I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc văn bản sau:
KHI NGƯỜI TA TRẺ
Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...
1. Cô tự tử bằng thuốc ngủ. Không ai cứu được vì cô là sinh viên y và lại hay đọc tiểu thuyết, nên cô dùng thuốc với liều chết thật chắc chắn, ở một nơi không ai có thể can thiệp được. Còn lại mình bà sống trong căn nhà rộng, hằng ngày đốt nhang cho hai bàn thờ của ông và của cô.
[..]
2. Cô là một người đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận; ăn nói ác độc, kiêu căng mà rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều. Cô nhiều bạn nhưng chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê; là một người không bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn, trong ngăn kéo còn lại vô số những bản tự cam kết. Sẽ không... Nếu không... Trong tủ đầy những mảnh vải thêu cắt dở dang, những cuốn tiểu thuyết gập góc ở những trang gần cuối. Thích đấy rồi chán đấy, cô làm khối kẻ điên tiết...
3. Rồi cô cũng dừng chân lại. Người cô yêu (hơn là người yêu cô) cả tính tình lẫn dáng vẻ đều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi tôi, nghĩa là thua cô hai tuổi. Sau lưng, cô cũng gọi nó là thằng - thằng Vỹ. Hẹn, nó không đến, cô chửi: "Đồ khốn nạn!". Nó đến, cô lại ngỏn ngoẻn đi chơi, không hề dám giận. Mười một giờ đêm cô về, có bữa vui vẻ kể đủ chuyện, có bữa lặng lẽ lên giường ngủ thẳng. Bố tôi bảo: "Coi chừng!". Bà tôi chỉ cười. "Nói thì nó làm ngược lại. Thôi kệ!".
4. Kệ! Cô tôi vẫn đi đi về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu" này đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hằng ngày, từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh, mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ cô tôi ở lại trơ vơ tráo váo. Dăm bữa sau anh chàng lê lại với tiền đầy túi không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật model. Cô hỏi "Về làm gì?" "Hết tiền!". "Có gặp Ngân không? Vui không?". "Không, chán rồi! Nó cà chớn lắm!". Cô tôi tự lừa mình mà vui được ít ngày, để rồi sau đó tự an ủi: "Nó còn nói thật là còn yêu!". Khi Vỹ nhịn không được, liền kể cho cô nghe về một căn nhà ở dưới đó, trong một đường hẻm có bán cơm tấm thật ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dóc. "Mệt lắm, chẳng muốn tí nào!". Cái câu than thở này thật chẳng thích hợp tí nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ.
[...]
6. Bạn bè cô xa dần. Những anh học trò nghèo hiền lành. Những anh văn nghệ sĩ nửa mùa đang say sưa với cái nghèo tài tử chợt giật mình khi thấy cô đánh đổi tất cả để đến với Vỹ. Họ phân tích bằng cách này hay cách khác, xa hay gần, cho cô thấy rằng Vỹ chỉ là "thằng Vỹ" mà thôi. Một thằng Vỹ ít nói vì không biết gì để nói, một thằng nhà giàu ích kỷ, chơi bời và tàn bạo. Mặc kệ, cô gọi những cái ấy là đàn ông, là amateur. Cứ như vậy, giảng đường trở nên xa lạ với cô và Vỹ. Cúp học liên miên. Thi lại cũng liên miên. Trong ngăn tủ lại thêm rất nhiều những mẩu giấy kể từ mai phải học, phải... nếu không...
[...]
9.... Hai năm rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết ra điều này hẳn cô đã chẳng tự tử làm gì cho mất công! Bố tôi kết luận: "Con điên! Điên như nó không chết trước cũng chết sau!". Mẹ tôi bảo: "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!". Có hay không, chẳng ai biết được. Nhật ký cô để lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi chơi cũng u ám, đi học cũng u ám. Cái gì cũng có vẻ như không lối thoát. Đến nỗi đọc xong, tôi có cảm giác: "Chết đi là vừa!". Với cái đầu tò mò mà ấm ớ, tôi thử làm một bản tổng kết và qui ra rằng cô đã đổi tất cả đề rồi Vỹ ta cao chạy xa bay; rằng cô đã không chịu nổi cảm giác ở lại thêm một năm học để bị bạn cười thương hại. Mẹ tôi lại bảo: "Vớ vẩn, có đáng gì đâu". Có đáng gì đâu?
Đáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vườn mưa như giông. Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ! Khi chết, hẳn cô đã tưởng tượng ra mọi người khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài như muốn xuống mồ theo... Than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển. Vui lắm và nắng lắm!
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1: Xác định ngôi kể và điểm nhìn của văn bản? Việc sử dụng ngôi kể, điểm nhìn như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện ngắn ?
Câu 2: Tính cách của nhân vật Xuyên được thể hiện như thế nào trong văn bản?
Câu 3: Chỉ ra một đoạn văn có sự đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật. Nêu tác dụng của cách kết hợp đó?
Câu 4: Nhan đề “Khi người ta trẻ” có quan hệ như thế nào đối với nội dung câu chuyện.
Câu 5: Chỉ ra điểm khác biệt về góc nhìn của nhân vật “Tôi” và các thành viên trong gia đình trước cái chết của nhân vật Xuyên? Em đồng tình với góc nhìn của ai? Vì sao?
II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của em về cách xây dựng nhân vật “Tôi” trong truyện ngắn ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4 điểm): Từ góc nhìn của người trẻ, anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về lối sống thực dụng của giới trẻ hiện nay.
GỢI Ý ĐÁP ÁN - ĐÁP ÁN CHỈ MANG TÍNH THAM KHẢO
Câu 1: Xác định ngôi kể và điểm nhìn của truyện? Việc sử dụng ngôi kể, điểm nhìn như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện ngắn ?
