ĐẶC ĐIỂM CA DAO, DÂN CA QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG
1.Khái niệm ca dao
Ca dao, một thể loại đặc trưng, chiếm số lượng lớn trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Giữa ca dao, tục ngữ, dân ca có một mối quan hệ mật thiết, cho nên việc đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh về ca dao tương đối khó.
Phạm Thu Yến trong công trình Những thế giới nghệ thuật ca dao, đã cung cấp một cách hiểu về ca dao như sau:“Ca dao lấy từ thuật ngữ Hán Việt. Nếu định nghĩa theo chiết tự thì “ca” là bài hát có chương khúc hoặc có âm nhạc kèm theo, còn “dao” là bài hát suông không cần nhạc đệm.” (Phạm Thu Yến, 2013, tr9). Cũng theo nhà nghiên cứu, ca dao gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của nhân dân, phản ánh trực tiếp tâm hồn, tình cảm của nhân dân lao động “Ca dao là thơ ca dân gian tồn tại ở dạng lời thơ hoặc điệu hát, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của nhân dân. Với bản chất trữ tình, ca dao có chức năng diễn đạt một cách trực tiếp tâm hồn, tình cảm của nhân dân lao động.”(Phạm Thu Yến, 2013, tr11).
Trong cuốn Văn học dân gian Việt Nam, Đinh Gia Khánh chủ biên, cách định nghĩa ca dao dựa trên mối quan mật với thể loại dân ca “Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán Việt. Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời của các bài hát dân ca đã bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy…hoặc ngược lại là những câu thơ có thể “bẻ” thành những làn điệu dân ca”.(Đinh Gia Khánh (chủ biên), 2001, tr436)
Theo tài liệu Sách giáo khoa Ngữ văn 10, Tập 1, khái niệm ca dao được định nghĩa tương đối đơn giản, phù hợp với nhận thức của học sinh “Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006, tr18).
Từ cách định nghĩa ca dao của các nhà nghiên cứu, chúng tôi đi đến kết luận về cách hiểu ca dao như sau: Ca dao là một thể loại văn học dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng. Với bản chất trữ tình, ca dao có chức năng phản ánh đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trên nhiều phương diện như tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước...
Khái niệm dân ca
Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử & Nguyễn Khắc Phi (2010) trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học dân ca là thơ ca dân gian gắn liền môi trường diễn xướng “Một loại hình sáng tác dân gian mang tính chất tổng hợp, bao gồm lời nhạc, động tác, điệu bộ kết hợp với nhau trong diễn xướng.” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử & Nguyễn Khắc Phi, 2010, tr91).
Trong cuốn Văn học dân gian Việt Nam do Đinh Gia Khánh chủ biên “Dân ca là những bài hát và câu hát dân gian trong đó có cả phần lời và phần giai điệu đều có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng hình tượng hoàn chỉnh của tác phẩm. Mối quan hệ hữu cơ giữa lời ca và giai điệu là một trong những đặc điểm tạo nên tính chất phong phú về thể loại của dân ca...” (Đinh Gia Khánh (chủ biên), 2001, tr411)
Theo chúng tôi, dân ca là những câu hát dân gian có sự kết hợp giữa lời thơ và nhạc khi diễn xướng. Nội dung phản ánh của dân ca cũng giống như ca dao, đều dựa vào phương thức trữ tình để giãi bày tư tưởng, tâm tư, tình cảm của con người.
Phân biệt giữa ca dao và dân ca
Việc nhận diện, phân biệt giữa ca dao và dân ca tương đối khó khăn, bởi giữa chúng không có một ranh giới rõ ràng.
Phạm Thu Yến trong công trình Những thế giới nghệ thuật ca dao cho rằng “ca dao được quan niệm rộng hẹp khác nhau nhưng không mâu thuẫn về bản chất. Có ba cách hiểu:
“- Ca dao, dân ca là hai thuật ngữ tương đương để chỉ một đối tượng là những câu hát dân gian có sự kết hợp giữa lời thơ và nhạc, gắn với diễn xướng, thể hiện tính nguyên hợp sâu sắc của văn học dân gian;
- Ca dao thường được hiểu là lời thơ của dân ca, khi tách lời ca ra khỏi điệu hát, khi phân biệt ca dao và dân ca về mặt diễn xướng. Nói cách khác: Một bài ca dao không cần tiếng đệm, luyến láy nhạc điệu thì là ca dao, còn một bài ca dao được dùng để hát, có thêm tiếng nhạc đệm, đưa hơi thì nó sẽ thành dân ca;
- Ca dao - dân ca được sử dụng như một thuật ngữ kép.” (Phạm Thu Yến, 2013, tr10).
