CHỨC NĂNG CỦA PHÉP THẾ VÀ PHÉP LẶP TRONG TRUYỆN NGẮN “CHÍ PHÈO” CỦA NAM CAO
1.Chức năng của phép thế.
1.1. Chức năng liên kết và tránh lặp từ vựng
Như đã trình bày ở trên, chúng tôi thấy rằng phép thế nói chung, thế đồng nghĩa và thế đại từ nói riêng chức năng chủ yếu của chúng là chức năng liên kết và tránh lặp từ vựng gây nhàm chán cho người đọc. Về phép thế đại từ, tiêu biểu trong tác phẩm Chí Phèo, theo thống kê, nhà văn sử dụng khoảng 267 lần đại từ hắn, 15 lần đại từ nó, để chỉ Chí Phèo. Khoảng 52 lần đại từ cụ, 6 lần ông lý, 2 lần cụ ông dùng để gọi bá Kiến. Với nhân vật thị Nở nhà văn sử dụng 3 lần đại từ mụ và 114 lần đại từ thị để gọi nhân vật. Với dụng ý nghệ thuật, nhà văn đã sử dụng linh hoạt các đại từ thay thế phù hợp với từng hoàn cảnh, sự xuất hiện của từng nhân vật. Việc thay thế linh hoạt và phù hợp này ngoài việc tạo liên kết cho văn bản, tránh lặp từ vựng, còn gây được sự chú ý cao cho người tiếp nhận.
Đặc biệt ở đầu tác phẩm, Nam Cao đã sử dụng đại từ “hắn” để gọi tên cho nhân vật. Một nhân vật hắn bất ngờ xuất hiện, lôi cuốn người đọc, người đọc tưởng chừng như đã biết hắn là ai và là con người như thế nào. Bằng dạng thế khứ chiếu người đọc có thể biết được nhân vật được nhà văn gọi là hắn ấy chính là Chí Phèo: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng của riêng ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ – Đại. Nhưng cả làng Vũ – Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!” Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Tức thât! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì nó có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ nghĩ thế mà chửi, hắn cứ chửi những đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra thằng Chí Phèo!”...
Với sự xuất hiện bất ngờ của đại từ hắn mở đầu tác phẩm, tác phẩm đã gây được ấn tượng mạnh đối với người tiếp nhận. Người đọc chưa biết hắn là ai nhưng cái hành vi say khước và vừa đi vừa chửi của hắn đủ để nhà văn gọi là hắn. Nhà văn để cho nhân vật của mình xuất hiện bên cạnh cái say và có nhiều lý do để chửi. Từ việc chửi trời, chửi đời, chửi những người không chửi nhau với hắn đến việc chửi cả người sinh ra hắn. Hành vi chửi khắp và đặc biệt chính hắn chửi ngay người đã sinh ra hắn, được nhà văn giải thích nguyên nhân là bởi chính Chí Phèo cũng không biết cha mẹ mình là ai. Việc sử dụng dạng thế đại từ hồi chỉ này càng tăng thêm tính hấp dẫn, nhịp điệu lời văn tăng lên khi nhà văn liên tiếp sử dụng các đại từ hắn để thay thế.
