I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới.
ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.
Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề.
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang,
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.
Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng.
Tới đường làng gặp những người quen.
Ai cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.
1942
(Nguồn: Đoàn Văn Cừ toàn tập, NXB Hội nhà văn, 2013)
Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ trên.
Câu 2: Xác định chủ thể trữ tình của bài thơ. Phân tích diễn biến tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của cách ngắt nhịp, gieo vần trong bài thơ trên.
Câu 4: Liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảnh thiên nhiên có trong bài thơ và cho biết tác dụng của nó.
Câu 5: Theo văn bản, người mẹ được nhà thơ miêu tả như thế nào? Em có cảm nhận gì về hình ảnh người mẹ trong bài thơ?
Câu 6: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Câu 7: Nêu cảm hứng chủ đạo. Căn cứ vào đâu để em xác định như vậy?
Câu 8: Thông điệp nào được rút ra từ văn bản? Hãy viết một đoạn văn có độ dài từ 3 đến 5 dòng để thể hiện thông điệp đó.
II. PHẦN LÀM VĂN
Từ phần đọc hiểu văn bản, em hãy phân tích, đánh giá về nội dung và những hình thức nghệ thuật đặc sắc của bài thơ thơ “Đường về quê mẹ” của tác giả Đoàn Văn Cừ.