CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG TẬP THƠ ĐIÊU TÀN CỦA CHẾ LAN VIÊN
1.Những ảnh hưởng của thời đại đối với việc hình thành cái tôi trữ tình trong tập thơ “ Điêu tàn”
Chế Lan Viên viết Điêu tàn (1937) trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang trải qua nhiều biến đổi sâu sắc. Dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, đời sống nhân dân bị mất độc lập tự chủ, sống trong cảnh đói khổ, lầm than. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của tầng lớp nhân dân liên tiếp được nổ ra, nhưng nhanh chóng bị thất bại. Chính những hoàn cảnh ấy đã gây nên không khí u uất bao trùm xã hội làm cho không ít người điêu đứng, bế tắc, hoang mang, dao động.
Mặt khác, năm 1930 Đảng cộng sản Đông Dương ra đời đã tạo ra một nguồn ánh sáng soi rọi đường đi cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của quần chúng như một đợt sóng thần, ngày một dâng cao liên tiếp tấn công kẻ thù. Khí thế ấy dần dà tạo nên một sự lay động, thức tỉnh tâm hồn và nhận thức của mọi người.
Về mặt văn học, Chế Lan Viên viết Điêu tàn vào những năm phong trào Thơ mới đạt đến đỉnh cao của mình. Ngày 10 tháng 3 năm 1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122 cùng với bài giới thiệu mang tên “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ mới” [vi.wikipedio.org] đánh dấu một bước ngoặt mới của thơ ca Việt Nam.
Ngoài ra Chế Lan Viên còn chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp. Trong bài tiểu luận Một thời đại trong thơ ca (1942), Hoài Thanh, Hoài Chân có nhận xét “ Có lối thơ Hàm Mặc Tử, Chế Lan Viên, cả hai chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và qua Baudelaire” Chế Lan Viên tìm thấy trong tập thơ Bông hoa tội ác (1857) của nhà thơ Pháp nét đồng cảm của những nỗi buồn ảo não, chán chường, tuyệt vọng và sự vùng vẫy khắc khoải mang mầu sắc thần bí. Ngoài ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp, Chế Lan Viên cũng chịu ảnh hưởng của các thứ triết học duy tâm, siêu hình và các thứ tôn giáo: “Mở đầu tôi yêu Chúa rồi tôi yêu Phật. Tôi tìm Chúa qua các giáo lý đạo Cơ đốc, của Tin lành. Và tôi tìm Phật nơi bản Phật của cha tôi ở kinh các chùa và ở ngoài chùa nữa”. Vì thế mà trong tập thơ Điêu tàn của ông luôn mang những màu sắc kinh dị, huyền bí.
Nói đến ảnh hưởng của thời đại, đất nước, quê hương, gia đình đối với Chế Lan Viên khi viết Điêu tàn không thể không nói đến những chứng tích lịch sử trên mảnh đất Bình Định, quê hương thứ hai của ông. Đó là những tháp Chàm, chứng tích của một nền văn minh cổ kính, của đất nước Chiêm Thành xưa sụp đổ. Chính những điều đó đã hình thành nên một cái tôi trữ tình độc đáo trong Điêu tàn.
2. Những biểu hiện của cái tôi trữ tình trong Điêu tàn
2.1. Cái tôi suy tư về thế giới huyền ảo
Trong bài tựa tập thơ Điêu tàn (1937), Chế Lan Viên viết: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó, vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt đầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy” Đây là một quan niệm rất khác với Thơ Mới lúc đó, có thể coi như là một sự tuyên chiến với quan niệm cũ.