Qua tác phẩm người đọc sẽ bất ngờ với sự sắp đặt có dụng ý của tác giả về sự xuất hiện của nhân vật thị Nở. Một nhân vật có khả năng phục sinh tâm hồn quỷ dữ, đem ánh sáng để đưa Chí trở về con người lương thiện nhưng với sự sắp đặt của nhà văn nhân vật này được xuất hiện trong hoàn cảnh đặc biệt và được gọi tên cũng khá đặc biệt. Ở đoạn kể Chí Phèo trong cơn say từ nhà Tự Lãnh ra về, hắn cảm thấy ngứa ngáy vô cùng, định ra bờ sông tắm nhưng một sự việc bất ngờ đã khiến hắn dừng lại, vì hình như có người và có người thật: “Hắn nhìn giữa hai lọ nước và tựa lưng vào gốc chuối, một người đàn bà ngồi tênh hênh. Chính là người đàn bà, hắn biết vậy là nhờ mớ tóc dài buông xõa xuống vai trần và ngực... Hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm mụ há hốc lên trăng mà ngủ, hay là chết. Đôi chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệch... Bên kia, có lẽ gì mụ giẫy, cái yếm xẹo xọ, để trật ra cái sườn nây nây”. Với dụng ý nghệ thuật tạo những tình huống bất ngờ, nhà văn đã sử dụng kết hợp hai dạng thế hồi chỉ và khứ chỉ, gây được ấn tượng đối với người đọc. Ban đầu khi tiếp cận nhân vật thị Nở, qua cách diễn đạt của tác giả người đọc biết được đó là một người đàn bà ngồi tênh hênh một kiểu ngồi có thể nói là không kín đáo. Khi biết được đó là một người đàn bà và với những biểu hiện không kín đáo của thị trong lúc ngủ nhà văn đã không ngần ngại dùng đại từ mụ để thay thế cho người đàn bà ngồi tênh hênh. Qua những biểu hiện của nhân vật thị Nở khi ngủ, dựa vào hiện thực khách quan cho thấy nhà văn dùng mụ để gọi thị, không với mục đích coi khinh mà chỉ thể hiện sự khách quan của nhà văn. Kết hợp dạng thế khứ chỉ nhà văn dẫn dắt người đọc tìm xem người đàn bà ấy là ai? Cuối cùng người đàn bà được gọi là mụ kia được tác giả cho đáp án: “Nhưng người đàn ấy lại là thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn.”
Nhà văn sử dụng khoảng 114 lần đại từ thị để gọi tên cho nhân vật. Để giải thích vì sao thị Nở được xem là “đần” là “ngẩn ngơ” và “xấu ma chê quỷ hờn” thì tác giả sử dụng dạng thế đại từ hồi chỉ nhằm làm sáng tỏ những đặc điểm đã nêu: “Nhưng người đàn ấy lại là thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị thực sự là một sự mỉa mai của hóa công; nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào mới thật tai hại, nếu má phinh phính thì mặt thị còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạch muốn chen lẫn nhau với cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố quá nên chúng nứt nở như rạn ra. Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra; ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công; nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất.”
Cùng để chỉ một nhân vật nhưng nhà văn Nam Cao lại sử dụng rất nhiều tên gọi khác nhau để tránh lại sự nhàm chán, lặp từ. Tạo nên một sự liên kết cho văn bản. Đồng thời tạo sự mạch lạc cho văn bản.
1.2. Chức năng cung cấp thông tin và chức năng biểu thị tình thái
Ngoài việc sử dụng phép thế đại từ và phép thế đồng nghĩa để tạo tính liên kết cho văn bản, tránh việc lặp từ vựng, Nam Cao còn sử dụng phép thế đồng sở chỉ để thực hiện hai chức năng trên. Đặc biệt ở phép thế đồng sở chỉ còn có chức năng cung cấp thông tin, chức năng biểu thị tình thái. Nhà văn đã sử dụng chức năng này để cung cấp đến người đọc những thông tin cũng như sự đánh giá về các nhân vật trong truyện một cách trọn vẹn, thể hiện thành công những đặc điểm, tính cách của từng nhân vật, cũng như sự đánh giá của nhà văn đối với từng nhân vật của mình.
Với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao sử dụng các đặc trưng tiêu biểu cho nhân vật này như: anh canh điền khỏe mạnh, anh canh điền ấy, anh đầy tớ tay chân mới, thằng đàn ông, thằng say rượu, thằng không cha không mẹ, một thằng hiền như đất... Toàn bộ ý nghĩa nội dung truyện ngắn hầu như toát lên từ hình tượng nhân vật Chí Phèo. Nam Cao rất thành công trong việc lựa chọn từ ngữ để miêu tả trọn vẹn đặc điểm, tính cách, cuộc đời nhân vật. Chí là một đứa con hoang, lớn lên tùy hoàn cảnh mà làm con nuôi, đứa ở, và cuối cùng làm canh điền cho địa chủ. Hồi còn làm canh điền cho Bá Kiến, Chí Phèo vốn là một con người hiền lành và lương thiện, có ý thức rõ về nhân phẩm của mình. Tác giả đã sử dụng cụm từ anh canh điền khỏe mạnh, anh canh điền ấy để chỉ Chí Phèo: “Có người bảo ông lý ghen với anh canh điền khỏe mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách. Chẳng biết đâu mà lần. Chỉ biết một hôm Chí bị người ta giải huyện rồi nghe đâu phải đi tù.”