Trong cuốn Thi pháp ca dao, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Kính đã đưa ra quan niệm rất đầy đủ về sự khác nhau giữa ca dao và dân ca: “Dân ca bao gồm phần lời (câu hoặc bài), phần giai điệu (giọng hoặc làn điệu), phương thức diễn xướng và cả môi trường, khung cảnh ca hát. Ca dao được hình thành từ dân ca. Khi nói đến ca dao, người ta thường nghĩ đến lời ca. Khi nói đến dân ca, người ta nghĩ đến cả làn điệu và những thể thức hát nhất định.”(Nguyễn Xuân Kính, 2004, tr78-79).
Trong cuốn Văn học dân gian Việt Nam , Đinh Gia Khánh cho rằng “Sự phân biệt giữa ca dao và dân ca chỉ là ở chỗ khi nói đến ca dao, người ta thường nghĩ đến những lời thơ dân gian, còn khi nói đến dân ca người ta nghĩ đến cả những làn điệu, những thể thức hát nhất định nữa.” (Đinh Gia Khánh (chủ biên), 2001, tr437).
Từ quan điểm của các nhà nghiên cứu, chúng tôi xác lập được một số điểm khu biệt giữa ca dao và dân ca như sau:
Đường biên ranh giới giữa ca dao và dân ca không có sự phân định rõ ràng. Hiện nay vẫn có nhiều cách viết khác nhau khi đề cập đến hai thể loại này, có nhiều nhà nghiên cứu viết liền “ca dao dân ca”, hoặc viết ngăn cách bởi dấu gạch ngang, dấu phẩy “ca dao - dân ca”, “ca dao, dân ca”.
Dựa vào cách thức diễn xướng, ca dao là phần lời thơ của dân ca, không cần tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi, nhạc điệu. Còn dân ca thì bao gồm cả phần lời thơ, giai điệu, dùng để hát. Ca dao được hình thành từ dân ca, nhiều bài dân ca bỏ đi phần giai điệu sẽ trở thành ca dao, nhiều bài ca dao được thêm vào những tiếng đưa hơi, tiếng láy, điệp khúc sẽ trở thành dân ca, như bài hát trống quân, hát ru em, hát giao duyên... Xét trên phương diện này thì ca dao và dân ca có mối quan hệ mật thiết, thực tế cho thấy có rất nhiều bài khó có thể phân định một cách rõ ràng là ca dao hay dân ca.
2.Đặc điểm ca dao, dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng
Ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng có từ bao giờ? Theo cách lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn thì ca dao, dân ca gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất này “Ca dao ở Quảng Nam - Đà Nẵng, cũng như lịch sử hình thành của vùng đất này, có lẽ chỉ mới xuất hiện từ sau thế kỉ XV. So với tuổi của ca dao Việt Nam, vốn có từ sau thời đại Hùng Vương, thì ca dao vùng đất này quả là còn rất trẻ.”(Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr38).
Đặc điểm ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng là một vấn đề khá rộng, trong phạm vi đề mục này chúng tôi chỉ chọn một vài khía cạnh đặc trưng, tiêu biểu cho ca dao, dân ca của vùng đất này.
2.1. Đặc điểm nội dung của ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng
Về nội dung của ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng tương đối phong phú đa dạng, vừa mang đặc điểm chung của ca dao, dân ca Việt vừa mang những sắc màu đặc trưng cho vùng đất. Từ tình cảm cá nhân riêng tư cho đến những vấn đề liên quan đến cộng đồng đều được phản ánh rõ trong những lời thơ dân gian. Qua mỗi bài ca dao, dân ca, vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng được hiện lên một cách chân thực, vừa mang đậm tính trữ tình, vừa gắn liền với những chiến công hào hùng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm.
Quảng Nam là đất quê mình.
Núi đồng, sông biển rành rành từ lâu
Thương yêu đùm bọc trước sau
Cùng trong Đại Việt chung nhau cơ đồ
Tây Sơn Giáp Ngọ dựng cờ
Nhân dân đoàn kết cõi bờ đắp xây (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr134).
Mảng đề tài quê hương - đất nước chiếm một số lượng phong phú trong ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng đã thể hiện rõ một tình yêu nồng nàn, tha thiết và niềm tự hào của con người nơi đây về quê hương xứ sở.