Trước một hiện thực bế tắc, khủng hoảng nhà thơ không biết bấu víu vào đâu trong cái thực tại xã hội hiện tại. Nếu các nhà thơ khác thường trốn tránh vào tình yêu, vào mộng ảo, thì Chế Lan Viên lại khác, ông tìm thấy sự đồng điệu giữa thực trạng nước Chàm xưa với hiện thực xã hội thời ông sống. Đọc mỗi bài thơ trong Điêu tàn của Chế Lan Viên là cả một thế giới khác lạ khiến người đọc phải đi từ sự “kinh dị” này đến sự “kinh dị” khác. Nhà thơ đã từ bỏ một thế giới hiện hữu, tìm về một một thế giới của đổ nát của huyền diệu. Trong Điêu tàn Chế Lan Viên đã tạo nên một thế giới của cõi âm và bóng tối với những thịt rữa, xương tan, sọ dừa, đầu lâu, máu chảy, hồn, sọ người, xương khô, tủy, đám ma… tràn đầy trong thơ Chế Lan Viên:
“Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ
Ta sẽ ca những giọng của hồn điên
Để máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ
Để trôi đi tháng ngày nặng ưu phiền”
(Điệu nhạc điên cuồng)
Hình ảnh máu không chỉ xuất hiện một cách ít ỏi mà đã trở thành “suối”: “Nồng tươi như suối máu lúc ban mai”, thành “giòng” thành “giải” : “Thi nhân sầu nhìn theo giòng huyết cuốn/ Tâm hồn trôi theo giải máu bơ vơ”
Trong Điêu tàn, Chế Lan Viên cũng nói nhiều đến hồn, các từ ngữ như: hồn, linh hồn, hồn tử sĩ, cô hồn, hồn mơ, hồn yêu tinh... được lặp lại rất nhiều lần. Đó là hồn của những tử sĩ đang kêu gào, hét gầm vang:
“Đây chiến địa, nơi đôi bên giao trận
Muôn hồn tử sĩ hét gầm vang”
(Trên đường về)
Hay một buổi chiều thơ thẫn, bỗng nhiên lạc bước vào thế giới của những cô hồn:
“Chiều nay bỗng nhiên ta lạc bước
Vào nơi đây, thế giới vạn cô hồn”
(Xương khô)
Cùng với máu, xương thì mộ cũng là một hình ảnh mà Chế Lan Viên sử dụng khá nhiều, để chỉ không gian cõi chết, đau thương tang tóc, điêu tàn. Nó gắn với muôn vạn dân Chàm, nó được kết hợp với sọ dừa, yêu ma, cô hồn tử sĩ để dựng nên một không gian ma quái rùng rợn của cõi Chết :
“Thôi vắng bặt từ nay bao giây phút
Mà tiếng cười ghê rợn dậy vang nấm mồ”
(Mồ không)
Hay:
Trên một nấm mộ tàn ta nhặt được
Khớp xương ma trắng tựa não cân người
(Xương khô)
Mộ trong thơ Chế Lan Viên đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc, giàu sức ám gợi, nó không chỉ gợi lên không gian của bóng tối, cái chết mà còn là nơi chất chứa những nỗi đau thương tột cùng:
“Nàng hỡi nàng! Trên tay ta là mộ trống
Trong lòng ta là huyệt bỏ với trong hồn
Là mồ không giá lạnh lùng với sương đông”
(Mồ không)
Càng đi sâu vào cõi siêu hình, thơ Chế Lan Viên càng tràn đầy những hình ảnh đau thương với cảnh xương khô, những nấm mồ, “quằn quại trôi dòng máu thắm sông Linh”, cảnh hồn ma, bóng quỷ đang vật vờ “gào khóc giữa đêm sâu”. Chế Lan Viên cảm nhận được cải nhỏ bé, đơn côi của mình trong cõi siêu hình đó, và ông chỉ là “một cánh chim thu lạc cuối ngàn”. Ông khẩn cầu, van xin ai hãy nắm giùm tay ông lại, hay bẻ cán bút đi của ông đi:
“Có ai không nắm giùm tay ta lại !
Hay bẻ giùm cán bút của ta đi
Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi
Đầy hơi thịt, ý ma, cùng sắc chết.”
