Banner cho bài viết:NGƯỜI TRẦN THUẬT VÀ ĐIỂM NHÌN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT KẺ TRỘM SÁCH
ĐẠI HỌC

NGƯỜI TRẦN THUẬT VÀ ĐIỂM NHÌN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT KẺ TRỘM SÁCH

NGƯỜI TRẦN THUẬT VÀ ĐIỂM NHÌN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT KẺ TRỘM SÁCH

1.Người trần thuật

1.1.Lý thuyết về người trần thuật

Theo giáo trình “ Lý luận văn học” ( Trần Đình Sử chủ biên) thì “Người kể chuyện là yếu tố thuộc thế giới miêu tả. Đó là người do nhà văn tạo ra để thay mình thực hiện hành vi trần thuật. Khác với người kể chuyện trực tiếp lộ diện như trong diễn xướng dân gian, có thể sử dụng các yếu tố phi ngôn từ như điệu bộ, ánh mắt… Người kể chuyện trong văn bản viết ẩn mình trong các dòng chữ. Người kể chuyện đó có thể kể bằng ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba. Và chỉ có thể kể được khi nào họ cảm thấy như người trong cuộc, người chứng kiến hay người biết trước sự kiện xảy ra bằng tất cả giác quan, sự hiểu biết của mình.” [5,102]

Theo “ Từ điển thuật ngữ văn học- Lê Bá Hán chủ biên”, “Người trần thuật là hình thái của hình tượng tác giả trong tác phẩm văn học nghệ thuật, là người mang tiếng nói, quan điểm tác giả trong tác phẩm văn xuôi.”[2, 191]

 Trong bài giảng “ Tác phẩm và thể loại văn học”, Nguyễn Văn Thuấn đã đưa ra quan niệm về người kể chuyện như sau : “Người kể chuyện là người thay  mặt nhà văn để thực hiện hành vi trần thuật. Người kể chuyện thống nhất nhưng không đồng nhất với tác giả – người sáng tạo ra nó. Thống nhất vì nó có phần nào thể hiện tư tưởng, thái độ tình cảm của nhà văn, nhất là trong tác phẩm tự truyện. Nhưng không đồng nhất với tác giả vì người kể chuyện chỉ là một công cụ của tác giả, điểm nhìn của người kể chuyện, chỉ là một kỹ thuật mà tác giả mà tác giả dùng để tác động đến người đọc về những gì xảy ra trong truyện.”[ 72-73]

Trên thế gới vấn về người trần thuật cũng được bàn đến rất nhiều. Nhà nghiên cứu Pháp như G. Genette thì hiểu “ Người trần thuật có chức năng của tác giả, vừa kể chuyện, vừa chỉ huy cách kể, vùa truyền đạt thông tin, vừa thuyết phục người đọc…” . Các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ thì lại thiên về hiểu “Người trần thuật là một vai trò thụ động do tác giả điều khiển. Tác giả cần nó vì cần có một giọng điệu, cần một điểm nhìn, cách nhìn”. Nhà lý luân Mỹ Jonathan Culler cho rằng: “ Bất cứ trần thuật nào đều phải có người trần thuật, bất kể người trần thuật đó có được xác định rõ ràng hay không. Bởi vì vắn đề trung tâm của chủ đề mỗi câu chuyện đều là vấn đề về mối quan hệ giữa người trần thuật tiềm ẩn với câu chuyện mà nó kể ra. Do đó muốn giải thích một đoạn tự sự bắt buộc phải xác nhận người kể chuyện hàm ẩn trong đó, xác định các bộ phận thuộc về cái nhìn của nó, phân biệt bản thân hành động và sự quan sát của người trần thuật đối với hành động đó.[4,189]

Qua những quan niệm trên, chúng tôi khái quát cách hiểu về người trần thuật như sau :

Người trần thuật là một hình tượng do nhà văn sáng tạo nên chứ không phải bản thân nhà văn,  là người phát ngôn trong tác phẩm tự sự, chỉ giữ vai trò là nhân tố trung tâm chi phối mọi yếu tố trần thuật khác của tác phẩm. Nhà văn là chủ thể sáng tạo, còn người trần thuật là hình tượng nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra. Tác giả gửi gắm vào người trần thuật thái độ của mình đối với câu chuyện. Vì vậy có thể nói người trần thuật là một hình tượng nhân vật mang thái độ. Tác giả không bao giờ xuất hiện trong tác phẩm như một chủ thể trần thuật mà chỉ như một người nghe trộm và ghi trộm lời kể của người khác. Lời kể của người trần thuật mới là phát ngôn tạo lên văn bản tự sự. Vì vậy, thái độ của người trần thuật đối với sự việc trong tác phẩm có thể trùng với tác giả nhưng không trùng khít hoàn toàn. Bởi vì quan niệm của tác giả bao giờ cũng rộng lớn thẳm sâu mà một hình tượng chủ thể trần thuật không thể nào chứa đựng hết được. Ngay cả trong những tác phẩm tự truyện thì người trần thuật và tác giả vẫn không đồng nhất với nhau. Dù tác giả lấy cuộc đời mình làm chất liệu sáng tác nhưng vẫn có sự khác biệt về không gian, thời gian giữa câu chuyện đã xảy ra và câu chuyện được kể. Từ đó mà dẫn đến sự khác nhau về cảm xúc, tư tưởng. Tất cả đã không còn được nguyên vẹn như cũ khi tác giả hồi nhớ lại. Quá khứ đã bị che phủ bởi sự tưởng tượng và trải nghiệm của nhà văn.

Người trần thuật có thể là người đứng ngoài quan sát nhân vật và kể lại, cũng có thể tham gia vào câu chuyện với tư cách một nhân vật trong câu chuyện,… Có lúc chủ thể trần thuật nhìn bằng con mắt của chính mình, có lúc lại trao điểm nhìn cho nhân vật. Trong tiểu thuyết, người kể chuyện giữ một vai trò hết sức quan trọng: là cầu nối để tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa nhân vật – người kể chuyện – độc giả. Tuy vật người kể chuyện không nhất thiết phải đứng ở vị trí của nhân vật trung tâm mà tác giả có thể giao phó chức năng ấy cho một nhân vật trong tác phẩm. Dù người kể chuyện giấu mình hay xưng “tôi” thì tác phẩm cũng phải có điểm nhìn.