Cụm từ “anh canh điền khỏe mạnh” cho biết Chí là một thanh niên khỏe mạnh, lực lượng, và đang làm canh điền cho nhà bá Kiến. Đặt trong sự đối lập giữa “anh canh điền khỏe mạnh” và “ông lý”, làm cho bà ba ham muốn và ông lý phải ghen, cuối cùng bá Kiến đã dùng uy quyền của mình để đẩy Chí vào tù. Như vậy, bản chất của Chí vốn là người nông dân lương thiện, hiền lành, thật thà và đặc biệt là giàu lòng tự trọng, bởi trong tâm thức của Chí vẫn còn tồn tại ý thức của “thằng đàn ông”: Khi bà ba gọi đến bóp chân “hắn chỉ thấy nhục chứ yêu thương gì”. Với bản chất hiền lành, thật thà, chăm chỉ ấy, tác giả cũng đã từng ưu ái cho Chí những tên gọi hết sức trân trọng và yêu mến, tác giả gọi: anh canh điền khỏe mạnh rồi thay thế bằng anh canh điền ấy một lần nữa để khẳng định bản chất lương thiện của Chí, bản chất lương thiện của người nông dân. Đồng thời tác giả muốn khẳng định tính chất lưu manh, côn đồ của Chí sau này hoàn toàn do hoàn cảnh: chế độ xã hội đã tha hóa bản chất của một người vốn hiền lành và lương thiện. Bên cạnh đó, tác giả phê phán những con người độc ác đã đẩy Chí vào tù, bước vào con đường tha hóa.
Quá trình lưu manh hóa của Chí Phèo bắt đầu từ khi: “Chỉ biết có một hôm Chí bị người ta giải huyện rồi nghe đâu phải đi tù. Không biết mấy năm, nhưng hắn đi biệt tăm đến bảy, tám năm, rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về.” chứ không phải từ sau khi Chí đi tù về bởi vì khi Chí mới bước chân về làng người ta đã nhận thấy một sự đổi thay ghê gớm từ nhân hình đến nhân tính: “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng, với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết. Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ngoài chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều.” Hắn đến gây sự với nhà bá Kiến, nhưng lúc ấy bá Kiến không có nhà chỉ có các bà vợ bá Kiến, các bà chỉ biết đóng chặt cửa: “Mắc phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại nhăm nhăm cầm cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả... Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thay cha nó, nó chửi thì tai liền miệng đấy, chửi rồi lại nghe! Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu!”
Với dạng thế hồi chỉ, ta biết được thằng say rượu ở đây Nam Cao muốn thay thế cho Chí Phèo. Với cụm từ thằng say rượu Nam Cao muốn nhấn mạnh, tất cả các hành động của Chí chỉ xuất phát từ men rượu, rượu thúc đẩy hành động. Với “thằng say rượu” tác giả còn đánh giá cái say của Chí nó triền miên. Chí Phèo ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, đặp đầu rạch mặt, chửi bới dọa nạt trong lúc say, ấy mấy khi Chí Phèo được tỉnh. Đồng thời, thằng say rượu là một con người thiếu nhân cách, không thể làm chủ được bản thân hành động và suy nghĩ, và cũng chính vì lúc nào cũng say rượu nên mọi người chẳng coi Chí Phèo ra gì.
