Banner cho bài viết:BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA TRONG THƠ ĐINH THỊ NHƯ THÚY
ĐẠI HỌC

BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA TRONG THƠ ĐINH THỊ NHƯ THÚY

BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA TRONG THƠ ĐINH THỊ NHƯ THÚY

1. Lý thuyết biểu tượng văn hóa

Mở đầu cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tác giả viết “Thời đại không có biểu tượng là thời đại chết, xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết. Một nền văn minh không có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc về lịch sử” [4,33]

Theo Từ điển Tiếng Việt, biểu tượng là “hình ảnh tượng trưng”, là “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [ 3. 26]. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới lại cho rằng “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó” [ 4. 25].

Trong sáng tạo văn học, biểu tượng được xem như một phương thức tư duy nghệ thuật của nhà văn, việc nghiên cứu, giải mã biểu tượng chính là chìa khoá để đi sâu vào hành trình thám mã thế giới nghệ thuật. Hơn nữa, việc tìm hiểu về biểu tượng còn giúp ta giải thích thấu triệt những hiện tượng văn học phức tạp từ ngọn nguồn văn hoá, đồng thời thấy được tài năng của nhà văn.

Biểu tượng văn hóa là những thực thể vật chất hoặc tinh thần có khả năng biểu hiện những đặc trưng cho một nền văn hóa nhất định. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những biểu tượng văn hóa riêng.  Để khi nói đến quốc gia, dân tộc, vùng miền nào đó thì người ta nói đến biểu tượng đó đầu tiên. Khi nhắc đến Việt Nam thì người ta nghĩ đến áo dài, cây tre, nón lá… nhắc đến Hàn Quốc thì nghĩ ngay đến Bộ trang phục Hanbok, Kim chi. Còn Kimono, Sakura – hoa anh đào là biểu tượng văn hóa cho đất nước Nhật Bản.

2. Biểu tượng văn hóa trong thơ Đinh Thị Như Thúy

2.1. Biểu tượng cây cà phê

Tây Nguyên – một vùng đất đỏ bazan với hai mùa mưa nắng và bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê đã được đi vào văn học, âm nhạc, hội họa...như một huyền thoại. Đến với Tây Nguyên là đến với xứ sở của cà phê, một đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Với họ cây cà phê chính là linh hồn, là nguồn sống của họ và cả thiên nhiên nơi đây. Cà phê luôn được sự quan tâm chú ý của các nhà văn, nhà thơ từ trước đến nay, nhà thơ Xuân Diệu cũng từng ca ngợi vẻ đẹp của những bông hoa cà phê:

“Hoa cà phê thơm lắm, em ơi 
Hoa cùng một điệu với hoa lài 
Trắng ngà, trong ngọc, xinh mà sáng 
Như miệng em cười đâu đây thôi”

(Hoa cà phê)

Trong thơ của Đinh Thị Như Thúy, cây cà phê nó được xuất hiện rất nhiều:

Cà phê đang chín. Trái bầm đỏ như  máu ứa trên những cành xanh xanh

Đất trong vườn đã khô đi và tơi ra thành bụi dưới những gót chân sần nẻ.

                                              (Chuyện tháng tư)

Tây Nguyên trở nên đẹp rực rỡ với những bông hoa cà phê bung nở trắng xóa, làm trắng cả đất trời, khắp nơi tỏa ngát mùi hương ngây ngất:

“dâng lên đi mùa hoa trắng
dâng lên dâng lên bung từng chùm
trắng như áo lụa
trắng như mây trắng
trắng như nụ cười
không nói toả hương mà nói là mê hoặc
không nói đẹp mà nói là kỳ diệu
không nói ngắm nhìn mà nói là ngất ngây
                             (Viết trong mùa tưới rẫy)

Nhà thơ sử dụng thủ pháp so sánh những bông hoa cà phê như áo lụa, mây trắng, nụ cười, càng làm nổi bật thêm sự tinh kiết của những bông hoa. Bên cạnh đó là thủ pháp tăng tiến, với mô hình không A mà B, càng làm nổi bật lên vẻ đẹp của hoa cà phê cũng như là hương thơm ngây ngất của chúng.