( Tiết trinh )
Do ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, nên trong tập Điêu tàn hầu như đều mang tính huyền bí. Nó không phải là thế giới thực, mà đó là thế giới huyền ảo, thế giới của những niềm kinh dị đầy xương, máu, hồn, bóng tối. Điều đó làm nên một phong cách độc đáo trong thơ Chế Lan Viên
2.2.Cái tôi cô đơn, chán nản, tuyệt vọng không lối thoát
Cái tôi trong thơ mới là cái tôi ngập tràn trong cô đơn, cái tôi chìm trong sầu muộn. Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Buồn và cô đơn không chỉ có trong một vài người, một vài thế hệ mà trở thành một trạng thái phổ biến của cả một nền thơ”
GS. Phan Cự Đệ trong công trình Phong trào Thơ mới lãng mạn viết: “Cái tôi trong Thơ mới trốn vào nhiều nẻo, có nhiều màu sắc phức tạp khác nhau, nhưng ở đâu cũng buồn và cô đơn. Không có lối thoát, không thấy tương lai, chỉ thấy đất trời tối tăm mù mịt, cho nên Thơ mới vừa cất tiếng chào đời đã buồn ngay trong bản chất. Nỗi buồn vẩn vơ, nỗi buồn “mênh mông”,“xa vắng”
Đó là nỗi buồn của Thế Lữ khi được thoát lên tiên. "Tiếng sáo thiên thai" dội vào lòng nhà thơ một nỗi buồn mênh mông xa vắng:
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn
(Tiếng sáo Thiên Thai - Thế Lữ)
Hay đó là nỗi buồn phân thân vào con nai bị chiều đánh lưới, không biết đi đâu về đâu của Xuân Diệu:
“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới,
Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối”
(Khi chiều giăng lưới- Xuân Diệu)
Cũng như các nhà thơ mới, thì trong tập Điêu tàn, ta thấy được một tiếng kêu hốt hoảng mà sâu thẳm, tiếng kêu khắc khoải về nỗi cô đơn của con người đã nhiều lần cất lên:
“Ai kêu ta trong cùng thẳm hư vô
Ai réo gọi giữa muôn sao chới với”
(Ngủ trong sao)
Với Chế Lan Viên chẳng có giây phút nào là tươi vui, là đáng sống, đâu đâu cũng chỉ mang thêm sầu khổ, ưu tư mà thôi.
“Lửa hè đến! Nỗi căn hờn vang dậy
Gió thu sang thấu lạnh cả long thơ!
Chiều đông tàn, như mai xuân lộng lẫy
Chỉ nỗi thêm sầu khổ với âu tư”
Chế Lan Viên phủ nhận thực tại xã hội đương thời và chán nản trước hiện thực của trần gian để tìm đến “một tinh cầu giá lạnh”, “một vì sao trơ trọi cuối trời xa”.… Ông đã đi tìm cái bản ngã của chính mình trong sự cô đơn và bơ vơ giữa cái mênh mông xa vắng của cuộc đời để rồi xót xa, buồi tủi nhận ra mình chỉ là “một cánh chim thu lạc cuối ngàn”, ông thốt lên :
“Đường về thu trước xa lắm lắm
Mà kẻ đi về chỉ một tôi !”
( Xuân)
Hay trong bài thơ Đừng lãng quên. Bằng nghệ thuật so sánh, ông so sánh những bộ phận trên cơ thể mình với những khối u buồn, những mối đau thương, để nhấn mạnh cái u buồn, đau thương đó xuất hiện ngay trong bản thể của chính bản thân ông. Ông cảm nhận sự đau buồn đó qua trái tim, qua mạch máu của mình, tạo nên một nỗi buồn da diết, đau khổ khôn nguôi:
“Quả tim ta là một khối U Buồn
Mạch máu ta là những mối Đau Thương
Mà quả đất là khối sầu vô hạn”
Ông cô đơn, tuyệt vọng, không tìm được nơi để bấu víu, phải chăng đó là lý do mà ông phủ nhận tất cả quá khứ, hiện tại, tương lai, các mối liên hệ thời gian bị cắt đứt. Đối với Chế Lan Viên, cả dĩ vãng đã bị chôn nơi chuỗi mồ vô tận, tương lai là chuỗi huyệt chưa thành, còn hiện tại thì đang chôn vùi những ngày xanh của nhà thơ:
“Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận
Và tương lai là chuỗi huyệt chưa thành
Và hiện tại, biết cùng chăng bạn hỡi
Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh”
(Những nấm mồ)
Nỗi buồn trong Điêu tàn đó là nỗi buồn của môt con người tiếc thương, xót xa cho quá khứ đã mất, một nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời.
