GIỚI TRONG CA DAO QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI CA DAO XỨ HUẾ VÀ CA DAO NAM BỘ
Thực tế cho thấy ca dao của một địa phương vừa chịu ảnh hưởng của nền văn hóa, văn học dân tộc vừa có sự tiếp biến cho phù hợp với từng địa phương. Vì vậy sự phân biệt so sánh chỉ mang tính chất tương đối, đưa ra các đặc trưng riêng cho vùng đất đó. Trong phần so sánh này chúng tôi chọn xứ Huế và Nam Bộ, bởi Huế là vùng đất đóng đô của vua chúa trong nhiều thế kỉ, vì vậy dễ thấy được tư tưởng Nho giáo thấm nhuần trong đời sống của người dân nơi đây. Còn Nam Bộ là vùng đất cuối trong hành trình mở mang bờ cõi về phương Nam của dân tộc Việt, vì vậy ở vùng đất này có sự tự do, phóng khoáng.
Giới là một vấn đề khá rộng, nó bao gồm vị trí, vai trò, hành vi ứng xử trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Cho nên trong phạm vi so sánh này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc khai thác cách ứng xử trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa.
Đầu tiên về mối quan hệ tình yêu đôi lứa, tình yêu là một thứ cảm xúc vốn có của con người, nó bao gồm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như hạnh phúc, nhớ nhung, hờn dỗi, đau khổ, trách móc... Dù ở địa phương nào thì nội dung của ca dao, dân ca về tình yêu đôi lứa cũng có những cung bậc cảm xúc ấy. Vậy điểm khác biệt đó chính trong tình yêu ở mỗi vùng đất là gì? Đó chính là cách thức thổ lộ, bày tỏ nỗi lòng.
Về cách tỏ tình, thổ lộ nỗi lòng của nữ giới trong ca dao xứ Huế, chúng tôi khảo sát được 8 bài trên tổng số 1538 do Triều Nguyên sưu tầm. Nhìn chung trong 8 bài ca dao này, chỉ có 1 bài nói theo kiểu bóng gió “Ong kia khoan hãy chớ bay/ Cho em hỏi thử nhuỵ này ngọt chưa? (Triều Nguyên, 2012, tr449)”, còn đa phần là là cách nói trực tiếp, mang tính chủ động của nữ giới.
Ngó lên trên trời, mây sao rạng bóng
Ngó xuống dưới đất, dội sóng ba đào
Anh cho em mạn lời ướm hỏi, anh có chỗ nào hay chưa? (Triều Nguyên, 2012, tr440)
Em ngồi cửa sổ ngó ra
Thấy anh gánh nước, xót xa trong lòng
Cơ chi phải đạo vợ chồng
Nghiêng vai vô gánh, đỡ lòng anh ra (Triều Nguyên, 2012, tr382).
Cách thổ lộ tình cảm của giới nữ trong ca dao xứ Huế chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng với cách ứng xử của các cô gái Quảng Nam - Đà Nẵng. Các cô gái của hai vùng đất đều mượn những câu hát dân gian để gởi gắm, bộc lộ trực tiếp những tâm tư tình cảm của mình. Tuy nhiên song song với việc chủ động thổ tình cảm, các cô gái xứ Huế lại chịu sự chi phối bởi tư tưởng nữ giới phải gắn với sự thụ động trong tình yêu.
Thương anh không dễ nói ra
Nhớ anh không lẽ đến nhà mà kêu
Đến nhà thì sợ mang điều
Đứng ngoài cửa ngõ mà kêu, phiền lòng (Triều Nguyên, 2012, tr496).
Có thương thì cọc tìm trâu
Trâu đâu tìm cọc, gái đâu tìm chồng (Triều Nguyên, 2012, tr332).
Hai bài ca dao trên đã phản ánh những tri nhận của nữ giới nói riêng và xã hội nói chung về cách ứng xử thụ động trong tình yêu ở nữ giới. Những suy nghĩ “sợ mang điều”, “gái đâu tìm chồng” phản ánh rõ những khuôn mẫu, lề lối của xã hội phong kiến kìm hãm sự tự do thỏa mãn cảm xúc cá nhân của nữ giới trong tình yêu. Với quan niệm “Trâu đâu tìm cọc, gái đâu tìm chồng” chúng tôi không thấy xuất hiện trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng.
Cách tỏ tình của giới nam trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng và ca dao xứ Huế cũng có nhiều điểm tương đồng và dị biệt. Khảo sát 15/ 833 bài ca dao tỏ tình của giới nam trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy một điểm chung của 15 bài này đó cách tỏ tình rất dứt khoát, trực tiếp, nó mang sự tự do, phóng khoáng của con người vùng đất mới.
