Banner cho bài viết:SOẠN VĂN 12 BÀI 1 - TIẾNG THU - LƯU TRỌNG LƯ - CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
Soạn Văn 12

SOẠN VĂN 12 BÀI 1 - TIẾNG THU - LƯU TRỌNG LƯ - CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

BÀI 1: THƠ CỔ ĐIỂN VÀ LÃNG MẠN

Văn bản: TIẾNG THU - Lưu Trọng Lư

Câu 1 (trang 19 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Xác định chủ thể trữ tình của bài thơ và cho biết chủ thế ấy xuất hiện theo dạng thức nào (có từ nhân xưng rõ ràng, hóa thân vào nhân vật, một chủ thể ẩn).

Gợi ý:

Chủ thể trữ tình của bài thơ là một chủ thể ẩn, có thể suy đoán có một “anh” đang thổ lộ tình cảm với “em”.

Câu 2 (trang 19 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bạn hiểu thế nào về nhan đề Tiếng thu? Bài thơ là lời của ai nói với ai, nói về điều gì và bằng thái độ, giọng điệu như thế nào?

Gợi ý:

- Nhan đề Tiếng thu có thể hiểu là âm thanh của mùa thu, tiếng lòng trong mùa thu (dựa vào các từ “thổn thức, rạo rực”).

- Bài thơ là lời của “anh” nói với “em”, hỏi về cảm nhận “tiếng thu” với giọng buồn man mác.

Câu 3 (trang 19 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào? Nêu một số hiểu biết về sự phù hợp giữa các yếu tố hình thức như thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,… với chủ đề và cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.

Gợi ý:

– Thể thơ: Năm chữ

– Biểu hiện về sự phối hợp giữa các yếu tố hình thức với chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm: Thể thơ ngắn cùng với điệp ngữ phủ định “em không nghe”, câu hỏi tu từ và các hình ảnh “trăng mờ”, “chinh phu”, “cô phụ”; các từ ngữ “thổn thức”, “rạo rực”, “ngơ ngác”,… rất phù hợp để diễn tả tâm tình lãng mạn, thiết tha nhưng cũng đượm buồn trong thời điểm mùa thu. Màu vàng là thi liệu quen thuộc để miêu tả mùa thu trong thơ cổ. Nhưng “màu vàng” với “con nai vàng ngơ ngác” “đạp trên lá vàng khô” thì lại là hình ảnh rất mới. Tuy nhiên, bài thơ vẫn phảng phất phong vị cổ điển qua hình ảnh “trăng mờ”, “chinh phu”, “cô phụ”,…

Câu 4 (trang 19 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tiếng thu được sáng tác theo phong cách nào? Nêu một số biểu hiện của phong cách sáng tác được thể hiện qua văn bản.

Gợi ý:

– Phong cách sáng tác: Lãng mạn.

– Biểu hiện: Thể thơ năm chữ, điệp ngữ phủ định, câu hỏi tu từ và cách thể hiện cảm xúc trực tiếp qua các từ “thổn thức”, “rạo rực”, thấm đẫm chất lãng mạn thời Thơ mới, đề cao cảm xúc và giải phóng con người cá nhân bứt phá khỏi những khuôn khổ thi luật và ngôn ngữ của thơ trung đại.

Câu 5 (trang 19 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tìm đọc bài thơ Thu vịnh (Nguyễn Khuyến). Chỉ ra và lí giải sự khác biệt giữa hai bài Thu vịnh và Tiếng thu ở các khía cạnh sau:

a. Cách cảm nhận và gợi tả bức tranh mùa thu

b. Cách thể hiện tình cảm, tâm trạng của chủ thể trữ tình.

Gợi ý:

 

 

Thu vịnh

Tiếng thu

Cách cảm nhận và gợi tả bức tranh mùa thu

 

Bút pháp cổ điển phương Đông: chấm phá, ước lệ tượng trưng; cảm nhận thiên nhiên chủ yếu bằng thị giác và thính giác; gợi tả khung cảnh từ cao xuống thấp, từ gần đến xa => Bức tranh thu hiện lên với mọi hình ảnh, màu sắc, đường nét,... đặc trưng cho mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ. Sử dụng từ ngữ dân dã, bình dị nhưng có giá trị thẩm mĩ cao.

Kết hợp cổ điển và hiện đại: cảm nhận bức tranh thu không chỉ bằng thị giác và thính giác với những gam màu, hình ảnh quen thuộc (trăng, chinh phu, chinh phụ, con nai vàng,…) mà những hình ảnh này còn được cảm nhận một cách mới mẻ: thổn thức, rạo rực, ngơ ngác => Bức tranh thu không có nhiều chi tiết, hình ảnh nhưng vẫn gợi nhiều cảm xúc.

Cách thể hiện tình cảm, tâm trạng của chủ thể trữ tình

 

Tình cảm, tâm trạng của chủ thể trữ tình được thể hiện qua cách mô tả bức tranh mùa thu đẹp nhưng hiu hắt. Với việc sử dụng điển tích về Đào Tiềm, bài thơ thể hiện rõ tình cảm của một người yêu thiên nhiên, yêu làng quê nhưng mang tâm trạng buồn của một người mang nặng nỗi ưu thời mẫn thế.

Tình cảm, tâm trạng buồn bã, cô đơn, bơ vơ của chủ thể trữ tình được thể hiện qua thể thơ ngắn, điệp ngữ em không nghe, câu hỏi tu từ và các hình ảnh trăng mờ, chinh phu, cô phụ và các từ ngữ thổn thức, rạo rực, ngơ ngác. Tiếng thu là một bản hoà âm kết hợp giữa tiếng của thiên nhiên với tâm tình con người.