Cây cà phê trở thành biểu tượng cho  Tây Nguyên,  biểu tượng cho sức sống kiên trì, bền bỉ, dẻo dai của con người nơi đây.

2.2. Biểu tượng hoa dã quỳ

Tại Việt Nam, dã quỳ đã được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng. Nó được trồng khi đó để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Thân dã quỳ chứa nhiều chất PCaMg nên làm phân hữu cơ khá tốt. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây nguyên. Tên dã quỳ xuất hiện trên văn chương từ thập niên 1970, trước đó người ta gọi nó là sơn quỳ. Dã quỳ cũng đã được sử dụng làm biểu tượng chính cho lễ hội hoa Đà Lạt tháng 12 năm 2005.Ở Việt Nam, dã quỳ thường ra hoa vào mùa đông, vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên. Loài cây này có thể coi như là một loài cây báo hiệu cho sự xuất hiện của mùa khô, khi hoa dã quỳ nở có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần. [Wikipedia]

Hoa dã quỳ nó còn gắn với một sự tích. Loài hoa này gắn liền với tình yêu son sắt của nàng H’limh và chàng K’lang. Chuyện kể rằng, ở một buôn làng nọ, có chàng K’lang của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh của con suối. Khoảng thười gian sống hạnh phúc của hai người cứ thế trôi đi. Cho đến một ngày, trong một lần đi săn, chàng K’lang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng bắt giữ.

Biết tin, nàng H’limh đã tìm đến và lấy thân mình che chắn, bảo vệ chàng K’lang. Không để những mũi tên, ngọn giáo của bọn ác quỷ làm hại chàng. Khi La rihn, con trai tộc trưởng Lasiêng bắn mũi tên độc cuối cùng, H’limh đã bị trúng mũi tên độc đó. Nàng dần lịm đi trong sự đau khổ tột cùng của chàng K’lang

Sau khi nàng H’limh chết, tại nơi nàng chết mọc lên những bông hoa với màu vàng rực rỡ. người ta gọi đó là hoa Dã quỳ. Vì thế người ta thường gọi hoa dã quỳ là biểu tượng cho tình yêu thủy chung.

Hoa dã quỳ được xem là biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên, loài hoa này xuất hiện trong văn học một cách tự nhiên. Nhà thơ Văn Công Hùng có những vần thơ đắt giá về loài hoa dã quỳ:

“Gió dã quỳ hoang dại tuổi thơ tôi

thổi thăm thẳm xa xưa miền cổ tích

miên man cao nguyên xanh màu u tịch

sắc vàng nào lưu luyến cỏ bazan…”

                                                                        (Gió dã quỳ) 

Hay trong bài Hoa dã quỳ của Oanh Kim, những bông dã quỳ hiện lên rực rỡ sắc vàng:

Đông lại về với cao nguyên lộng gió

Với mây chiều sắc đỏ buổi hoàng hôn

Ngắm màu hoa vàng rực đến mê hồn

Dã quỳ đó ngập tràn trên lối nhỏ”

Trong bài thơ Mời anh đến Tây Nguyên của Lê Lan , hoa dã quỳ được xem là sự mời gọi du khách đến với Tây Nguyên vì vẻ đẹp của chúng:

Mời anh đến Tây Nguyên mùa quỳ nở

Ngắm sắc trời trăn trở chớm vào Đông

Trong thơ Đinh Thị Như Thúy hoa dã quỳ cũng xuất hiện khá nhiều, nó hiện lên một cách vô tư, hồn nhiên, tồn tại như một dâng hiến không cần lý do “Không chờ đợi không khát khao không hoài vọng, dã quỳ (dường như) hồn nhiên bung nở hồn nhiên toả hương hồn nhiên vàng vào nắng vào sương vào bụi đỏ hồn nhiên làm mặt trời thắp nắng trong hoang lạnh hồn nhiên làm nên linh cảm bất an mùa xao xác” ( Viết cho dã quỳ). Sống hết mãnh liệt cả cuộc đời mình, để rồi trở thành những cành nhánh trơ trụi, rồi biến mất rồi lại tiếp tục hồi sinh.