2.Người kể chuyện trong tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách”

2.1.Người kể chuyện ngôi thứ nhất

Kẻ trộm sách được thuật lại bởi thần chết, một “gương mặt” quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Thần chết  kể lại với tư cách là người chứng kiến câu chuyện, xuất hiện trực tiếp dưới hình thức nhân vật “tôi”, vừa kể về cuộc đời mình, vừa  kể về cuộc đời của các nhân vật khác. Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”.

Người kể chuyện chỉ xưng tôi, chứ không hề cho rằng mình là thần chết, nhưng qua những lời giới thiệu và hành động của người kể chuyện thì ta có thể nhận ra đây là một vị thần chết – một thần chết hài hước vui vẻ, nó đối lập với cái danh hiệu mà người ta đặt cho. “ Tôi có thể tự giới thiệu mình cho phải đạo, song quả thực việc đó không cần thiết. Bạn sẽ biết tôi là ai vào đúng thời điểm thích hợp, điều này phụ thuộc rất nhiều chuyện có thể xảy ra. Chỉ cần nói rằng, đến một lúc nào đó thì tôi sẽ ở sát bên cạnh bạn, thân ái hết mức có thể. Linh hồn của bạn rồi sẽ yên vị trong vòng tay tôi. Một màu sắc đọng lại trên vai tôi. Rồi tôi sẽ nhẹ nhàng đưa bạn đi.” [13]

Qua lời kể của Thần Chết thì ta có thể thấy được công việc của  Thần Chết cũng như là sự khốc liệt của chiến tranh thế giới thứ 2 và cuộc diệt chủng Do Thái do Hitler khởi xướng. “Giờ đây tôi thực sự thấy mình khá thảm hại. Kể lể cho các bạn nghe tất cả về tôi, tôi và bản thân tôi. Những chuyến đi của tôi, những điều tôi đã thấy trong năm 42…. Hẳn là tôi phải lượn đi lượn lại vài vòng trong năm đó. Từ Ba Lan đến Nga đến Châu Phi rồi lại quay lại. Bạn có thể tranh luận vì tôi sẽ luôn phải đi lòng vòng như thế, dù năm đó là năm nào đi nữa, nhưng đôi khi muốn phóng đại sự việc lên một chút. Họ đẩy mạnh công suất thải ra những xác người và những tâm hồn tẩu thoát của họ lên…. Tôi đã chứng kiến tình trạng vô gia cư ở khắp mọi nơi. Bọn họ đi theo tôi, trong khi tôi đang đi lang thang khắp những con đường của những thành phố bị bom đạn khuấy nhiễu. Họ van xin tôi mang họ theo cùng, mà không biết rằng tôi đang quá bận rộn.“ Thời điểm của các ngươi sẽ sớm tới thôi”, tôi thuyết phục họ và cố gắng không nhìn lại. Có những lúc tôi ước mình có thể nói những điều gì đại loại như “ Các ngươi không thấy rằng tôi đã có đủ thức ăn trên dĩa mình rồi sao ?” nhưng tôi không bao giờ làm thế cả. Tôi than thầm trong bụng khi làm công việc của mình và có những năm cá biệt, những linh hồn và xác người không phải là được cộng thêm, mà là tăng thêm theo cấp số nhân.”[324]

Vì người kể chuyện là Thần Chết cho nên người kể chuyện có khả năng quan sát được tất  cả những thứ liên quan đến nhân vật họ đang kể như là ngoại hình, tính cách, suy nghĩ, nội tậm, hành động... Liesel – một nhân vật chính trong truyện, qua lời kể của Thần Chết thì nhân vật này hiện lên với một con người có đầy đủ tính cách, ngoại hình, sở thích, hành động. Đây là một cô bé người nhỏ nhắn, gầy gò, từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh em trai chết khi trên đường đến thành phố Thiên Đàng nhận ba mẹ nuôi mới, cuộc đời con bé gắn với những lần trộm sách, chứng kiến cảnh gia đình, bạn bè chết hết trong cuộc đánh bom ở phố thiên đường. Liesel hiện lên với một cô bé ngoan ngoãn luôn nghe lời ba mẹ nuôi, yêu sách, khao khát được chiếm lĩnh những từ ngữ. Không những thế người kể chuyện còn thấy rõ những dòng suy nghĩ bên trong của nhân vật, “ Trong thâm tâm, con bé cố gắng rùng mình để rủ bỏ cái cảm giác vui mừng khi thấy cánh cửa sổ đã đóng. Con bé tự mắng mình. Tại sao vậy, Liesel? Nó hỏi. Tại sao mày lại nổi khùng lên khi bọn họ không thể mẹ mày làm nữa? Tại sao mày không thể câm mồm lại được vậy? Mày biết rồi đấy, vợ ông thị trưởng bây giờ đã hoàn toàn thay đổi, sau khi mày gào thét vào mặt bà ta. Có thể bà ta đã đứng thẳng người lên và gượng dậy được. Có thể bà ta sẽ không bao giờ để mình phải run lẩy bẩy vì cái lạnh trong căn nhà đó nữa và cái cửa sổ ấy sẽ bị đóng chặt mãi mãi… Mày đúng là đồ con lợn ngu ngốc [303].  Rosa- mẹ nuôi của Liese, một người phụ nữ có dáng người hơi thấp, tiếng chửi của bà phải nói là làm người ta ngưỡng mộ, kiến cho những người thân trong gia đình ai cũng phải học nó như một thứ ngôn ngữ gia đình. Nhưng trong thâm tâm của bà thì người kể chuyện lại kể là một con người hết mực yêu chồng con, bà là người thức xuyên đêm, ngồi ôm cây đàn xếp của chồng khi Hans đi ra chiến trường, ngay cả một người Do Thái bà  cho Max ăn, ở mà không một lời nào. Dưới sự kể chuyện của Thần chết thì các nhân vật hiện  lên một cách phong phú đa dạng về mọi mặt. Max là một tên Do Thái phải sống trong nỗi dằn vặt, day dứt khi bỏ lại gia đình mà không một lời từ biệt khi Đức Quốc Xã vào lục soát bắt gia đình anh.