Một phần nữa cũng bởi Chí chỉ là đứa trẻ mồ côi được người ta nhặt từ cái lò gạch bỏ không, người ta truyền tay nhau nuôi, lớn lên và hoàn cảnh đã đưa Chí vào con đường tha hóa. Vì thế Cái thằng không cha không mẹ là cách gọi mà lý Cường gọi thay Chí Phèo khi Chí đến nhà của y để gây sự trả thù: “Mày muốn lôi thôi gì? Cái thằng không cha không mẹ này? Mày muốn lôi thôi gì?”. Ở đây lý Cường đã nhằm vào đúng đặc điểm tiêu biểu của Chí Phèo. Chí là một người không cha không mẹ, được người ta nhặt ở lò gạch cũ đem về nuôi, truyền tay nuôi từ người này sang người khác, lớn lên phải đi ở đợ và hoàn cảnh đã đưa Chí vào con đường tha hóa, thành côn đồ. Một thái độ xem thường khinh bỉ. Lấy giọng điệu của một tên cường hào ác bá để đối lập với một con người bất hạnh không biết cha biết mẹ mình là ai, lớn lên sống trong cảnh cù bơ cù bất, một người đáng thương, và có lẽ đây cũng là lời bênh vực cho Chí, vì anh không cha không mẹ không được người nuôi dạy nên anh mới trở thành con người mà tất cả mọi người xa lánh, coi khinh. Đồng thời Nam Cao cũng chỉ rõ bản chất của bọn cường hào ác bá, xem khinh người khác, xem mạng người như cỏ rác.
“Thì năm nay lại nảy ra Chí Phèo. Lại một thằng hiền lành như đất – tội nghiệp cho hắn, có lần lý Kiến thấy hắn vừa bóp đùi cho bà ba, vừa run run. Bỗng nhiên vùng dậy, giở toàn giọng uống máu người không tanh.”
Tác giả sử dụng cụm từ thằng hiền lành như đất để thay thế cho Chí Phèo. Vì trước đây Chí vốn là một người hiền lành và lương thiện. Nhưng giờ đây Chí đã trở thành một con người khác hẳn “uống máu người không tanh”. Đối lập giữa con người hiền lành như đất với một con người độc ác, tác giả muốn nhấn mạnh rằng: bản chất con người vốn lương thiện như do đâu Chí đã trở thành một con người như vậy? Một sự thay đổi nhanh chóng từ một con người hiền lành, lương thiện trở thành một con người đáng sợ, một con quỷ dữ, hai đặc điểm đối lập của trong một con người. Đặc biệt tác giả sử dụng từ “lại” muốn nhấn mạnh rằng, không riêng gì Chí mà trước đó đã có nhiều người cũng là những người nông dân lương thiện nhưng chính xã hội đã làm thay đổi bản chất của con người từ hiền lành trở thành độc ác và tàn nhẫn. Nhà văn muốn lên án vì đâu lại có sự tha hóa đến như vậy, đây cũng là lời tố cáo đến bọn thống trị gian ác, chính bọn chúng hủy hoại đi bao mảnh đời lương thiện, và Chí chính là một điển hình tiêu biểu.
Những tưởng cuộc đời của Chí sẽ không bao giờ tìm lại được ánh sáng lương thiện, tìm lại chính mình nhưng không cuộc gặp gỡ với thị Nở đã lóe lên ánh sáng lương thiện trong lòng của “con quỷ dữ” và thị Nở chính là ánh sáng mở đường cho Chí tìm về với lương thiện. Thị Nở đã khơi dậy bản năng sinh vật ở Chí Phèo: “Thị Nở mới kịp giật mình thì thằng đàn ông đã bám lấy thị… Thị vùng vẫy để ra, thị mở mắt, thị tỉnh hẳn, thị nhận ra Chí Phèo. Thị vừa thở, vừa vật nhau với hắn, vừa hổn hển: “Ô hay... Buông ra... Tôi kêu... Tôi kêu làng... Buông ra. Tôi kêu làng lên bây giờ!” Thằng đàn ông phì cười. Sao thị lại kêu làng nhỉ?”...