Hoa dã quỳ còn biểu tượng cho sự kiên nhẫn, cho tình yêu thủy chung, cho sự chờ đợi:

“Chờ tìm về những chuyến xe qua   
Chờ ánh chớp từ những mắt nhìn không nhìn 
Những bàn tay không vẫy 
Chờ ngàn năm, ngàn năm 
Kiên nhẫn biết ngày hồi sinh, ngày khánh kiệt”
(Giấc mơ dã quỳ)

Hoa dã quỳ nó tượng trưng cho một sức sống mãnh liệt, dù sống trong thời tiết khắc nghiệt thì nó vẫn dành trọn sức mình để làm nên những bông hoa vàng rực rỡ. Nó mang một vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng, lạc quan của con người Tây Nguyên trước những sóng gió của thiên nhiên.

2.3. Biểu tượng nước

2.3.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng nước trong từ điển.

Lửa và nước là hai yếu tố cơ bản của sự sống con người. Lửa là dấu gạch nối giữa dã man và văn minh, nước là khởi nguồn của sự sống.

Trong Từ điển văn hóa thế giới , “Những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề này thường gặp trong những tiểu thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp hình tượng đa dạng nhất và đồng thời cũng chặt chẽ nhất” [4,709].

Nước “ là nguồn sống và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính thanh khiết, tính hiển minh, tính khoan dung và đức hạnh” [4,710]

“ Nước là phương tiện chuyển tải sự sống, trong một số phép phúng dụ, của phái Mật Tông, nước là hình tượng của hơi thở, của sự sống. Về mặt thể chất, cũng do nước là một thứ trời cho, nước được coi là một biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Người dân miền núi nam Việt Nam nói nước là của trời làm ra thóc lúa, họ rất coi trọng chức năng tái sinh của nước, đối với họ nước là một vị thuốc, và là đồ uống trường sinh bất tử” [4,710]

Nước có thể tàn phá và nhấn chìm, nuốt chửng, những cơn lốc hủy hoại cánh đồng nho đang ra hoa. Vậy là nước có thể có một sức mạnh gây tác hại [4,713]

Nước là một loại cỗ mẫu, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, vừa là sự thanh lọc, tẩy rửa, tái sinh, vừa mang tính hủy diệt.

2.3.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng nước trong thơ Đinh Thị Như Thúy

Trong ba tập thơ của Đinh Thị Như Thúy và trường ca Nơi ngày gió đông thổi, thì biểu tượng nước chiếm số lượng khá nhiều, nước trong thơ chị mang nhiều tầng nghĩa khác nhau, nó vừa mang ý nghĩa hồi sinh, vừa mang ý nghĩa hủy diệt.

Tầng nghĩa thứ nhất - Nước mang ý nghĩa hồi sinh, nó là nhân tố để kích thích cây cối sinh sôi nảy nở. Mùa mưa ở Tây nguyên thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài cho đến hết tháng 11 hàng năm. Sau những tháng khô hạn kéo dài, những cơn mưa đầu mùa  làm cho cỏ cây thay áo mới, côn trùng sinh rôi nảy nở, mùa người ta đi làm rẫy, lên nương... Du khách vẫn thường đánh giá Tây nguyên đẹp nhất là thời điểm sau những cơn mưa đầu mùa bởi màu của lá non và muôn màu hoa rừng khoe sắc.