Khác với người trần thuật ngôi thứ  nhất thông thường, trong “Kẻ trộm sách” người trần thuật không chỉ tái hiện lại những mảnh ghép của cuộc đời nhân vật mà còn  đưa ra lời bình luận, nhận xét, đánh giá, người kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình đối với cuộc sống và nhân vật được trình bày qua cốt truyện, với một thái độ ngưỡng mộ con người.“ Họ là những người mà cứ nhìn thấy họ tôi lại chịu không nổi, dù tôi vẫn thường thất bại trong việc này. Tôi thận trọng tìm kiếm các sắc màu để giữ cho tâm trí mình không bị họ ám ảnh nữa, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn phải làm chứng nhân cho những người còn sót lại, bị sụp đổ dưới trò ghép hình của hình thức, sự tuyệt vọng và nỗi kinh ngạc đó. Họ có những trái tim thủng lỗ chỗ.[14]

“Tôi thật ngạc nhiên những gì loài người có thể làm, ngay cả khi dòng suối nước mắt đang chảy dài trên gương mặt họ, họ vẫn loạng chạng bước tiếp, ho và kiếm tìm, và tìm thấy”[557]

“ Tôi muốn hỏi bà ấy làm sao mà một giống loài lại có thể vừa quá xấu xa, vừa quá vĩ đại như vậy, làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa vừa thần diệu đến thế,”[569]

Lời nhắn nhủ cuối cùng của Thần Chết dành cho tất cả bạn đọc “ Tôi bị ám ảnh bởi những con người

Qua những lời bình luận, đánh giá của Thần Chết ta thấy được Thần Chết là một nhân vật có tấm lòng yêu thương con người, yêu cái đẹp chứ không phải như cái tên mà người ta gán ghép cho và đặc biệt qua lời bình của Thần Chết, con người hiện lên một cách đẹp đẽ, vĩ đại dù trong hoàn cảnh nào. Đồng thời ta cũng thấy được quan niệm nghệ thuật về con người của Zusak, tác giả vừa ca ngợi con người vừa phê phán những con người xấu xa, tác giả bị ám ảnh bởi chính những con người, chính đồng loại của mình.

2.2.Sự phân hóa người kể chuyện

Trong “ Kẻ trộm sách”, người kể chuyện có sự phân hóa rõ ràng, người kể chuyện lúc thì xuất hiện với hình thức ngôi thứ nhất xưng tôi kể về cuộc đời mình,và những gì quan sát thấy, lúc thì xuất hiện với ngôi thứ ba - người kể chuyện ẩn mình, rút lui đằng sau nhân vật để  quan sát, kể lại các nhân vật khác hành động, suy nghĩ. Dạng kể chuyện này đã giúp nhà văn khắc phục hạn chế về tầm nhìn trần thuật.

“ - Vậy họ đã cho phép bố vào chưa? Hans con lại tiếp tục câu chuyện dang dở của họ từ hồi Giáng sinh.

- Vào cái gì?

-  Đoán đi xem nào – vào đảng ấy.

- Chưa bố nghĩ là họ đã quên trường hợp của bố rồi.

- Thậm chí bố còn đâu thèm thử đăng kí lại phải không? Bố không thể cứ ngồi đó và chờ thế giới mới đến đón bố theo cùng được. Bố phải đi ra ngoài kia và trở thành một phần của nó – mặc dù bố đã mắc sai lầm trong quá khứ.

Bố nhìn lên. “ Sai lầm ư? Bố đã mắc phải nhiều sai lầm trong đời mình, nhưng việc không gia nhập Đảng Quốc xã không phải là một trong số chúng. Họ vẫn giữ đơn của bố – con có biết điều đó mà – nhưng bố không thể quay lại đó và hỏi thăm được.  “ Bố chỉ…” [113]

Trong đoạn trích  trên thì người kể chuyện rút lui vào sau nhân vật để kể lại cuộc hội thoại của Hans và Hans con về chuyện vô Đảng Quốc xã của Hans, người kể chuyện không được trực tiếp biểu thị bằng đại từ ngôi thứ nhất, đây là hình thức kể chuyện với ngôi thứ ba.  

Với giọng văn khách quan người kể chuyện rút lui đằng sau các nhân vật chính làm cho các nhân vật luôn nhìn thấy, cảm thấy, nghe thấy.“ Liesel đang ở một trạng thái đê mê khó tả đến mức con bé cảm thấy mình như một pháo đài bất khả xâm phạm”[350]

Người kể chuyện biến hóa từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ 3 như một người tạo đà, tạo điểm nhấn để nhân vật có cơ hội và thể hiện mình một cách sinh động, tự nhiên. Từ đó người đọc không cảm thấy gượng gạo khi tiếp xúc với tâm sự rất thật của nhân vật, không khỏi băn khoăn khi khi lắng nghe những suy nghĩ của nhân vật.

2.3.Người kể chuyện kể theo lối kể bỏ ngõ

  Thông thường ta đọc các tác phẩm hiện đại ta thường thấy người kể chuyện luôn kể theo lối bỏ ngõ ở phần cuối truyện, tạo nhiều băn khoăn, suy nghĩ cho người đọc, để mỗi người tìm lời kiến giải, tạo nên sự hấp dẫn, đọc đáo cho tác phẩm, đồng thời nhà văn muốn bạn đọc sẽ trở thành người đồng sáng tạo với nhà văn.

  Kết thúc truyện trong “Nỗi cô đơn của các số nguyên tố” không phải là kết cấu đóng như các tiểu thuyết truyền thống. Kết thúc tác phẩm là khoảng thời gian mở, nối liền chiều vận động của quá khứ và hiện tại, các nhân vật vẫn cô đơn, họ là những nguyên tố song sinh, không thể đến được với nhau, nhưng Paolo đã để cho nhân vật của mình tìm thấy niềm vui của cuộc sống, tìm thấy sự trưởng thành và tự đứng lên trên đôi chân của mình: “Cô mỉm cười với bầu trời trong vắt. Với một chút khó khăn mệt nhọc, cô đã biết tự đứng dậy một mình ”. Kết thúc mở của câu chuyện đồng thời cũng gợi lên chút gì tươi sáng hơn cho những con người cô đơn, họ cô đơn nhưng không hề tuyệt vọng. Lối kết thúc mở này tạo nhiều băn khoăn, suy nghĩ cho người đọc, để mỗi người tìm lời kiến giải, tạo nên sự hấp dẫn, đọc đáo cho tác phẩm, là sự bứt phá, cách tân trong văn học hiện đại Ý.