Trong ca dao, dân ca bức tranh cuộc sống lao động của con người nơi đây hiện lên với một vẻ đẹp hăng say lao động. Dù không nhận được nhiều ưu đãi của thiên nhiên, nhưng đổi lại ở họ lại được ban tặng cho sự kiên trì, chịu thương chịu khó.
Ai ơi chớ phụ nghề nông
Đồng cao ruộng thấp ra công cấy cày
Chân bùn tay lấm càng hay
Có khi vất vả, có ngày phong lưu (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr154).
Hai công việc làm nông, đi biển xuất hiện khá nhiều trong ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng, đây được xem là những công việc chính, tạo nên thu nhập cho người dân lao động. Đối với nghề đi biển, những ngư dân phải đối mặt với biển sâu, sóng lớn; cảnh người chồng lênh đênh trên biển, người vợ ở nhà lo lắng, ngóng trông đã góp phần tô vẽ nên một cuộc sống lao động cực nhọc, hiểm nguy của những người ngư dân.
Trông ra ngoài biển mù mù,
Biết anh câu đục, câu đù mà thương (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr249).
Qua ca dao, dân ca người dân lao động còn gửi gắm những bài học triết lý nhân sinh về việc đời, việc người.
Trách người một phải trách ta mười,
Bởi ta tệ trước nên người bạc sau (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr266).
Đặc biệt mang ca dao, dân ca về tình yêu đôi lứa. Đây được xem là một nguồn cảm hứng lớn, chiếm một số lượng khá phong phú trong ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng. Với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, từ những khoảnh khắc thẹn thùng lúc mới yêu, nỗi nhớ nhung da diết suốt đêm ngày, cho đến những lời trách móc bị bội ước, lỡ duyên. Mang đặc trưng của một vùng đất mới khai phá cho nên con người nơi đây cũng mang trong mình sự phóng khoáng, gan dạ, tự tin. Chính vì điều này khiến cho lời tỏ tình của chàng trai Quảng Nam - Đà Nẵng thật mạnh mẽ, ngang tàng.
Trai: Sông sâu sóng bủa vắng đò,
Thương em vì bởi câu hò có duyên.
Chưa chồng ở vậy cho nguyên,
Đặng anh dọn chiếc thuyền quyên rước về (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr140).
Sau buổi đầu gặp gỡ là những trạng thái cảm xúc nhớ nhung, chờ đợi.
Sông sâu cá lội lao xao,
Nhớ em anh đứng bờ ao đỡ buồn. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr300).
Cũng giống như những địa phương khác, tình yêu, hôn nhân luôn chịu sự ràng buộc, ngăn cấm bởi cha mẹ, những định kiến xã hội. Mặt khác, theo luân lý của xã hội nam quyền, người con trai luôn là người được hưởng nhiều ưu thế trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa. Điều này dẫn đến nhiều bi kịch trong tình yêu, và nữ giới luôn là người chịu nhiều thua thiệt. Những lời trách móc, than thân trách phận của nữ giới càng khắc hoạ rõ thân phận rẻ rúng của người phụ nữ xưa.
Phận em như cá vô lờ
Mắc cái hom chật hẹp, biết bao giờ mới lộn ra? (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr208)
Nhìn chung, về nội dung ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng khá đa dạng, mỗi bài ca dao, dân ca đều phản ánh tính cách, vẻ đẹp tâm hồn của con người nơi đây.
2.2.Đặc điểm nghệ thuật của ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng
Về thể thơ
Lục bát là thể thơ được sử dụng phổ biến nhất trong ca dao, dân ca Việt Nam. Cấu trúc của thể thơ gợi lên sự trau chuốt, gọt dũa của nhân dân lao động. Một câu sáu tiếng, một câu tám tiếng cũng đã tạo nên một bài ca dao hoàn chỉnh. Tuy nhiên để giãi bày hết tâm tư thì những bài ca dao thường có hai cặp lục bát trở lên. Qua cách hiệp vần độc đáo: chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ sáu của câu tám, chữ cuối câu tám lại vần với chữ cuối câu sáu tiếp; luật bằng trắc: câu sáu: B B T T B B, câu tám: B B T T B B T B (những từ được in đậm mang tính bắt buộc); nhịp điệu của thể thơ lục bát thường là nhịp đôi, câu sáu: 2/2/2, câu tám: 2/2/2/2, đã chứng minh được sự sáng tạo và cách sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn, linh hoạt của nhân dân lao động.