Trong thơ Đinh Thị Như Thúy cũng vậy, sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối xanh tươi, cây cối sinh sôi: “mưa càng dấm dứt đất càng đỏ ứ cây lá càng xanh non tươi rờn rợn mưa mưa mưa mưa nước nuôi dưỡng sự sống bằng những ngập tràn thấm sâu dịu nhẹ (cũng có lắm khi hung tợn trào dâng) mưa mưa mưa mưa dã quỳ theo mưa mà lớn

                                                       ( Viết cho dã quỳ)

 Mưa đến, vạn vật có thể biến đổi, cái xanh tươi thay thế cho cái khô héo thường ngày: “A ha! Vườn sau mưa. Những ngổn ngang rậm rạp. Những hớn hở khác thường. Những rêu xanh. Những cỏ chỉ. Những rau càng cua. Những bụi tóc tiên, bướm đêm. Những cành nhánh xấu hổ. Những mịn màng. Những non tơ háo hức. Những thơ dại. Những giăng mắc dọc ngang. Dưới tán mimoza những nụ li ti bạc trắng rải rắc rụng đầy.Có cảm giác vườn đang cười. Vườn đang thách thức. Vườn đang dâng lên điệu sống nồng nàn. Và màu nắng mới đang làm tất cả toả hương. Không gì thích bằng hương cỏ cây trong ngày nắng mới sau mưa!” (Rơi như là giọt nước).  Với thủ pháp liệt kê, cây cối nơi đây hiện lên phong phú đa dạng, cây nào cũng xanh tốt, rậm rạp, hớn hở sau cơn mưa.

Tầng nghĩa thứ hai - Nước mang ý nghĩa  hủy diệt: Nói đến Tây Nguyên, một vùng đất chỉ có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô nóng hạn, thiếu nước trầm trọng, kéo dài đến cả  sáu tháng liền thì mùa mưa lại dồi dào những cơn mưa dầm có khi vài ngày không tạnh, lượng nước rất lớn tập trung 85-90% lượng mưa của cả năm. Khi những trận mưa lớn đến, nó khiến cho Tây Nguyên ngập trong bùn nước, cây cối ngập úng, con người thì sống trong đói, rét, thiếu thốn đủ đường.  Điều này đã được Đinh Thị Như Thúy  khắc họa trong thơ “Thị trấn đang ướt át lầy lội dưới những cơn mưa bão chồng lên bão lũ chồng lên lũ dưới kia đồng bằng miền trung đang gồng mình trong nước lụt đói và lạnh và mệt mỏi (thật sự) và thiếu thốn đủ thứ và rũ rượi nghĩ về ngày mai trắng tay kiệt sức (liệu có làm lại được từ đầu) lại mì tôm dầu hoả nước uống (có phải con người chỉ cần có thế) không dám nhìn vào những khuôn mặt tuyệt vọng thất thần trên màn hình trong bản tin thời sự vì sợ ứa nước mắt.”

                                   (Krông pắc, tháng mười một ngày mười ba...)

Mưa kiến cho những con đường Tây Nguyên trở thành sông:

“ Mưa kéo dài từ núi nọ

mưa kéo dài từ ngày nọ

mưa nhẫn nại

chờ những con đường xuyên qua rẫy thành sông”

( Trích phía bên kia cầu)

Tầng nghĩa hủy diệt ở đây, nó không là hủy diệt toàn bộ sự sống như những trận đại hồng thủy được ghi trong kinh thánh, trong huyền thoại mà mưa ở đây chỉ mang ý nghĩa hủy diệt một phần nhỏ trong cuộc sống con người, nó tuân theo quy luật của tự nhiên, của khi hậu. Con người đối diện với nó như môt phần của cuộc sống.

Nước trong thơ Đinh Thị Như Thúy vừa mang ý nghĩa tái sinh, vừa mang ý nghĩa hủy diệt. Cả hai đều bổ sung cho nhau để làm nên đặc trưng cho khí hậu ở Tây Nguyên.