  Cũng giống như “Nỗi cô đơn của các số nguyên tố”  thì trong kết thúc tiểu thuyết “Tên của đóa hồng” cũng là một kết thúc mở, tác giả không đem đến cho tác phẩm một kết luận mà trao quyền diễn giải cho độc giả. Cuối cuốn tiểu thuyết là cái kết thúc: Khe hở và những vụ cháy gợi ra cái không khí của các xã hội Trung cổ: “Trong thời Trung cổ những thánh đường và những tu viện bị cháy như là những que diêm bắt lửa, tưởng tượng một câu chuyện Trung cổ mà không có đám cháy như tưởng tượng chiến tranh ở Thái Bình Dương mà không có máy bay phóng pháo rực cháy rơi rớt” Toàn bộ tu viện bị thiêu cháy giữa vùng trời bao la. Một nền văn minh của chính sách ngu dân, độc tôn phân biệt bè phái, thành phần dân tộc đã bị hủy diệt. Đến đây rồi mà chưa ai có thể tìm ra nguyên nhân cho những tội lỗi đó, ai là người có tội, ai đã cho rằng đó là quyển sách bí mật?  Cách kết thúc này đã đưa người đọc đến chân lý: “Không có chân lý duy nhất cũng không có cái đẹp nào duy nhất mà nó luôn song song giữa hai mặt của bản chất cái thiện và cái ác, bóng tối và ánh sáng.”

Đến với  Murkus Zusak  ta bắt gặp một lối kể chuyện khá độc đáo, ông đã rất thành công trong việc tạo nên cách  kể chuyện theo lối “ Bỏ ngõ”,  kiểu kể chuyện bỏ ngõ của ông nó khác với các nhà văn hiện đại, bởi ông không bỏ ngõ ở cuối chuyện mà kể bỏ ngõ ở đầu và giữa câu chuyện tạo nên sự tò mò, hấp dẫn cho câu chuyện, bạn đọc hứng thú muốn biết câu chuyện tiếp theo sẽ như thế nào.

 “Khi bắt tay vào tự viết câu chuyện của mình, nó sẽ tự hỏi rằng chính xác là từ lúc nào mà những quyển sách và ngôn từ này không chỉ là một phần cuộc sống, mà đã trở nên toàn bộ sinh mệnh nó. Có phải đó là lần đầu tiên, nó nhìn thấy một căn phòng toàn sách là sách ? Hay là Max Vandenburg khốn khổ đến được với thiên đàng cùng với quyển sách Mein Kamfp của Hitler ? Hay là đọc trong những căn hầm tránh bom ? Là cuộc diễu hành cuối cùng tới Dachau ? Hay đó là quyển người làm rung chuyển thế giới ? Có lẽ chẳng bao giờ có một câu hỏi rõ ràng và thời gian và nơi chốn xảy ra sự chuyển biến ấy, nhưng dù thế nào đi nữa thì đó cũng là những chuyện xảy ra sau này. Trước khi xét những chuyện ấy thì lần đầu tiên  ta phải dạo qua những khởi đầu  của Liesel Meminger tại phố thiên đàng và nghệ thuật chửu đồ con lợn cái đã”. [37]. Người kể chuyện đưa ra hàng loạt các câu hỏi nhưng không hề có một câu trả lời nào. Với lối kể như vậy không chỉ tạo ra sự tò mò cho người đọc mà còn có dụng ý nghệ thuật, bởi khi ta đọc hết tác phẩm, thì những câu hỏi này thực chất là những sự kiện, chi tiết để phát triển cốt truyện. Phải chăng người kể chuyện muốn cho bạn đọc biết trước các sự kiện, diễn biến của câu chuyện. Và người đọc sẽ lần lượt khám phá những sự kiện đó để tìm ra lời giả mã cho tác phẩm.

Trong phần 10 của tác phẩm, mở đầu là một chương với nhan đề . “ Nơi tận cùng của thế giới”. Người kể chuyện dẫn dắt người đọc đến kết thúc của tác phẩm. “ Một lần nữa, tôi sẽ mang đến cho bạn cái nhìn tổng thể về đoạn kết. Có thể tôi làm như vậy là để xoa dịu phần nào tai họa sẽ xảy ra đến sau này, hay để bản thân tôi được chuẩn bị tốt hơn trong việc kể chuyện… Rudy Steiren đang ngủ. Mẹ và Bố đang ngủ. Bà Holtzapfel, mụ Diller. Tommy Muller. Tất cả đều đang ngủ. Tất cả đều chết. Chỉ một người duy nhất còn sống sót. Con bé sống sót bởi vì lúc đó nó đang ngồi trong một tầng hầm và đọc lại câu chuyện về chính cuộc đời mình. Kiểm tra lại những lỗi sai.”[519]. Từ trang 520- 549 thì người kể chuyện lại dẫn dắt người đọc hiểu thêm về cuộc đời nhân vật, diễn biễn cốt truyện tiếp tục phát triển, tức là các nhân vật vẫn còn sống. Nhưng đến trang 550 lại quay trở lại vấn đề cái chết của các nhân vật và nỗi đau khổ của Liesel trước xác chết của bố mẹ và cả Rudy. Tức là người đọc không cần đọc tác phẩm đến trang sách cuối cùng gấp lại thì đã biết kết thúc câu chuyện mặc dù là biết trước nên khi kết thúc tác phẩm thì người đọc không cảm thấy nhàm chán, mà nó có sự hấp dẫn đến cuối tác phẩm. Tác giả dẫn dắt người đọc đến nơi của tận cùng nỗi đau với nhưng chi tiết được kể rất chi tiết về sự tan nát của phố Thiên Đàng, xác chết của Rudy, Hanns, Rosa hiện ra trước mắt kẻ trộm sách  -  người sống sót cuối cùng. Một hiện thực rất đau xót, kiến cho kẻ trộm sách không thể tin nổi đó là sự thật. Cách kể chuyện theo lối bỏ ngỏ tạo nên một nét độc đáo, bức phá về nghệ thuật cho tác phẩm.