Với “thằng đàn ông” tác giả muốn nhấn mạnh rằng, ở Chí Phèo vẫn còn tính người, vẫn còn tồn tại bản chất đàn ông, vẫn có lòng ham muốn, vẫn khao khát tình yêu. Chính tình yêu của thị Nở đã khiến bản chất của người lao động lương thiện trong Chí thức dậy. Lần đầu tiên sau bao năm, Chí Phèo lại nhe tiếng chim hót, tiếng nói của những người đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá... Những âm thanh ấy ngày nào chả có nhưng đến hôm nay Chí mới được nghe và nó vang động sâu xa trong lòng Chí niềm khao khát cuộc sống lương thiện mà bao năm anh đã từng đánh mất. Hương vị của bát cháo hành hay hương vị của hạnh phúc của tình yêu đã làm sống lại trong Chí những khao khát của tuổi trẻ. Lần đầu tiên ở Chí Phèo lại xuất hiện “mắt ươn ướt nước” và “cười nghe thật hiền”. Chính thị Nở là chiếc cầu nối đưa con người của tội ác trở về với lương thiện. Giờ đây, Chí phèo muốn trở lại chính mình, anh tha thiết được trở lại với xã hội loài người, anh “thèm lương thiện, và muốn làm hòa với mọi người biết bao!”
Việc Chí Phèo bệnh đã có ảnh hưởng đến thị Nở, thị nhận ra phải làm gì đó cho Chí, thị nghĩ “đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành” và thế là thị nấu cháo mang sang cho Chí. Trong suy nghĩ của thị Nở: “ Cái thằng liều lĩnh ấy kể ra cũng đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”. Nhà văn sử dụng cái thằng liều lĩnh để chỉ Chí qua cách gọi của Thị Nở. Với cái thằng liều lĩnh ấy đây là cách gọi yêu thương mà thị Nở dành cho Chí.
Sau năm ngày yêu đương cùng Chí Phèo thì thị Nở bỗng nhớ ra rằng thị còn có một bà cô ở trên đời. Thị Nở hỏi ý kiến bà cô. Bà lấy làm nhục vì cháu mình lại đốn mạt đến đi lấy một thằng chỉ biết rạch mặt ăn vạ, bà nhục mạ cháu mình và cả Chí Phèo: “Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Trời ơi! Nhục nhã ơi là nhục nhã! Hỡi ông nhà bà! Bà gào lên như con mẹ dại. Bà xỉa xói vào mặt cái con cháu gái ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Bà bảo phắt nó: - Đã nhịn được đến ngày này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo!” Với bà cô thị Nở thì Chí Phèo được gọi là thằng không cha, thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ. Bà đã nhắc lại hết những đặc điểm nổi bật của Chí Phèo với thái độ khinh bỉ, căm ghét. Bà là đại diện cho xã hội lúc bấy giờ không thể chấp nhận được Chí – con người đang khao khát hướng thiện. Chính bà đã ép Chí vào con đường cùng.
Nếu Chí Phèo là đại diện tiêu biểu của người dân bị đè nén, áp bức... thì bá Kiến là đại diện tiêu biểu của kẻ thống trị, quyền hành và hách dịch... Sử dụng phép thế đồng quy chiếu miêu tả để làm rõ hơn về tính cách, con người của nhân vật bá Kiến nhà văn Nam Cao đã sử dung các biểu thức sau để viết về nhân vật: cái cụ bá thét ra lửa ấy, cụ tiên chỉ làng Vũ Đại, thằng bố, thằng mọt già, thằng ấy...