Cây đa rụng lá sân đình,
Em đi nhặt lá thương mình lỡ duyên (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr295).
Với lối gieo vần, nhịp điệu uyển chuyển của câu thơ tạo nên sự nhịp nhàng, dễ nhớ, dễ lưu truyền trong đời sống của nhân dân.
Song khi khảo sát ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng chúng tôi nhận thấy một điểm đặc biệt là thể thơ lục bát truyền thống đã được thay thế bằng thể lục bát biến thể chiếm một số lượng khá lớn. Về hình thức số tiếng, ở câu sáu và câu tám đều có sự tăng hoặc giảm số tiếng. Về luật bằng trắc, nhịp thơ cũng không được tuân thủ.
Nước chảy cho đò trôi nghiêng,
Anh vui chung thiên hạ, em sầu riêng một mình. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr298)
Về số tiếng, ở câu tám tiếng được gia tăng thêm hai tiếng. Luật bằng trắc bị phá vỡ trong câu sáu “chảy”, đối với câu tám vì sống tiếng là 10 nên cũng dẫn đến luật bằng trắc thay đổi, đồng thời cũng kéo theo nhịp thơ không tuân thủ nhịp đôi 2/2/2/2.
Đối với thể thơ song thất lục bát cũng vậy, người dân Quảng Nam - Đà Nẵng cũng không tuân thủ cấu tứ của thể thơ truyền thống này. Điều này thể hiện rõ trong 14 dị bản của một bài ca tiêu biểu cho vùng đất này “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say...”. Trong 14 dị bản, chỉ có 5 dị bản là tuân thủ đúng thể song thất lục bát, còn 9 dị bản còn lại không tuân thủ, đa phần cặp câu lục bát số tiếng bị biến đổi, câu sáu tiếng trở thành câu bảy tiếng; câu tám tiếng trở thành câu chín, mười, mười một, mười hai, mười bốn.
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm,
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say.
Anh tới đây cất nón vòng tay,
Em hỏi ba quân thiên hạ có ai công trượng nghĩa dày như anh (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr247).
Về ngôn ngữ
Ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng mà một bộ phận trong tổng thể ca dao, dân ca Việt, cho nên có sự kế thừa ngôn ngữ của dân tộc. Mặt khác để tạo nên dấu ấn riêng của vùng đất mới được khai phá, ngôn ngữ cũng mang nhiều điểm riêng biệt. Ngôn từ trong ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng thường giản dị, mộc mạc, ít từ hoa mỹ, bóng bẩy mà hướng đến sự tự nhiên, gần gũi, không câu nệ hình thức.
Trong phần ngôn ngữ, chúng tôi tập trung làm nổi bật lớp từ địa phương (phương ngữ) để thấy được điểm khu biệt về ngôn ngữ so với những vùng miền khác. Nếu không có dịp được khảo sát ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi không thể biết được ở đây có nhiều từ ngữ mới lạ, độc đáo đến như thế. Đơn cử bài ca dao tiêu biểu cho vùng đất này:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
Bạn về đừng ngủ gác tay,
Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr248)
Mới đọc bài ca dao chúng tôi thực sự thắc mắc từ “đà”, và đặt câu hỏi: Liệu người sưu tầm, biên soạn có viết sai chính tả? Nhưng khi xem cách giải thích của Nguyễn Văn Bổn, người sưu tầm bài ca dao này, chúng tôi mới hiểu hết dụng ý của người dân nơi đây “Thực ra, trong dân gian vẫn hát là “đà”, vì tiếng “đà” đắt hơn tiếng “đã” nhiều, nó vừa diễn được cái ý nghĩa “đã”, lại vừa bao hàm được cái ý sự việc tuy “đã” có, mà có thể còn “đang” có và “sẽ” có”.” (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr 83). Cái “thấm”, cái “say” nó không hẳn chỉ để nói một điều đã xảy ra, mà trong hiện tại và tương lai vẫn được tiếp diễn. “Thấm” và “say” đâu chỉ vì những cơn mưa, men rượu mà còn ở cái tình người chân chất của con nơi đây. Bên cạnh đó, từ “đà” còn làm cho bài ca dao trở nên nhịp nhàng, nhẹ nhàng, trữ tình hơn.
Một cách gọi cũng độc đáo không kém đó là từ “ba”:
Bạn về giữ trọn niềm ba
Đừng cho ong bướm vô ra nhộn nhàng. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr195)
Từ “ba” theo tri nhận thông thường thì có hai cách hiểu cơ bản: chỉ số lượng, chỉ người sinh ra mình. Trong bài ca dao trên, từ “ba” lại mang ý nghĩa là “hoa”.