2.3.Cái tôi hoài nghi
Trước một hiện thực bế tắc, khủng hoảng nhà thơ không biết bấu víu vào đâu trong cái thực tại xã hội hiện tại thì Chế Lan Viên đã tìm thấy sự đồng điệu giữa thực trạng nước Chàm xưa với hiện thực xã hội thời ông sống. Trong Điêu tàn Chế Lan Viên đã tạo nên một thế giới của cõi âm và bóng tối với những thịt rữa, xương tan, sọ dừa, đầu lâu, máu chảy, hồn, sọ người, xương khô, tủy, … Ông phân thân vào những hình ảnh đó. Phải chăng đó là lý do trong thơ Chế Lan Viên xuất hiện cái tôi siêu hình, nghi ngờ chính sự tồn tại hiện hữu của mình :
“Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta
Ý của ai tràn lên trong đáy óc ta”
( Ta)
Trong ta liệu rằng có chỉ một mình ta không hay có thêm một ai khác? Tâm hồn và ý chí này có phải của ta, cái tôi trữ tình cứ mãi băn khoăn đi tìm bản thể của chính mình, và cuối cùng thì hoài nghi sự tồn tại của chính mình:
“ Ai bảo giùm ta có, có ta không”
Những câu hỏi với khát vọng tha thiết tới cháy bỏng đào sâu tới tận cùng bản ngã. Trong câu hỏi ấy ta thấy ẩn hiện một sự bi quan tới tuyệt vọng, con người càng khát khao khám phá bản thân mình lại càng không thể hiểu hết được, càng thấy được cái vô nghĩa sự tồn tại của chính mình.
2.4.Cái tôi thoát ly, chối bỏ thực tại
Nếu như “thoát ly” của Thơ mới là một trạng thái tâm lý- xã hội, thì thoát ly ở Điêu tàn mang một chiều kích khác, một bản chất khác. Thơ mới có xu hướng thoát ly thì thường cũng tìm chốn Bồng lai, nơi tượng trưng cho cái đẹp cao khiết của lý tưởng, hay tìm đến rượu, thuốc phiện để quên đi thực tại, còn Điêu tàn thì thống thiết: Hãy trả tôi về Chiêm quốc; Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh.., mong tìm về một quá khứ tàn lụi, quá khứ của sự vàng son.
Trốn vào trụy lạc với những cơn say của rượu, của khói thuốc phiện như trong thơ của Vũ Hoàng Chương:
“ Say đi em! Say đi em!
Say cho lả lơi ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa và quên, quên hết”
( Say đi em)
Huy Cận đã lựa chọn vũ trụ làm nơi để trốn tránh bao nỗi buồn lo ở đời:
“Hồn xa hỡi ta từ trái đất
Dây buồn thương buộc uất tim đau
Đêm dài nhìn vợi trăng thâu
Vui chung vũ trụ, nguôi sầu nhân gian”
Xu hướng thoát lý, tìm đến cõi tiên được các nhà thơ sử dụng rất nhiều, đây có thể coi là nơi các nhà thơ chọn để trốn tránh thực tại nhiều nhất. Bởi lẽ khi nói đến cõi tiên thì người ta thường nghĩ đến sự đẹp đẽ, thanh cao, yên bình… Ta bắt gặp xu hướng thoát ly này trong thơ Tản Đà:
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi”
(Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi)
Trong tập Điêu tàn ta cũng bắt gặp một cái tôi thoát ly mãnh liệt. Ông thoát li như vậy có nghĩa là muốn thoát ra khỏi thời gian và không gian bình thường mà con người đang tồn tại, bởi lẽ ông không thể chấp nhận cuộc sống chán nản của thực tại:
“Trời hỡi! hôm nay ta chán hết.
Những sắc màu, hình ảnh của Trần Gian”
(Tạo lập)
Khác với những nhà thơ mới, Chế Lan Viên chối bỏ thực tại để đi tìm cái đã mất:
“Tạo hóa hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!
Hãy đem tôi xa lánh cõi Trần Gian!
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt!
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn.”