2.4.Người kể chuyện trò chuyện với độc giả

Sáng tạo văn học là quá trình nối tiếp giữa nhà văn, tác phẩm và người đọc. Trong đó bạn đọc có vai trò rất quan trọng, nó là yếu tố, là động lực giúp nhà văn sáng tác, nói lên quan điểm của mình.  Nói như Nguyễn Văn Trung: " Một tác phẩm văn chương nếu không có người cầm lấy đọc, nó chỉ là trang giấy trắng có những dòng chữ đen vô hồn, trống rỗng vô nghĩa. Tác giả, tác phẩm, độc giả là một hay nói cách khác là những yếu tố cấu tạo vũ trụ văn chương. Nếu không có độc giả, không thể có tác giả, vì tác giả lúc đó là tác giả của ai, đối với ai; ai công nhận và gọi người viết là tác giả? Tác giả chỉ là tác giả vì có độc giả và cho độc giả. Do đó độc giả là một yếu tố cấu tạo của tác phẩm. Gọi là yếu tố cấu tạo vì nếu không có độc giả, thì không thể có tác phẩm được". Vì thế mà người đọc luôn là người được các tác giả quan tâm, khi họ viết tác phẩm của mình họ luôn quan tâm tới thị hiếu của độc giả. Có những nhà văn táo bạo hơn thì trò chuyện ngay trong tác phẩm của mình – họ xưng tôi, chúng tôi …, còn độc giả được gọi bằng bạn, các bạn .., hay là tạo nên các kiểu kết cấu bỏ ngõ nhằm tạo sự thân mật, gần gũi giữa nhà văn và bạn đọc, đồng thời muốn người đọc trở thành người đồng sáng tạo với nhà văn.

       Có thể nói tuổi thơ ta ai cũng được học và yêu thích tác phẩm “ Dế Mèn phiêu lưu ký”. Tô Hoài đã để người kể chuyện trò chuyện với độc giả, tạo nên sự thân mật, thân thiết với bạn đọc.

“ Bạn đọc yêu quý! Có một biến đổi – Tôi hay nói biến đổi quá, nhưng thật có một biến đổi, tôi không biết nói thế nào khác. Xin để tập sách xuống đó, lặng nghe tôi kể cho một chuyện khác. Thoạt nghe bạn sẽ cho tôi dài lời. Nhưng kỳ tình câu chuyện có quan hệ đến cái cảnh đương gay go như lửa cháy này”.

“Thưa bạn đọc yêu quý. Mèn tôi xin phép chấm hết một phần thiên thế sự. Ước ao trong cuộc đi vô cùng hào hứng đương tới, chúng ta còn gặp nhau.”

Hay như trong tiểu thuyết“ Ba lần và một lần” của nhà văn Chu Lai:Thưa bạn đọc! Đọc tới đây chắc các bạn sẽ cười nhạo mà bảo rằng, vớ vẩn làm gì có nóng hỉm, làm gì có phập phồng, tức là làm gì có hơi thở cuộc sống cái đực, vợ chồng trong đó, tức là người đàn bà ấy vẫn nhòn nhõn nằm một mình, còn gã đàn ông đẹp đẽ kia ư, sau mọi chuyện vừa xảy ra có ngu dại, có lên cơn cuồng dục đến mấy cũng chả bao giờ chui đầu vào đấy cả, trừ trường hợp gã đã quá chán sống. Vớ vẩn! Kiểu này lại muốn dẫn nhau vào cõi cụp lạc, giật gân hòng câu khách đây. Vâng, quả là oan gia cho người kể chuyện. Bởi lẽ cuộc sống nó có những điều bất ngờ nhiều khi đến vô lí mà nếu nói không khéo có khi lại trở thành vô duyên, trở thành giả tạo. Và như thế là tại người viết kém cỏi chứ cuộc sống vốn dĩ nó vẫn cứ như thế, bao giờ cũng thế. Xin bạn đọc một chữ thể tất và đại xá”  

Trong “ Kẻ trộm sách” cũng vậy, Zusak cũng để cho người kể chuyện trò chuyện với tác giả. Dẫn dắt người đọc đi đến câu chuyện mà người kể chuyện đang kể. Người đọc chiêm nghiệm tác phẩm mà như có người đang kể cho mình nghe.

(1) “ Họ là những người mà cứ nhìn thấy họ tôi lại chịu không nổi, dù tôi vẫn thường thất bại trong việc này. Tôi thận trọng tìm kiếm các sắc màu để giữ cho tâm trí mình không bị họ ám ảnh nữa, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn phải làm chứng nhân cho những người còn sót lại, bị sụp đổ dưới trò ghép hình của hình thức, sự tuyệt vọng và nỗi kinh ngạc đó. Họ có những trái tim thủng lỗ chỗ. Họ có những buồng phổi thoi thóp. Đổi lại việc này đẫn dắt tôi đến với chủ đề mà tôi đang kể cho bạn tối nay đây, hay hôm nay đây, và bất cứ giờ nào và màu sắc nào. Đó là câu chuyện về một trong những người còn sống sót đến hết đời – Một bậc thầy trong việc bị bỏ lại đàng sau.[ 14]

        (2)“Nếu bạn thích, hãy đến với tôi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.

Tôi sẽ cho bạn thấy một thứ.” [23]

Người kể chuyện còn đưa ra những gợi ý, những câu hỏi

 (3)“Bây giờ là lúc chuyển cảnh.

Bạn tôi ạ, tính cho đến lúc này thì cả hai bên chúng ta đều có một câu chuyện quá dễ dàng, bạn thấy thế không? Bạn nghĩ sao nếu chúng ta quên Molching đi một lúc?

Việc này sẽ mang lại cho chúng ta vài điều tốt đẹp.

Ngoài ra chúng còn tốt cho cả câu chuyện nữa.

