (Nhân đọc Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần).” Những lằn ranh văn học, Nxb ĐHSP TP.HCM.
10. Hồ Thị Thảo (2017), Thế giới nhân vật chấn thương trong sáng tác của Thuận, Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí minh. 11
11. Nguyễn Thùy Trang (2016) “Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng - Ám ảnh bản thể hay sự trốn chạy những ẩn ức của con người hiện đại”, NXB Đại học Huế,Trường ĐHSP.
12. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia – Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển Anh – Việt, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội.
Tiếng Anh
13. Cathy Caruth, “Vết thương và giọng nói”, Hải Ngọc dịch, Hải Ngọc’s weblog, https://hieutn1979.wordpress.com, 8/12/2012.
14. Cathy Caruth, “Kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử”, Trần Ngọc Hiếu dịch, https://hieutn1979.wordpress.com, 8/12/2012.
15. Karen.L.Thoraber (Nguyễn Quốc Vinh dịch 2015), “Lý thuyết chấn thương”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
16. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant (2002), Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới (Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phong, Nguyễn Văn Vỹ dịch), Nxb Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du, Thành phố Hồ Chí Minh.