Đọc văn bản sau:
22.11.1971
Không có ai cầu nguyện cho mình cả. Những ngọn đèn nhấp nháy trên sườn đồi là lô cốt địch. Còn những mảng đen ngòm kia là thăng Mỹ - Hãy cho chúng no đòn. Đồng đã đi qua mùa gặt. Hương lúa chia đều khắp các nhà và trăng lên sớm cho sân kho nhộn nhịp. Rơm còn phơi đầy trên ruộng, rơm gác lên đống rạ, mềm đi vì sương sớm… Dạo mới đến đây, rừng thả hạt dẻ lăn lách tách trên đồi. Còn bây giờ, lại mùa hoa dẻ. Hoa dẻ rừng trắng pha vàng như hoa nhãn, như hoa hồng bì… Cả rừng như mở ra cho vô vàn mùi hương lạ lùng thì thào cùng anh bộ đội.
Đàn dê đi lẫn trong vạt cây thấp, cây mua lá xanh mềm như nhung, cây khế rừng lá tím… Tiếng chuông thơ ngây trên cổ lũ dê rung lên bỡ ngỡ, tưởng chừng như giọt nhựa ứ ra và cuộn thành giọt, rơi từ tốn. Đó là những ống đếm thời gian của rừng già…
Đêm rủ bức màn lốm đốm sáng, đồi chìm vào chân mây, đất và trời bị xóa nhòa ranh giới… Còn anh bộ đội thì hồi hộp chờ đợi. Lần bắn thứ hai trong đời lính.
Anh hãy nghĩ: Kia đúng là thằng Mỹ, là kẻ thù và ghìm súng vào ngực nó. Đừng lo bắn vào quả tim người, chúng nó chẳng có tim đâu!
Anh hãy nghĩ: Cuộc sống yên lành và ngân nga như lời thơ kia bị cào xé bởi ánh lửa ghê tởm trước mắt anh.
Hãy đứng trong chiến hào của đời mà bắn!
Sương dày nên đạn chưa căng. Tiếng nổ không chát chúa mà âm âm. Đèn vỡ tung, đạn xuyên qua phao dầu, đạn phá rách toang bia. Phải như thế, mới hả căm thù!
Thủ trưởng bảo: Ta bắn giỏi không phải như anh chàng trong “Hoa diếp dại”. Đạo đức cách mạng của người Việt Nam khác thế.
Tự hào lắm, khi được lang thang trên mảnh đất Mẹ hiền này và bảo vệ nó. Còn ai hạnh phúc hơn ta nữa. Trang sách của cuộc đời chưa mở cho ta, nhưng mới ghé mắt nhìn, ta đã ngây ngất cả người…
Tiếc thay, đã mấy ai nhận thấy!
(In trong Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc, tái bản lần thứ 11, NXB Thanh niên, 2021)
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1: Xác định thể loại của văn bản?
Câu 2: Liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả bức tranh thiên nhiên. Em có nhận xét gì về bức tranh thiên nhiên đó.
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói của tác giả “Hãy đứng trong chiến hào của đời mà bắn!”
Câu 4: Theo anh/ chị, văn bản trên có sử dụng yếu tố hư cấu không? Vì sao?
Câu 5: Anh/ chị có nhận xét gì về cái “tôi” của tác giả được thể hiện trong văn bản.
Câu 6: Qua văn bản, em có suy nghĩ gì về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.
Câu 7: Anh/ chị rút ra được thông điệp gì sau khi đọc văn bản trên.