Chúng ta sẽ đi du lịch một chút, tới một nhà kho bí mật, và chúng ta sẽ thấy điều mà chúng ta thấy.” [149] 

       Với những cách xưng hô thân mật“ Bạn tôi ạ”, “ chúng ta” đã  giúp tác phẩm rút ngắn khoảng cách giữa nhà văn và bạn đọc, tạo nên một sự thân thiện, gần gũi.

3.Điểm nhìn tự sự

3.1.Lý thuyết về điểm nhìn tự sự

Bên cạnh vai trò của người tự sự, các nhà tự sự học cũng nhấn mạnh đến sự chi phối của điểm nhìn đối với người kể chuyện. Bên cạnh vấn đề “ai kể”, họ còn chú ý đến vấn đề “ai nhìn”. Vì vậy khi nghiên cứu người kể chuyện thì cần thiết phải đặt nó trong tương quan với vấn đề điểm nhìn.

“Điểm nhìn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của mỗi tác phẩm nghệ thuật. “Điểm nhìn mang tính ẩn dụ, bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, quan sát, cảm thụ của chủ thể đối với thế giới. Nó là các vị trí dùng để quan sát, cảm nhận, đánh giá bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện vật lý, tâm lý, văn hoá”. [4, tr. 149].

 Theo giáo trình Lý luận văn học – Trần Đình Sử chủ biên thì điểm nhìn thể hiện vị trí người kể dựa vào để quan sát, cảm nhận, trần thuật, đánh giá các nhân vật, sự kiện. [5, 104]

Trong tác phẩm văn xuôi tự sự, nội dung trần thuật phải được thể hiện từ điểm nhìn, bằng quan điểm trần thuật nào đó. Xác định điểm nhìn trần thuật nghĩa là chỉ ra vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật, tường thuật câu chuyện trong tác phẩm. Nó chính là cách kể, phương thức kể, là tình huống diễn ngôn. Như thế, điểm nhìn trần thuật có mối quan hệ mật thiết với cấu trúc nghệ thuật, giọng điệu của tác phẩm, với cách cảm thụ thế giới, thái độ của nhà văn. Khi nghiên cứu một cấu trúc văn bản, chúng ta cần quan tâm đến điểm nhìn, chỗ đứng mà tác giả lựa chọn. Chính điểm nhìn, chỗ đứng này chi phối cách miêu tả, đánh giá sự việc, câu chuyện và thành cơ sở để người đọc chúng ta cân nhắc, lựa chọn thái độ đối với hiện thực, nhân vật được phản ánh . Điểm nhìn trần thuật giúp chủ thể trần thuật dễ dàng bộc lộ ngôn ngữ, giọng điệu, thái độ của nhân vật trong tác phẩm và đồng thời điểm nhìn cũng giúp ta nhận ra đặc điểm phong cách, quan niệm về nghệ thuật và cuộc sống của nhà văn. Điểm nhìn có một vai trò quan trọng trong việc giúp người đọc nhìn sâu vào kết cấu nghệ thuật của tác phẩm.

Xét về mặt nào đó, quá trình hiện đại hóa của văn học, quá trình phát triển của tư duy nghệ thuật nhân loại gắn liền với sự thay đổi, cách tân điểm nhìn trần thuật. Văn học truyền thống thường chỉ sử dụng một điểm nhìn trần thuật từ người kể chuyện. Ở đây, người kể chuyện là người toàn thông, nắm rất rõ và biết tất cả về nhân vật, về nội dung câu chuyện. Trong khi kể, họ đưa ra những nhận định, đánh giá về nhân vật, sự kiện và thế là vô hình trung họ đã áp đặt cách nghĩ, cách đánh giá của mình lên độc giả. Đến văn học hiện đại, nội dung trần thuật không chỉ diễn ra theo trình tự thời gian mà có sự xáo trộn, đan xen, không chỉ có một chủ thể trần thuật từ đầu đến cuối mà có sự trần thuật đa chủ thể, cùng với tác giả trần thuật còn có nhân vật tự kể, hoài niệm, còn có các nhân vật trần thuật, đánh giá cho nhau, về nhau. Vì thế mà điểm nhìn trần thuật cũng có nhiều biến hóa. (Trong văn học phương Tây, người đầu tiên hoàn thiện tính hiện đại trong cách kể, kết hợp linh hoạt nhiều điểm nhìn trần thuật là Franz Kafka. Ở Việt Nam, những nhà văn đầu tiên có những cách tân đáng ghi nhận về phương diện này là Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học trong một số sáng tác ở những năm 20 của thế kỉ trước).

  • Phân loại điểm nhìn

Theo trần đình sử thì điểm nhìn có các loại như:

Điểm nhìn bên ngoài : người trần thuật miêu tả sự  vật từ phía bên ngoài nhân vật, kể về những điều nhân vật không biết.

Điểm nhìn bên trong là kể xuyên qua cảm nhận của nhân vật

Điểm nhìn không gian: là nhìn xa nhìn cận cảnh.

Điểm nhìn di động :  là di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác.

Điểm nhìn thời gian: nhìn từ thời điểm hiện tại như sự việc đang diễn ra, hay nhìn lại quá khứ, qua màn sương của ký ức.

Điểm nhìn tâm lý: theo con mắt người từng trải, hay kẻ mới bước vào đời, giới tính nam hay nữ, già hay trẻ.

Ngoài điểm nhìn của người kể chuyện còn có điểm nhìn của nhân vật.[5,104.]

3.2.Điểm nhìn trong tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách”

3.2.1. Điểm nhìn toàn tri.

Được gọi là điểm nhìn toàn tri khi người kể chuyện có vai trò toàn năng với cái nhìn thông suốt tất cả. Trong “ Kẻ trộm sách” thì thần chết đóng vai trò là người kể chuyện, vừa là nhân vật vì thế nó bao hàm cả điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Nếu như điểm nhìn bên ngoài chỉ cho phép người kể chuyện có cái nhìn bên ngoài và hình thành những cảm nhận đánh giá về ngoại hình, diện mạo, trạng thái hoạt động của nhân vật được quan sát và kể lại thì điểm nhìn bên trong lại giúp người kể chuyện đi sâu khám phá về tính cách, cung bậc cảm xúc, tâm sự thầm kín thuộc về thế giới nội tâm của nhân vật. Và đặc biệt Thần Chết lại là một lực lượng siêu phàm, nó có những khả năng mà con người không có, nên có khả năng quan sát nhân vật, lắng nghe, thấu hiểu nhân vật và kể lại những gì xảy ra xung quanh nhân vật từ nhiều chiều hướng khác nhau.

