Banner cho bài viết:BÀI VIẾT PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRUYỆN NGẮN GIANG CỦA BẢO NINH
Ôn tập Ngữ Văn 10

BÀI VIẾT PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRUYỆN NGẮN GIANG CỦA BẢO NINH

          BÀI VIẾT PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRUYỆN NGẮN GIANG CỦA BẢO NINH 

  Sáng tác văn học được ví như công việc của kẻ chèo thuyền trên dòng cảm xúc, mỗi khi đi qua trái tim một người đọc sẽ để lại cho họ bao nhiêu lang đãng cảm xúc. Nói đến truyện ngắn “Giang” của Bảo Ninh, tác phẩm được ông viết nên để kể về chính kí ức của mình khi tham gia quân đội và cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng lại chất chứa biết bao hoài niệm với người con gái tên Giang – cũng chính là nhan đề của tác phẩm.

      Bảo Ninh là nhà văn quân đội từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam trước năm 1965. Thế nên cảm hứng sáng tác của ông là về những cảm xúc, câu chuyện trong chiến tranh. Với những tác phẩm tiêu biểu như Nỗi Buồn Chiến Tranh, Trại Bảy Chú Lùn,... 

     Trong đó truyện ngắn " Giang " là một chương trong tập truyện Bảo Ninh - những truyện ngắn. Cũng như các thể loại tự sự khác, những nét độc đáo trong " Giang " có thể khai thác là : tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả nhân vật, ngôi kể, điểm nhìn,... Tất cả đều nhằm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: vẻ đẹp tình người ấm áp qua một cuộc gặp gỡ trong chiến tranh. Cùng lấy bối cảnh chiến tranh là chất liệu nhưng Giang có nhiều điểm khác biệt so với: Những Ngôi Sao Xa Xôi (Lê Minh Khuê), Bài thơ về Tiểu Đội Xe Không Kính (Phạm Tiến Duật),.. Điểm khác biệt tạo nên sự thành công của " Giang " là do Bảo Ninh viết về thời kì chiến tranh với góc nhìn của một người trong cuộc - nhân vật "tôi" - có thể bộc lộ một cách chân thật nhất về tình cảm trai - gái, quân - dân cũng như nổi đâu mất mát mà con người phải chịu đựng trong chiến tranh. Còn chủ đề vẻ đẹp tình người ấm áp qua một cuộc gặp gỡ trong chiến tranh nhằm ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam ta. Được thể hiện qua hành động, thái độ nhiệt tình của Giang và bố Giang. Dù chỉ là những con người xa lạ nhưng người dân Việt Nam ta đều mang trong mình tấm lòng tốt, biết đùm bọc, giúp đỡ đồng bào.

      Bên cạnh chủ đề, nghệ thuật là thứ không thể thiếu khi trong việc giúp “ Giang “ trở thành một truyện ngắn hay của Bảo Ninh. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất và đặt điểm nhìn vào chàng lính trẻ giúp chúng ta hiểu được diễn biến câu chuyện với góc nhìn của chàng trai là người đã trực tiếp trải qua câu chuyện ấy. Cùng cốt truyện độc đáo, Bảo Ninh đã mang đến cho chúng ta những suy nghĩ một thời khổ cực của đất nước từ đó khiến thế hệ trẻ tương lai luôn tự hào và biết ơn những người đã hi sinh đã cho đất nước. Ngoài ra, việc lựa chọn các nhân vật phù hợp cho câu chuyện cũng góp phần làm câu chuyện trở nên đặc sắc. Mở đầu tác phẩm là bức tranh về tình quân – dân gắn kết, bền chặt, được thể hiện qua cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật “Tôi” và cô gái Nhật Giang. Giang được khắc họa với hình ảnh là một cô gái cởi mở, tốt bụng, chu đáo “múc nước, kì cọ đôi chân lấm bùn đất, đôi dép đúc cho tôi”. Đã thế, cô còn mời anh lính về nhà nghỉ ngơi. Hình ảnh bố Giang được xây dựng là một người đàn ông nghiêm túc, tác phỏng quân đội “người đàn ông cao lớn”, “vận đại cán vải dạ xanh sẫm, giầy da Cô-xư-ghin, quân hàm ve áo hai sao hai vạch.” Ban đầu ông có khiến cho anh lính hoảng sợ, e ngại nhưng sau khi được Giang giới thiệu, ông trở nên thân thiện hơn. Sự hiếu khách, đảm đang, trẻ con, thích nũng nịu với bố vì biết bố sẽ chiều mình được thể hiện qua các chi tiết: “xuống bếp hâm lại cơm canh mời anh ăn”, “bịa ra tên Hùng khi bố hỏi chuyện”, “nũng nịu, muốn bố xin cho bạn ở chơi lâu hơn”. Bố Giang cũng là một con người rất hiếu khách khi cho con mượn xe đạp để đưa anh lính về đơn vị đúng giờ. Khi gặp lại bố Giang ở chiến trường Tây Nguyên, “tôi toan lỉnh”, “tôi thì không nói được gì cả”, “tôi chỉ ấp úng”. Nhưng bố Giang lại chân tình, vừa có sự ấm áp của người chỉ huy, sự chân thành dành cho “tôi”. Ông còn tâm sự “Giang nó cứ nhắc cậu mãi” và còn hẹn ngày khác gặp lại để đưa bức ảnh Giang gửi cho “tôi”.