“Không táo bạo mà đến gây sự với cha con nhà bá Kiến, bốn đời làm tổng lý. Và nghĩ thế hắn thấy hắn cũng oai. Hắn làm cái ông gì ở làng này? Không vây cánh, không họ hàng thân thích; anh em không có, đến bố mẹ cũng không... Ờ, thế mà dám độc lực chọi nhau với lý trưởng, chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ Đại, chánh hội đồng kì hào, huyện hào, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu, khét tiếng đến cả trong hàng huyện. Thử hỏi có mặt nào trong cái làng hơn ngàn xuất đinh này làm được thế? Kể làm có chết cũng cam tâm. Vậy mà không: cái cụ bá thét ra lửa ấy lại xử nhũn, mời hắn vào nhà xơi nước. Thôi cũng hả, đã xử nhũn thì hắn vào. Vào bổng hắn hơi ngần ngại: biết đâu cái lão cáo già này nó chả lừa hắn vào nhà rồi lôi thôi? Ồ mà thật, có thể như thế lắm! Này nó hãy lôi ngay mấy cái mâm cái nồi hay đồ vàng đồ bạc ra khoác vào cổ hắn, rồi cho vợ ra kêu làng lên, rồi cột cổ hắn vào, chần cho một trận om xương, rồi vu cho ăn cướp thì sao? Cái thằng bá Kiến này, già đời đục khoét, còn đớn cái nước gì mà chịu lép trấu thế?”.
Khi được bá Kiến mời vào nhà, trong dòng suy nghĩ của Chí Phèo về bá Kiến một người có lý lịch gia đình bốn đời làm tổng lý, nhưng lại có cách xử nhũn ấy làm cho Chí phải suy nghĩ nhiều. Chính Chí cũng đã nhận ra bản chất của con người này. Một con người có uy lực ở lời nói, vẫn tự phụ hơn người bởi cái cười Tào Tháo và tiếng nói rất sang. Thông qua lời văn miêu tả cái cụ bá thét ra lửa ấy, cái lão cáo già ta thấy nhà văn muốn cung cấp thông tin cho người đọc về một bá Kiến là một con người hay quát tháo người khác, giọng đầy uy lực, giọng thốt ra làm cho người khác phải nể sợ, một người có sức mạnh ghê gớm trong lời nói. Đặc biệt lão là người dày dặn kinh nghiệm, mưu mô, gian xảo...
Qua dòng suy nghĩ của Chí Phèo, chúng ta thấy được bá Kiến là một trong những nhân vật có địa vị trong làng, được đặt vào một vị trí trang trọng trong xã hội. Đây cũng là một kẻ có lai lịch già đời trong nghề bóc lột: gia đình bốn đời làm tổng lý, bản thân Bá Kiến từng là lý trưởng, chánh tổng; cha truyền con nối trong thủ đoạn đè đầu cưỡi cổ người khác. Những kẻ như thế, vẫn được gọi bằng ông, bằng cụ một cách tôn kính. Uy quyền của Bá Kiến không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi của một làng, mà “cụ Bá” là “bá hộ, tiên chỉ, chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu” - đại biểu cho cả một bộ máy thống trị tay sai thực dân. Điều nguy hiểm nhất ở bá Kiến là tội ác đã được hắn nâng lên thành một nghệ thật cai trị kẻ khác: “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân”, “mềm nắn rắn buông”, “dùng thằng đầu bò trị thằng đầu bò”, “nắm lấy đứa có tóc”, đặc biệt là những thủ đoạn rất nham hiểm: “Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi hãy vất trả lại năm hào vì “thuơng anh túng quá”. Với tất cả các thủ thuật trị người ấy, Bá Kiến quả là một kẻ “khôn róc đời” và đã phá tan cơ nghiệp của biết bao gia đình, đập nát hạnh phúc của bao nguời. Đáng sợ nhất là chính những nạn nhân của bá Kiến lại bị hắn biến thành công cụ đắc lực của tội ác: Năm Thọ, Binh Chức - với bản tính lưu manh và đỉnh điểm là Chí Phèo - đã thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Và qua đây ta cũng hiểu thêm vì sao mà giọng của bá Kiến lại đầy uy quyền, giọng “thét ra lửa”, và là một lão cáo già là như thế.