Hai đứa mình xứng nút vừa khuy,
Lựa ngày nào tốt cưới đi cho rồi... (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr292).
Tuổi vừa mười tám đôi mươi
Không ăn cũng thiệt, không chơi cũng già
Thôi thôi chẳng nghĩ gần xa
Xin em thu xếp việc nhà cho anh (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr349).
Với cách nói “Lựa ngày nào tốt cưới đi cho rồi.”, “Xin em thu xếp việc nhà cho anh.” cho thấy sự tự tin của nam giới khi đề cập đến chuyện yêu đương. Cách tỏ tình thẳng thắn, tự tin này có điểm tương đồng với các chàng trai xứ Huế. Khi khảo sát 1538 bài ca dao xứ Huế, chúng tôi chỉ thu thập được 5 bài ca dao giới nam tỏ tình. So với ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng thì số lượng này tương đối ít, thậm chí ít hơn lời tỏ tình của các cô gái xứ Huế. Trong 5 bài này, có duy nhất một bài nói về lối nói bóng gió của nam giới “Anh thương em không dám vô nhà /Đứng ngoài cửa ngõ hỏi /Có gà bán không?” (Triều Nguyên, 2012, tr168), còn 4 bài nói về cách tỏ tình trực tiếp, chủ động của giới nam.
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Vô đây gá nghĩa vuông tròn với anh (Triều Nguyên, 2012, tr348) .
Ước gì anh cưới được nàng
Xây hồ vòng nguyệt cho nàng chao chân (Triều Nguyên, 2012, tr551).
Các chàng trai Quảng Nam - Đà Nẵng và xứ Huế đều đề cập đến chuyện cưới xin, tuy nhiên trong ngữ điệu thì ở chàng trai xứ Quảng có sự bộc trực, tự tin, còn chàng trai xứ Huế có pha chút lối nói gián tiếp, bóng gió.
Trước những ngăn cấm trong tình yêu, các ứng xử của các chàng trai cô gái Quảng Nam - Đà Nẵng và xứ Huế đều có một thái độ phản kháng. Để bảo vệ hạnh phúc, các cô gái, chàng trai xứ Huế cũng trỗi dậy một ý thức phản kháng, vượt thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Song đây không phải là một cách ứng xử phổ biến.
Núi lâm sơn nuôi nhơn đào tản
Biển tây hồ trợ kẻ lâm nguy
Thương nhau dắt lấy nhau đi
Công ơn thầy nghĩa mẹ lo chi trả đền (Triều Nguyên, 2012, tr19).
Khi khảo sát 1538 bài ca dao xứ Huế, chúng tôi thống kê được hai giới nhắc đến “thầy mẹ” 92 bài, “mẹ cha” 10 bài, “cha mẹ” 15 bài, “phụ mẫu” 3 bài. Qua khảo sát nhóm từ chỉ người sinh thành, chúng tôi nhận thấy nhận thức giới của đấng sinh thành có sự ảnh hưởng, quyết định khá nhiều trong tình yêu của cả hai giới.
Trong những dịp lễ hội, các đôi trai gái thường mượn những câu hát dân gian để gửi gắm nỗi niềm, bộ lộ tình cảm với đối phương. Tuy nhiên tình yêu trong xã hội xưa luôn chịu nhiều rào cản, ngăn cấm của xã hội, để đến được với nhau không chỉ là hát những bài hò khoa mà là cả một quá trình cố gắng để được chấp nhận từ cha mẹ.
Anh thương em thì thầy mẹ định toan
Không phải vô sòng giã gạo hát hò khoan mà thành (Triều Nguyên, 2012, tr309).
Ai bưng cau trầu tới đó, chịu khó bưng về
Em đang theo chân thầy gót mẹ cho trọn bề hiếu trung. (Triều Nguyên, 2012, tr291)
Hai bài ca dao trên thể hiện rõ sự vâng lời, chấp nhận hy sinh tình yêu để giữ trọn chữ hiếu của các cô gái xứ Huế.
Trong 598 bài ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng về tình yêu đôi lứa, chúng tôi thống kê được hai giới nhắc đến “phụ mẫu” 15 bài, “cha mẹ” 17 bài. Nhìn chung số liệu này khá ít so với ca dao xứ Huế. Những bài ca dao có đề cập đến cha mẹ đều thường là nói về sự ngăn cấm của cha mẹ và thái độ phản kháng của hai giới.
Nhưng em trách cho hai bên phụ mẫu
Làm cho đôi đứa không nên thất, nên gia
Xa cách này bởi tại mẹ cha
Làm cho nên nỗi bướm hoa lìa cành (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr286).
Ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng có nhiều điểm tương đồng với ca dao Nam Bộ hơn. Bởi so với xứ Huế - một vùng đất lâu đời, nơi sống của nhiều triều đại vua chúa, thì Quảng Nam - Đà Nẵng lại mang đặc điểm của những vùng đất mới. Trong hành trình tiến về phương Nam mở mang bờ cõi của dân tộc Việt, cư dân đến vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng vào khoảng thế kỉ XV, còn Nam Bộ vào khoảng thế kỷ XVII. Với tư cách là một vùng đất trẻ, cùng với khí hậu, thiên nhiên có nhiều ưu đãi hơn, cuộc sống gắn liền với sông nước, miệt vườn rộng thênh thang làm cho tính cách con người Nam Bộ có phần cởi mở, tự do, phóng khoáng hơn.
Trong 1928 bài ca dao Nam Bộ chúng tôi khảo sát được 13 bài tỏ tình, giãi bày cảm xúc ở giới nam và 5 bài ở giới nữ. Nhìn chung cách tỏ tình trong ca dao tình yêu đôi lứa ở Nam Bộ có sự thoải mái, thẳng thắn, không bị chi phối nhiều bởi lễ giáo phong kiến.
Thấy em đẹp nói, đẹp cười,
Đẹp người, đẹp nết lại tươi răng vàng.
Vậy nên anh gởi thơ sang,
Anh đây quyết lấy được nàng mới thôi (Huỳnh Ngọc Trảng & Phạm Thiếu Hương 2016, tr140).
Với cấu trúc câu khẳng định đã phản ánh được sự thẳng thắn, quyết tâm của chàng trai Nam Bộ trong quá trình chinh phục tình yêu. Với lối nói như vậy góp phần tạo nên một sự tin tưởng trong tình yêu.
Hay đó còn là lối nói trực tiếp, thổ lộ giãi bày ở nữ giới:
Anh kia gánh lúa một mình,
Cho em gánh với hai mình cho vui.
Anh còn gánh nữa hay thôi,
Cho em gánh với làm đôi bạn tình (Huỳnh Ngọc Trảng & Phạm Thiếu Hương 2016, tr139).
Trước sự cản trở của lễ giáo phong kiến, sự ngăn cấm của cha mẹ, các cô gái, chàng trai Nam Bộ thường có phản ứng quyết liệt để bảo vệ hạnh phúc của chính mình như những chàng trai, cô gái trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng
Dao phay kề cổ, máu đổ không màng,
Chết tôi tôi chịu, buông nàng không buông (Huỳnh Ngọc Trảng & Phạm Thiếu Hương 2016, tr198).
Nhìn chung, ca dao xứ Huế, ca dao Nam Bộ và ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng đều có nhiều điểm tương đồng, bởi lẽ ca dao của ba vùng đất này đều mang đậm dấu ấn của dân tộc Việt, họ đều mượn những lời thơ dân gian để thể hiện quyền làm người, khao khát một tình yêu tự do, hạnh phúc. Song vẫn có nhiều điểm khác biệt vì mỗi địa phương sẽ chịu sự chi phối bởi những điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội.
Dưới góc nhìn giới, chúng tôi nhận thấy những bài ca dao trong tình yêu của xứ Huế chịu ảnh hưởng khác nhiều bởi tư tưởng “tòng phụ” - ở khía cạnh nghe theo lời cha mẹ trong việc sắp xếp chuyện tình cảm lứa đôi. Dấu ấn Nho giáo trong ca dao Nam Bộ có sự mờ nhạt hơn, trong tình yêu thể hiện được sự tự do, phóng khoáng hơn. Đặt ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng trong mối tương quan giữa ca dao xứ Huế và ca dao Nam Bộ chúng tôi nhận thấy sự giao thoa văn hóa của hai vùng đất này trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ những hành vi ứng xử của hai giới trong tình yêu, đã phản ánh được quá trình tiếp nhận và tiếp biến các khuôn mẫu giới linh hoạt của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 1. Vùng đồng bằng. NXB Hội nhà văn.
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 2. Truyện cổ dân gian người Việt miền xuôi. NXB Hội nhà văn.
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 3. Miền biển. NXB Hội nhà văn.
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 4.
Triều Nguyên (2012). Tổng tập văn học dân gian xứ Huế (người kinh), Tập 5, Ca dao, NXB Thuận Hóa.
Huỳnh Ngọc Trảng & Phạm Thiếu Hương (2016). Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ, Ca dao dân ca Nam Bộ quyển 1, NXB Tổng hợp TPHCM.