      Với sự tươi trẻ, nhiệt huyết của chàng trai mười bảy tuổi, sự nghiêm nghị, kỉ luật của một vị trung tá và sự hồn nhiên, chu đáo của cô gái đã làm cho câu chuyện thêm phần sinh động. Qua cảm hứng chủ đạo là sự gắn bó, thắm thiết trong tình cảm của con người và sự đau buồn, luyến tiếc và những mất mát đã đem lại những cảm xúc chân thật và thống nhất nội dung của tác phẩm.

     Bên cạnh tình cảm, tác phẩm còn đề cập đến những mất mát mà chiến tranh mang đến cho con người. Chiến tranh khiến bao gia đình phải ly tán, với Giang là việc mẹ cô mới mất, cùng với người anh trai phải đi lính, đến người bố hết mực chiều chuộng cô cũng ra đi do bom đạn trên chiến trường. Và cũng vì chiến tranh mà chàng lính trẻ không thể gặp lại người con gái năm xưa. Hai đoạn cuối trong văn bản có vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật tư tưởng: trân trọng tình người, kí ức rung động vẩn vơ nhưng đầy lưu luyến trong hoàn cảnh chiến tranh của tác phẩm. Như một sự khẳng định về sự mất mát của chiến tranh và những kí ức dù thoáng qua nhưng không bao giờ quên. Sự mất mát đã trở thành một nỗi buồn vô tận với mọi người và đặc biệt là nhân vật “ tôi “ khi phải luôn nhớ về buổi gặp gỡ thoáng qua năm nào. Sự mất mát cũng là hoàn cảnh chung của bao người trong thời chiến, đó là một thực tế đau buồn mà con người phải chịu đựng.

    Bằng tài năng của mình, Bảo Ninh đã đem đến một tác phẩm hòa hợp giữa nội dung và nghệ thuật. Tác phẩm đã tái hiện chân thật của cuộc sống thời chiến tranh với tình cảm sâu nặng của con người với nhau. Những nỗi đau mất mát được tác giả thể hiện sâu sắc và lưu lại trong lòng người đọc. Khiến mỗi người chúng ta luôn nhớ về công lao to lớn của các chiến sĩ đã hi sinh cho đất nước, từ đó làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. 

     Chiến tranh đi qua để lại biết bao tổn thương, mất mát cho con người. Nhìn vào đó, ta lại càng phải thêm trân trọng nền hòa bình, độc lập bây giờ. Qua văn bản “Giang”, em đã thấy được tình yêu quê hương, đất nước, những đau khổ và hạnh phúc của những con người sống trong thời kỳ chiến tranh. Cuộc gặp gỡ giữa anh bộ đội và Giang đã làm nổi bật lên sự gặp gỡ và chia ly đầy đau khổ ấy. Điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi” đã khiến tác phẩm trở nên gần gũi hơn với mỗi người, chạm đến tâm hồn của độc giả. Từ đó, em càng cảm thấy tự hào và biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc cho Tổ quốc Việt Nam ta.