Banner cho bài viết:ĐỌC HIỂU BÀI THƠ TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA - NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Ôn tập Ngữ Văn 10

ĐỌC HIỂU BÀI THƠ TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA - NGUYỄN VIỆT CHIẾN

ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu :

Các anh đứng như tượng đài quyết tử

Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt

Đang bồn chồn thao thức với  Trường Sa. 

 

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma

Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn

Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm.

 

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn

Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương

Họ đã lấy thân mình làm cột mốc

Chặn quân thù trên biển đảo quê hương.

(Trích Tổ quốc ở Trường Sa – Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của cách ngắt nhịp, gieo vần trong  đoạn thơ trên.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ “Các anh đứng như tượng đài quyết tử”.

Câu 4. Nêu và nhận xét hai phẩm chất nổi bật của người chiến sĩ được thể hiện trong khổ thơ:

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma

Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn

Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm.

Câu 5: Xác định chủ đề của đoạn thơ. Chủ đề đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật nào?

Câu 6: Nêu cảm hứng chủ đạo. Căn cứ vào đâu để em xác định như vậy?

Câu 7.Từ nội dung đoạn thơ, anh/chị hãy trình bày những việc mà tuổi trẻ ngày nay cần làm để góp phần xây dựng đất nước.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN THAM KHẢO

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?

- Thể thơ tám chữ
Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của cách ngắt nhịp, gieo vần trong  đoạn thơ trên.

- Cách gieo vần: Gieo vần chân: ra - sa, ma - ra, cương - hương

- Cách ngắt nhịp: chủ yếu nhịp 3/5

Tác dụng: Tạo nên sự kết nối, cộng hưởng âm thanh giữa các dòng thơ, giúp bài thơ có nhạc điệu, dễ nhớ, dễ thuộc.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ “Các anh đứng như tượng đài quyết tử”.

Biện pháp tu từ so sánh: các anh đứng với tượng đài quyết tử

Tác dụng: Tác giả ví von dáng đứng của các chiến sĩ như tượng đài quyết tử để thể hiện sự kiên định, dũng cảm, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ. Đồng thời tăng sức gợi hình, gợi cảm, tạo sự liên tưởng cho người đọc.
Câu 4. Nêu và nhận xét hai phẩm chất nổi bật của người chiến sĩ được thể hiện trong khổ thơ:
Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm.

- Phẩm chất: yêu nước và dũng cảm.

- Nhận xét: Hai phẩm chất yêu nước và dũng cảm được thể hiện rõ qua khổ thơ trên. Họ sẵn sàng hi sinh tấm thân, xương máu của chính mình để cho Tổ quốc được tái sinh. Họ sẵn lòng đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Chính lẽ đó mà cái chết của họ trở nên bất tử, luôn vang vọng mãi với thời gian.
Câu 5: Xác định chủ đề của đoạn thơ. Chủ đề đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật nào?

- Chủ đề: Vẻ đẹp kiên cường, dũng cảm, sẵn lòng vì Tổ quốc của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

- Thể hiện qua các hình thức nghệ thuật

+ Biện pháp tu từ như so sánh, điệp cấu trúc

+ Hình ảnh thơ: tượng đài bất tử, cờ Tổ quốc, máu, thân mình...

+ Từ láy: bồn chồn, thao thức
Câu 6: Nêu cảm hứng chủ đạo. Căn cứ vào đâu để em xác định như vậy?

- Cảm hứng chủ đạo: Tự hào, biết ơn trước sự hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc của các chiến sĩ.

- Căn cứ vào các hình thức nghệ thuật:;

+ Biện pháp tu từ như so sánh, điệp cấu trúc

+ Hình ảnh thơ: tượng đài bất tử, cờ Tổ quốc, máu, thân mình...

+ Từ láy: bồn chồn, thao thức

+ Giọng điệu da diết, mến thương
Câu 7.Từ nội dung đoạn thơ, anh/chị hãy trình bày những việc mà tuổi trẻ ngày nay cần làm để góp phần xây dựng đất nước.

- Truyền thông các hình ảnh, video để khẳng định Trường Sa là của Việt NAM.

- Biết ơn những người chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc. Phê phán, lên án những bài viết, hành động không đúng về đất nước.

- Học tập, rèn luyện, nâng cao tinh thần yêu nước.

- ....