- Ngôi kể thứ nhất
- Điểm nhìn ngôi thứ nhất
Tác dụng : Đóng vai là người mang “tiêu điểm hóa” - người mang suy nghĩ, quan sát, đánh giá; lại vừa là người kể lại những suy nghĩ, quan sát - nhân vật “tôi” đã mang đến cho người đọc một cái nhìn chân thật, đa chiều về suy nghĩ, cảm xúc, hành động của các nhân vật xoay quanh câu chuyện tình yêu của nhân vật Xuyến.
- Chính vì thế việc sử dụng ngôi kể, điểm nhìn như vậy góp phần làm rõ chủ đề của truyện ngắn “Sự lựa chọn, dấn thân của tuổi trẻ vào tình yêu”
Câu 2: Tính cách của nhân vật Xuyên được thể hiện như thế nào trong văn bản?
- Cô là một người đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận; ăn nói ác độc, kiêu căng mà rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều. Cô nhiều bạn nhưng chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê; là một người không bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn.
Câu 3: Chỉ ra một đoạn văn có sự đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật. Nêu tác dụng của cách kết hợp đó?
- Đoạn văn có sự đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật.
Hai năm rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết ra điều này hẳn cô đã chẳng tự tử làm gì cho mất công! Bố tôi kết luận: "Con điên! Điên như nó không chết trước cũng chết sau!". Mẹ tôi bảo: "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!". Có hay không, chẳng ai biết được. Nhật ký cô để lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi chơi cũng u ám, đi học cũng u ám. Cái gì cũng có vẻ như không lối thoát. Đến nỗi đọc xong, tôi có cảm giác: "Chết đi là vừa!".
- Tác dụng: Người kể chuyện có vai trò dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện, dẫn dắt tiến trình của câu chuyện một cách khách quan. Lời của nhân vật “Con điên! Điên như nó không chết trước cũng chết sau!", "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!", "Chết đi là vừa!" giúp người đọc có một góc nhìn đa chiều về phản ứng của các thành viên trong gia đình trước cái chết của nhân vật Xuyến. Từ đó hiểu hơn về tình cách của nhân vật, cũng như chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Câu 4: Nhan đề “Khi người ta trẻ” có quan hệ như thế nào đối với nội dung câu chuyện.
- Nhan đề “Khi người ta trẻ” có mối quan hệ mật thiết với nội dung câu chuyện. Bởi nội dung xuyên suốt tác phẩm là góc nhìn của nhân vật tôi (một người trẻ) về câu chuyện tình yêu của người trẻ qua chuyện tình của Xuyến và Vĩ. Qua đó bày tỏ quan điểm, góc nhìn về tình yêu của lớp trẻ trong xã hội hiện nay: Tình yêu nhiều khi là một cuộc chơi, một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm.
Câu 5: Chỉ ra điểm khác biệt về góc nhìn của nhân vật “Tôi” và các thành viên trong gia đình trước cái chết của nhân vật Xuyên? Em đồng tình với góc nhìn của ai? Vì sao?
- Góc nhìn của nhân vật tôi: Ban đầu nhân vật tôi có cảm giác: "Chết đi là vừa!”đáng lắm chứ. Sau đó có sự đồng cảm, thấu hiểu, bởi cô hiểu ở cái tuổi trẻ này người ta có thể điên, ngông cuồng, thích cả trả thù và cần được an ủi của bạn bè và người thân.
- Góc nhìn của các thành viên trong gia đình: Họ đều cho rằng đó là một hành động điên rồ, chạy trốn: Bố tôi kết luận: "Con điên! Điên như nó không chết trước cũng chết sau!". Mẹ tôi bảo: "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!".
- Bản thân tôi đồng tình với góc nhìn của nhân vật “tôi”, bởi tuổi trẻ với những suy nghĩ còn bồng bột, đôi khi ta đặt hết niềm tin, sự sống vào một người mà ta cho là tất cả. Ở cái độ tuổi mà ta cần sự quan tâm, định hướng của gia đình, sự sẻ chia từ bạn bè từ tận đáy lòng chứ không phải sự quan tâm hời hợt. Suy cho cùng cái chết của Xuyến một phần do chính cô mù quáng trong tình yêu, một phần cũng do chính sự “tồi” của Vỹ và thiếu sự quan tâm của gia đình.
II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của em về cách xây dựng nhân vật “Tôi” trong truyện ngắn ở phần Đọc hiểu.
- Nhân vật tôi - Chân dung của một lớp trẻ biết hiểu chuyện (phân tích rõ). => góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm.
- Nhân vật tôi đóng vai là người mang “tiêu điểm hóa” - người mang suy nghĩ, quan sát, đánh giá; lại vừa là người kể lại những suy nghĩ, quan sát. Mượn cách xây dựng như vậy, nhà văn có thể khắc họa rõ nét thế giới nội tâm, tính cách của nhân vật tôi cũng như cách nhân vật trong câu chuyện. (Xây dựng nhân vật bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật)
- Qua nhân vật tôi, người đọc có thể tự soi minh, tự đánh giá, chiêm nghiệm lại quan niệm của mình về tình yêu, cũng hiểu được như thế nào là sự chờ đợi vô nghĩa, tình yêu vô nghĩa, những ngày đi học, đi làm vô nghĩa, những cái chết vô nghĩa, sự trả thù vô nghĩa. Để từ đó có những cách ứng xử cho phù hợp. (Bài học rút ra từ văn bản)
Tài liệu miễn phí - khi sao chép vui lòng dẫn nguồn: https://hocvancungricky.com