Công việc này nó giặn tợ như bông
Nó có té ra một trăm, năm bảy chục cũng không đủ cơm, công với nước nước chè. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr398).
Từ “giặn” trong từ điển hầu như không có cách viết này, người ta thường viết “dặn” có nghĩa là dặn dò. Nhưng theo chú thích của người sưu tầm, biên soạn, từ “giặn” được hiểu là bận rộn. Đối với từ “té ra” thì có thể hiểu là ngộ ra, vỡ lẽ ra một điều gì đó, nhưng trong bài dân ca này lại mang ý nghĩa là tiền lãi, số tiền kiếm được.
Hay từ “ghế” trong bài ca dao sau:
Bước lên tàu, tàu thổi xup - lê
Khoác khăn xéo lại, bảo em về nuôi con.
Đầu hè có buồng chuối non,
Để dành xáo, ghế cho con ăn lần
Khoai từ, khoai cháo, khoai nần,
Còn một vạt bắp trước sân chưa già.
Với hũ sắn lát trong nhà,
Để dành xáo, ghế cho qua tháng ngày. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr317)
Từ “ghế” trong bài ca dao trên không mang ý nghĩa là cái ghế, dùng để ngồi mà lại là một động từ để chỉ sự trộn lẫn một cách ăn cơm độn. Trước khi đi xa, người chồng có dặn dò vợ lấy buồng chuối non, lấy khoai, bắp, sắn, trộn cho ăn qua tháng ngày.
Ngoài ra còn một số phương ngữ như:
Cứ liệu ca dao, dân ca
|
Phương ngữ
|
Từ toàn dân
|
Ngó lên rượn lưới phơi dùn,
Nàng tiên bị dọa, anh hùng sa cơ. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, 259)
|
Rượn lưới
|
Tấm lưới lớn
|
Ơn đền ngãi trả người dưng
Đường chông gai khó bước biểu bạn đừng trách ta
Gắng công nuôi xí mẹ già (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr398)
|
Xí
|
Ít, nhỏ
|
Thiếp có thương chàng trợm lệnh mẹ cha (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr416)
|
Trợm
|
Trộm
|
Chàng đứng ngoài ngõ nước mắt nhỏ ngắn, nhỏ dài trên kiến tay. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr418)
|
Kiến tay
|
Cánh tay
|
Mai sau lậu tiếng sợ bên chồng dĩ hay. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr425)
|
Dĩ hay
|
Dì ấy
|
Bạn ơi, thả áo ta về
Kẻo cha ta kêu cờ bạc, mẹ ta đề gái trai. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr19)
|
Đề
|
Tưởng rằng, ngờ rằng
|
Tôm tép còn muốn có râu
Huống chi em bậu câu mâu sự đời. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr280)
|
Câu mâu
|
So đo, kỳ kèo, cố chấp
|
Trời tháng mười năng mưa, năng lụt
Đất năng lở, năng bồi. (Nguyễn Văn Bổn, 2018, tr290)
|
Năng
|
Hay xảy ra
|
Cũng như người dân miền Trung, những từ địa phương như mần (làm), mô (đâu), ổng (ông ấy), răng (làm sao), thúi (thối), qua (tôi, ta) ...được sử dụng phổ biến trong ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng.
Như vậy có thể thấy rằng, qua việc khảo sát phương ngữ trong ca dao, dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng chúng tôi nhận thấy được bản sắc riêng của vùng đất này, cũng như sự phong phú, giàu đẹp của tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Bổn. (2008). Cần hiểu đúng về các dị bản của một bài ca dân gian tiêu biểu cho xứ Quảng, Tạp chí Đất Quảng, số 62 (184). Truy xuất ngày 22/6/2022.
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 1. Vùng đồng bằng. NXB Hội nhà văn.
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 2. Truyện cổ dân gian người Việt miền xuôi. NXB Hội nhà văn.
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 3. Miền biển. NXB Hội nhà văn.
Nguyễn Văn Bổn. (2018). Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập 4. Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi. NXB Hội nhà văn.
Đinh Gia Khánh (chủ biên). (2001). Văn học dân gian Việt Nam. NXB Giáo dục.
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử & Nguyễn Khắc Phi. (2010). Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Xuân Kính. (2004). Thi pháp ca dao. NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
Phạm Thu Yến. (2013). Những thế giới nghệ thuật ca dao. NXB Đại học quốc gia Hà Nội.