Ở cuối tác phẩm, Chí Phèo vác dao đến nhà bá Kiến đòi lương thiện. Tuy nhiên, bá Kiến cứ tưởng hắn say và đến sinh sự, nằm vạ như những lần trước nên quăng tiền xuống và quát nạt Chí Phèo. Thế nhưng ai ngờ đâu, ngay trong lúc này đây Chí Phèo lại rất tỉnh để nhận ra rằng: kẻ đã làm cho mình phải mang lốt quỷ dữ, kẻ đã làm mình ra nông nỗi khốn cùng này chính là bá Kiến. Lòng căm thù đã âm ĩ bấy lâu trong lòng của Chí, anh càng thấm thía tội ác kẻ đã cướp đi quyền làm người, cướp đi bộ mặt và linh hồn của mình. Và Chí Phèo đã đâm chết bá Kiến, rồi tự giết chết mình để tìm lại quyền làm người đã mất, để đòi lại bản tính lương thiện của một con người. Không dừng lại sau hành động nhân vật đâm chết kẻ thù và tự hủy chính mình, Nam Cao đã dành khúc vĩ thanh để nói lên thái độ của mọi người sau hai cái chết bất ngờ: “Cả làng Vũ Đại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi: “Trời có mắt đấy, anh em ạ!” Người khác thì nó toạc: “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu”.
Ở đây tác giả sử dụng: hai thằng ấy, bọn chúng để chỉ cả bá Kiến lẫn Chí Phèo, thể hiện thái độ của tác giả. Tác giả đặt ngang hàng bà Kiến – cụ tiên chỉ làng Vũ Đại và Chí Phèo – con quỷ dữ làng Vũ Đại, một tên côn đồ. Người ta xem bá Kiến cũng chẳng ra gì, họ cũng căm ghét bá Kiến một con người độc ác tàn bạo, ăn trên xương máu của những người nghèo khổ, đáng xếp ngang hàng với bọn côn đồ, chẳng khác tên côn đồ bởi hắn đè nén, áp bức những người lương thiện, chính hắn đã đẩy bao mảnh đời vào bước đường cùng.
2. Chức năng của phép lặp.
2.1. Tạo tính liên kết cho văn bản.
Nam cao rất thành công trong việc sử dụng phép lặp để liên kết văn bản, tao nên một sự mạch lạc, logic. Đặc biệt là phép lặp từ vựng, các từ có chức năng lặp thường đứng đầu câu để liên kết các câu trước với câu sau.
(1)“Thị nghe thấy thế mà lộn ruột. Nhưng thị biết cãi bà làm sao? Con người ấy có quyền nói thế, bởi con người ấy năm mươi tuổi rồi còn ai lấy chồng. Thị biết cãi làm sao. Mà không cãi được thì giận dữ nổi lên đùng đùng. Thị tức lắm! thị tức lắm! Thị cần đổ cái tức ấy lên một người. Thị lon ton chạy sang nhà nhân ngãi. Thị thấy hắn đang uống rượu, và vừa uống vừa lầm bầm chửi thị về nhà lâu. Hắn không quen đợi; bởi phải đợi, hắn lại lôi rượu mà uống cho đỡ buồn. Uống vào thì phải chửi, quen mồm rồi! Nhưng thị làm gì mà hắn chửi? Mà hắn có quyền gì chửi Thị? Ồ, thị điên lên mất! Thị dẫm chân xuống đất, rồi lại nhảy cẫng lên như thượng đồng. Hắn thú vị quá, lắc lư cái đầu cười. Lại còn cười! Nó nhạo thị, trời ơi! Thị điên lên mất, trời ơi là trời! Thị chống hai tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và tớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả những lời bà cô. Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu. Hắn bỗng nhiên ngẩn người. Thoáng một cái, hắn lại như hít hít thấy cái hơi cháo hành. Hắn cứ ngồi ngẩn mặt không nói gì. Thị trút giận xong rồi. Cái mũi đỏ dị xuống rồi lại bạnh ra. Thị hả hê lắm lắm. Thị ngoay ngoáy cái mông đít ra về. Hắn sửng sốt đứng lên gọi lại. Ai mà thèm lại! Còn muốn lôi thôi cái gì? Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay Thị. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái.”
