Banner cho bài viết:SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI GIỚI TRONG CA DAO, DÂN CA QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG
ĐẠI HỌC

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI GIỚI TRONG CA DAO, DÂN CA QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI GIỚI TRONG CA DAO, DÂN CA QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

     Để lý giải nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt của hai giới trong ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi đưa ra một số sự khác biệt phổ biến. Và cũng cần phải hiểu rằng, sự khác biệt này chỉ mang tính tương đối chứ không hoàn toàn tuyệt đối, đặc trưng riêng biệt của giới đó. Bởi dù xã hội có đưa ra nhiều khuôn thước đi chăng nữa thì tùy vào môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục...mỗi người sẽ có cách tiếp nhận khác nhau. Có người hoàn toàn phục tùng Nho giáo nhưng cũng có người phản kháng. Hoặc trong cùng một người, tùy vào giai đoạn của cuộc đời thì phản ứng của họ cũng khác nhau. Trong ca dao, dân ca dù đây là sản phẩm của nhân dân lao động, nhưng không phải bài nào cũng điển hình cho tất cả mọi người. Ngoài ra, ca dao, dân ca cũng không phải là thể loại gắn liền với một khoảng thời gian nhất định, và người sưu tầm cũng không biết rõ bài đó được lưu truyền từ bao giờ. Cho nên trong hệ thống ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng, cách ứng xử, vị trí, vai trò của nhân dân lao động rất phong phú đa dạng. Đơn cử một ví dụ, người con trai trong tình yêu thường có những cách ứng xử như chủ động, phụ bạc, nhưng chúng tôi cũng không thể phủ nhận được rằng, giới nam vẫn có tính thủy chung “Bao giờ cho sóng bỏ gành, /Cù lao bỏ biển thì anh bỏ nàng. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr298)

     Hơn nữa, cần phải hiểu rằng những hành vi ứng xử, vị trí, vai trò của hai giới trong ca dao, dân ca không hoàn toàn đồng nhất với hành vi ứng xử, vị trí, vai trò của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng ngoài đời sống thật.

Mối quan hệ

Giới nam

Giới nữ

Tình yêu đôi lứa

+ Chủ động, phụ bạc

+ Ít bi kịch

+ Chủ động, thủy chung

+ Chịu nhiều bi kịch

Gia đình và xã hội.

+ Trụ cột gia đình, nắm quyền.

+ Học hành, thi cử

+ Chăm sóc con cái, phục tùng chồng.

+ Nuôi chồng ăn học, quán xuyến việc gia đình

     Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến bất bình đẳng giới là do những khuôn mẫu giới, định kiến giới, k vọng giới chứ không phải do giới nam, hoặc giới nữ.

Thứ nhất, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa.

     Dưới sự ảnh hưởng của Nho giáo “Trọng nam khinh nữ”, nam giới luôn là người có vị thế cao trong tất cả các mối quan hệ. Trong tình yêu, nam giới cũng phải là người đứng ở vị thế cao hơn, là người chủ động. Người xưa có câu “Trâu đi tìm cọc chứ cọc không tìm trâu”, người con gái phải thụ động để giữ phẩm giá, còn người con trai phải chủ động đi tìm để chứng tỏ sự mạnh mẽ, bản năng thích chinh phục.

      Trong xã hội phong kiến có một sự phi lý, hoàn toàn không có tính nhân văn đó là người con trai có quyền lấy nhiều vợ, con gái thì chỉ duy nhất một chồng “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, quan niệm hết sức vô lý này có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của mỗi giới. Điều này khiến cho nữ giới mang trong mình nỗi lo sợ, mặc cảm khi phải trở thành một món hàng, một vật để trao đổi buôn bán “Thân em như cá lội kiếm mồi, Tìm nơi sông lớn, vịnh bồi, tránh câu (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr297).

     Quan niệm người con gái phải lấy chồng sớm cũng có ảnh hưởng đến cách ứng xử trong tình yêu của giới nữ.

...Trai ba mươi tuổi còn xinh

Gái ba mươi tuổi như bình mắm nêm... (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr389).

     Cũng giống như địa phương khác, người dân Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có suy nghĩ con gái phải lập gia đình sớm. Điều này khiến cho nữ giới có tâm lý lo sợ khi đến tuổi lấy chồng, họ bắt đầu lo sợ về một tương lai không có người đàn ông bên cạnh, phải chịu những lời dè bỉu từ thiên hạ.

Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong mối quan hệ gia đình và xã hội.

     Dù là bất cứ mối quan hệ gia đình hay xã hội, nữ giới luôn là người chịu nhiều thua thiệt, bất công. Nguyên nhân xuất phát từ tư tưởng “Tòng phu”, khi lấy chồng về người phụ nữ phải nghe lời, phục tùng chồng, lo toan, quán xuyến các công việc trong gia đình. Những quan niệm như “Đàn bà quện bếp”, “Trai ơn vua ngồi võng đòn rồng/ Gái ơn chồng ngồi võng ru con”, “Đàn ông chiến tranh đàn bà sinh đẻ” đã gói gọn cuộc đời giới nữ trong phạm vi gia đình. Từ đó hình thành ở nữ giới tính cam chịu.

Phận mẹ ăn đắng nằm cay

Cắn răng thửa chịu nào ai dám phiền. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr179)

     Trong gia đình khi chồng qua đời, người vợ thường chọn cách ứng xử là “thủ tiết”. Cách ứng xử này cũng bắt nguồn từ tư tưởng “Tòng phu”, khuyến khích người phụ nữ thủ tiết khi chồng qua đời. Tuy nhiên, chuyện đi thêm bước nữa cũng là một chuyện khá bình thường.