Thần chết không chỉ thấy những thứ hiện diện ra bên ngoài như ngoại hình, tính cách của các nhân vật, kể cả sự tàn khốc của chiến tranh thế gới thứ 2, và cái chết mà còn có thể nhìn thấy những ý nghĩ, suy nghĩ sâu kín bên trong tâm hồn nhân vật. Liesel - qua lời kể của Thần Chết thì nhân vật này hiện lên với một con người có đầy đủ tính cách, ngoại hình, sở thích, hành động. Đây là một cô bé người nhỏ nhắn, gầy gò, từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh em trai chết khi trên đường đến thành phố Thiên Đàng nhận ba mẹ nuôi mới, cuộc đời con bé gắn với những lần trộm sách, chứng kiến cảnh gia đình, bạn bè chết hết trong cuộc đánh bom ở phố thiên đường. Liesel hiện lên với một cô bé ngoan ngoãn luôn nghe lời ba mẹ nuôi, yêu sách, khao khát được chiếm lĩnh những từ ngữ. Không những thế người kể chuyện còn thấy rõ những dòng suy nghĩ bên trong của nhân vật, “ Trong thâm tâm, con bé cố gắng rùng mình để rủ bỏ cái cảm giác vui mừng khi thấy cánh cửa sổ đã đóng. Con bé tự mắng mình. Tại sao vậy, Liesel? Nó hỏi. Tại sao mày lại nổi khùng lên khi bọn họ không thể mẹ mày làm nữa? Tại sao mày không thể câm mồm lại được vậy? Mày biết rồi đấy, vợ ông thị trưởng bây giờ đã hoàn toàn thay đổi, sau khi mày gào thét vào mặt bà ta. Có thể bà ta đã đứng thẳng người lên và gượng dậy được. Có thể bà ta sẽ không bao giờ để mình phải run lẩy bẩy vì cái lạnh trong căn nhà đó nữa và cái cửa sổ ấy sẽ bị đóng chặt mãi mãi… Mày đúng là đồ con lợn ngu ngốc [303].

“ Liệu ông ta có biết không? Liesel nghĩ thầm. Liệu ông ta có đánh hơi được rằng gia đình nó đang che giấu một người Do Thái hay không” [361]

Rosa- mẹ nuôi của Liese, một người phụ nữ có dáng người hơi thấp, tiếng chửi của bà phải nói là làm người ta ngưỡng mộ, kiến cho những người thân trong gia đình ai cũng phải học nó như một thứ ngôn ngữ gia đình. Nhưng trong thâm tâm của bà thì người kể chuyện lại kể là một con người hết mực yêu chồng con, bà là người thức xuyên đêm, ngồi ôm cây đàn xếp của chồng khi Hans đi ra chiến trường, ngay cả một người Do Thái bà  cho ăn, ở mà không một lời nào.

Với điểm nhìn toàn tri thì hệ thống các nhân vật hiện lên một cách phong phú đa dạng về cả ngoại hình, tính cách, tâm lý của nhân vật, người kể chuyện có thể quan sát hết tất cả những suy nghĩ, hành động, chiều sâu tâm trạng của nhân vật.

3.2.2.Sự luân chuyển điểm nhìn trần thuật từ điểm nhìn người trần thuật đến  điểm nhìn nhân vật

Xuyên suốt tác phẩm ta thấy tác giả luôn có sự luân phiên điểm nhìn, để cho các nhân vật tự quan sát nhau, rút ra nhận xét về nhau, từ đó các nhân vật hiện lên những tính cách, ngoại hình một cách phong phú. Trong “ Kẻ trộm sách”, người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất kể câu chuyện về cuộc đời mình và của các nhân vật khác. Vì vậy điểm nhìn chủ yếu thuộc về người kể chuyện  “tôi” và đó thường là cái nhìn nội tại từ bên trong. Nhưng để khách quan hóa hiện tượng, không ít lần tác giả có sự dịch chuyển ngôi kể từ thứ nhất sang thứ ba, linh hoạt dịch chuyển điểm nhìn người trần thuât sang điểm nhìn nhân vật để nhìn nhận và đánh giá mọi việc được toàn diện hơn, để bộc lộ bản thân nhân vật theo hướng khách quan hơn. Sự di chuyển điểm nhìn từ tác giả sang nhân vật là một khuynh hướng của nền văn học hiện đại. Việc sử dụng thủ pháp luân phiên điểm nhìn nó giúp phá vỡ được lối kể chuyện đơn điệu, nhuốm màu sắc chủ quan của truyện truyền thống.

Dưới cái nhìn của người kể chuyện  thì bà Rosa hiện lên là một người đàn bà có nắm đấm sắt, cao chừng một mét rưỡi, mớ tóc mềm màu nâu xám, bà có một kỹ năng nấu ăn rất kinh khủng, bà sở hữu một khả năng hiếm có trong việc chọc tức hầu như bất cứ người nào mà bà gặp. Nhưng dưới cái nhìn của Liesel bà lại là một người phụ nữ rất yêu thương chồng con, ngay cả Max – một người Do Thái. “…Con bé ngừng lại, cảm nhân được sự trần trụi của mắt cá và những ngón chân mình. Nó quan sát.