Trong một đoạn văn ngắn tác giả đã sử dụng 22 từ “thị” nhằm tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các câu trong văn bản. Mặc dù từ thị được lặp lại rất nhiều nhưng nó vẫn không gây nên cảm giác đơn điệu, mà làm cho câu văn thêm logic chặt chẽ. Đó là một sự độc đáo của nhà văn Nam Cao
2.2. Chức năng nhấn mạnh nội dung, biểu thị ý nghĩa tình thái.
Bên cạnh chức năng tạo liên kết cho văn bản, thì phương thức lặp được sử dụng nhằm nhấn mạnh nội dung, biểu thị tình thái của người phát ngôn.
(1) “ Phải ông Lí Cường thử có nhà xem nào ! Qủa nhiên họ nói có sao đâu! Đấy có tiếng người sang sảng quát “ Mày muốn lôi thôi cái gì… cái thằng không cha không mẹ này ! Mày muốn lôi thôi cái gì.”
“Mày muốn lôi thôi cái gì” nhằm nhấn mạnh sự tức giận của Lý Cường đối với hành động đòi rạch mặt ăn vạ của Chí Phèo. Đồng thời cũng thấy được sự coi kinh, xem thường của Lý Cường dành cho Chí.
(2) Ối làng ối nước ôi! Cứu tôi với… Ối làng ối nước ơi! Bố con thằng kiến nó đâm chết tôi ! Thằng Lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi! …
“ Ố làng ối nước ôi!” được lặp hai lần nhằm nhấn mạnh hành động kêu van của Chí Phèo, Chí muốn cho cả làng biết bố con Bá Kiến nó đâm chết Chí. Ngay mở đầu tác phẩm, Chí xuất hiện cùng với tiếng chửi, hắn chửi nhưng không ai quan tâm để ý đến lời hắn chửi, không ai muốn giao tiếp với hắn, và khi hắn cần sự giúp đỡ, kêu cứu dân làng thì không ai chịu đến ngay, vì thế hắn phải kêu nhiều lần người ta mới chịu đến xem, sự lặp lại này nó phù hợp với logic hiện thực.
(3)“ Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh . Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượi không sặc sụa, hắn cứ thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Rồi lại uống. Rồi lại uống. Hăn uống đên say mềm người rồi hắn đi. Hắn đi với một con dao thắt ở lưng. Hắn lảm nhảm: “ Tao phải đâm chết nó! Tao phải đâm chết nó!
“Rồi lại uống” được lặp lại để nhấn mạnh hành động càng uống càng tỉnh của Chí Phèo, và khi hắn uống say hắn mới có thể chửi, có thể vạch mặt ăn vạ và có thể giết Thị Nở và bà cô để trả thù vì đã cự tuyệt tình yêu, cự tuyệt quyền làm người của hắn. Khi uống rất nhiều hắn quyết định đi giết Thị và bà cô “ Tao phải đâm chết nó”, câu nói này được tác giả sử dụng rất nhiều lần để nhấn mạnh sự quết tâm của Chí phải trả thù, một hành động quyết đoán của Chí. Đó vừa là câu nói của kẻ say, vừa là câu nói của một con người đã thức tỉnh hoàn toàn, Chí nhận ra không thể quay về con đường cũ đâm thuê, chém mướn, con quỹ dữ của làng Vũ Đại, cũng không thể trở thành người lương thiện được nữa, bởi chính thị Nở đã cự từ chối hắn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Diệp Quang Ban (2006), Văn bản và liên kết trong văn bản, NXB Giao dục Việt Nam.
2. Lê Văn Điền (2004), Thực hành văn bản tiếng Việt, Trường ĐHSP Huế.
3. Trần Ngọc Thêm (2009), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam.
4. Hà Minh Đức (1998), Nam Cao - Đời văn và tác phẩm, NXB Văn học.
5. Đỗ Hữu Châu ( 2010), Giáo trình giản yếu về ngữ pháp văn bản, NXB đại học Huế.
6. Đinh Xuân Quỳnh, Ngữ pháp văn bản, Trường ĐHSP Huế.