Nữ: Chồng em bất hạnh về quê

Em giữ nghề buôn bán cho trọn bề chính chuyên...

Phận em đã lỡ chợ trưa rồi

Em đành chịu phận đơn côi

Hóa thân như thạch em ngồi như vọng phu.

Nam: Vợ anh khuất bóng non đoài

Thiếu trong nội trợ, thiếu ngoài nông tang...

Gặp em đây anh bày tỏ ít lời

Nếu em thương được, anh kiếm ít nơi nương nhờ

Anh rày có đứa con thơ

Con chồng như con vợ, anh nhờ em nâng niu

Em ở làm sao được tiếng mai chiều

Kế phụ như kế mẫu, dắt dìu lẫn nhau

Em cùng anh góp sức chung tay

Anh làm nghĩa phụ, em thay mẫu hiền (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr413 - 415).

Nữ: Phần thời mẹ góa, con lại mồ côi

Ngoài sân cỏ mọc trong nhà nhện giăng

Bây giờ anh thương em, em biết tính làm răng

Bây giờ nhược bằng em tạm rút lui cho khỏi phiền.

Nam: Bần cư náo thị vô nhân vấn

Phú tại sơn lâm hữu viễn thân

Ới như thiếp ơi, vinh ba có lúc, khố bần có khi

Giàu nghèo anh chẳng nói chi

Có đâu nghèo khổ nghèo luôn nghèo miết

Chữ chung tình chí quyết đôi ta… (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr367).

     Hai bài dân ca trên phản ánh rõ sự khác biệt trong cách ứng xử của giới nam và giới nữ khi bạn đời của mình qua đời. Khi có người ngỏ ý tái hôn thì giới nữ chọn cách giữ gìn chữ “tiết” “giữ cho trọn bề chính chuyên”, “rút lui cho khỏi phiền”. Nhưng ở giới nam lại khác, họ khá cởi mở trong chuyện tái hôn “Nếu em thương được, anh kiếm ít nơi nương nhờ.”, “Chung tình chí quyết đôi ta”.

     Với tư tưởng “Tòng phu”, khiến cho người dân lao động hình thành nên những định kiến gay gắt đối với người phụ nữ ngoại tình. Họ hướng đến xây dựng, kỳ vọng một người phụ nữ thủy chung tuyệt đối, nhưng nam giới lại được phép lăng nhăng.

Đừng thương con gái có chồng

Rủi ro họ bắt được, mõ với cồng như nhái kêu (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr177). 

Chim đâu chim có bỏ rừng,

Cá đâu cá có dè chừng biển Đông.

Uổng công chọn gái có chồng,

Mai sau lộ tiếng mõ với cồng nó kêu. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr308)

     Theo chú thích Nguyễn Văn Bổn: “Ngày xưa, nếu người đàn bà đã có chồng mà còn ngoại tình thì bị làng bắt ra xử tại đình làng. Trước phiên xử, anh mõ làng đi khắp nơi trong làng đánh mõ, đánh cồng để rao. Hình phạt tội ngoại tình nhiều khi rất dã man, chẳng hạn, cột người đàn bà trên bè và thả trôi sông.”(Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr308). Biết rằng ngoại tình là một cách ứng xử không tốt trong tình yêu, nhưng hình phạt bêu xấu, thả bè trôi sông là một hành động phi nhân tính, một hủ tục đáng lên án.

     So với nữ giới, ở nam giới ít có sự phản kháng trước những khuôn mẫu của xã hội. Trong ca dao khuyên nữ giới giữ chữ tòng khi về nhà chồngMột mai xách nón theo chồng/Chữ trung, chữ hiếu, chữ tòng em đừng quên (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr352) cũng phản ánh rõ điều này. Bởi trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa hay trong mối quan hệ vợ chồng thì giới nam luôn là đối tượng được nhiều quyền lợi.

     Ngoài ra tục thách cưới trong xã hội phong kiến cũng là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khổ cực của nữ giới trong gia đình. Để cưới được một cô gái, chàng trai phải đáp ứng được những lễ vật mà bên nhà gái đưa ra, tùy vào mỗi gia đình mà lễ vật nhiều hay ít. Tục thách cưới này khiến cho nhiều người đàn ông, mẹ chồng ngầm hiểu là “mua vợ”, vì là một món hàng được mua về nên khi về nhà chồng, nhiều người phụ nữ phải sống trong cực khổ, bị chì chiết, đọa đày. Mặt khác tục thách cưới này cũng là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của những người con trai có gia cảnh nghèo khó.

     So với nữ giới, nam giới luôn chiếm ưu thế trong mối quan hệ xã hội. Người ta dựa vào thuyết sinh học, học thuyết nho giáo để xác lập sự thông minh, lý trí, cường tráng ở nam giới, cảm xúc, yếu đuối ở nữ giới. Vì vậy nam giới được học hành, tiếp cận nhiều nền tri thức, kỳ vọng trở thành người tài giỏi, còn nữ giới chỉ được học cách làm con, làm vợ. Chính sự ưu ái này nên trong một số bài hát đối đáp, giới nam trêu ghẹo, bông đùa về việc nữ giới tìm hiểu kiến thức xã hội “Phụ mẫu nhà em sinh ra em là gái đó em!/Em biết chi việc triều đình, chánh thể mà em buông lời hỏi anh” (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr292). Dù chỉ là trêu ghẹo nhưng dần dần khiến cho giới nữ không dám vượt thoát cuộc sống gia đình để tạo nên tiếng nói trong xã hội.