Con bé mất nhiều thời gian hơn nó tưởng để mắt nó quen với bóng tối và khi mắt nó đã quen với bóng tối, thì con bé thấy rõ ràng Rosa Hubermann đang ngồi trên mép dường và ôm chặt lấy cây đàn xếp của chồng bà vào ngực, ngón tay bà lượn lờ trên các phím đàn. Bà không cử động. Thậm chí bà như ngừng thở.” [450]

Người kể chuyện gọi Max là một tay đấm Do Thái có một lòng can đảm đáng ngu ngốc, một con người có một quá khứ đáng buồn “ Bố anh mất, anh mới chưa đầy hai tuổi. Ông đã bị bắn nát ra thành nhiều mảnh trên một ngọn đồi cỏ mọc đầy. Khi anh lên chín tuổi, mẹ anh hoàn toàn phá sản. Bà đành phải bán phòng thu nhạc đồng thời là căn hộ của hai mẹ con, rồi sau đó chuyển đến sống nhờ nhà cậu anh ….ở tuổi mười ba, bi kịch lại một lần nữa ập tới khi người cậu của Max qua đời”[199], Lớn lên thì bị truy đổi bởi bọn Đức Quốc Xã. Qua nhân vật Liesel, Max hiện ra với một khuôn mặt không được đẹp trai cho lắm. “ Giờ thì con bé đã nhìn thấy khuôn mặt của anh ta, trong luồng ánh sáng ban ngày mệt mỏi. Miệng anh ta há hốc ra và da có màu vỏ trứng. Một lớp râu quai nón phủ kín hàm và cằm anh, đôi tai anh trông rất cứng và dẹt, anh có một cái mũi nhỏ nhưng vẹo vọ”[213].

Nhân vật Hans – Bố của Liesel cũng hiện lên một cách sinh động dưới sự quan sát của các  nhân vật:

Với Thần Chết, Hans là một người may mắn khi thế chiến lần thứ nhất diễn ra, Hans có tham gia chiến đấu nhưng được sống sót trở về “ Trong quá trình làm việc của mình, tôi đã rước một vài người trong số họ đi, nhưng bạn có thể nói rằng thậm chí tôi còn chưa bao giờ đến gần để chạm vào Hans Humbermann. Hoặc ông ấy đáng được may mắn, hoặc ông ấy đáng được sống sót, hoặc là một lý do chính đáng nào đó để ông sống sót”[185]

Lần thứ hai ông thoát chết nhờ một người bạn Do Thái là Erik Vandenburg đề xuất để được ở lại doanh trại viết thư với lý do anh là người chữ đẹp nhất, nhưng thực tế chữ anh không đẹp lắm. “Nói cho nhẹ nhàng nhất thì kỹ năng viết của anh khá lơ tơ mơ. Nhưng ông nghĩ rằng mình đã gặp may. Ông viết những lá thư một cách nắn nót nhất có thể. Trong khi những người lính còn lại ra chiến trường. Không ai  trong số họ quay về cả. Đó là lần đầu tiên mà Hans Humermann thoát khỏi tôi. Cuộc đại chiến”[189]

Qua lời của Walter  một người bạn của Max, đến nhà của Hans để xem xét ông có phải là người của Quốc Xã không, và anh nhận thấy“ Ông ấy là người tốt, ông ấy vẫn còn chơi cây đàn xếp mà mẹ cậu đã kể cho cậu nghe – cây đàn của cha cậu. Ông ấy không phải là một đảng viên, ông ấy đã đưa cho tớ tiền. Vào thời điểm này, Hans Hubermann chỉ tồn tại dưới dạng một bản liệt kê. Ông ấy khá nghèo, ông ấy đã có gia đình và một đứa bé.”[207]

Qua lời Max thì Hans là một thiên tài “ Người đàn ông này là một thiên tài”

Trong lời kể của con trai ông thì ông là một con người lương thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác, cho dù họ được Đức Quốc Xã cho rằng đó là kẻ thù của đất nước Đức.“ Theo Hans Con, bố gã là một phần của một nước Đức già nua, đổ nát – một đất nước cho phép bất cứ ai  đi nhờ xe, trong khi con dân của chính nó lại phải gánh chịu. Lớn lên lão nhận thức được rằng cha mình được gọi là “ der Junden Maler” – Thợ sơn Do Thái – vì đã giám sơn nhà cho những người Do Thái”[113]

Rudy ở phố Thiên Đàng thì nó được coi là một thằng tửng tửng bởi vì “ Một đêm nọ, nó trát đầy than đen lên người và chạy cự li một trăm mét ở sân vận động địa phương.”[ 55] Còn trong cái nhìn của Liesel lại là một cậu bé biết yêu thương, sẵn sàng cho người khác bánh mì khi mình đang đói. “Trong bóng đỗ của những tán cây, Liesel đang quan sát thằng bạn mình. Mọi thứ đã thay đổi nhiều làm sao, từ một kẻ ăn trộm trái cây đến một người đi cho bánh mì. Mái tóc vàng của nó, dù đang sậm màu lại dần, cũng giống như một ngon nến vậy. Con bé nghe thấy bụng thằng bạn ùng ục lên vì đói – vậy mà nó lại đang cho người ta bánh mì” [426]

Sự luân chuyển điểm nhìn trần thuật từ điểm nhìn người trần thuật đến  điểm nhìn nhân vật giúp nhà văn khắc phục hạn chế về tầm nhìn trần thuật, làm phát triển các tuyến phụ của cốt truyện. Nó có vai trò quan trọng trong việc mở rộng thông tin và phạm vi ý nghĩa của tác phẩm cũng như là làm rõ tính cách, ngoại hình, hành động của nhân vật, tạo nên cái nhìn nhiều chiều hấp dẫn. Với lối tự sự này, nó tạo ra âm hưởng khách quan khi đánh giá về người khác, tránh sự áp đặt chủ quan một chiều khi miêu tả nhân vật. Việc phối hợp và di chuyển điểm nhìn sẽ giúp cho nhà văn có điều kiện mở nhiều cánh cửa để khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau. Theo đó nhà văn có đủ điều kiện để đi sâu vào cả tầng vô thức cũng như là miêu tả một cách phức tạp các tâm lý của nhân vật

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Minh Đức ( Chủ Biên) (1999), Lý luận văn học, NXB Giáo dục.
  2. Lê Bá Hán ( Chủ biên)  (2010), Từ điển văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Thuấn (2014) “ Bài giảng tác phẩm và thể loại văn học” ,Trường ĐHSP Huế.
  4. Trần Đình Sử (1998), Những công trình lý luận và phê bình văn học (tập 2), NXB Giao dục.
  5. Trần Đình Sử , Lý luận văn học (tập 2) – Tác phẩm và thể loại văn bản, NXB ĐHSP.
  6. Markus Zusak ( Cao Xuân Việt Khương dịch) (2015), Kẻ trộm sách, NXB Trẻ.