(Những sợi tơ lòng)
Đây là lời cầu xin hết sức thống thiết. Ông cầu xin tạo hóa trả ông về lại thời Chiêm quốc, bởi lẽ Chiêm quốc đã từng quá tươi đẹp, quá huy hoàng, hào hùng nó khác hoàn thoàn với cảnh đời thực tại quá tiêu điều, hoang phế, tàn tạ mà ông đang sống. Chế Lan Viên thoát li không vì quá khứ vàng son mà chỉ vì hiện thực quá điêu tàn.
Kinh dị hơn khi ông tìm đến những nấm mộ hoang tàn, muốn chôn chặt thân vào chốn ấy:
“Hãy cho tôi một nấm mộ hoang tàn
Đào đất lên cậy cả nắp hòm săng
Hãy chôn chặt thân ta vào chốn ấy”
(Máu xương)
Không chỉ trốn về quá khứ, mà trong hành trình tìm chỗ trú ngụ cho tâm hồn, Chế Lan Viên còn tìm đến cõi tiên, cõi mộng:
“Ta để xiêm lên mây rồi nhẹ bước
Xuống dòng Ngân lòa chói ánh hào quang
Sao tán loạn đua bơi trên mặt nước
Tiếng lao xao dội thấu đến cung Hằng”
(Ngủ trong sao)
Trong Điêu tàn ta bắt gặp một cái tôi chối bỏ thực tại một cách gay gắt. Một cái tôi chán nản thực tại hoàn toàn, bi quan đến tột cùng, cuống cuồng đi lẩn tránh, tìm đến “một tinh cầu lạnh giá”, “ một vì sao trơ trọi cuối trời xa” để lẫn trốn những đau khổ với buồn lo.
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi dưới trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền đau khổ với buồn lo.”
( Những sợi tơ lòng)
Trong tâm lý mỗi người thì mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa của sự tươi vui và sự hồi sinh. Nhiều nhà văn nhà thơ cũng nằm trong những quy luật cảm xúc tự nhiên ấy, nhưng đối với Chế Lan Viên lại rất sợ mùa xuân, mùa xuân chỉ làm cho nhà thơ chất chứa thêm những nỗi buồn, sầu bi.
“ Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân tới gợi thêm sầu?
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”
(Xuân)
Ông phủ định, cho rằng những thứ tồn tại trên thế gian này đều vô nghĩa, đều khổ đau, không có cái gì là hạnh phúc. Chắc có lẽ vì thế mà ông lại tìm đến những điều huyền bí, kinh dị, vốn đã là dĩ vãng của tháp Chàm, chứng tích của một nền văn minh cổ kính, của đất nước Chiêm Thành xưa.
Đó còn là sự chối bỏ tuyệt đối những sắc màu, hình ảnh của Trần gian, để từ đó nhà thơ tạo lập một cõi âm riêng cho mình bằng tưởng tượng:
Nhắm mắt lại cho cả bầu bóng tối
Mênh mang lên bát ngát tựa đêm sâu
Cho hồn phách say sưa trong giả dối
Về cõi âm chờ đợi đã bao lâu
Tiểu kết: Trong Điêu tàn ta thường bắt gặp những cái tôi đau khổ, cô đơn, u sầu, cái tôi thoát li, chối bỏ thực tại, nhưng đó là những cái tôi xuất phát từ tình cảm thiêng liêng cao cả, lòng yêu nước thương nòi của Chế Lan Viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Vũ Tuấn Anh (2003), Chế Lan Viên - về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh.
- Vũ Tuấn Anh (2009), Chế Lan Viên – Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục.
- Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (2000), Văn học Việt Nam (1900-1945), Nxb Giáo dục.
- Nguyễn Lâm Điền (2001), Đặc trưng nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
- Hà Minh Đức (2001), “Chế Lan Viên – Nghĩ về cuộc sống, nghĩ về thơ”, Tạp chí Nhà văn, (8), tr.96-102
- Hà Minh Đức (2010), “Di cảo thơ những vần thơ thiêng nặng nghĩa tình”, Tạp chí Thơ, (7), tr.32-41.
- Nguyễn Hoàng Minh Hà (2000), Giọng điệu thơ Chế Lan Viên, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
- Hồ Thế Hà (1999), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.
- Hồ Thế Hà (2015), Thơ và thơ Việt Nam hiện đại, Trường Đại học khoa học Huế.