Banner cho bài viết:BÀI VIẾT MẪU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRUYỆN NGẮN SÓI TRẢ THÙ CỦA NGUYỄN HUY THIỆP
Ôn tập Ngữ Văn 11

BÀI VIẾT MẪU PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRUYỆN NGẮN SÓI TRẢ THÙ CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRUYỆN NGẮN SÓI TRẢ THÙ CỦA
NGUYỄN HUY THIỆP

      Văn chương phản ánh hiện thực mà nhà văn là thư kí trung thành của thời đại. Hiện thực cuộc sống là cảm hứng sáng tác cho văn học, là cầu nối tâm hồn của người nghệ sĩ. Khi đất nước bị xâm lược, hình ảnh người lính được tô vẽ một cách hùng tráng. Khi đất nước hòa bình, cuộc sống bình yên và cả những suy tư về thói đời được đưa vào trang viết. Vậy khi môi trường đang bị đe dọa, liệu văn học có thể “ngây thơ”, vô can? Hiểu được mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gửi gắm toàn bộ tâm tư qua truyện ngắn “Sói Trả thù” như một sự cảnh tỉnh con người về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. 

     “Sói trả thù” là một truyện ngắn tiêu biểu trong tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát”. Truyện kể về gia đình của ông Nhân, một gia đình nổi danh khắp bản mường nhờ tài săn bắn. Vì muốn đứa con duy nhất của mình, San, trở thành một tay thợ săn lão luyện mà ông đã dẫn cậu bé vào rừng khi chưa tròn mười ba tuổi.  Năm mười hai tuổi, San được cha cho tham dự cuộc săn bắt đàn sói trong rừng sâu. Khi giết được con sói đầu đàn, ông Nhân mang về nhà một con sói con để nuôi, chính sự kiện này đã  bắt nguồn cho thảm kịch. Khi San lên mười ba, ông Nhân làm lễ cúng ma cho con. Trong khi mọi người đang chuẩn bị, San ngã vào ngay chỗ xích con sói và  bị tấn công đến chết. Thấy vậy ông Nhân liên hồi cầm rìu chém đứt dây xích sắt để sói phóng chạy về phía rừng. 

     Với đề tài sinh thái, nhà văn đã mang đến cho người đọc một chủ đề độc đáo: mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Đây là một chủ đề khá phổ biến trong truyện ngắn NHT như  “Muối của rừng, Nạn dịch,Con thú lớn nhất, Trái tim hổ”.. Khai thác chủ đề này, nhà văn đã gợi mở một góc nhìn đa chiều về cách ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên. Đã từ lâu con người luôn kiêu hãnh xem mình là trung tâm của thế giới, là tinh hoa của muôn loài và việc chinh phục tự nhiên được coi là mục đích vĩ đại nhằm khẳng định sức mạnh và địa vị của mình trong vũ trụ. Chi tiết hình tượng nhân vật Đăm Săn chinh phục nữ thần Mặt Trời cũng phản ánh rõ quá trình chinh phục thế giới tự nhiên, nhưng cuối cùng Đăm Săn phải bỏ mạng trên hành trình chinh phục ấy. Trong truyện ngắn “Sói trả thù” cũng vậy, thiên nhiên luôn hiện hữu là một thứ đầy bí ẩn.Tuy nhiên, sự hào phóng của thiên nhiên không còn đủ đáp ứng nhu cầu, tham vọng ngày một nhiều của con người, và khi thiên nhiên “lên tiếng” cũng chính là lúc con người phải chịu những hậu quả khủng khiếp do chính mình gây ra…

     Tạo nên sự thành công cho tác phẩm không chỉ dừng lại ở chủ đề mà còn là cách tổ chức, sắp xếp các hình thức nghệ thuật. Trước hết về tình huống truyện, con sói con mà ông Nhân đem về đã cắn chết thằng San, một người bình thường sẽ không thể nào tha thứ cho hành động đáng hận như vậy,  Ấy vậy mà ông Nhân lại phóng thích sói con trở về rừng sâu, nơi mà nó thuộc về. Tình huống truyện này đã góp thể hiện rõ sự ăn năn, hối lỗi của ông Nhân. Có lẽ chính cái chết của con trai đã khiến ông Nhân nhận ra được đây chính là báo ứng cho những hành vi sai trái, huỷ hoại thiên nhiên của bản thân trong quá khứ. Lúc ông vung rìu cắt đứt sợi xích cũng chính là lúc mà ông cắt đứt mọi trói buộc mà ông đã áp đặt lên chú sói con, đặt dấu chấm hết cho những tội ác của chính mình.

      Song hành với tình huống truyện là cách xây dựng kết cấu theo trình tự thời gian. So với các tác giả cùng thời như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư nhà văn không tập trung khai thác nội tâm mà dành nhiều bút lực để làm rõ các hành động của nhân vật. Cách xây dựng theo kết cấu trình tự thời gian thực sự không mang lại nhiều sự cách tân mới mẻ cho tác phẩm. Nhưng với tài năng “ông vua truyện ngắn”, Nguyễn Huy Thiệp  đã tạo dựng một kết thúc truyện đầy bất ngờ. Đó là một kết thúc không có hậu đối với gia đình ông Nhân, song lại là một tia sáng mới cho con chó sói - biểu tượng cho thiên nhiên. Đây được xem là một khoảng trống độc giả trở thành người đồng sáng tạo cùng nhà văn. 

     Nhân vật văn học là phương tiện để nhà văn phản ánh cuộc sống, là nơi gửi gắm những tư tưởng, tình cảm. Trong truyện ngắn “Sói trả thù”, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng được kiểu nhân vật “tự ý thức” và “sám hối” để lồng ghép bài học triết lý về cách ứng xử với môi trường tự nhiên qua hình tượng ông Nhân. Ban đầu ông Nhân được biết đến là người có tài săn bắn, tiếng tăm vang dội khắp các bản mường, ông không biết sợ là gì và luôn là người “cầm trịch các cuộc đi săn”, trong ông luôn là khát khao chinh phục tự nhiên  và không bao giờ chịu buông tha cho các con thú khi đã vào tầm ngắm của mình. Khép lại tác phẩm, người đọc lại được thấy một ông Nhân biết “sám hối” hướng thiện sau khi tàn sát, tận diệt sinh vật bằng hành động đi săn. Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh con trai bị chó sói cắn xé cho đến chết hết sức bi thảm ông Nhân “cầm rìu tiến về con sói nước mắt ròng ròng”, “run bắn cả người” rồi sau đó ông vung rìu lên và cứ liên hồi chém vào sợi dây xích sắt, con sói tru lên rồi phóng chạy về phía rừng trước sự ngạc nhiên đến sững sờ của những người xung quanh chứng kiến. Riêng ông Nhân buông rìu quỳ xuống ôm xác đứa con...Có thể thấy, hành động thả con chó sói về với rừng của ông Nhân thể hiện ông ý thức được tội ác tày trời của mình khi đã “đuổi cùng giết tận” bầy sói trong quá khứ.

      Bên cạnh kiểu nhân vật “tự ý thức” và “sám hối”, nhà văn còn xây dựng kiểu nhân vật bi kịch qua hình tượng San - đứa con trai “đẹp như tiên đồng”của ông Nhân. Ngay từ khi còn nhỏ, San đã phải chịu sự kỳ vọng “phải trở thành một tay săn bắn lão luyện” mà cha của cậu bé áp đặt lên cậu. Bỏ ngoài tai những lời khuyên can của các cụ già trong bản mường, ông Nhân vẫn dẫn San tham gia cuộc truy bắt đàn sói trong chốn rừng sâu nguy hiểm mặc cho cậu con trai vẫn chưa đủ trưởng thành. Chính hành động này đã châm ngòi cho bi kịch ngoài mong muốn, gây nên cái chết thương tâm cho cậu bé San. San là một nhân vật đại diện cho thế hệ tương lai,vậy nên qua cái chết của San, người đọc có thể hiểu thấy rõ  thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt “Con người huỷ hoại thiên nhiên hôm nay thì thế hệ tương lai sẽ là người gánh chịu nhiều hậu quả nhất.”

     Không phải là truyện ngụ ngôn hay câu chuyện cổ tích, kiểu nhân vật “loài vật” trong truyện “Sói trả thù” cũng ẩn chứa nhiều dụng ý của nhà văn. Người đọc khi tiếp cận truyện ngắn này sẽ đặt một câu nghi vấn “Liệu một con vật hoang dã, có thể thuần hóa bởi con người?”. Thoạt nhìn đầy là một chú sói không bao giờ làm trái ý chủ nhưng khi cởi bỏ từng lớp chữ, ở con sói luôn tiềm ẩn dấu ấn trả thù “vết cắn ở đỉnh đầu như luôn nhắc nhở về cái chết bi thảm của sói mẹ”, “mắt nó dữ, điệu bộ nó lấm lét”. Để đến khi thằng San té từ cầu thang xuống, máu đỏ từ miệng như một sự thức tỉnh bản tính hoang dã, con sói nắm bắt cơ hội cắn chết San. Khi ông nhân cầm rìu tiến về phía nó thì “con chó sói rúm lại” như sợ hãi, né tránh và khi mà ông Nhân chém vào sợi dây xích sắt đứt tung “con sói tru lên một tiếng rồi phóng về phía rừng”…nó được giải thoát, được trả về với tự nhiên – nơi nó thuộc về. Kiểu nhân vật “loài vật” này góp phần tạo nên kiểu nhân vật “tự ý thức”, “sám hối”. 

     Như vậy, khai thác nhân vật trong tác phẩm “Sói trả thù” với nhiều kiểu loại khác nhau như kiểu nhân tự ý thức, nhân vật bi kịch, nhân vật loài vật…, thể hiện những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật của tác giả qua thế giới nhân vật của mình, thể hiện cái nhìn khách quan, nhiều chiều của tác giả trước mối quan hệ giữa con người với tự nhiên đồng thời thể hiện cái nhìn nghiêm khắc của tác giả trước những tội ác của con người đã gây ra với thế giới tự nhiên.

     Cuối cùng, góp phần tạo nên sự cách tân, đổi mới trong lối viết truyện hiện đại của Nguyễn Huy Thiệp chính là cách lựa chọn góc nhìn của người kể chuyện. Với lối kể người kể chuyện ngôi thứ ba, “đứng ngoài” chuyện, không can thiệp, mổ xẻ, phân tích nhân vật nhưng đóng vai trò như một “người biết hết”, dẫn dắt bạn đọc vào thế giới nhân vật, sự kiện. Chối bỏ lối hành văn trang trọng, có đôi phần thống thiết thường thấy trong văn học sử thi, ở đây không có tụng ca, cũng không có những lời phán xét, bình luận của người kể chuyện  mà chỉ thấy ào ạt sự kiện, ào ạt buồn đau, đổ vỡ... Do vậy, dù có một khoảng cách rất xa với nhân vật, bạn đọc vẫn bị cuốn vào những điều mình quan tâm một cách tự nhiên.

    Với mệnh danh là  “ông vua truyện ngắn”, Nguyễn Huy Thiệp làm tròn trách nhiệm của một nhà văn chân chính qua các hình thức tổ chức nghệ thuật. Và hơn hết là cách dẫn dắt người đọc vào sự xung đột giữa con người và thế giới tự nhiên để từ đó có thể rời bỏ ý nghĩ “ con người là đỉnh cao của muôn loài” mà chung sống hòa hợp với thiên nhiên.  

 

Tài liệu miễn phí - khi sao chép vui lòng dẫn nguồn: https://hocvancungricky.com/