2.4. Biểu tượng gió

2.4.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng gió trong từ điển

Trong Từ điển văn hóa thế giới, “ Nghĩa biểu tượng của gió rất nhiều mặt, do đặc tính của nó là náo động, gió là một biểu tượng của tính hư phủ, bất ổn định, hay thay đổi. Gió là một sức mạnh sơ đẳng, thuộc về các Titan, như vậy vừa nói lên tính dữ dội vừa tính mù quáng của gió” [4, 362]

2.4.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng  gió trong thơ Đinh Thị Như Thúy

Biểu tượng gió xuất hiện trong thơ Đinh Thị Như Thúy mang một sức mạnh siêu nhiên, nó phá hủy mọi thứ, mang lại tâm lý sợ hãi cho con người nơi đây. Gió có lúc nhẹ nhàng, cũng có lúc mạnh bạo, làm lên những cơn bão:

“Có khi gió đến từ những ngón tay
Có khi quá đà làm bùng lên bão táp”

                                                                                  (Nhớ gió)

Trong trường ca Nơi này gió đông thổi, biểu tượng gió được lặp đi lặp lại nhiều lần. Gió gầm gào ríu rít ghê rợn, như một kẻ thù của con người.Gió uốn cong bẻ gãy vứt ném tất cả những thực thể cản đường để chứng minh sự hiện hữu của nó. Các mái nhà rung lên kêu răng rắc dưới sức nặng của gió. Cây cối oằn người chống đỡ. Gió gầm gào rú rít kêu thét ghê rợn. Gió tước đoạt từng chút một hơi ấm trên mỗi thân thể con người. Những thân người trần trụi lạnh lẽo tím tái khô héo bấn loạn vì gió. Gió lướt qua để lại bao nhiêu tan hoang kinh hãi sau lối đi của mình.

Hình ảnh gió được so sánh như những con ngựa hoang, cả hai đều tự do, không chịu một chút ràng buộc nào, tự do bay nhảy suốt đêm ngày để tàn phá thiên nhiên và của cải của con người “Trong mê đắm nàng lắng nghe những ngọn gió. Những ngọn gió đang rượt đuổi nhau. Mê mải. Không khởi đầu không kết thúc. Những ngọn gió như ngựa hoang. Ngùn ngụt suốt ngày suốt đêm. Cứ phía trước mà phi mà lồng lộn sải vó.”

                                                      (Trường ca Nơi ngày đông gió thổi)

Tiếng sấm nó luôn mang lại cho con người cảm giác sợ hãi, Đinh Thị Như Thúy đã so sánh tiếng  của gió như tiếng sấm xa, để thấy được sức mạnh của  những cơn gió, nó luôn mang lại cho con người tâm lý hoang man, lo sợ. “Đó là ngày gió nhiều nhất trong mùa gió năm nay. Từ nửa đêm gió đã nao nức réo gọi, tiếng gió nghe rền vang như tiếng sấm xa. Lúc mờ sáng những cây lá khắp chốn đã rung lên theo đường đi của gió. Và suốt buổi ban mai trên các vòm cây những cơn gió lướt qua miên man không ngưng nghỉ.”

                                          (Trường ca Nơi ngày đông gió thổi)

Gió trong tự nhiên nó không đơn thuần mang sức mạnh hủy diệt, tàn phá. Với những cơn gió nhẹ, gió mang lại không khí mát mẻ, thông thoáng nhà cửa, gió cũng là để phát tán hạt giống, giúp cây thụ phấn. Nhưng trong thơ Đinh Thị Như Thúy, biểu tượng gió chỉ được khai thác dưới khía cạnh hủy diệt. Phải chăng chị muốn nhấn mạnh đến sự khốc liệt của thiên nhiên nơi đây, qua đó thấy được sự bền bỉ, kiên cường của con người Tây Nguyên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Thế Hà (2015), Thơ và thơ Việt Nam hiện đại, Trường Đại học khoa học Huế.
  2. Trần Ngọc Thêm,(1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHKH Tự nhiện Tp Hồ Chí Minh.
  3. Hoàng Phê (chủ biên, 1998), Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Jean chevaier – Alanin Gheerbrant (2014), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng